Hát bội- hoặc Tuồng như nhau
Nguồn gốc và đặc điểm cơ bản của nghệ thuật hát bội Thứ tư, 02 Tháng 11 2011 14:51 Đỗ Dũng Xem kết quả: / 2 Bình thường Tuyệt ...
http://www.maivanlang.com/2015/08/hat-boi-hoac-tuong-nhu-nhau.html
Nguồn gốc và đặc điểm cơ bản của nghệ thuật hát bội
Nghệ thuật Sân khấu Hát bội gọi tắt là Hát bội (còn gọi là Tuồng), là một trong “Bộ ba” của loại hình Sân khấu truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Nếu nói đến Sân khấu truyền thống Bắc bộ là người ta nghĩ ngay đến nghệ thuật Sân khấu Chèo, Nam bộ là Sân khấu Cải lương và Trung bộ là Sân khấu Hát bội vậy. Nhưng trong “Bộ ba” này, Hát bội được xem là một loại hình nghệ thuật Sân khấu đầy tính bác học nhất; bởi nó sớm được định hình trong Cung đình và có những đặc điểm cơ bản ổn định.
SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC
Trong ba loại hình nghệ thuật Sân khấu truyền thống Việt Nam: Chèo, Hát bội (Tuồng), Cải lương thì nguồn gốc của Chèo và Hát bội khá mờ nhạt so với Cải lương. Bởi Cải lương là loại hình sinh sau đẻ muộn (vào đầu thế kỷ XX) nên có nhiều tài liệu cụ thể hơn, còn hai loại hình kia có nguồn gốc rất xa xưa; nên muốn khảo sát lược sử chúng phải dựa vào chính sử dân tộc hoặc tìm những cứ liệu có liên quan mà nhận định, và mức độ sử liệu chỉ tương đối. Vì lẽ, định kiến ngày xưa của chế độ phong kiến cho rằng các hoạt động ca cầm là “Xướng ca vô loại”, nên các sử gia, văn sĩ không quan tâm ghi chép lại; đó là lí do chính thiệt thòi cho lịch sử của Chèo và Hát bội.
Theo tài liệu của NSND Đinh Bằng Phi, nguồn gốc của Hát bội được xuất sứ hai thời kỳ: Thôn ổ và Cung đình.
Ở nông thôn khoảng hơn một ngàn năm trước, các hào phú trúng mùa, giết trâu bò tế Thần Nông vui mừng bày trò ca múa, chọn những người ca hay múa đẹp trong những tá điền; họ dựa theo những sự tích do người lớn kể lại, có tính cách đề cao luân lý. Trang phục, nội cụ sơ sài nhưng cũng phân biệt từng nhân vật: vua tôi, già trẻ, nam nữ, sang hèn…
Không bao lâu, bộ môn hát xướng từ thôn quê đến tai nhà vua, vua truyền đưa vào cung xem thử; thấy hay, vua mới ra lệnh cho các quan văn chỉnh đốn, soạn tuồng, bắt cung nhân tập hát rồi lập ra một ban hát tại triều nội. Đây là dấu vết của sự định hình thời kỳ phôi thai của Hát bội.
Tên gọi "Đào - Kép" xuất hiện cũng từ Hát bội mà ra. Tương truyền rằng, vào khoảng thời Lý (TK XI), có một cuộc múa hát trong Cung đình, một số nam nữ diễn tuồng nhưng chưa có danh hiệu. Là dịp vua tặng cho một mỹ nữ tên là Đào Hoa và quan Quản Kép (tổng quản), nên vua lấy chữ “Đào” của nàng Đào Hoa phong danh hiệu cho nữ diễn viên là “Đào hát” và Kép (Quản Kép) phong cho nam diễn viên, từ đó trong dân gian mới có từ “Đào – Kép” hát. Tên gọi “Tuồng” cũng ra đời vào thời kỳ này.
Đến TK XIX, thì mới có một số học giả khảo cứu về loại hình nghệ thụât Hát bội và nhiều tự điển học bắt đầu giải thích một cách chung chung: Đại Nam quốc âm tự vị của (1895) của Huỳnh Tịnh (Của Paulus) giải thích, Hát bội là trò bội, cuộc ca hát, đám hát, bội bè… Theo định nghĩa của học giả Trương Vĩnh Ký (1886), Hát bội là loại hát có nhiều vai tuồng, nhiều người hiệp nhau lại. Bội là nhiều, là bè bội, cũng như bọn lũ vậy. Còn GS Đoàn Nồng (1942), Hát bội là vừa hát, vừa đi và làm bộ tịch để biểu diễn cảm giác, cảm tình với câu hát…
Dựa vào chính sử, có một sự kiện gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, có liên quan đến nguồn gốc của Hát bội; đó là sự kiện vào triều Trần, Trần Nhân Tông (1279 – 1293), lần thứ hai chống quân Nguyên (1285) bắt được Lý Nguyên Cát, vốn là diễn viên hí kịch Trung Quốc, vua Trần Nhân Tông cho giữ lại và truyền dạy cho cung nhân nghề hát. Lý Nguyên Cát dạy cho các đệ tử của thế gia vở “ Tây Vương mẫu hiến bàn đào” và hơn 60 năm sau đó (khoảng 1350) vợ của Dương Khương sắm vai Tây Vương Mẫu đã làm xao động vương triều nhà Trần lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Sân khấu Hát bội buổi ban đầu ít nhiều có chịu ảnh hưởng hình thức Hí kịch Trung Quốc: tuồng tích, phục trang, múa hát, chủ đề quân quốc…; về sau dần dần tách khỏi nhiều ảnh hưởng đó. Các danh sĩ Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh đã sáng tạo, đẩy Hát bội lên cao và “thổi” hồn dân tộc vào đó để tạo thành bản sắc riêng của mình. Có nghĩa là, trước đó dân tộc ta đã có mầm mống của loại hình Sân khấu Dân gian đi vào phục vụ Cung đình, nhưng chưa định hình và định danh; từ sự kiện Lý Nguyên Cát là điều kiện kích thích cho Sân khấu Hát bội ra đời và định hình trong Cung đình.
Xét về mặt từ ngữ, Hát bội xuất phát từ một số gốc nghĩa: về từ “Tuồng” xuất hiện ở miền Bắc rất xa xưa, kế đó là từ “Hát bội”, nhưng sau đó theo triết lý Cung đình thấy từ “bội” không mang ý nghĩa tích cực, đồng âm với “bội” trong phản bội, bội bạc, bội tín… nên đổi “bội” thành “bộ” cho thích hợp với tính chất của loại hình sân khấu, là biểu diễn qua điệu bộ (thành Hát bộ), nhưng sau đó dân gian vẫn quen gọi là Hát bội cho đến hôm nay.
VÌ SAO MIỀN TRUNG LÀ CÁI NÔI CỦA HÁT BỘI?
Hát bội được xác định là sinh ra ở miền Bắc, ban đầu chịu nhiều ảnh hưởng của Hí kịch Trung Quốc; nhưng càng về sau loại hình này dần dần tách khỏi những ảnh hưởng đó, do các danh sĩ đã ý thức tinh thần dân tộc đã sáng tạo với tư duy của riêng mình, nhất là sự kiện của Đào Duy Từ - một khai quốc công thần cho Hát bội ngự trị rực rỡ trên dãy đất miền Trung và cả Nam bộ sau này.
Từ cuối nhà Trần, năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần được mấy năm thì đất nước bị quân Minh xâm lược đến 20 năm, Lê Lợi xuất hiện và giành lấy độc lập, rồi đến họ Mạc chuyên quyền hơn nửa thế kỷ. Đến triều Lê Trung Hưng thì vua quá nhu nhược bị quyền thần uy hiếp, Trịnh – Nguyễn và Tây Sơn đua nhau giữ chính quyền, thời kỳ này Hát bội bị đình trệ.
Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn thấy bóng dáng Hát bội qua nhân vật Đào Duy Từ. Ông vốn là con của một quan đội giáp (hát xướng) trong triều, vì là con hát không được phép thi cử nên ông bất mãn vua Lê, bỏ Thăng Long vào Nam và được chúa Nguyễn trong dụng (chúa Nguyễn Phúc Nguyên 1613 – 1635). Ông đã bày nhiều kế sách cho chúa: Trả lại sắc phong cho vua Lê, Không nộp cống cho họ Trịnh, đắp luỹ phòng ngự chống lại Trịnh, xây dựng tiềm lực kinh tế vững mạnh, tiến cử tướng tài Nguyễn Hữu Tiến, chỉ 8 năm giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã xây dựng cơ nghiệp đàng Trong khá vững vàng. Đặc biệt, Đào Duy Từ có nhiều công lao gầy dựng lại Hát bội trong phủ chúa Nguyễn, rồi sau đó lan tỏa sâu rộng ngoài dân gian miền Trung. Đào Duy Từ mất năm 63 tuổi (1571 – 1634), ông được xếp đứng đầu trong các Công thần khai quốc của nhà Nguyễn với lí do ông có công khơi lại Hát bội và chấn chỉnh nhiều vở, để làm tiền đề cho sự ngự trị của Hát bội ở dãy đất miền Trung.
Nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802), chúa Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long, ban đầu lo nhiều việc; đến triều Minh Mệnh thì mới ổn định và Hát bội được chấn hưng mạnh mẽ (1820 – 1840). Đến đời Tự Đức (1848 – 1883), Hát bội rất thịnh hành. Trong triều nội thường tổ chức cho Hát bội biểu diễn ngoài những đại lễ; bởi hồi đó không chỉ vua Tự Đức rất thích Hát bội, mà bà Hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) cũng rất thích Hát bội. Tuyên truyền, vua rất bực mình khi Pháp chiếm sáu tỉnh Nam kỳ, triều thần trấn an vua cho Hát bội trình diễn giải trí. Khi đó có Đội Vung là ngôi sao sáng của ban hát rất được vua mến mộ, Vung lộng quyền; một hôm vua đang hút thuốc ông ta đến gần và xin hút một hơi. Mọi người thấy vậy lo sợ nhưng vua vẫn vui và không bắt tội. Nhưng sau đó Vung bị bắt giam vào nhà lao. Một hôm, ban hát diễn tuồng Lý Phụng Đình, không có ai sắm nổi vai Cáp Tô Văn, vua đòi Đội Vung ra hát vai đó xong rồi trả về ngục. Vua Tự Đức còn giao cho Đào Tấn, chỉnh lý, biên soạn và nâng cao thêm nhiều vở có giá trị cả về mặt văn học kinh thi và nghệ thuật múa hát trình thức Cung đình thực thụ ở cấp độ bác học (tính hoàn chỉnh các hệ thống sân khấu), một số vở tiêu biểu như: San Hậu, Tam nữ đồ vương, Giác oan, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trầm Hương Cát, Hộ sanh đàng… Với trào lưu đó, bên ngoài dân gian nhiều nghệ nhân, nhóm đã tự phát luyện tập, học hỏi nhiều cách trên dãy đất miền Trung, nhất là ở Bình Định để sau đó khẳng định là cái nôi của loại hình nghệ thật Hát bội.
Khi vua Tự Đức băng hà, đến vua Đồng Khánh lên ngôi (1885 – 1888), ông vốn rất thích Hát bội nên tiếp tục phát triển Hát bội trong Cung đình và đầu tư cho vở mà ông thích nhất, ông nhúng tay vào chỉnh lý vở “Vạn Bửu Trình Tường”. Ông vốn xuất thân từ gia đình lương y nên ông đặt tên cho các nhân vật là tên các vị thuốc như: Đại Hoàng, Cam Thảo, Đỗ Trọng, Trần Bì, Thục Địa, Cao kỷ, Nhân Sâm…
Vua Thành Thái cũng rất thích Hát bội, chính nhà vua cũng đóng vai diễn trong Cung đình và ông chỉnh cách bố cục cảnh trí sân khấu hoành tráng hơn. Cũng chính nhà vua đã hạ chiếu đưa cây đờn Bầu vào dàn nhạc “Ngũ tuyệt” của Ban nhạc Lễ Cung đình. Đến vua Khải Định củng cố nhân sự ban hát hùng hậu hơn, vua ban cho xiêm giáp rực rỡ hơn và tập dượt có chương trình hẳn hoi mang tính chuyên nghiệp cao… Tóm lại đây là thời kỳ rực rỡ nhất của Hát bội trong vương cung, cũng như trong lịch sử của nó…; và từ thời kỳ này, Sân khấu Hát bội được mệnh danh là cái nôi của miền Trung.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HÁT BỘI
Nghệ thuật Sân khấu Hát bội thuộc thể tài bi hùng, tư tưởng luôn đề cao tính trung quân tiết nghĩa, nội dung hầu hết dựa theo tích xưa, chính sử Trung Quốc nhưng do các tác giả người Việt biên soạn. Đặc điểm này rất nổi trội trong Hát bội, khi Hát bội mở màn, sân khấu là những cung điện nguy nga lộng lẫy hay lâu đài hoành tráng; các nhân vật là những ông hoàng bà chúa, thánh thần, tiên ông, công hầu, khanh tướng… với những xiêm y rực rỡ; oai phong lẫm liệt những áo mão cân đai… Số phận của những nhân vật trung quân tiết nghĩa luôn được đề cao, dù kết cuộc có bi thảm nhưng rất hào hùng, bi tráng như cái chết của Quan Công (Quan Vân Trường); là bậc trượng phu quân tử thà chết chứ không chịu đầu hàng giặc “đi đại lộ về đại lộ”, dù biết giặc phục quân nguy hiểm…; cái chết thế đứng của người anh hùng “Hữu dũng vô mưu” – Từ Hải…; Đơn Hùng Tín thà chết để giữ chữ “tiết nghĩa”… Vì thế mà Hát bội không có những hình tượng người công nhân, nông dân, sinh viên, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư…; cũng không có cảnh trí thiên nhiên như đồng ruộng, núi đồi, trường học, trạm xá…
Thủ pháp nghệ thuật, Hát bội có tính ước lệ và tượng trưng rất cao. Chỉ những bước chân của diễn viên trên sân khấu là bằng cả vạn dậm ngoài đời, cây roi có lúc tượng trưng là con ngựa, có lúc là binh khí để đánh giặc, cái nhúng nhảy là ước lệ cho sự bay lên trời hay về núi… Ngôn ngữ Hát bội đa phần là từ ngữ Hán Việt hoặc những từ ngữ triết lý Nho giáo như “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ từ tử hiếu, tử bất hiếu bất tử; vũ vô thuyết tả năng lưu khách, sắc vị ba đào chốn nịch nhân…”. Hát bội còn là loại hình sân khấu gián cách, mang những đặc thù của Sân khấu phương Đông.
Trình thức của Hát bội là Cung đình, là những nghi thức tấu trình, thưa bẫm, nghi lễ được quy ước theo khung khổ trong Cung đình rất quy củ… Tính nghệ thuật chuyên nghiệp: hệ thống âm nhạc hoàn chỉnh là loại âm nhạc bác học, hệ thống vai diễn (khoảng 30 loại vai đào – kép cụ thể tính cách) kịch bản văn học hoàn chỉnh khá chặt chẽ, tính hội hoạ rất cao trong miêu tả nhân vật và không gian – thời gian…
Qua màu sắc và cách hoá trang mà người xem có thể nhận ngay từ đầu về tính cách nhân vật hoặc vai vế, vị trí của nhân vật đó…
- Màu đỏ: tượng trưng cho tánh thẳng thắn, trung hậu, cốt cách thần linh hay huyền diệu…
- Màu trắng: chỉ người có tính tình phản trắc, a dua nịnh bợ, tráo trở…
- Màu đen: tượng trưng cho tính tình chất phác, ngay thẳng, nhưng nóng nảy…
- Màu xanh da trời: tính mưu mô, kiêu hãnh…
- Màu lục: tính hay dời đổi, thiếu thuỷ chung…
- Màu vàng và bạc: những bậc tu hành, thần thánh…
- Quan văn trung: mặt trắng hồng (mặt thật), nếu lão thì mày trắng.
- Quan võ trung: mặt đỏ có vẽ thêm tròng táo, quanh mắt có viền đen…
- Tướng phiên: mặt rằn rện.
- Nịnh thần: mặt xám hoặc màu vỏ cua, đỏ lợt hoặc mặt mốc…
Nghệ thuật Hát bội được xem là một loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam, với những cứ liệu và đặc điểm cơ bản nói trên, tuy chưa phải đầy đủ nhưng bài viết với thiện chí góp phần cung cấp bạn đọc về những khái niệm nhất định; nhằm tôn vinh thành tựu mà người xưa đã dầy công xây thành, giữ gìn bản sắc, kế thừa và phát triển cho đến hôm nay.
Tác giả Đỗ Dũng