Đôi Điều cảm nhận chùm thơ viết về bà của Mai Văn Lạng
Đôi Điều cảm nhận chùm thơ viết về bà của Mai Văn Lạng Nguyễn Trung Thanh ( x óm Rô, xã Sơn Đồng, Hoài Đức Hà Nội ) Mai Văn Lạng...
http://www.maivanlang.com/2015/08/oi-ieu-cam-nhan-chum-tho-viet-ve-ba-cua.html
Nguyễn Trung Thanh ( xóm Rô, xã Sơn Đồng, Hoài Đức Hà Nội )
Mai Văn Lạng được may mắn sinh ra trong một
gia đình nền nếp, văn hoá, giàu lòng yêu thương, nhân nghĩa, có truyền thống
cách mạng, được sống trong vòng tay nâng niu chăm sóc của 2 người bà yêu kính,
bà nội là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xếp đã cho anh lòng nhân từ, hiếu đạo;
bà ngoại là một người bà mẫu mực, người thầy đầu tiên đã cho anh trí tuệ và tâm
hồn, chắp cánh cho anh trên con đường anh đi đến thành công. Bên cạnh các bài
thơ viết về cha mẹ, quê hương, Mai Văn Lạng còn dành những vần thơ đặc biệt, ngập
tràn yêu thương, tôn kính và xúc động để viết về bà. Cảm thương với bà nội, gia
cảnh nghèo khó, cơ hàn, "đói mòn đói mỏi", đói đi liêu xiêu không vững:
"Nhà không có gì để ăn/ Vỏ đậu, củ
khoai thay bữa" nhưng các con của bà đã lần lượt lên đường ra trận
theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và khi đất nước hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp
một nhà thì hai người con của bà đã vĩnh viễn nằm xuống chiến trường xa, mảnh
xương trắng gửi lại nơi núi rừng Trường Sơn heo hút. Bà đã nén bão dông và nước
mắt vào lòng, lặng câm như tượng đá, thất thần như tỉnh như mơ trước nỗi đau mất
mát quá lớn . Cho tới khi bà đã về trời, bà vẫn chưa được thoả ước nguyện
"gặp" lại các con: "Hàng
năm 27 tháng 7/ Bà ngồi lặng với rạ rơm/ Nước mắt hai hàng chan chứa/ Các con
còn ở Trường Sơn" (Bài thơ Ký ức về bà). Mai Văn Lạng còn có một người
bà thứ hai mà mỗi dịp lễ vu lan hay dịp giỗ bà, anh lại quặn lòng thương nhớ da
diết. Bà như thân cò, thân vạc, ở tuổi 80 vẫn "đầu chợ cuối sông" lặn
lội góp nhặt từng đồng, từng xu đỡ đần cho cháu. Bà không những nuôi cháu phần
xác mà còn cho cháu phần hồn bằng những câu ca dao, những bài dân ca, những câu
chuyện kể, những lời ru đầy ý nghĩa. Có lẽ vì vậy, Mai Văn Lạng đã thấm nhuần mạch
nước nguồn văn hoá dân gian của bà ngay từ khi còn tấm bé để sau này khi lớn lên,
anh có cả một gia tài là các bài dân ca, các câu chuyện cổ và ca dao, tục ngữ.
Điều đó đã bồi đắp nuôi dưỡng cho anh phần hồn như dòng suối mát để anh có thể
sáng tác bất cứ thể loại thơ và dân ca nào như thơ lục bát, thơ Đường, thơ 6 chữ,
thơ tự do, chèo, ca trù, hát xẩm, dân ca bắc, trung, nam bộ ba miền, dân ca miền
núi, dân ca quan họ...và ở thể loại nào anh cũng đạt đến độ chuẩn mực, sâu sắc,
là tâm điểm cuốn hút của những ai đam mê thơ và dân ca. Mai Văn Lạng nhờ
"vịn" câu hát, lời ca của bà mà khôn lớn, nên người. Trong sự trưởng
thành của anh, ta thấy bóng dáng và công lao to lớn của người bà yêu kính:
"Bà đọc Kiều, hát dân ca và kể về đời
mình cho cháu/ Cháu lớn lên vịn câu hát làm người". Giờ đây ở nơi thế
giới xa xôi, bà của Mai Văn Lạng có thể tự hào về cháu của mình vì những gì bà
dành cho cháu đã thấm mạch nguồn, bén rễ xanh cây, nảy chồi đâm lộc, con hơn
cha, cháu hơn bà, thật nhà có phúc. Được như ngày hôm nay, Mai Văn Lạng biết ơn
bà vô cùng. Ngôi nhà xưa ở quê là chứng tích thiêng liêng về bà, là niềm đau nhức
buốt, niềm tiếc thương khôn tả mỗi khi anh nhớ về bà thân yêu:"Mỗi lần về quê con không dám thăm mái nhà
xưa Ngoại ạ/ Vật đấy người đâu đắng đót đến không cùng". (Bài Gửi ngoại
nơi xa). Và mỗi khi qua nghĩa địa làng, nơi người bà trăm quý ngàn yêu và người
mẹ trăm thương nghìn nhớ của anh đang yên giấc, lòng anh lại xao xác, bâng
khuâng, ngổn ngang tưởng nhớ bóng mẹ và bà :"Nghĩa địa chập chờn hương khói/ Bóng người xưa nơi chân mây/ Chiều ủ ấm
niềm thương nhớ/Bà, mẹ tôi vóc hạc cao gầy". ( Bài Bên nghĩa địa
làng). Trong Mai Văn Lạng luôn có một khoảng trống mênh mông khó lấp đầy bởi bà
và mẹ anh đã vĩnh viễn xa anh. Thương bà bao nhiêu, anh lại càng xót xa cho mẹ
bấy nhiêu, mẹ của anh "lá xanh rụng trước lá vàng" bởi thế trong nỗi
nhớ thương sâu thẳm, quặn thắt, một nửa anh dành cho mẹ, một nửa anh nghiêng về
bà. Và trong nỗi nhớ đó, anh chỉ còn biết cất tiếng gọi thảng thốt:" Đêm cuối đông trái tim con thắt lại/ Nửa nhớ
bà, nửa thương mẹ. Bà ơi". Nhiều khi, anh khao khảt đến mãnh liệt, đến
cháy bỏng, đến da diết, đến bùng nổ niềm mong mỏi, thèm muốn còn mẹ trên đời:
"Nghe trái tim muốn bật tung khỏi lồng
ngực/ Con khát khao có mẹ bên mình" (Bài Niềm đau). Nhiều tuổi rồi mà
anh vẫn như dòng sông khô khát tình mẹ và thèm được nghe lại một tiếng ru của
bà, tiếng ru mà bà đã ru mẹ anh khi xưa và ru anh lúc anh còn thơ bé:"Bà ơi! Sao tiếng ru của bà mỏng manh quá đi
thôi/ Hay bà đã ru quá nhiều cho trên 60 năm làm mẹ và trên 40 năm làm bà".(Bài
Niềm đau). Nhớ thương bà và mẹ, Mai Văn Lạng đã biến niềm thương nỗi nhớ ấy
thành đạo lý sống tốt đẹp như những gì bà đã mong mỏi và dạy cháu xưa
kia:" Hãy yên lòng thưa ngoại, ngoại
ơi/ Cháu đang sống theo nếp xưa ngoại dạy/ Dù cuộc đời bể dâu ngang trái/ Vẫn
giữ lòng mình không hổ thẹn với người xưa" (Bài Gửi ngoại nơi xa). Thật
xúc động biết mấy khi đọc những vần thơ của Mai Văn Lạng viết về bà và mẹ kính
yêu. Giờ đây anh đã nên người, đã thành danh, chắc hẳn bà và mẹ của anh sẽ cảm
thấy an lòng, mãn nguyện về đứa con, đứa cháu hiếu thảo và giỏi giang của mình.
Chùm thơ về bà chính là nén tâm nhang và tấm lòng thành kính mà anh tưởng nhớ
thắp lên cho bà và mẹ trong dịp lễ vu lan hàng năm. Đọc chùm thơ về bà của anh,
ta thêm tự hào và trân quý gia thế của Mai Văn Lạng, một gia đình có công với
cách mạng, với đất nước. Chú và bác của anh đã hy sinh xương máu cho độc lập
dân tộc, bà nội anh là mẹ của 2 liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng. Đọc chùm thơ, ta
càng thêm yêu những giá trị văn hoá dân tộc, dân gian trầm lắng trong người mẹ,
người bà và trong truyền thống gia đình anh. Truyền thống đó đã tiếp biến và dạt
dào chảy mãi trong Mai Văn Lạng để rồi qua anh lại tiếp tục lan toả tới xã hội,
tới cuộc đời, ta càng thêm yêu những người bà, người mẹ cả kiếp người đã hy
sinh tất cả cho gia đình, cho cháu, cho con. Cảm ơn tác giả chùm thơ.