Tiến sĩ, Nhà viết chèo Trần Đình Ngôn
“Vua chèo” Trần Đình Ngôn: Nửa thế kỷ đắm đuối với chèo Báo Công Lý - 28/01/2012 06:31 0 0 Tin gốc Chèo - tuồng - ...
http://www.maivanlang.com/2015/08/tien-si-nha-viet-cheo-tran-inh-ngon.html
Chèo - tuồng - cải lương như là “ba chiếc chân kiềng” làm nên nghệ thuật sân khấu truyền thống. Trong cuộc “va đập” đến nghiệt ngã với thị trường giải trí vàng thau lẫn lộn hiện nay, nghệ thuật truyền thống đang chới với. Đã có những tiếng kêu thống thiết được cất lên. Chúng tôi đã cảm nhận được cái nỗi lòng nặng trĩu ấy khi ngồi nói chuyện với TS. Trần Đình Ngôn - cây viết số một thể loại kịch bản chèo - một hình thức sân khấu giàu bản sắc dân tộc…
Phố Nguyễn Phong Sắc, cạnh nhà ông. Chiều muộn. Trong quán cà-phê, ngồi vân vi với những kẻ ngoại đạo, lại là hậu sinh như chúng tôi...
Ở đất Cảng, ông làm ở Đoàn chèo Hải Phòng tới 26 năm, lập gia đình với con gái rượu một cán bộ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Ông bố của cô gái ấy có máu văn nghệ, và cũng là “nhà nghệ sĩ nghiệp dư”, hay tham gia văn nghệ phong trào trong nhà máy. Vậy là hữu duyên thế nào, cùng “dân văn nghệ” với nhau, nghe nói Trần Đình Ngôn được “nhà nghệ sĩ nghiệp dư” này gả con gái cho, sau nhiều lần đàm đạo về chèo?! Chả biết có phải thế không, nhưng ông đã “sâu gốc bền rễ”, lập nghiệp sinh con đẻ cái ở mảnh đất Hải Phòng, mảnh đất cần lao pha chút chất lãng tử, hào hoa làm nên một phần phong cách trong ông. Như cái cây đã mọc rễ cọc, như con người đã bắt rễ tâm hồn, tưởng như chả có lí do nào cho ông đi đâu nữa. Nhưng rồi, mảnh đất cửa bể của nữ tướng Lê Chân, của giới thợ thuyền đi về sớm chiều, có vẻ bình lặng quá đã chả giữ được chân ông với nỗi khát khao được gần các bậc thầy để học hỏi nhiều hơn. Ông đưa vợ con, bìu ríu về Thủ đô. Mà hồi ấy còn khó khăn lắm, khuân cả gia đình, lên cái đất Thủ đô lắm người tài đâu dễ sống. Nhưng, như người ta nói, Thủ đô là nằm giữa, là nơi tụ hội của “tứ chiếng” thì cũng chả quá, nhưng phải nói là nơi “tụ” người tài từ bốn phương tám hướng. Quả thật, đến Thủ đô, trong cái môi trường nghệ thuật cởi mở, xung quanh là anh em nghệ sĩ, tất nhiên sự cạnh tranh nhiều, nhưng rõ ràng từ khi ấy, tài năng của Trần Đình Ngôn mới “phát tiết”. Nói là, “gừng càng già càng cay”, quả đúng khi đến cái ngưỡng U50, ở Hà Nội thì cái tên Trần Đình Ngôn người ta mới biết đến, như một tác giả chèo sung sức. Năm 2005, Viện Sân khấu đã thống kê, ông Trần Đình Ngôn đóng góp kịch bản trong 33% Huy chương vàng, 25% tổng số Huy chương Bạc của các vở chèo được tặng giải thưởng từ 1955 đến 2005… Sau nửa thế kỷ “đắm đuối” với chèo, Trần Đình Ngôn đã viết được 99 kịch bản dài. Vừa qua, với 60 kịch bản trong 6 tập kịch bản văn học, được NXB Văn học ấn hành, có lẽ phải gọi ông là anh hùng trong lao động sáng tác như PGS Tất Thắng đã viết trong lời giới thiệu. Nói về đề tài thì, trong số đó số vở đề tài khai thác từ văn học dân gian: 15; đề tài lịch sử danh nhân văn hóa: 26; đề tài hiện đại kể cả từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945: là 43; đề tài cách mạng và lãnh tụ: 5; các đề tài khác như dã sử, nước ngoài, chèo cổ viết lại: 10. Kịch bản của ông, nhiều đoàn kế tiếp nhau dựng, có kịch bản tới 12 đoàn dàn dựng, như vở “Trinh phụ hai chồng”, còn kịch bản có 4-5 đoàn dựng thì nhiều… Sức viết thật khủng khiếp! Lẽ đời, “tre già thì măng mọc”, nhưng buồn nỗi là như ông thì đã già rồi, nhưng nhìn xuống không thấy học trò nào “bám áo” mình! Vì tác giả viết kịch bản chèo đã hiếm, và người viết “ra hồn” lại càng khan hiếm hơn. Trên cả nước có 18 đoàn chèo chuyên nghiệp, nhưng thiếu kịch bản để dựng vở do thiếu tác giả viết kịch bản. Nhìn đi nhìn lại, lại ông Ngôn. Vì vậy, đến mùa hội diễn, các đoàn nghệ thuật các địa phương lại tìm đến ông tới tấp. Vì vậy, có liên hoan, tác phẩm của ông chiếm gần một nửa. Vì vậy, có người nói vui: “Liên hoan chèo… Trần Đình Ngôn mở rộng”. Ngay như vừa rồi, trong Liên hoan sân khấu Chèo tổ chức ở Thái Bình, ông cũng có tới 4 tác phẩm, trong đó kịch bản của ông góp phần làm nên 1 vở HCV, 1 vở HCB. Và trong liên hoan này, có tác giả trẻ có triển vọng được chú ý thì lại chính là Trần Đình Văn, con trai của ông, do ông đào tạo. Tiếng là một tác giả chèo số 1 hiện nay, được nhiều đoàn chèo địa phương đến “cầu cạnh”, nhưng nói về thu nhập ông chỉ cười trừ “chỉ đủ ăn thôi, không giàu được!”. Lạ quá! Tài đến như ông, sức làm việc “khủng” đến như ông mà mới chỉ “đủ ăn”, vậy anh em diễn viên các đoàn địa phương thì sao. Nói về thu nhập, luôn là việc… tế nhị. Thật là xót xa, nhiều anh em làm nghề, yêu nghề lắm, nhưng “cơm áo không đùa”. Thù lao ư, có nên kể không nhỉ, thù lao tập, vai phụ chỉ có 10-15.000 đồng/buổi, vai chính thì khá hơn nhưng chỉ 30.000 đồng/buổi. Khi đi biểu diễn, anh phụ có khi chỉ được 50.000 đồng/buổi, anh chính cũng chỉ 100-200.000 đồng… Anh em “đắm đuối” với nghề lắm, thì vẫn phải “chân trong, chân ngoài”, làm thêm đủ thứ nghề. Biết làm sao được. Có anh chạy show đi hát văn hầu đồng, vẫn biết làm thế nó “phá giọng” nhưng vẫn phải làm; rồi có anh hát cho những bữa cỗ, trong những restaurant… Vẫn biết là có thể có những “ê chề”, nhưng biết làm sao. Ông nhớ lại, kịch bản đầu tiên ông viết là chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” (của Ngô Tất Tố), nhuận bút đủ mua chiếc xe đạp Phượng Hoàng, còn nay thấy anh em như thế, mình cũng chả nỡ lòng nào mà đòi giá cao! Vừa rồi, có hội nghị về phục hồi và phát triển sân khấu truyền thống, mà ngay cả quan chức có trách nhiệm cũng lèo tèo, đìu hiu. Với nghệ thuật chèo, tìm đường phát triển thế nào? Nghệ thuật chèo nói riêng, và sân khấu truyền thống đang loay hoay tìm khán giả. Ở thành phố, có vở diễn, dù chỉ toàn giấy mời, nhưng chỉ vài ba chục “đại biểu” tới xem. Giữa buổi, những vị ấy cũng có khi bỏ về. Vậy là, bên dưới là nhiều hàng ghế trống trơn. Vở diễn vẫn cứ tiếp tục đến khép màn… Ông Ngôn cho biết, riêng chèo, về các vùng nông thôn biểu diễn bà con vẫn ham thích, mỗi đêm diễn có tới hàng nghìn người xem. Tuy nhiên, diễn ở nông thôn thì không thể bán vé. Vậy là chỉ chờ dịp hội làng, có lễ lạt, đón bằng di tích v.v..., thì các đoàn về địa phương biểu diễn. Trong khi ca nhạc thị trường, bầu sô chọn biểu diễn ở thành phố lớn, thị xã, thì ngành nghệ thuật truyền thống phải “đánh bắt xa bờ” tìm khán giả ở vùng nông thôn, đi “vùng sâu vùng xa” vậy. Nói chung về nền sân khấu biểu diễn, có nên “thả” ra cho thị trường? Ông Ngôn bảo: Không, không ở đâu mà nghệ thuật truyền thống có thể sống được một cách đàng hoàng, muốn tồn tại và phát triển tới đỉnh cao đều phải có sự “đỡ đầu” của Nhà nước. Trong lịch sử, tác phẩm đỉnh cao đều do Nhà nước bao cấp, nếu không có Nhà nước Athen cổ đại không có bi kịch Hi-Lạp, cứ 4 năm tổ chức một hội diễn, từ đó xuất hiện nhiều nhà viết kịch vĩ đại… Không có đội kịch Hoàng gia Anh sẽ không có Shakespeare, không có đoàn kịch quốc gia của Pháp, thì sẽ không có Molie, hay không có đoàn kịch của Nga hoàng sẽ không có Sekhop… Không thể cứ chạy theo thị hiếu của khán giả được, vì có những thị hiếu dễ dãi, thậm chí tầm thường. Vì vậy, duy trì những đoàn nghệ thuật của Nhà nước là rất cần thiết, nơi lưu giữ một phần của văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ, ông chỉ ở độ tuổi mới nghỉ hưu thôi, nhưng hóa ra ông đã trên cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Vậy mà, ông vẫn phong độ, cử chỉ nhanh nhẹn, tư duy vẫn mẫn tiệp, và sức làm việc thì thật phi thường. Hỏi ông “bí quyết”, ông cười: “Tớ duy trì tập luyện bài tập “Suối nguồn tươi trẻ”. Thì ra, đó là bài tập theo dòng Mật Tông của Phật giáo bên Tây Tạng, mà ông nói, “theo lý thuyết nếu duy việc tập luyện đều trong 3 năm thì có thể trẻ thêm ra cả 10 tuổi”. Ông nói rằng, tớ rất thích nói chuyện với lớp trẻ, kể cả là ngoại đạo như các cậu. Vì sao? Ông nói luôn: Vì cánh già như tớ như thể được truyền sức trẻ, sự tươi mới, đưa cái đó vào tác phẩm. Cái nữa là, qua nói chuyện cánh già chúng tớ có thể truyền được ít nhiều kinh nghiệm sống cho giới trẻ, để giới trẻ ít vấp váp hơn trên đường đời. Ông đúc kết, ta phải “đi, thấy và phải ngẫm nữa”. Với lời khuyên là phải “ngẫm”, tôi hiểu ông là con người sâu sắc. Với vốn văn hóa nền sâu rộng, có thể coi ông là nhà viết chèo trong nhà văn hóa. PGS Tất Thắng có đánh giá rất xác đáng khi nói rằng, “Trần Đình Ngôn là người viết khỏe nhất, được dàn dựng nhiều nhất”. Tôi lại nghĩ, sau Tào Mạt là Trần Đình Ngôn, nhưng sau Trần Đình Ngôn là ai? Đó là một ẩn số. Có lẽ người kế nghiệp xứng đáng là Trần Đình Văn, con ông chăng? Bởi, hổ phụ có thể sinh ra hổ tử lắm chứ!?
Trường Thành
|