Tìm hiểu về hát xẩm- P2

Tìm hiểu về hát xẩm- Phần 2 III.                   LÀN ĐIỆU XẨM Nhóm xẩm hải Phòng Là một nghệ thuật hát rong, nhưng Xẩm đã ...

Tìm hiểu về hát xẩm- Phần 2



III.                  LÀN ĐIỆU XẨM
Nhóm xẩm hải Phòng
Là một nghệ thuật hát rong, nhưng Xẩm đã không ngừng phát triển để rồi định hình như một bộ môn âm nhạc chuyên nghiệp với hệ thống bài bản và làn điệu hết sức độc đáo. Về tổng thể, Xẩm sử dụng khoảng trên 10 làn điệu. Nhưng số lượng lời ca tương ứng thì lại rất phong phú, khoảng 500 bài hát xẩm đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận. Trên bình diện nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, đây là một con số đáng nể, thể hiện sức sống mãnh liệt của một thể loại ca nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt khi chủ nhân của nó phần lớn là những nghệ sĩ mù lòa, không nơi nương tựa. Theo thời gian, Xẩm đã dần phát triển và định hình thành một nghệ thuật âm nhạc độc đáo với hệ thống làn điệu riêng. Bởi thế, tên những điệu hát này thường hay kèm theo chữ “Xẩm” như điệu Xẩm xoan, Xẩm chợ, Xẩm thập ân.., ngụ ý khẳng định đó là điệu hát của riêng nghề Xẩm.
Hát Xẩm bao gồm nhiều làn điệu khác nhau nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ cho rằng Hát Xẩm có 8 làn điệu chính tông bao gồm: Xẩm Chợ, Thập Ân, Chênh Bong, Phồn Huê, Riềm Huê, Ba Bậc, Hò Bốn Mùa và Hát Ai. Sau này, vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20 còn có thêm làn điệu Tàu Điện do các nghệ nhân Hát xẩm hành nghề ở Hà Nội sáng tạo. 8 làn điệu chính của nghệ thuật đã bao gồm đủ các sắc thái, góc cạnh của vui buồn sướng khổ… trong mỗi con người.
*          Điệu Xẩm Chợ xưa kia thường giản dị, ngắn gọn có giai điệu dựa theo thanh điệu, rất đậm tính hát nói, kể lể, dễ hát… ngày nay, điệu xẩm chợ vẫn chứa đựng những yếu tố đặc trưng đó, song làn điệu này lại thường thể hiện sắc thái âm nhạc vui tươi, hóm hỉnh, chộn rộn lòng người. Chẳng hạn như điệu xẩm chợ bài “Mục Hạ Vô Nhân” lời thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến, thể hiện tâm trạng yêu đời của một anh hát xẩm có cuộc sống vô cùng khó khăn qua màu sắc âm nhạc rất hóm hỉnh.
*          Điệu Chênh Bong có nét đặc trưng trữ tình, duyên dáng kết hợp với sự vui vẻ phấn khích, điệu hát này rất hợp khi thể hiện tâm trạng của các chàng trai cô gái đang độ tuổi yêu đương muốn trao gửi nhau những lời ong bướm. Trên thực tế, điệu Chênh Bong với điệu Xẩm Xoan được cho là có chung cùng một gốc bởi nó có nhiều đặc trưng tương tự nhau.
*          Điệu Phồn Huê thường được các nghệ nhân hát theo kiểu kể ràu, thảm thương về nỗi đau nhục của chị em trong xã hội cũ. Thường những bài được hát ở làn điệu này có nội dung rất dài, có khi lên tới 10 khổ thơ. Những thập niên gần đây, để phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của người đương thời thì các nghệ nhân, nghệ sĩ hát xẩm khi hát làn điệu này đã rút ngắn thời lượng xuống để chỉ còn độ dài khoảng trên dưới 5 phút. Về màu sắc âm nhạc, cách kể ràu đã tương đối khác, nghệ nhân hát xẩm chỉ mượn cách kể rầu, kể nỗi khổ của người phụ nữ phong kiến song đã pha trộn sự hóm hỉnh như sự châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu còn tồn tại của người chồng, của gia đình và rộng hơn nữa là của xã hội.
*          Hò Bốn Mùa là làn điệu duy nhất dùng cho hát tập thể trong hệ thống 8 làn điệu chính của hát xẩm. Ở những làn điệu khác cũng có thể có hát đôi hoặc nhiều hơn nhưng bản chất của những làn điệu đó chỉ dùng để hát đơn. Sở dĩ Hò Bốn Mùa được dùng trong hát tập thể là bởi điệu này xưa kia chuyên dùng trong công việc làm ăn trong năm của nhà nông, chẳng hạn như hát trong lúc đang cấy cầy hay gặt hái. Hò Bốn Mùa khi ra tới Hà Nội hay các thành thị khác thì được người nghệ nhân hát xẩm hát ở các đề tài khác gắn liền với môi trường mới mà họ phục vụ. Điệu hát Hò Bốn Mùa cổ còn ở dạng thô sơ, mang tính kể lể có hơi hướng gần với điệu hát Trống Quân.
*          Hát Ai có tính chất than thở, oán trách song lại pha chút hài hước. Có lẽ vậy mà nghệ thuật hề chèo, khi xây dựng hình tượng nhân vật và tính cách nhân vật của anh hề đã khai thác, sử dụng rất nhiều Hát Ai của hát xẩm. Có một sự khác biệt giữa làn điệu này so với những làn điệu còn lại của hát xẩm ở chỗ, nếu như những làn điệu khác điều đứng với vai trò độc lập hoặc vai trò làn điệu chính trong các bài có sử dụng sự kết hợp giữa các làn điệu, chẳng hạn như Xẩm Chợ - Tàu Điện, thì Hát Ai chỉ được xuất hiện ở một số đoạn nhất định có nội dung thương thảm, ai oán trong các bài xẩm dài hoặc xẩm kể chuyện.
*          Ba Bậc là làn điệu khá độc đáo của nghệ thuật hát xẩm. Ba Bậc thiên về tính tự sự nhưng gắn với tình yêu đôi lứa, thường thể hiện tâm trạng của chàng trai về mối tương tư với một cô gái mà chàng yêu. Ba Bậc còn có nơi gọi là Ba Bực, đây là cách phát âm khác nhau theo các địa phương và thời điểm điệu hát được xuất hiện ở địa phương đó. Ba Bậc có hai dạng chính là Ba Bậc Nhịp Bằng và Ba Bậc Nhịp Đuổi, trong đó phổ biến là Ba Bậc Nhịp Bằng. Sự độc đáo của Ba Bậc còn ở chỗ, nếu như các làn điệu khác của hát xẩm thường phù hợp với hát ngoài trời thì môi trường diễn xướng của Ba Bậc lại gắn với lối hát trong nhà, chính vì vậy mà trong hát Ả Đào xưa kia cũng đã khai thác điệu hát này và được gọi là Xẩm Nhà Tơ, Xẩm Nhà Trò. Tất nhiên, cũng giống như Phồn Huê với Xẩm Xoan, khi Ba Bậc được khai thác sang Ả Đào thì cách hát đã có đôi chút thay đổi, nhưng về lòng bản thì vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
*          Riềm Huê cũng tương tự như Ba Bậc về nội dung diễn tả, vì làn điệu này thường được lồng vào để hát với những nội dung trao tình, hò hẹn, nhớ thương trông ngóng. Song về tính chất âm nhạc, cách thể hiện thì Riềm Huê lại gần giống với Chênh Bong. Bên cạnh đó, khi thể hiện Riềm Huê thì thành phần dàn nhạc thường còn có thêm cả trống cơm tạo sắc thái đậm đà, thêm phần cuối hút đối người nghe.
*          Thập Ân là một trong những làn điệu rất phổ biến của hát xẩm. Thập Ân là 10 điều ân nghĩa ghi khắc công ơn khổ cực của mẹ cha trong việc nuôi dạy con cái từ lúc mang thai cho đến lúc sinh thành rồi bao nhọc nhằn vất vả nuôi nấng cho đến khi con lớn khôn với mục đích nhắc nhở con cháu không được quên công ơn trời biển của mẹ cha trong việc sinh thành dưỡng dục chúng ta, đồng thời khuyên răn những người con phải ăn ở sao cho tròn đạo hiếu.
IV.               NHẠC CỤ
Nói về nhạc khí của Xẩm, trước nhất phải kể đến vị trí của cây đàn bầu. Nếu căn cứ vào truyền thuyết Tổ nghề, cây đàn này được xem như gắn liền với sự ra đời của nghề hát xẩm, nên còn gọi là đàn Xẩm. Hẳn vì thế mà kiểu dạng đàn bầu khá phổ biến ở các nhóm xẩm cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn được gọi là “đàn song”. Cây đàn bầu dạng này vẫn bảo lưu cái vòi đàn (cần đàn) dạng hình cây song với dây đàn được mắc khá cao so với mặt đàn. Bên cạnh đó, kiểu dạng đàn bầu có quả bầu cộng hưởng với lối mắc dây ở sát mặt đàn cũng dần được xẩm sử dụng, lưu hành đến tận ngày nay. Trên thực tế, đàn bầu vốn là nhạc cụ khó sử dụng. Thế nên một nhóm xẩm được xem là mẫu mực thường không thể thiếu nhạc cụ này. Người đứng đầu nhóm vừa chơi đàn bầu vừa hát.
Bên cạnh đàn bầu, đàn nhị cũng là nhạc cụ quan trọng. Cũng như đàn bầu, đàn nhị thuộc hệ nhạc cụ dây không phím, nhờ thế có thể uốn lượn theo mọi cung bậc âm điệu tinh tế, rất gần với nguyên tắc phát âm của giọng người. Trong nhiều nhóm xẩm, người chơi đàn nhị thường đóng vai trò phụ trợ cho người hát chính. Nhưng cũng không ít nhóm xẩm do không chơi được đàn bầu nên đàn nhị đảm nhiệm vai trò chính trong dàn nhạc xẩm. Trong việc mang vác di chuyển, đàn nhị gọn nhẹ hơn đàn bầu, lại không chiếm nhiều chỗ trên chiếu diễn như đàn bầu. Mặt khác, giữa đám đông người, âm lượng cung vĩ kéo của nhị lại vượt trội so với đàn bầu. Có thể vì thế nên nhiều trường hợp, đàn nhị được ưa dùng hơn đàn bầu. Xẩm chơi 2 loại nhị: loại âm khu cao (còn gọi đàn Líu) hợp với giọng nữ và loại âm khu thấp (còn gọi đàn Hồ) hợp với giọng nam.
Bên cạnh đàn bầu và đàn nhị, trong những dịp hợp tác làm ăn ở hội làng, nhiều nhóm xẩm còn sử dụng thêm tiêu, sáo các loại, tạo sự phong phú cho dàn nhạc xẩm. Trong đó, sự góp mặt của cây sáo mạng là một hiện tượng độc đáo. Đây là một loại sáo có cấu trúc khá đặc biệt. Ở giữa khoảng cách từ lỗ thổi đến lỗ bấm, người ta khoét thủng một lỗ khác rồi đắp một núm bằng sáp ong tạo thành một lỗ núm. Trên miệng lỗ núm gắn miếng cật măng mỏng để khi thổi, tạo ra âm sắc rè rè, nghe khá ấn tượng. Trong nội bộ các thể loại âm nhạc của người Kinh, sáo mạng là nhạc cụ chỉ thấy có ở nghệ thuật xẩm.
Như thế, nhạc cụ của Xẩm thiên về những nhạc khí có âm sắc gần với nguyên tắc phát âm của giọng người - là đàn bầu và đàn nhị; hay loại âm sắc độc đáo như sáo mạng. Ở đây, không thấy sự góp mặt của các nhạc cụ họ dây gắn phím. Chắc hẳn Xẩm có chủ ý muốn tìm cho mình một sự nổi trội nhất định nhằm tạo sức hấp dẫn riêng, những mong gây được ấn tượng cho người nghe, giúp ích cho cuộc mưu sinh thường nhật.
Về các nhạc cụ tiết tấu, Xẩm thường xuyên sử dụng đôi sênh, một cặp trống mảnh (loại trống tang mỏng một mặt) và khi cần, thêm cỗ phách phụ trợ. Trong đó, sênh (còn gọi sênh cặp kè hay cặp kè) là nhạc cụ của riêng xẩm, không thấy có ở bất cứ thể loại âm nhạc nào khác. Sênh là 2 mảnh tre già (hoặc gỗ cứng) được đẽo gọt thành 2 mặt phiến hình thoi cân xứng, một mặt phẳng, một mặt lưng cong như đáy thuyền dài chừng 20 cm, rộng chừng 5-7 cm. Khi chơi đặt trong lòng bàn tay, hai mặt phẳng úp vào nhau (thế nên mới gọi là cặp kè), kích âm bằng cách nắm - mở, khiến 2 mảnh va đập tạo âm hình tiết tấu giữ nhịp, đệm cho lời ca. Điểm đáng chú ý, tiếng sênh nghe thanh mảnh và sắc nét, khác hẳn với tiếng phách, mõ, vốn cũng là những nhạc cụ toàn thân vang bằng tre, gỗ nhưng được kích âm bằng dùi. Thường người ta chỉ chơi một cặp sênh, nhưng cũng có khi chơi hai tay hai cặp để tạo độ dày của tiết tấu. Sênh của xẩm khiến người ta liên tưởng đến huyền tích Tổ nghề. Khi lần mò trong rừng sâu, đức ngài Trần Thánh sư cũng nhặt được 2 mảnh tre già gõ vào nhau, coi như đó là tiền thân của nhạc cụ độc đáo này. Ở đây, sẽ thấy sự tích Tổ nghề dù chỉ là một huyền thoại do giới nghề dựng lên nhưng rõ ràng, nghệ thuật xẩm đã đóng góp vào kho tàng nhạc cụ Việt Nam 3 nhạc cụ thật độc đáo là đàn bầu, sênh và cây sáo mạng. Tài năng của những nghệ sĩ khiếm thị Việt Nam là điều đáng khâm phục.
Về cặp trống mảnh trong hát Xẩm, theo thư tịch cổ cũng như các hình chạm khắc, nhạc cụ này (đan diện cổ) đã từng xuất hiện ở nghệ thuật hát Ả Đào người Việt. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “đan diện cổ là trống mảnh một mặt, tang trống nhỏ và mỏng, sơn son thếp vàng, khi ả đào mới lên chiếu hát hay lúc uốn éo múa may, thì đánh trống ấy, tiếng kêu lung bung, bập bùng rất hay”. Về sau không thấy giới đào kép sử dụng cặp trống mảnh, nhưng lại xuất hiện ở hát xẩm. Đó cũng là một điểm đáng chú ý. Như đã biết, Ả Đào (Ca Trù) vốn có vị thế cao trong xã hội phong kiến. Nó luôn có mặt nơi đình đền với tư cách nhạc lễ cổ điển - gọi là hát Cửa Đình. Rất có thể theo thời gian, mỗi khi đi hát Cửa Đình, do cần tinh giảm số lượng nhạc công nên giới nghề Ả Đào đã bỏ cặp trống mảnh khỏi dàn nhạc. Không biết xẩm quyết định du nhập trống mảnh vào dàn nhạc vì nguồn gốc danh giá của nhạc khí này hay bởi đặc điểm gọn nhẹ, dễ mang vác của nó? Dù sao, đây cũng là một sự bảo lưu đáng trân trọng bởi nếu không có xẩm, có lẽ bộ nhạc cụ này hẳn đã biến mất khỏi đời sống âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Bên cạnh cặp trống mảnh, khi hợp tác làm ăn trong đám hội, nhiều nhóm xẩm còn sử dụng thêm trống cơmcỗ phách bàn. Còn trong dịp giỗ Tổ nghề, với sự góp mặt của cả phường xẩm, trống cái, trống ban, thanh la được trưng dụng triệt để, tăng cường tính lễ nghi, tạo cảm hứng cao cho các bậc đàn anh thi tài, tế Tổ.
III.           KỸ THUẬT TRÌNH DIỄN
Nghệ sĩ trẻ Tịnh Hải hát xẩm
Trong diễn xướng, do áp lực miếng cơm manh áo phụ thuộc vào lòng tự nguyện của khách qua đường, nên người nghệ sĩ xẩm buộc phải rèn luyện tính đa năng. Vừa đàn vừa hát hay kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhạc cụ được xem là tiêu chuẩn xếp hạng của giới nghề. Sự đa năng đó một mặt thể hiện tài năng của nghệ sĩ, tất gây ấn tượng với khán giả, mặt khác nó cũng là sự tinh giảm biên chế nghệ sĩ mỗi nhóm để đảm bảo tối đa mức thu nhập. Phổ biến kiểu dạng biên chế một người vừa hát vừa đàn bầu (hoặc nhị). Người còn lại, một tay gõ sênh chơi một mô hình tiết tấu, tay kia cầm dùi trống gõ “bập bung” điểm xuyết vào 2 chiếc trống mảnh được kẹp ở tay và kê lên đùi, có nhiều người còn chơi cả cỗ phách bàn bằng chân, với dùi được kẹp ở ngón, đồng thời có thể hát chính hoặc hát phụ họa. Cũng có trường hợp một người vừa tay đàn miệng hát, đồng thời 2 chân gõ trống phách, rất điệu nghệ. Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, những nghệ sĩ kiêm nhiệm đàn hát hoặc diễn tấu nhiều nhạc cụ cùng lúc như xẩm không có nhiều. Đó cũng là một đặc điểm độc đáo của xẩm.
Nói về khả năng trình diễn, xẩm thuộc loại bộ môn mà nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Ở đây, có lẽ tính chất o ép miếng cơm manh áo đã khiến người nghệ sĩ buộc phải rèn luyện tối đa để thích ứng với sự “tinh giảm biên chế”, nhưng vẫn đảm bảo sự phong phú về nghệ thuật. Vừa đàn vừa hát được xem như một tiêu chuẩn “có hạng” của một bác xẩm thực thụ.
V.           GIỖ TỔ NGHỀ HÁT XẨM
          Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như đã biết, ở những nơi thôn dã, các nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Ca Trù, Chầu Văn… còn có ruộng vườn và những nghề phụ khác. Nhưng với Xẩm thì không như vậy, nghề ca hát là kế sinh nhai duy nhất của Xẩm. Bởi vậy, nếu đánh giá trên bình diện chuyên nghiệp của một loại hình âm nhạc, thật không quá khi nói rằng Xẩm có thể sánh ngang với những nghệ sĩ nơi cung đình hay những nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Ca Trù chốn nhà hát thị thành. Bên cạnh ý thức lưu truyền tự giác vốn liếng làn điệu và bài bản, lễ giỗ Tổ nghề cũng là một trong những biểu hiện tính chuyên nghiệp của Xẩm.
Hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, tùy vào hoàn cảnh cụ thể từng nơi cư ngụ, người làm nghề Xẩm sẽ chọn ngày 22/2 hoặc 22/8 âm lịch làm ngày giỗ ông Tổ nghề Trần Quốc Đĩnh, cả phường Xẩm lại tụ họp với nhau trong những ngày giỗ Tổ nghề. Tất nhiên, chẳng có đình đền miếu điện riêng cho Xẩm, những thân phận mà ngay cả một ngôi nhà trú ngụ cũng không có. Tùy từng nơi, Xẩm sẽ lựa chọn một nơi hoang vắng, như bãi đất trống, góc chợ phiên hay ngôi điếm nhỏ bên đường để tránh làm phiền đến người làng nước. Ở Hà Nội thời Pháp thuộc, phường Xẩm thường lấy bãi Thuốc lá Yên Phụ làm nơi hội họp. Lễ giỗ Tổ thường có thể kéo dài tới 3 ngày. Nhưng gặp khi làm ăn khó khăn hay khi mất mùa, thiên tai thì chỉ làm nội trong 1 ngày. Các ông Trùm cùng hội đồng các Bô trong phường sẽ cắt cử từng thành viên lo mọi việc để đảm bảo một lễ nghi vừa trang trọng, vừa phù hợp với thực lực kinh tế của từng phường. Đây là cuộc tụ hội quan trọng, mọi sự vụ lớn nhỏ tồn đọng đều được hội đồng ông Trùm giải quyết êm thấm, công tâm. Trong phường Xẩm, 2 tội danh được coi là nặng nhất là tội thông dâm và tội ăn cắp, thường bị hội đồng ông Trùm xử phạt rất nặng, nhiều trường hợp bị đuổi khỏi địa giới, buộc phải đi tha hương. Đây là điều luật nghiêm khắc nhằm đảm bảo thanh danh cho giới nghề. Trong lễ giỗ Tổ, tục Hát Thờ tấu trình Thánh sư Trần Quốc Đĩnh luôn được coi là phần quan trọng nhất. Các nghệ nhân giỏi nghề ở từng nhóm sẽ lần lượt thay nhau đua tài tấu nhạc Hát Thờ, cầu mong Trần Thánh sư phù hộ độ trì cho mọi gia đình Xẩm, để tiếng đàn câu ca ngày càng thêm ngọt, thêm say lòng người. Và, đây cũng là dịp hiếm hoi để đám con cháu có được cơ hội học hỏi ngón đàn, nhịp phách, câu ca của lớp đàn anh đi trước. Không thấy có chuyện giấu nghề ở nội bộ những nghệ sĩ Xẩm. Ai cũng cố gắng khoe tài hết mức, những mong nghề Tổ được mãi mãi lưu truyền và ngày càng được nâng cao để có thể giúp ích cho cuộc mưu sinh chung của cả phường. Kết thúc lễ giỗ Tổ, cả nhà Xẩm lại dắt díu nhau trở lại cuộc sống thường nhật.
Trong những đồ nghề bất ly thân của mỗi nhóm Xẩm truyền thống, bao giờ cũng có một chiếc chậu đồng thau. Bên cạnh chức năng vốn có trong sinh hoạt thường nhật, nó còn là vật rất hữu dụng khi Xẩm hành nghề. Trước khi an vị nơi xóm chợ, đầu làng để cất lời ca tiếng hát, họ luôn đặt nó ra trước mặt để khách vãng lai bỏ tiền thưởng. Bởi thời trước, người ta hay dùng tiền kim loại. Khi người xem ném tiền thưởng vào chậu, người nghệ sĩ khiếm thị nghe thấy sẽ biết mình đạt được “thành quả” lao động như thế nào để còn hứng khởi tiếp xướng. Đó quả là một hiện tượng hết sức thú vị!

       Với tài liệu này sẽ giúp cho quý vị có kiến thức tổng quan về Nghệ Thuật Hát Xẩm. Mặc dù đã được biên soạn cẩn thận nhưng chắc chắn tài liệu này vẫn còn thiếu sót, rất mong quý vị đóng góp ý kiến để tài liệu hoàn thiện hơn!

Mai Đức Thiện sưu tầm

Bài Liên Quan

Xẩm 1817215373544108202

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item