Tìm hiểu về nghệ thuật hát Xẩm ( P1 )
NSND Xuân Hoạch vừa kéo nhị vừa hát xẩm Nghệ thuật hát xẩm Mai Đức Thiện ( st ) I. TRUYỀN THUYẾT VỀ NGUỒN...
http://www.maivanlang.com/2015/08/tim-hieu-ve-nt-hat-xam-p1.html
NSND Xuân Hoạch vừa kéo nhị vừa hát xẩm |
Nghệ thuật hát xẩm
Mai Đức Thiện ( st )
I. TRUYỀN THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC
Hát xẩm là một loại hình ca
hát dân gian mang tính chuyên nghiệp gắn với người khiếm thị ở miền Bắc nước
ta. Trong một môi trường xã hội vốn coi trọng danh vị như thời kỳ quân chủ
phong kiến, thường thì mỗi nghề nghiệp cổ truyền bao giờ cũng tồn tại một truyền
thuyết về tổ nghề. Tương truyền, hát xẩm được ra đời từ thời nhà Trần, do sự
tranh giành quyền lực giữa hai chàng hoàng tử Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh,
người anh Trần Quốc Đĩnh đã bị em hãm hại hỏng hai con mắt bỏ lại chốn rừng sâu
trong một chuyến đi săn để giành viên ngọc quý về kính dâng vua cha cướp công.
Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng
sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, liền gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng tha
thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ
quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh
cung để làm đàn. Lần mò được mẩu que tre, ôm cây đàn một dây để gẩy lên những
cung bậc thăng trầm, Đĩnh bắt đầu ngân nga những khúc nhạc lòng tự sự, ai oán.
Sau này khi được dân làng đưa chàng ra khỏi rừng, hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm
chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về
những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và
tới tai nhà vua… Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Khi trở
lại hoàng cung, Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục trau dồi và phát triển nghề hát xướng,
lại chuyên tâm dạy đàn dạy hát cho nhiều người bị khiếm thị như mình, tiếng đàn
câu ca của chàng ngày qua ngày đã dần lan truyền sâu rộng ra dân gian. Nghệ thuật
hát xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy. Và, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được coi là vị
Tổ nghề hát xẩm.
II.
CA TỪ VÀ NỘI DUNG BÀI HÁT XẨM
Bàn về ca từ và nội dung bài
hát xẩm, cũng như nhiều thể loại nhạc nhân thanh truyền thống khác, hát xẩm
cũng có hai nguồn chính đó là xẩm khuyết danh và xẩm có tên tác giả. Những bài xẩm khuyết danh thường bắt nguồn từ dân
gian, hầu hết là truyền miệng và không ai nhớ tên tác giả. Thể loại này rất
phong phú vì đa phần nội dung lời ca được chắt lọc từ ca dao, tục ngữ, truyện
thơ dân gian. Bên cạnh đó, những bài xẩm
có tên tác giả cũng là một nét văn hóa tiêu biểu của loại hình nghệ thuật
này. Tác giả của những bài xẩm này là các nho sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến,
Phan Bội Châu, Tú Mỡ, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, v.v… Phong cách xẩm này có
nhịp điệu hối hả hơn và ngôn ngữ bóng bẩy hơn để phù hợp với lối sống thị thành
cũng như người sáng tạo và thưởng thức nó. Nghệ nhân Xẩm sử dụng nhiều bài thơ
của các danh sĩ kể trên trong quá trình diễn xướng, do đó, nội dung xẩm không dừng
lại ở ca dao, tục ngữ, hò vè mà còn cả thơ phú. Cũng vì thế, nội dung xẩm rất
đa dạng với những bài trào phúng, tự sự, giáo dục luân lý, tình yêu nam nữ,
lòng trung quân - ái quốc, kể chuyện thời sự, kể về điển tích, danh sĩ, v.v…
Nói chung, Xẩm phản ánh rõ nét mọi khía cạnh trong đời sống con người.
Ở hát xẩm, mối quan hệ tương
tác giữa hoàn cảnh xã hội với dung lượng nghệ thuật được thể hiện khá rõ. Dung
lượng lời ca các bài xẩm thường khá dài, đủ để chuyển tải nhiều nội dung khác
nhau, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Thế nên các nghệ sĩ xẩm luôn phải sáng
tạo thật nhiều lời ca dài khác nhau để câu khách. Ngay đến câu ngâm sa mạc - một
làn điệu mà chỉ cần một cặp lục bát là đủ một đơn vị tối thiểu, xẩm đã dùng để
ngâm cả một chuyện thơ dài, như bài “Anh
Khóa” chẳng hạn, đến vài chục câu thơ lục bát. Tính kể chuyện - câu khách
dường như là một sự thích ứng hoàn hảo trong bộ môn nghệ thuật này. Không hiếm
những bài ca có độ dài trên dưới 100 câu thơ. Dài nhất, có thiên truyện “Bà Ba Cai Vàng” gồm 263 câu thơ hay “Đồng tiền Vạn Lịch” gồm 628 câu thơ… Tất
nhiên, những tác phẩm như vậy bao giờ cũng được chuyển vận bằng nhiều làn điệu
khác nhau, có giá trị nghệ thuật cao, tựa như một bản trường ca. Đồng thời nó
cũng thể hiện tài năng, một trí nhớ đáng kinh ngạc của những nghệ sĩ khiếm thị.
( Hết phần 1 )