70 năm âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam- bài viết trên vov.vn
70 năm âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam -Chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN là dịp để nh...
http://www.maivanlang.com/2015/09/70-nam-am-nhac-tren-lan-song-ai-tieng.html
70 năm âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam
-Chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN là dịp để nhìn lại chặng đường 70 năm âm nhạc trên sóng phát thanh.
Chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam với sự góp mặt của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng như NS Phạm Tuyên, NS Cát vận, NS Đỗ Hồng Quân, NS-NSƯT Lương Nguyên, NS Nguyễn Thụy Kha, NSƯT Thúy Mùi, NS Hoàng Lân cùng một số vị khách mời khác diễn ra từ 8-12h ngày 5/9, trực tiếp trên kênh VOV3 (Đài TNVN).
Chương trình được chia làm ba phần với chủ đề “70 năm mang đến những giá trị nghệ thuật đỉnh cao”, “70 năm gìn giữ, bảo tồn bản sắc âm nhạc dân gian Việt Nam” và “Định hướng thẩm mỹ - giáo dục âm nhạc trong các chương trình ca nhạc thiếu nhi trên làn sóng Đài TNVN”.70 năm Đài TNVN – 70 năm âm nhạc trên sóng phát thanhCó thể nói, chặng đường 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam hình thành và phát triển (7/9/1945 – 7/9/2015) cũng là 70 năm âm nhạc trên sóng phát thanh kể từ bài “Diệt phát xít” - nhạc hiệu đầu tiên vang lên trên lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
NS Nguyễn Thụy Kha, NS Đỗ Hồng Quân và NS Cát Vận tham gia chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam
Ngay sau khi Đài TNVN được thành lập, âm nhạc đã là một trong những lĩnh vực được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Đài coi trọng. Âm nhạc trên sóng lúc ấy đã đóng vai trò đầu tầu, mang theo trách nhiệm cao cả của giới văn nghệ sĩ cả nước là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tinh thần, góp chung vào mục tiêu lớn là kháng chiến chống thực dân Pháp, hiệu triệu, kêu gọi, cổ vũ tinh thần của quân và dân.
Nhiều ca khúc có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật ra đời, đem tới cho kho lưu trữ Đài TNVN những di sản đầu tiên của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam như “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”, “Người Hà Nội”...
Cùng với các chương trình phát thanh như ca nhạc, văn nghệ, tiếng hát dân ca đã theo làn sóng suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Kể từ ngày phát sóng chương trình đầu tiên, Đài TNVN là nơi duy nhất phát đi hàng trăm bài dân ca và nhạc cổ truyền mỗi ngày, thu hút hàng triệu người nghe.
Giai đoạn từ những năm 60 của thế kỷ 20 trở đi, trong điều kiện mới xây dựng CNXH ở miền Bắc, nhiều nhạc sĩ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện học tập nghiên cứu ở nước ngoài. Cũng từ đây, nhiều tác phẩm học thuật mang tính hàn lâm của Việt Nam ra đời góp thêm những thanh âm mới cho làn sóng phát thanh. Âm nhạc trên sóng ngày càng phong phú và đa dạng với các thể loại mới như nhạc kịch, nhạc giao hưởng, thính phòng...
Cho tới nay, số lượng các tác phẩm âm nhạc gửi về và được thu thanh tại Đài TNVN đã lên tới hàng vạn với hàng chục nghìn băng tư liệu âm thanh ở nhiều thể loại, trong đó đa số là các tác phẩm âm nhạc. Không chỉ đóng góp vào việc gìn giữ những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mà Đài TNVN còn góp phần rất lớn vào việc bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc.70 năm hình thành đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ có chuyên môn caoVới máy móc, kỹ thuật, phương tiện và công nghệ phát thanh ngày càng hiện đại, sóng phát thanh của Đài TNVN đã vươn xa đến nhiều nước trên thế giới. Các chương trình phát thanh ca nhạc ra đời ngày một nhiều, cùng với đó là sự xuất hiện những giọng ca của thế hệ “vàng” Đài TNVN tạo nên thương hiệu âm nhạc rất riêng cho mảng âm nhạc trên sóng.
Các biên tập viên Hệ Âm nhạc Thông tin Giải trí VOV3 (Đài TNVN)
Có một điều đáng ngạc nhiên mà có lẽ không Đài phát thanh nào trên thế giới có được, đó là đội ngũ Biên tập viên của Đài TNVN cũng là những nhạc sĩ nổi tiếng đã trưởng thành từ Ban Âm nhạc - Đài TNVN. Có thể kể đến một số tên tuổi đã gắn bó với công chúng ngay từ những năm tháng kháng chiến như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Hà, Phan Nhân, Thuận Yến, Lưu Cầu, Cao Việt Bách… và nhiều nhạc sĩ thế hệ sau này nữa.
Nhận xét về đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Đài TNVN, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Lực lượng văn nghệ sĩ của Đài đã có nhiều đóng góp cho đất nước trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Sự đánh giá này có thể nhìn một cách khách quan, nếu những tác phẩm âm nhạc không vang lên qua Đài thì không thể nào tạo dấu ấn, không thể đến với đông đảo người dân. Sự đóng góp của các thế hệ biên tập Đài TNVN cần được ghi nhận. Dù bây giờ, thông tin đại chúng phát triển nhưng Đài TNVN vẫn có truyền thống đưa âm nhạc đến với người dân một cách nhanh nhất, góp phần thôi thúc mọi người làm điều tốt cho đất nước”.
Dưới góc độ là một nhà báo âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá về những đóng góp của đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Đài TNVN trong dòng chảy chung của âm nhạc nước nhà: “Sự đóng góp của đội ngũ nghệ sĩ của Đài rất tự nhiên bởi có lẽ bởi bản chất của Đài TNVN là tuyên truyền, đi sâu vào xã hội với bề rộng và bề sâu. Nhạc sĩ phải đáp ứng điều đó, họ chính là những người đi tiên phong. Bất cứ sự kiện gì xảy ra, các nhạc sĩ đều kịp thời sáng tác. Môi trường âm nhạc của Đài đã giúp các văn nghệ sĩ trau dồi và phát triển tài năng. Đội ngũ sáng tác là một phần cứng, một sự điều hòa chính thống về âm nhạc mà Đài TNVN nên tự hào”.
70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Đài TNVN đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Bác Hồ, Đảng và Nhà nước giao phó, 2 lần được phong tặng Danh hiệu đơn vị anh hùng. Song hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, Đài TNVN luôn phát huy sức mạnh của mình và tạo nên một thành trì âm nhạc vững chắc, nơi khởi nguồn của những thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi, nơi lưu giữ, bảo tồn những kho báu văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc./.
Thanh Thanh/VOV.VN