NSƯT XUÂN THEO - Nhà hát chèo Quân đội

NSƯT XUÂN THEO - Nhà hát chèo Quân đội Bùi Quang Thắng Trong bộ đĩa than vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ do Dihavina phát hành (khoản...

NSƯT XUÂN THEO - Nhà hát chèo Quân đội
Bùi Quang Thắng

Trong bộ đĩa than vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ do Dihavina phát hành (khoảng những năm 1980 ?), cô đào còn rất trẻ Xuân Theo đã có một vinh dự đặc biệt là được sắm vai nàng Châu Long bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội của làng chèo như Bùi Trọng Đang, Quý Bôn, Mạnh Tuấn. Đây là một trong những bản Lưu Bình - Châu Long hay nhất. Nàng Châu Long thủy chung son sắt là dấu son đẹp trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Xuân Theo. Ngoài vai Châu Long, Xuân Theo may mắn gặp được vai diễn lớn trong sự nghiệp của mình. Đặc biệt hơn, đó không phải là những vai mẫu của chèo truyền thống thư Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân ... mà là một vai hoàn toàn mới. 
Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1980, Nhiếp chính Ỷ Lan - vở diễn thứ hai trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của tác giả, đạo diễn Tào Mạt đã làm nức lòng những người yêu mến nghệ thuật chèo. Ỷ Lan - vai chính trong vở được Tào Mạt lựa chọn Xuân Theo để chọn mặt gửi vàng. Ỷ Lan là dạng mô hình nhân vật mới, chưa từng có trong vốn cổ. Chèo cổ vốn chỉ bàn những chuyện sau lũy tre làng. Nhân vật trong các vở chèo thường là những cư dân nông thôn. Những vở chèo mới dựng từ đầu thế kỉ 20 cũng có những bà hoàng, bà chúa nhưng chưa có nhân vật nào được khắc họa thật sắc nét.
Ỷ Lan của Xuân Theo gây ấn tượng ngay khi vừa xuất hiện với chiếc áo gấm màu đỏ, khăn đội đầu trang nghiêm, bước chân khoan thai (nhưng không chậm và không nhỏ bước như Thị Kính), dáng điệu đường hoàng, vai thẳng, ngực hơi ưỡn, hai tay hơi gập khuỷu (nhưng không chống nạnh như Mụ ác) đặt nhẹ sau lưng giống kiểu Kép rất trang nghiêm, đĩnh đạc. Động tác bàn tay cũng vậy : mềm mại nhưng vẫn tạo những nét gãy gọn. Gương mặt toát lên vẻ quý phái, nụ cười gần gũi, ánh mắt nhân từ. Có thể thấy ở Ỷ Lan cơ bản là mô hình nữ chín. Những nét mềm mại, dịu dàng đặc trưng của nữ chín đã được lược bỏ vẻ yếu ớt, lại được điểm xuyết những nét đĩnh đạc, trang nghiêm để tạo ra một Hoàng phi Ỷ Lan quý phái, đầy uy quyền mà dịu dàng, nhân từ. Xuân Theo đã lột tả xuất sắc thần thái của Ỷ Lan từ thế đứng, dáng đi đến cách cười, cách thoại ... đúng như kì vọng của Tào Mạt. Có thể xem đây là mẫu mực cho một mô hình nhân vật phụ nữ quý tộc hướng thiện. Để hiểu rõ hơn về ngôn ngữ cơ thể trong diễn xuất của Ỷ Lan Xuân Theo, hãy so sánh với vai Hoàng hậu Thượng Dương (xem Thu Hiền trong bản diễn năm 2003 diễn xuất sắc nét hơn). Cũng vẫn là hình tượng một bà hoàng, cũng quyền uy, quý phái nhưng Hoàng hậu Thượng Dương, với áo choàng mầu đen thêu phượng, ra vai với tiếng gọi đay nghiến "thằng hề", những cái phất tay ngoắt ngoéo, bộ mặt lạnh lùng kiêu kì và kiểu nói rít hơi qua hai hàm răng lại biểu hiện cái Ác. Hai bà hoàng tột bậc cao sang nhưng để lại hai ấn tượng trái ngược nhau. Tào Mạt đúng là một đạo diễn xuất chúng. Nhân vật nào của Tào Mạt cũng có hồn, sắc nét, sống động và độc đáo. 
Xuân Theo sở hữu một chất giọng đẹp và gây ấn tượng sâu sắc ngay cả khi thoại, dù là nói thường. Một giọng nữ đầy biểu cảm với lối thoại nhấn nhá, trầm bổng, vuốt chữ đầy tính nhạc và tính cách điệu đặc trưng của nghệ thuật chèo mà tuyệt nhiên không gây cảm giác giả tạo (ta cũng thấy lối thoại tuyệt vời này ở Thanh Hải, Xuân Dinh). Một lối thoại khác hoàn toàn với thoại kịch nói, điều mà càng ngày càng ít diễn viên thể hiện được. Giọng thoại ấy khiến cho vai diễn của Xuân Theo có chiều sâu và đậm đà chất chèo. Trong vở Nhiếp chính Ỷ Lan có hai đoạn đối thoại rất dài giữa Ỷ Lan và Quan thái sư mà chỉ sử dụng nói thường. Duy nhất một lần Quan thái sư nói sử nhưng cả hai đoạn thoại này vẫn cuốn hút, vẫn toát ra cái hồn cốt của chèo. 
Giọng hát Xuân Theo có sức biểu cảm cao, âm sắc đẹp và đượm một nỗi buồn da diết. Giọng hát ấy lại mang nét quý phái khi vào vai Ỷ Lan. Đoạn Ỷ Lan độc thoại trong cung sau biến cố bị Hoàng hậu Thượng Dương vu oan hại Vua, hại chồng có thể xem là một trong những đoạn hay nhất vở diễn. Xuân Theo, bằng lối diễn xuất có chiều sâu, bằng nói sử, kể hạnh, bằng điệu vãn cầm và ru kệ biến tấu mang nhiều âm hưởng Phật giáo đã lột tả xuất sắc những nỗi chung, tình riêng của Ỷ Lan. Sâu lắng nhưng vẫn trang nghiêm, tiết chế, Xuân Theo đã thể hiện những ưu tư, trăn trở của một Ỷ Lan uyên bác và nhân từ hoàn toàn khác với sự than thân trách phận của một Thượng Dương nhỏ nhen, đố kị với điệu Tò vò. 
Ỷ Lan đã mang lại cho Xuân Theo chiếc HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1980. Sau thành công vang dội của đoàn chèo Tổng cục hậu cần, Nhiếp chính Ỷ Lan được rất nhiều đoàn bạn dựng lại nhưng hình tượng Ỷ Lan thì không ai sánh được với Xuân Theo. Năm 1985, trong vở Lý Nhân Tông kế nghiệp, vở diễn cuối cùng của bộ ba Bài ca giữ nước, Xuân Theo vào vai Kỹ nữ. Đó là một vai phụ, chỉ xuất hiện vẻn vẹn có 4 phút trong lớp diễn tại dinh Quan Thái sư với một bài hát ả đào và vài câu thoại nhưng XuânTheo đã kịp để lại ấn tượng thật đẹp và đoạt HCB Hội diễn. Điều này thể hiện sự chỉn chu và bản lĩnh của nghệ sĩ lớn dù chỉ trong một vai diễn nhỏ. 
Xuân Theo là một trong những nghệ sĩ đã đoạt giải A1 tại Hội thi giọng hát chèo hay toàn quốc năm 1981. Ngay trong đợt phong tặng danh hiệu nhà nước đợt II, năm 1988, Xuân Theo đã được phong tặng danh hiệu NSUT, cùng với Kim Liên (Nam Định).

Ngày 08.10.2015
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Chèo 92741258083477810

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item