VIẾT CA TỪ TRONG CÁC VỞ CHÈO

VIẾT CA TỪ TRONG CÁC VỞ CHÈO Cảnh trong vở Trương Viên Mai Văn Lạng Chèo là một bộ môn nghệ thuật kịch hát nên dù có muốn tha...

VIẾT CA TỪ TRONG CÁC VỞ CHÈO

Cảnh trong vở Trương Viên
Mai Văn Lạng

Chèo là một bộ môn nghệ thuật kịch hát nên dù có muốn thay đổi đến đâu nếu vẫn gọi là sân khấu chèo thì vẫn phải có kịch và hát, khi đã có hát thì vai trò và vị trí của ca từ vẫn được xác định là rất quan trọng.
 Sau năm 1945 sân khấu chèo chìm nổi theo vận mệnh của đất nước. Đầu những năm 1950 các nghệ nhân, nghệ sĩ yêu nước, đi theo kháng chiến đã tập hợp nhau lại thành lập các Đoàn văn công nhân dân trung ương trong đó có tổ chèo. Lúc ấy đã bắt đầu có những vở diễn đầu tiên về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng phải đến khi Hòa bình lập lại trên Miền Bắc, tổ nghiên cứu chèo ra đời vừa khôi phục vốn chèo cổ bắng cách mời các nghệ nhân đến diễn lại, đọc lại, hát lại các tích cũ trò xưa rồi gạn đục khơi trong chỉnh lý, bổ sung mới có được 7 vở chèo cổ như hiện nay. Bên cạnh việc phục hồi và phát huy vốn chèo cổ, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng cũng như bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc đã bắt đầu xuất hiện các vở chèo viết về đề tài chiến tranh cách mạng, về đề tài nông thôn, về công cuộc kiến thiết Miền Bắc đấu tranh thống nhất ở miền Nam. Một lọat vở chèo hiện đại ra đời thời kỳ này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của nghệ thuật chèo hiện đại. Có thể kể ra những vở chèo tiêu biểu của thời kỳ này như: Chị Trầm, Tấm Cám, Sông Trà Khúc, Con trâu hai nhà, Tình rừng, Tấm vóc đại hồng, Đường về trận địa, Nguyễn Viết Xuân v v . . . Sau năm 1975, sự ra đời của một số loại hình nghệ thuật mới làm chèo chững lại, có phần đi chệch hướng, nhiều vở chèo nhưng thực chất là Kịch và hát ra đời làm cho vốn liếng chèo, khuôn mẫu chèo, quy tắc chèo dường như mai một. Bước sang đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, nghệ thuật chèo với những đặc trưng và giá trị của chèo đã dần được phục hồi, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tác giả, đạo diễn với tấm lòng hết mình vì chèo, có sự nghiên cứu chèo thấu đáo trước khi làm chèo nên đã có những vở chèo được công nhân là: “Chèo xịn” làm cho nghệ thuật chèo khởi sắc. Thời gian qua, ở đấu đó còn có những người này người khác muốn đổi mới, muốn chỉnh lý nâng cao chèo, nhưng phần lớn những vở chèo thời gian gần đây đã dần trở lại không gian văn hóa vốn có của nghệ thuật chèo. Xin điểm qua một chút về tiến trình lịch sử của : “Chèo hiện đại” để thấy rằng ngay bản thân chèo- Là gốc, còn có những bước thăng trầm như ca từ, vốn là cành, là lá hẳn cũng không ít vấn đề cần bàn.
 Việc soạn lời mới cho các làn điệu cũ( Quy trình ngược )
Ở góc độ sáng tác nhạc kịch thì lời và hát được sáng tác song hành với nhau, cũng có thể là lời có trước gây cảm hứng cho nhạc sĩ viết nhạc, cũng có thể nhạc có trước rồi người nhạc sĩ lựa lời mà điền vào nốt nhạc. Ở chèo lại khác hoàn toàn là bởi “bình cũ rượu mới”. Thế nào là “bình cũ rượu mới”? Ấy là lời thì lời mới những làn điệu vẫn là làn điệu cổ. Tại sao lại là làn điệu cổ mà không phải là viết làn điệu mới? Điều này có thể lý dải ở mấy điểm sau đây:
- Một là: Chèo cổ sau hàng trăm năm tồn tại và phát triển đã có rất nhiều vở diễn thành công và đã chèo hóa được hàng trăm làn điệu dân ca các miền đất nước, đã hình thành được hệ thống các làn điệu khổng lồ, hơn nữa các làn điệu này đã được dân gian hóa một cách tài tình khéo léo nên có giá trị rất cao. 
- Hai là: Các nhạc sĩ nghệ sĩ của chúng ta mặc dù đã dồn hết tâm hết sức để viết nhạc để làm mới chèo nhưng hầu hết không thành công bởi nếu “Nhạc mới hóa” thì chèo không còn là chèo. Cá biệt có tác giả và nhạc sĩ đã có thành công nhất định trong việc bẻ làn nắn điệu ( Trường hợp bộ ba vở “BÀI CA GIỮ NƯỚC” ) nhưng đó chỉ là thành công của riêng bộ ba vở này chứ đem các là điệu, bài bản của ba vở này áp dụng cho các vở khác thì nhất định không thành công bởi như ở phần 2. 2 chúng tôi đã có dịp trình bầy ca từ và giai điệu của chèo có một vai trò rất lớn trong việc diễn tả tính cách nhân vật, nhưng nếu như các vở khác muốn lấy các làn điệu hát trong trích đoạn chôn hề thì buộc phải có một ông hề thứ hai trong vở diễn của họ và điều đó là không thể. Như vậy chèo cổ đã hình  thành nhiều năm, đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc bẻ làn nắn điệu để phù hợp với từng loại nhân vật mà các nhạc sĩ, Ns hiện đại không thể theo được.
- Ba là: Nếu như có một nhạc sĩ, Ns thiên tài sáng tác được một số làn điệu mới đi chăng nữa thì thời đại hiện nay mô típ nhân vật đã khác đi nhiều lắm, trong cái lẳng lơ có cái duyên dáng đoan trang nên không thể viết như như các điệu Bình thảo, cấm giá, trong cái ác có cái thiện nên không thể viết các điệu như sắp chợt... nghĩa là nhân vật của chèo trong thời đại mới đã có rất nhiều thay đổi. Nếu như thời xã hội phong kiến chỉ có 3 tầng lớp chính trong xã hội là: Nông dân, địa chủ cường hào và vua quan thì ngày nay sự phân cấp trong xã hội đã rất nhiều và trình độ dân trí, trình độ nhận thức của người dân đã ngày một nâng cao chính vì vậy nếu viết các làn điệu chèo phù hợp với từng loại người trong xã hội hiện đại để làm khuôn mẫu e là không thể.
Trở lại với vấn đề đang bàn là ca từ trong chèo hiện đại. Ta có thể thấy rõ là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hiện đại dù đã hết lòng hết sức, đã dồn hết tâm trí, đã thử sức rất nhiều đành bất lực trong việc viết nhạc, định hình một số làn điệu mới cho chèo nên buộc phải quay trở lại dùng một số làn điệu cũ của chèo để diễn tả con người mới, cuộc sống mới chính vì vậy chúng ta gọi hình thức này là “bình cũ rượu mới”!
Việc thực hiện quy trình ngược “bình cũ rượu mới”này được thực hiện như thế nào? Trước hết là tác giả, nhà văn viết chèo phải thuộc hết lòng bản những làn điệu cổ rồi trong quá trình viết dựa vào loại nhân vật, tình huống nhân vật mà cho nhân vật hát điệu gì. Ví dụ gặp tình huống nhân vật đánh ghen hoặc tức tối thì hát điệu Dậm chân, thánh trị vì... gặp lúc nhân vật thư thái nhàn tảng thì hát điệu ngâm sổng vào chinh phụ hoặc luyện 5 cung . . . gặp cảnh buồn rầu thì hát điệu tò vò, trần tình, vãn theo, vãn cầm .. . gặp nhận vật vui nhộn, và có tính chất gây cười thì hát các làn điệu hề v.v… ở đây chúng tôi muốn mở một cái ngoặc để nói rằng từ sân khấu chèo cách mạng đến nay một tác giả chèo chuyên nghiệp thuộc được lòng bản chèo viết chèo đúng với cấu trúc và hình thức của nó có rất ít. Rất ít bởi rất khó. Nhà soạn chèo muốn soạn một tích trò gần với chèo nhất phải hội đủ các yếu tố như: Phải am hiểu sâu sắc nghệ thuật chèo, phải thuộc các làn điệu, thậm chí phải hát được, hát đúng, hát chuẩn các làn điệu, hơn nữa phải tìm được cái tích sao cho gần với chèo nhất để dịch nên trò, sau đó mới tìm cách thể hiện trên giấy. Chưa hết, ngoài những yếu tố trên đã là rất khó rồi nhà soạn chèo lại con phải có thêm tư chất của một nhà văn, nhà thơ, phải thuộc hết các thể thơ, cách gieo vần, cách bẻ làn nắn điệu, lại phải thuộc các tích đông tây kim cổ, các lối văn biền ngẫu để dịch nên trò diễn. Trên 60 năm qua sân khấu chèo cách mạng đã có những thành công nhất định nhưng để tìm được một tác giả hội đủ những điều kiện trên đếm trên đầu ngón tay.
Trở lại với vấn đề ca từ! Một vấn đề nữa đặt ra cho những người soạn chèo là có nhân vật rồi, có tình huống nhân vật rồi, có tính cách nhân vật rồi, tìm được nét giai điệu phù hợp với hoàn cảnh đó rồi vậy thì làn điệu đó được viết ra sao. Trước hết người viết phải thuộc làn điệu đó nghĩa là hát trôi chảy các làn điệu cổ, rồi sau đó mới tìm hiểu xem điệu hát đó được các nghệ nhân phổ thơ theo kiểu nào: đảo hay láy, nhắc lại hay hát xuôi, thơ lục bát hay lục bát biến thể, vần của câu hát đặt ở đâu v v... điều này thật vô cùng khó khăn với người viết bởi không chỉ viết đến đâu mới tìm hiểu đến đấy mà người viết phải thuộc lòng, lời ca, điệu hát, cách phổ thơ của làn điệu ấy người viết phải nắm rất vững bởi không nắm vững thì dù văn chương có chau chuốt, thơ ca có hay đến mấy mà viết ngược dấu thì diễn viên cũng chịu không hát được. Ví dụ điệu hát du xuân của chèo  lời cổ là: “Cỏ áy bóng tà ai ơi một vài vùng- nay có áy bóng tà” nhưng nếu người viết ghi hát theo điệu du xuân mà lại viết: “ Đường quê dặm thẳm bao xa” tức là từ cuối cùng đáng lẽ ra phải là huyền thì lại viết không dấu: diễn viên chắc chịu không thể hát được. Lúc ấy đạo diễn, hoặc diễn viên đành phải xử lý theo điệu hát khác như vậy thì rất nguy hiểm, nguy hiểm ở chỗ nếu điệu hát lại là điệu không hợp với hoàn cảnh nhân vật đang gặp phải, hoặc giả có phù hợp thì giai điệu không đẹp, không chuẩn hoặc đã trùng với làn điệu có ở phần trước rồi là bài hát trở lên nhàm chán, người viết bị chê là không cao tay, thậm chí có khi còn đổ cả cảnh ấy luôn. Cái khó nhất của nhà soạn chèo là cở chỗ viết lời cho ca từ chuẩn với giai điệu, giầy thì có rồi bây giờ phải chọn cái chân nào cho vừa vặn. Chọn cái chân nào xem ra là cả một vấn đề nan giải. Vấn đề giải pháp cho việc đo chân và đóng giầy trong viết chèo như thế nào xin được bàn trong một bài viết sau. 




Bài Liên Quan

Tin Mới 3006495044684883738

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item