Soạn giả Quốc Anh-Cuối đời dành trọn dân ca

Có thể nói Quốc Anh là một trong số không nhiều những soạn giả cao tuổi nhất viết hay, viết đều tay, viết khỏe.  Lời ca của ông giàu ...



Có thể nói Quốc Anh là một trong số không nhiều những soạn giả cao tuổi nhất viết hay, viết đều tay, viết khỏe. 
Lời ca của ông giàu tính văn học, dễ hát, dễ thuộc. Bài viết dưới đây của Mai văn Lạng là bài viết LỜI GIỚI THIỆU cho cuốn sách " Những bài dân ca lời mới " tập hợp gần 100 bài soạn lời mới cho dân ca và chèo của soạn giả Quốc Anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị!


Soạn giả Quốc Anh
Soạn giả Quốc Anh-Cuối đời dành trọn dân ca

Mai Văn Lạng

Đã xấp xỉ tuổi 80 mà ngày ngày ông vẫn cặm cụi trên bàn viết, chắt lọc từng câu từng chữ để cho ra đời những bài soạn lời mới vừa dân dã vừa thấm từng ý từng lời, được khán thính giả  hết sức yêu mến. Vâng, chúng tôi muốn nói đến soạn giả Quốc Anh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật ở Hoằng Hóa Thanh Hóa nên ngay từ nhỏ, bên cạnh học văn hóa soạn giả Quốc Anh đã được mẹ, các cô, bác dìu từng bước trưởng thành qua câu hát dân ca, những làn điệu chèo đằm thắm mượt mà. Năm 1955 khi trong 18, ông lên đường nhập ngũ mang theo câu hát quê hương mặn nồng tha thiết. tại đơn vị, vì có kiến thức văn hóa ông được cử đi dạy học, xóa mùa cho nhiều bạn bè đồng đội. Năm 1960, ông được cử vào tuyến lửa, phóng viên báo quân đội, rồi biên tập viên chương trình phát thanh quân đội. Chiến tranh kết thúc ông về làm Biên tập viên báo Quân đội nhân nhân cho đến khi nghỉ hưu với quân hàng thượng tá.
Bìa sách
Với tình yêu dân ca và chèo đau đáu, với tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, được đi nhiều, đọc nhiều Thượng tá Quốc anh về hưu mới bắt đầu nghiệp cầm bút soạn lời cho dân ca. Suốt từ bầy cho đến nay ông đã viết hàng trăm bài lời mới với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là chèo và cải lương.
Nổi bật nhất trong các chủ đề mà tác giả Quốc Anh soạn lời là về quê hương.  18 năm tuổi thơ sống trong tình yêu của cha mẹ, bà con cô bác được nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật luôn đau đáu hiện về trong các tác phẩm của ông. Ông viết về bà da diết trong điệu hát tò vò: “ Cháu nhớ thủa lên ba- vắt trên vai bà- như là dải yếm . . “, rồi “ Bà tôi áo rách nón mê- khác chi thân cò- lần mò tôm tép  . . . “ và ông chợt òa lên xót xa “ Mái đầu tôi điểm tuyết- giật mình tôi hối tiếc- khi biết thương bà, bà đã cỏ xanh . . . “. Nhưng có lẽ viết hay hơn, tâm huyết hơn và có phần xa xót nhất là ông viết về mẹ. Có những câu thơ gần gũi giản dị như trò chuyện “ Về thăm mộ mẹ lưng đèo- Thì thầm con lại hát chèo mẹ nghe”- bài hát xẩm  “ thăm mẹ “, vui với câu hát chèo, vui với những kỷ niệm xưa, nhưng khi “ chia tay “, mẹ ở lại phần mộ ông vẫn ngửa mặt lên trời mà hát “ Mẹ ơi! Thương mẹ vô ngần- Trời cao xanh thẳm, gió ngàn mông mênh- gục đầu mộ mẹ cỏ xanh- Tưởng năm ngực mẹ yên lành thủa xưa “- bài “ thăm mẹ “. Nhớ về mẹ là Quốc Anh nhớ về những công việc hàng ngày vất vả một nắng hai sương, tảo tần khuya sớm .Ông có các bài rất chân thành “ mẹ tôi phơi lúa trên sân “, “ Mẹ tôi gieo mạ “, “ Khúc ru xanh “ . . . niềm vui phơi lúa của mẹ được ông diễn tả thật đẹp, rất nghệ thuật “ Nhịp nhàng đóng lúa trên sân- Gió vi vu thổi nón nâng chòng chành- mẹ ngồi đong nắng long lanh “ . . . Với soạn giả Quốc anh dường như hình ảnh mẹ gắn với hình ảnh quê hương, với làng xóm, với cây đa, bến nước sân đình, quen thuộc. Ông viết về nhưng đêm “ gặt cói dưới trăng “, về “ chiếc nón quê hương “, về cái nắng dịu ngọt của mùa Thu, về “ xem chèo ngày xuân “ v v . . .  là một người lính, được thử sức qua chiến tranh nên thượng tá Nguyễn Quốc Anh thấu hiểu cái giá phải trả cho hòa bình, độc lập tự do. Một đề tài lớn cũng được ông viết hết sức tâm huyết đó là “ Tổ Qốc thiêng liêng “. ở đề tài này, có lẽ thú vị nhất là bài “ Việt Nam dáng mẹ nằm nghiêng “, lời xa theo điệu liễu thuận nương của nghệ thuật cải lương cứ du dương déo dắt với những câu, những chữ, những tìm tòi, phát hiện khá mới mẻ: “ Suốt đời mẹ nghiêng mãi không thôi- Nghiêng tháng, nghiêng năm, nghiêng nửa trời mênh mông- Nhọc nhằn nghiêng cả đời con- Mẹ nằm nghiêng dõi nhìn biển Đông v v . . . “, rồi “ Đất nước ta có bao giờ ngơi nghỉ- Kẻ thù kia chẳng để mẹ nằm yên- Chúng rắp tâm nhiều phen xâu xé . . “. Tổ Quốc thiêng liêng hôm nay luôn gắn liền với công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước và gắn với hình tượng cao đẹp chủ tịch Hồ Chí Minh. Soạn giả Quốc anh có khá nhiều bài viết xúc động về bác kính yêu: “ Bác Hồ nguồn sáng lương tâm “, “ vào lăng viếng Bác “, “ Lời cây tre bên lăng Bác “, “ Lời ru ơn Bác “ v v . . . Viết về Bác là viết về một vị lãnh tự vĩ đại mà giản dị, cao cả mà gần gũi, soạn giả Quốc Anh đã có những câu ca mang tính phát hiện: “ Nền văn hóa mấy ngàn năm đua sắc- Đều tụ vào trong Bác yêu thương- Bác của ta bậc đại trí, đại dũng, đại nhân- Là nguồn sáng lương tâm thời đại mới
Nói đến chủ đề trong các sáng tác của soạn giả Quốc Anh thật là thiếu xót nếu không nói đến tình cảm của ông dành cho đồng chí đồng đội. Là người lính, chứng kiến và trải qua những cuộc tranh tranh đau thương mà oai hùng của dân tộc, từng chôn đồng đội, từng cõng thương binh, từng trực tiếp cầm súng chiến đấu . . nên lời ca của ông viết về đề tài này cứ da diết xót xa: “ anh nổ súng vang giòn- Đến khi ngã xuống anh còn trao tôi- “ Điều lệ “ đây thấm hồng tươi tình Đảng “ . . “- bài  “ kỷ niệm của người đã khuất “. Hình ảnh người lính biên cương trong bài “ gió biên cương “ của ông hiện lên thật đẹp, hào hoa, thi vị” Súng khoác vai nắm chắc dây cương- anh dong ngựa ào lên ngọn gió- làm tiếng chim đầu cành rộn rã hót vang- anh lại đến gom vén mây nhẹ dìu nắng mai lên . . . “
Có thể nói Quốc Anh là người chịu viết. Ông “ lặn lội “ ở nhiều đề tài, và đề tài nào ông cũng gặt hái được những thành công nhất định
Bên cạnh những thành công ở đề tài, thể loại, cái thành công lớn nhất đáng ghi nhận của soạn giả Quốc anh là nghệ thuật viết. Soạn lời mới cho dân ca là một công việc nhọc nhằn vất vả. Nó đòi hỏi người viết vừa phải có vốn sống ( để tìm ý mới ) vừa phải có hồn thơ, vừa phải có kiến thức về loại hình nghệ thuật mình định viết và quan trọng nữa là phải thuộc lòng bản, bài gốc mình dựa vào viết lời. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng soạn giả Quốc Anh không để cho mình nghỉ ngơi. Có thể nói ông luôn đau đáu làm sao để viết bài nào cũng phải đạt đạt chất lượng chính vì vậy mà ông tầm sư học đạo, không ngần ngại lắng nghe các soạn giả đi trước, thậm chí chỉ đáng tuổi con, cháu mình để tìm kinh nghiệm viết. “ Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân “, trời không phụ lòng người có tâm, những bài ca do soạn giả Quốc anh viết được khán thính giả đánh giá cao, người trong nghề viết tin yêu nể phục bởi lời hay, ý đẹp, dễ hát, dễ thuộc. đặc biệt là mỗi bài đều mang tính trữ tình tha thiết. Những câu ca mang đầy cảm xúc. Các “ vần “ trong bài thường mượt mà uyển chuyển, không bị khiên cưỡng, ép vận. Chúng tôi hiểu để có được điều đó soạn giả Quốc anh đã phải đọc, phải học, phải tập viết rất nhiều.
Sau hàng chục năm trời lăn lộn với công việc “ thổ tận can tràng “, chúng tôi vui mừng giới thiệu với quý vị và các bạn cũng sách “ Những bài hát dân ca lời mới “ của soạn giả lão thành Quốc Anh. Đây không chỉ là công sức lao động một cách miệt mài, đầy trí tuệ, kết tinh của nguồn tri thức lớn mà còn là sản phẩm của một người con yêu Tổ Quốc, quê hương đến trọn đời.


Hà nội ngày 29/7/2015

Đề tặng của soạn giả Quốc Anh cho Ths Mai Văn Lạng

Bài Liên Quan

Tin Mới 5383630515993297157

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item