Ngọn nguồn dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng

Dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng được ngành văn hoá Hà Nam sưu tầm, khai thác và giới thiệu qua các chương trình biểu diễn văn n...



Dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng được ngành văn hoá Hà Nam sưu tầm, khai thác và giới thiệu qua các chương trình biểu diễn văn nghệ, liên hoan dân ca trong và ngoài tỉnh. Thực tiễn cho thấy, những làn điệu dân ca này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem, người nghe.


Dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng được ngành văn hoá Hà Nam sưu tầm, khai thác và giới thiệu qua các chương trình biểu diễn văn nghệ, liên hoan dân ca trong và ngoài tỉnh. Thực tiễn cho thấy, những làn điệu dân ca này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem, người nghe.

Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng mang được âm hưởng chung của nhiều thể loại dân ca trong vùng và cả những nét riêng của vùng chiêm trũng Hà Nam.

Ngã ba sông Móng là địa danh nằm trên lưu vực sông Châu, nơi tiếp giáp ba xã thuộc ba huyện trong tỉnh Hà Nam: xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục), xã Văn Lý (huyện Lý Nhân) và xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên). Từ xa xưa trong vùng đã có câu:

Nhạc sĩ Phạm Trọng Lực- Người có công lớn trong sưu tầm, chỉnh lý, cải biên, phổ biến dân ca Hà Nam
Một vùng sông rẽ ngã ba

Tiếng con gà gáy nghe ba huyện cùng

Sở dĩ được gọi là ngã ba sông Móng, bởi từ xa xưa ở nơi đây đã có những người dân làng Móng (nay thuộc xã Tiên Phong) làm nghề chở đò ngang trên sông. Về địa lý, ngã ba sông Móng là vùng đất mang đặc điểm của vùng chiêm trũng, nên việc đánh bắt thuỷ sản và giao thông đường thuỷ thuận lợi nhất Hà Nam. Là một vùng đất bãi thuộc châu thổ sông Hồng và sông Châu nên ngã ba nơi đây mang đặc trưng của nền văn hoá lúa nước và nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải (hai đặc trưng cơ bản của văn minh Đại Việt xưa).
Một điều lý thú là, tuy là nguồn dân ca của chung ba huyện nhưng lại mang tên riêng của một làng - làng của những người chèo đò. Vì vậy, có thể cho rằng nguồn dân ca này được sinh ra trên mặt nước, mà làng Móng và bến đò Móng là điểm hội tụ những con đò qua lại sông Châu và những chiếc thuyền nan - phương tiện đi lại trong môi trường đồng chiêm trũng.

Căn cứ vào công việc chèo đò của người làng Móng, sinh hoạt trên mặt nước của cư dân vùng chiêm trũng Hà Nam xưa, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền nan thì thấy, không gian mặt nước tạo môi trường cho hát đối (ở Hà Nam xưa đã có hình thức hát đối trên mặt nước, như hát Trống quân ở các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục được tổ chức giữa các thuyền nan, sau này phát triển thành hát giao duyên). Vì vậy, dân ca vùng sông Móng hoàn toàn mang ý nghĩa sinh hoạt tinh thần, giao lưu tình cảm hay cảm hứng thăng hoa trong lao động; lúc đầu hát trên mặt nước, sau chuyển lên bờ, cả hình thức lẫn nội dung ngày càng phong phú hơn.

Chứng minh cho giả thiết trên, chúng tôi mượn lời của nghệ nhân hát giao duyên Nguyễn Thị Vỷ * (người làng Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) cho hay: “Khi tôi đang gánh cỏ thì nghe thấy dân làng Mạc hát một câu có tính thách đố. Tôi hát đối lại. Hát cho đến bao giờ họ không đối lại được nữa thì mới gánh cỏ về…”

Hát đối vùng ngã ba sông Móng được mở rộng qua các hình thức sinh hoạt khác, ở nhiều môi trường. Nó thuộc loại nhóm dân ca sinh hoạt, gắn liền với các tập quán sinh hoạt xã hội, ngày càng phổ biến, được nhân dân ưa dùng trong sinh hoạt tập thể, trong lao động, vui chơi giải trí, trong các ngày lễ hội dân gian…

Hát giao duyên vùng này, như trên đã nêu có nguồn gốc từ hát đối, nhưng tính chất đối đáp là thứ yếu, mục đích đối ý về sau mờ nhạt dần, chất trữ tình, tự sự trội hơn lên. Hát giao duyên ngã ba sông Móng thuộc thể hát đối ca một giọng, tức là cả hai bên nam, nữ hát chung một bài hát có cùng một làn điệu, ví dụ trong làn điệu hát mời:

Nữ:

Ba quan một chiếc thuyền nan

Có về xóm bãi gái ngoan tầm chồng

Có mấy dậu tình rằng

Anh cả, anh hai nay đấy ơi!

Nam:

Cô cả, cô hai nay đấy ơi!

Chất trữ tình trong các làn điệu dân ca giao duyên ngã ba sông Móng được cảm hứng từ môi trường lao động, sinh hoạt và trữ liệu lịch sử- xã hội. Các chất liệu lấy từ cuộc sống như bến sông, con đò, con thuyền, xóm bãi… là những hình ảnh gần gụi, thân thương, gợi cảm được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều làn điệu, được nhân lên thành hình tượng của tình yêu. Kết hợp với câu chuyện dã sử, hình tượng này gắn với hình tượng nhân vật người con gái họ Đào có duyên phận lỡ làng như con đò lỡ chuyến, bến sông vắng thuyền.

Hình tượng lấy từ nghề tằm tang, canh cửi có thể thấy rất nhiều trong các làn điệu:

Đêm khuya sương đẫm cành dâu

Anh kéo vạt áo che đầu cho em

(Lời Hát ru)

Hay:

Đêm trăng thanh gió mát ta về làng Dâu

(Lời Hát ngược)

Trong tâm thức các cư dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, cũng như trong tâm thức người Việt xưa: nương dâu, con tằm, cái kén, xe tơ, dệt vải có sự liên tưởng tương ứng với nhân duyên như ông tơ bà nguyệt. Môi trường của nghề trồng dâu nuôi tằm là nguồn gợi cảm hứng trữ tình thứ hai (sau nguồn cảm hứng lấy từ chất liệu sông nước) cho những làn điệu hát giao duyên, hát ru của cư dân nơi đây.

Nguồn trữ tình trong hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng còn được khai thác từ câu chuyện dã sử. Chuyện kể rằng: có một viên tướng trẻ của Lê Hoàn (thời Tiền Lê) từ căn cứ Động Cõi đi qua bến sông Thọ Kiều ra trận đánh giặc, vào một ngày nước lũ kéo về. Viên tướng cưỡi ngựa trắng đi qua bến đò sông Móng. Người con gái họ Đào làm nghề lái đò đã chở viên tướng ấy. Không may ra đến giữa dòng, gặp nước xoáy làm tay lái quay tròn, đò đắm. Cô gái quen dòng nước, lao xuống dòng xoáy cứu được viên tướng trẻ, nhưng còn con ngựa bạch thì bị dòng nước cuốn đi.

Cứu người nên nghĩa, chuyến đò nên duyên. Cô gái lái đò và chàng tướng trẻ đem lòng yêu nhau, rồi cùng thề se duyên chồng vợ.

Thắng giặc, đại quân của Lê Hoàn trở về trong khúc khải hoàn ca, còn viên tướng trẻ đã hi sinh nơi chiến tuyến, bỏ lại lời ước hẹn với người yêu. Cô gái họ Đào đã toan thề chẳng se duyên cùng ai, nhưng vì gia cảnh lâm bước khốn khó, cha mẹ già nua, bởi giữ trọn chữ hiếu, cô đành gác bỏ mối tình xưa, gá duyên cùng một anh đánh dậm. Ví tưởng như một câu hát giao duyên tròn trịa:

Đôi ta cùng chung cảnh nghèo

Anh cuốc, em cuốc, sớm chiều có nhau

Nào ngờ, gã đánh dậm vũ phu, nhiều phen đánh đập vợ, nhằm xoá đi chuyện tình năm xưa còn in sâu trong trái tim cô gái. Nhiều lần chết đi sống lại, cuối cùng cô gái họ Đào đã bỏ làng, bỏ cả dòng sông và con đò ra đi.

Lấy chuyện trên, các nghệ sĩ dân gian trong vùng đã cảm tác nên một làn điệu hát giao duyên, nghe ai oán mà trữ tình, huyền ảo:

Trên trời có đám mây xanh

Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời

Đôi ta muốn lấy nhau chơi

Cái duyên không định, ông trời không se

Những nơi chết dấp bờ tre

Cái duyên cứ định trời se em vào

Ba đồng một sợi chỉ đào

Áo gấm không vá, vá vào áo tơi

Cực lòng thiếp lắm chàng ơi

Biết rằng lên ngược xuống xuôi cũng đành

(Hát Mụa)

Để tạo nên tính chất huyền ảo, các nghệ sĩ dân gian đã mượn các yếu tố huyền bí, khó lý giải của nhân duyên, số phận. Ví thử như kiếp hồng nhan của cô gái họ Đào năm xưa, giờ ứng với duyên số tiền định của các cô gái họ Đào nói chung, như câu tương truyền trong dân gian:

Con gái họ Đào

Lấy quan quan cách

Lấy khách khách về Tàu,

Lấy nhà giàu nhà giàu hết của

Suy rộng ra, chủ đề nhân duyên lỡ làng và oán trách số phận trong hôn nhân, trách cứ tình yêu xuyên suốt những làn điệu hát giao duyên khác trong vùng, như một mô típ:

Về nhân duyên:

Cái quạt có hai chữ hồng

Bác mẹ gả chồng nhưng trái nhân duyên

(Hát vui)

Hay:

Cái cây nhà người, cái quả nhà người

Nhìn lên mỏi mắt, với thời mỏi tay

(Hát vọng)

Tìm người yêu nhưng không thấy:

Hẹn anh đến gốc cây đa

Anh đến không thấy anh ra cây đề

Hẹn anh đến gốc cây đề

Anh đến không thấy anh về cây mơ…

(Hò Đối)

Trách cứ tình duyên:

Trách ai gió cuốn lời thề

Tóc mây chưa bạc tình kia nhạt dần…

(Hát Ru)

Hoặc trong lời hát Đèo, mượn tích câu chuyện dân gian Đồng tiền Vạn Lịch ở vùng đồng bằng Bắc Bộ phù hợp với chủ đề này, các nghệ sỹ vùng sông Móng đã thổi làn điệu âm nhạc cho nó, làm tăng thêm sự hấp dẫn của chủ đề.

Tuy nói về chủ đề tình duyên, nhân duyên lỡ làng, lầm lỡ nhưng nội dung tư tưởng các khúc hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng không bi lụy; ngược lại nó ca ngợi tình yêu, khát khao sự bền vững trong tình duyên đôi lứa, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Và điều cốt yếu là, chất trữ tình mượt mà, vương vấn đáng yêu, chính bởi sinh ra từ đấy.

Từ hát đối trên sông nước ở ngã ba sông Móng, các làn điệu lại thấm đẫm chất trữ tình trong cuộc sống cư dân lúa nước và điệu hát giao duyên khắp một vùng rộng lớn gồm ba huyện. Âm hưởng ấy được ví như tiếng gà gáy chung vậy!

Vùng ngã ba sông Móng nằm kề ngay núi Đọi, thuộc trấn Sơn Nam Thượng xưa, chịu nhiều ảnh hưởng của văn minh phố Hiến (thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến) là vùng đất mà các vua thời Tiền Lê, Lý, Trần ban nhiều ân huệ. Sự kiện tịch điền của Lê Hoàn còn trầm tích ở lòng đất, lòng dân nơi đây; rồi công trình núi Đọi, chùa Đọi của Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông) với Tháp Sùng Thiện Diên Linh, văn bia lưu giữ nghĩa chữ, ý văn bay bổng, trữ tình, giàu lòng nhân ái. Nơi đây cũng là quê hương của Nguyệt Nga công chúa, một nữ tướng thời Trưng Vương, vừa lãnh đạo nhân dân đánh giặc, vừa dạy dân cách trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Một vùng đất giàu cảnh quan trữ tình, giàu trầm tích, di tích lịch sử - văn hoá, nên cũng là quê hương của lễ hội, là ngọn nguồn của những làn điệu hát giao duyên nơi đây.

Việc sưu tầm, biên tập và khai thác nguồn trữ liệu dân ca này chúng tôi thiết nghĩ, chính là việc làm cần thiết để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, làm giàu thêm nguồn dân ca trữ tình trên đất Hà Nam.







Cụ Vỷ (đã mất) là mẹ của Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực, người sưu tầm, biên tập những làn điệu dân ca này.

Nguyễn Đình Lợi

Bài Liên Quan

Dân Ca Các Miền 3088722279558720614

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item