CẢM NHẬN VỀ BÀI HÁT CHÈO: NÉT QUÊ TRONG MỘT LOÀI HOA- Nguyễn Thanh

CẢM NHẬN VỀ BÀI HÁT CHÈO: NÉT QUÊ TRONG MỘT LOÀI HOA Thơ: Từ trong gian khó khó nghèo Vẫn đằm thắm nét duyên chèo thôn ...

CẢM NHẬN VỀ BÀI HÁT CHÈO:NÉT QUÊ TRONG MỘT LOÀI HOA


Thơ:

Từ trong gian khó khó nghèo

Vẫn đằm thắm nét duyên chèo thôn quê
Xứ người cách trở sơn khê
Yêu thương hẹn một ngày về
chung vui



Sa lệch chênh:

Hoa đào hé nụ trên môi

Mùa xuân đọng ở tình người nơi em
Giọng chèo tha thiết dịu êm



Giọng chèo tha thiết dịu êm

Du ca một khúc để quên phận mình

Giêng hai táo rụng sân đình



Giêng hai táo rụng sân đình

Em là cô Tấm đẹp xinh giữa đời

Chiếu chèo nghiêng ngả gọi mời



Chiếu chèo nghiêng ngả gọi mời

Hội vui em mở ngọt lời quê hương

Hoa đào thắm sắc thơm hương.



"Hành động" của Nghệ nhân Việt Chiều Xuân thật đúng với câu thành ngữ "Thách nhà giàu húp tương" khi thách đố Mai Văn Lạng sáng tác được bài hát chèo viết về Hoa Anh Đào, người con gái Chí Linh, Hải Dương, chủ trang "Đến với chiếu chèo xứ Đông" đúng vào ngày sinh nhật của cô gái yêu chèo tha thiết này. Hì hục cả đêm, cuối cùng thì Mai Văn Lạng cũng đã hoàn tất tác phẩm của mình, bài hát "Nét quê trong một loài hoa" với điệu sa lệch chênh, một làn điệu trữ tình, tha thiết, giai điệu khoan thai, đằm thắm như chứa đựng một trời tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ, trân trọng và cả sự mến phục, ngợi ca của Mai Văn Lạng cũng như của cộng đồng bạn bè yêu chèo dành cho người con gái sinh ra "từ trong gian khó khó nghèo" nhưng cô thôn nữ ấy vẫn luôn dịu dàng "đằm thắm nét duyên chèo thôn quê". Nói đến Hoa Anh Đào, người ta biết ngay đó là cô gái Đồng Thị Du, quê Chí Linh, Hải Dương, mảnh đất chứa đựng nhiều chứng tích lịch sử với khu tưởng niệm Côn Sơn - Nguyễn Trãi, mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật chèo đã phú cho cô gái ấy nét duyên dáng, "đẹp xinh" và giọng chèo quê không trộn lẫn với ai. Hoa Anh Đào là tên một loài hoa đẹp, sắc màu đỏ rực, rạng rỡ, duyên dáng và có sức sống diệu kỳ giống như cô gái Đồng Thị Du Bộc trực, thẳng thắn nhưng kiên định, dịu dàng nhưng bản lĩnh, mềm mại, thiết tha trong những điệu chèo mê say, cô là hiện thân của chèo, là vị sứ giả thân thiện mà chèo đã "chọn mặt gửi vàng" ở cô. Hoa Anh Đào say mê chèo từ tấm bé. Cha cô là một nghệ sỹ đàn và hát chèo chuyên nghiệp của Nhà hát chèo Quảng Ninh. Ông có giọng hát chèo rất có hồn. Mỗi lần Hoa Anh Đào học hát làn điệu nào đó, cô đều hỏi ý kiến đánh giá, chỉ giáo của ông. Ông hết lòng chỉ cách hát, vạch nhịp phách và "bẻ làn nắn điệu" cho cô con gái rượu suốt ngày mải miết những câu hát í i không biết chán. Ông cụ còn chơi đàn rất giỏi, là lão tướng về tài năng chơi nhạc cụ chèo của đất Hải Dương cũng như Nhà hát chèo Quảng Ninh. Hoa Anh Đào kể có những nốt nhạc trong chèo rất khó, cả tỉnh Hải Dương chỉ có hai người chơi được, trong đó có cha của cô. Biết vậy mới thấy Hoa Anh Đào sinh ra và được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật chèo đặc sắc quý báu như thế nào từ người cha của mình. Giọng hát Hoa Anh Đào trong trẻo, mượt mà như nhung lụa, uyển chuyển như mây bay, bổng trầm vi vút như gió thổi. Cô có giọng hát đẹp, đầy kỹ thuật. Mỗi lần cô cất giọng hát, người nghe biết ngay đó là giọng của "con nhà nòi" sắc sảo, truyền cảm và tinh tế. Hoa Anh Đào rất chỉn chu khi hát. Bất cứ hát bài nào, dù là khó hay dễ, cô cũng đều gạch nhịp trước khi hát một cách kỹ càng cẩn thận, không hát vo, hát theo cảm tính. Có những làn điệu như "Nón thúng quai thao" Hoa Anh Đào đã ròng rã tập cả 6 tháng trời cho nhuần nhuyễn, đạt tới độ tròn trịa chuẩn mực rồi cô mới đăng lên trang chèo, cái trang chèo Xứ Đông mà chính tay cô lập nên để thoả lòng yêu say và nhớ chèo da diết của mình trong những ngày cô xa quê hương Tổ quốc đi lao động nước ngoài: 
"Xứ người cách trở sơn khê
Yêu thương hẹn một ngày về chung vui "
 Cái ngày chung vui" đó đã diễn ra quá tuyệt vời. Hàng trăm bạn bè yêu chèo từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về quê hương Chí Linh của Hoa Anh Đào để cùng nhau cất lên lời ca tiếng hát, thắm tình bạn hữu anh em. Hoa Anh Đào không cầm được nước mắt. Cô đã khóc rưng rức, quyến luyến, thiết tha trong giờ phút giã bạn hội chèo đầy cảm động. Trong ngày vui gặp mặt bạn chèo, cô là người vất vả nhất, lo toan trăm công nghìn việc và có cả cả hy sinh thiệt thòi vì lợi ích chung song nụ cười luôn nở trên môi cô, rạng rỡ như nụ hoa chào đón mùa xuân. Hoa Anh Đào nhiệt tình hết mình vì bạn chèo. Cô sống cởi mở thân thiện, chu đáo với tất cả mọi người, cô luôn giúp đỡ động viên các hội viên trong chiếu chèo yêu thương, hoà thuận, đoàn kết, thấu hiểu, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, không để xảy ra xích mích, mất lòng, mất đoàn kết. Cô sống có tình người và chan chứa yêu thương như bông hoa đẹp nở giữa mùa xuân. Yêu chèo bao nhiêu, cô cũng yêu người bấy nhiêu. Giọng hát chèo thánh thiện đầy cuốn hút mà cô sở hữu như tôn thêm vẻ đẹp sắc sảo mặn mà đầy nữ tính của cô. Cô có vẻ đẹp hoàn thiện cả về con người, nhan sắc, tính cách, tâm hồn và vẻ đẹp của những câu ca chèo thiết tha đằm thắm. Mai Văn Lạng đã rất tinh tế khi nhận thấy cái duyên chèo cháy sáng rờ rỡ trong con người cô:

" Hoa đào hé nụ trên môi

Mùa xuân đọng ở tình người nơi em

Giọng chèo tha thiết dịu êm".
Hoa Anh Đào có giọng hát chèo ngọt ngào mùi mẫn. Cô đặc biệt thành công khi thể hiện các làn điệu chèo cổ, khó hát như Nón thúng quai thao, Quân tử vu dịch, Đường trường tiếng đàn, Sử chuyện, Đào lý một cành... Cô có kỹ thuật xử lý bài hát tinh tế, chuẩn mực, giọng hát lên bổng xuống trầm, óng mượt như tơ ở tất cả các nốt thấp và cao. Chính cha cô là người đã tận tình chỉ dạy cho cô kỹ thuật hát. Có bài, cô hát đi hát lại nhiều lần, lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của bè bạn, cô tưởng hát thế là thành công lắm rồi. Vậy mà khi hát cho cha nghe, cha cô vẫn " chê đứng chê ngồi". Ông rất khắt khe khi rèn cho con gái giọng hát, bởi vậy mà Hoa Anh Đào đã hấp thụ được ở cha sự nghiêm túc chuẩn chỉ trong khi hát. Nói vậy không có nghĩa Hoa Anh Đào khó tính trong việc đánh giá giọng hát. Với mình, cô thực sự khắt khe nhưng với bạn bè trong chiếu chèo cô luôn mở rộng tấm lòng đón nhận tình cảm của họ dành cho chèo. Cô trân trọng từng lời ca tiếng hát, từng câu bình luận chân tình của mỗi hội viên. Dù cho có người hát chưa hay, nhịp phách còn sai lệch, hay đơn thuần là những câu hát mộc, những bài hát của người yêu chèo được đệm nhạc bằng những "nhạc cụ" đơn giản như cốc chén, thìa bát... nhưng cô luôn khéo léo động viên để họ yêu say và có động lực đến với chèo hơn. Hiếm có một quản trị trang chủ nào lại tận tình quan tâm, chăm sóc chiếu chèo và hội viên yêu chèo như cô. Cô coi tất cả mọi người trong chiếu chèo như anh em một nhà, giúp đỡ những ai chưa biết hát hoặc còn rụt rè chưa dám đăng bài hát. Cô gửi nhạc beat cho họ, hướng dẫn họ cách hát, cách thu thanh, thậm chí thức thâu đêm làm video clip cho họ. Cô vui với niềm vui của các thành viên, gửi những lời chúc mừng sinh nhật, hay những lời chia buồn khi mỗi thành viên có chuyện không vui. Hoa Anh Đào quên mình vì chiếu chèo, quên mình vì mọi người. Cô như cô Tấm hiền thảo, dịu dàng, đảm đang, lo toan, xốc gánh chiếu chèo:
"Giọng chèo tha thiết dịu êm
Du ca một khúc để quên phận mình
Giêng hai táo rụng sân đình
Em là cô Tấm đẹp xinh giữa đời
Chiếu chèo nghiêng ngả gọi mời"
Hoa Anh Đào là hình ảnh của một loài hoa đẹp có sức cuốn hút kỳ diệu. Chiếu chèo cô mở ra như một vườn hoa đầy hương sắc mà cô là bông hoa chói lọi rực rỡ giữa vườn hoa lộng lẫy ấy. Những ngày ở xa quê hương, cô luôn luôn dõi theo sát sao từng ngày từng giờ trang chèo. Cô thường hay thức khuya dậy sớm up bài cho anh chị em, khích lệ anh chị em chung tay xây dựng chiếu chèo ấm tình đoàn kết. Hội viên chiếu chèo Xứ Đông tuy số lượng không quá nhiều nhưng đồng lòng, đồng cảm, biết chia sẻ, quan tâm động viên nhau, cùng nhau ca hát, gìn giữ nền nghệ thuật dân tộc. Hội giao lưu chèo không chuyên toàn quốc lần thứ hai, cô là thành viên tích cực trong Ban tổ chức, lo chuẩn bị chu đáo nhiều khâu từ đia điểm, hội trường, nơi ăn chốn nghỉ, hậu cần, đón tiếp, quay phim chụp ảnh, xe đưa, xe đón, kêu gọi tài chính... góp phần quan trọng cho sự thành công của cuộc giao lưu đầy ý nghĩa. Mai Văn Lạng như thấu hiểu tường tận từng cử chỉ việc làm của Hoa Anh Đào. Những việc làm ấy thật đáng ngợi ca và trân trọng. Có lẽ Mai Văn Lạng đã ấp ủ viết bài hát về Hoa Anh Đào từ rất lâu. Anh cảm thấy day dứt như một món nợ chưa trả được khi chưa viết điều gì đó về người con gái hát chèo đẹp người đẹp nết này. Bài hát chèo "Nét quê trong một loài hoa" chính là lời tri ân thấm đẫm cảm xúc của anh về người con gái mang nick name  của một loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp quyến rũ , thánh thiện và nồng nàn hương sắc:
"Chiếu chèo nghiêng ngả gọi mời
Hội vui em mở ngọt lời quê hương
Hoa đào thắm sắc thơm hương".
Có thể nói, bằng những lời ca đẹp, dạt dào tình cảm, Mai Văn Lạng đã trả được " món nợ" tinh thần” với Hoa Anh Đào, vượt qua sự "thách đố" của nghệ nhân Việt Chiều Xuân và quan trọng hơn anh đã đem đến riêng cho Hoa Anh Đào một bài hát chèo hay viết về chính cô nhân ngày sinh nhật đầy ý nghĩa của cô, đem đến cho bạn yêu chèo một bài ca ấm áp, thân thương để bày tỏ tình cảm mến yêu , trân trọng với cô nhân kỷ niệm sinh nhật. Đây là bó hoa đẹp nhất, ngát hương nhất của soạn giả Mai Văn Lạng dành cho Hoa Anh Đào. Cảm ơn soạn giả. Chúc Hoa Anh Đào sinh nhật vui tươi    ngập tràn những kỷ niệm khó quên và hạnh phúc.




Bài Liên Quan

Dân Ca 6899513690216279433

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item