SỬ BẰNG hay SỬ DỰNG bài kiến giải của Bùi Quang Thắng

Xin mạn phép những người yêu chèo góp thêm một ý kiến nhỏ  SỬ BẰNG hay SỬ DỰNG    Bùi Quang Thắng Chắc không cần dài dòng về cái sự "r...

Xin mạn phép những người yêu chèo góp thêm một ý kiến nhỏ

 SỬ BẰNG hay SỬ DỰNG   
Bùi Quang Thắng
Chắc không cần dài dòng về cái sự "rối tù mù" của phép đặt tên các làn điệu chèo. Nguyên do là vì sau hàng trăm năm tồn tại chủ yếu trong dân gian với phương thức truyền khẩu, cách gọi tên làn điệu thường được vận dụng một cách linh hoạt, nôm na (đương nhiên không thể phủ nhận vai trò của các Bác thơ và tầng lớp Nho sĩ). Một ngày đẹp trời giữa thế kỉ 20, trong nỗ lực đưa nghệ thuật chèo lên chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu đã tổng hợp và chính thức đặt tên (hoặc đặt tên lại) cho một số làn điệu chèo theo phương thức tiếp cận riêng của họ. Những công trình tiêu biểu nhất là các cuốn sách "Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ" của nhạc sĩ Hoàng Kiều, "150 làn điệu chèo cổ" của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, "Tình dậu mà tình ơi" của nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết. Lẽ đương nhiên, góc tiếp cận không hoàn toàn giống nhau nên "các cụ" cũng chưa hoàn toàn thống nhất trong cách đặt tên (rất nhiều) làn điệu. Cũng có một vài cái tên thực chất là "mới toanh" được áp dụng cho các làn điệu cũ. Cũng chính vì "các cụ" chưa hoàn toàn thống nhất nên nếu thế hệ sau mà cứ giữ cách lập luận " trong sách cụ A đã gọi điệu này là XY thì chắc chắn điệu này phải là điệu XY" thì sẽ không bao giờ giải quyết hết được những mâu thuẫn. Nên chăng ta hãy sử dụng tư liệu của các cụ như những nguồn tham khảo để tìm ra một giải phát hợp lí nhất.   Một trong những điều chưa được thống nhất đó là bài hát "Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt ..." của vai Lưu Bình trong vở Châu Long dệt gấm (mà ngày nay khá nhiều người nhầm tưởng đây là vở chèo cổ LBDL). Hiện đang có nhiều đang tranh cãi rằng đây là Sử bằng, Sử dựng hay Sử xếp.  

 Về tài liệu :
 - Trong sách của nhạc sĩ Hoàng Kiều và của nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết không thấy có bài này. 
- Còn trong sách 150 LĐCC của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh thì bài này có tên là Sử xếp.
 - Một số băng đĩa (vd : CD Tưởng vọng xuân tình do Hồ Gươm audio video phát hành) thì ghi bài này là Sử dựng. 
Tuy nhiên, trên các bìa băng đĩa ngày nay chuyện nhầm, sai tên bài, tên nghệ sĩ không phải là hiếm nên ta không tính tới dạng tài liệu.   

Bài này khác với Sử bằng ở những điểm sau :
 -  Về cấu trúc nhịp : Trong mỗi trổ của bài hát này, câu hát mở đầu "Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt i ..." chỉ có 3 nhịp + 2 nhịp ngân đuôi và 2 nhịp xuyên tâm (Sử bằng có 6 nhịp hát + 8 nhịp ngân đuôi (được phát triển thành một câu nhạc) + 2 nhịp xuyên tâm). 
Ngoại trừ câu mở đầu ra, toàn bộ phần còn lại có cấu trúc (số lượng nhịp, cách phân chia nhịp phách, phân chia câu hát) và cả giai điệu giống 100% với Sử bằng của vai Thị Kính (QATK).  (Xem ảnh đăng kèm).  
  - Về tiết tấu, tính chất âm nhạc : Sự khác biệt so với Sử bằng là : tiết tấu hơi nhanh hơn một chút và khi hát mang màu sắc lạc quan, vui, khỏe khoắn (vì đây là bài hát cho nam giới) so với bài Sử bằng của Thị Kính (chậm rãi, khoan thai để bộc lộ phẩm chất đoan trang của Thị Kính).  

 Như vậy, có thể thấy bài hát này cũng chứa đựng một chút yếu tố DỰNG ở câu đầu (tiết tấu gọn, hát hơi phấn chấn hơn) nhưng vẫn giống Sử bằng đến ~ 90%. Còn khác biệt về tính chất âm nhạc thì đó chỉ là cách xử lý bài hát để mang màu sắc phù hợp với hoàn cảnh. Ta đã từng có Đào liễu vui (lòng bản : Đào liễu có một mình ...) và Đào liễu man mác buồn (vở Tấm Cám : Chàng ngủ dưới xoan đào ...), Ta đã có Chức cẩm hồi văn buồn chia ly (lòng bản : Chàng đi thú vâng lời hoàng chiếu ...) và Chức cẩm hồi văn mừng hội ngộ (vở Súy Vân : Chàng nay đã nhuần ơn mưa móc ...) nhưng các bài hát khác nhau vẫn thuộc về 1 điệu. Với sự khác biệt không nhiều như vậy có thể coi bài "Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt" chỉ là một bản lồng điệu của Sử bằng. Thực tế thì bài hát này vẫn được nhiều nơi gọi là Sử bằng (NSUT Đoàn Thanh Bình của nhà hát chèo TW cũng đã xác nhận).  

   Một điểm đáng chú ý là trong cuốn sách của nhạc sĩ Hoàng Kiều - cuốn sách tập hợp đầy đủ nhất các làn điệu lại vắng bóng điệu này. Trong các kịch bản chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ đều không có bài hát này. Thay vào đó, ở đoạn này Lưu Bình chỉ ra Nói sử. Chỉ trong kịch bản Châu Long dệt gấm do tác giả Hàn Thế Du viết lại năm 1957 mới xuất hiện bài hát này và được ghi rõ là HÁT SỬ BẰNG. Như vậy, nhiều khả năng bài hát này là của tác giả Hàn Thế Du (phần lời) và NSND Minh Lý (lồng điệu). Cũng như bài Ngâm sổng và Tình thư hạ vị trong vở này đều là thành quả sáng tạo theo phương pháp bẻ làn nắn điệu của các cụ. Cái tài tình của các cụ là sáng tạo mà thế hệ con cháu khó có thể phân biệt được đâu là cổ đâu là mới.   Bức ảnh đăng kèm là phần gạch nhịp cả 2 bài để mọi người so sánh. Màu đỏ là nhịp nội Màu đen là nhịp ngoại Màu xanh là nhịp cận phách  

 Chúc bà con thưởng thức chèo vui vẻ!

Bài Liên Quan

Tin Mới 1096460946837348015

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item