Nghệ nhân Tô Quốc Phương - người giữ hồn hát chèo, hát xẩm

Tác giả: Thanh Quý- Đài TT Hoằng Hóa  Đăng ngày 01 - 02 - 2016 Tóc hoa râm, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt còn tinh, nét cười còn tươi còn hóm,...


Tác giả: Thanh Quý- Đài TT Hoằng Hóa 
Đăng ngày 01 - 02 - 2016

Tóc hoa râm, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt còn tinh, nét cười còn tươi còn hóm, nhất là chất giọng còn rền, lão nghệ nhân chèo làng Phượng Mao Tô Quốc Phương chưa có vẻ gì là ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Gặp gỡ nghệ nhân làng chèo Phượng Mao xã Hoằng Phượng trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân của làng. Say sưa nghe cụ hát xẩm "lời mẹ khuyên con" - bài hát lắng đọng, sâu sắc, bao hàm nhiều ý nghĩa trong chất giọng còn vang đầy xúc cảm.

Tóc hoa râm, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt còn tinh, nét cười còn tươi còn hóm, nhất là chất giọng còn rền, lão nghệ nhân chèo làng Phượng Mao Tô Quốc Phương chưa có vẻ gì là ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Chúng tôi khen cụ “trẻ lâu”, cụ cười “thì riêng gì tôi đâu chứ. Ấy là do yêu chèo, hát chèo từ bé nên mới thế”. Đến với Phượng Mao mới thấy:  từ câu hát còn đôi chút vụng về đến tiếng đế, tiếng vời của người xem hát chèo cũng biểu hiện sắc thái văn hoá và vai trò tham gia tích cực của khán giả đến với chiếu chèo. Hát chèo, hát xẩm hay hát văn ở Phượng Mao gắn liền với dịp lễ hội vào tết cổ truyền của dân tộc và dịp đầu xuân, với cây đa, giếng nước, sân đình trong đời sống tinh thần của người dân quê. Người Phượng Mao đôi khi là nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn và cũng là khán giả đam mê chèo. Cụ Tô Cúc Phương kể rằng: “từ rất lâu rồi, cả làng Phượng Mao hát chèo. Ngày đi làm đồng cũng hát, cũng luyện cho nhau hát. Tối tối làng mới thật sống. Tiếng trống, phách, nhị, hồ, đàn tam, đàn tứ, tiếng ngân chèo í a râm ran đầu làng cuối xóm, làng cứ như nhạc viện. Lắm gia đình cả nhà thạo hát chèo. Các gánh hát dồi dào đào kép, có gánh cả cha con, vợ chống, anh em cũng diễn, dạy đến là nhiều vở, đi hát xa không mang hết được diễn viên”. Các bé con được nuôi dưỡng bởi “men chèo” từ trong bụng mẹ. Các nghệ nhân chèo Phượng Mao từ xưa cho tới bây giờ được sinh ra gắn liền với làn điệu chèo trong lời ru của bà, của mẹ nên biết hát chèo, yêu chèo từ bé tí mà chưa có ai dạy cho ý thức giữ gìn vốn cổ.

Cụ Phương chưa đến 10 tuổi đã say mê lối hát, lỗi diễn của các bậc thầy, thế hệ đàn anh. Rồi cụ theo gánh hát của làng đi diễn ở nhiều nơi. Chả hiểu sao, cụ Phương khi ấy lại mê tiếng trống điệu chèo, những làn điệu hát xẩm đến vậy, rồi đàn nguyệt, đàn nhị, cây sáo cũng trở thành những nhạc cụ quen thuộc, gắn bó với cuộc đời cụ. Cụ không chỉ mê nhạc trong chiếu chèo, cụ còn yêu say đắm lối hát xẩm hát văn. Gìơ là nghệ nhân vào hàng cao tuổi nhất còn ở làng – cái tuổi ngoài 80, được nhân dân trong làng vị nể, khách đến chơi nghe cụ hát văn, hát xẩm để thấy cụ đắm mình vào khúc hát cũng nhiều. Tuổi cao nhưng cái chất chèo, lối hát văn, hát xẩm sâu lắng, ngọt ngào, luyến láy vẫn được cụ gìn giữ, chưa hề phai. Rồi kháng chiến, cùng với đội văn nghệ của làng, của xã, cụ lại hát trên những trận địa pháo, những điểm giao quân hay các công – nông trường. Tiếng trống, tiếng phách, điệu chèo, điệu xẩm trở thành sức mạnh khích lệ tinh thần chiến đấu của người lính cụ Hồ, át cả tiếng bom của kẻ thù. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dẫu căng thẳng, ác liệt là thế những cụ cũng như người dân Phượng Mao vẫn tụ hội bên chiếu chèo để biểu diễn, để đắm say thưởng thức những vở chèo cổ, những vở chèo mới, những bài.hát xẩm nồng ấm tình người. Hòa bình lập lại, chèo, hát xẩm, hát văn lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống lao động vất vả, mệt nhọc. Vì thế, người dân Phượng Mao – kể cả nghệ sĩ thực thụ hay người dân quê đều đắm say tiếng hát, điệu trống, tiếng nhị của hát văn, hát xẩm, chiếc chiếu sân đình cũng trở thành sân khấu.

Tham gia nhiều hội diễn văn nghệ từ huyện, tỉnh, khu vực đến toàn quốc, không kỳ nào cụ Tô Quốc Phương không lĩnh huy chương. Tham gia 4 hội diễn văn nghệ toàn quốc thì cả 4 lần cụ đều đạt huy chương vàng. Năm 2007, dù tuổi đã cao nhưng vì “mê chèo” cụ vẫn cùng đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hoá tham gia hội thi “tiếng hát dân ca” khu vực bắc miền trung tổ chức tại Huế và được Bộ văn hoá thể thao và du lịch tặng bằng khen. Và năm 2015, nghệ nhân Tô Quốc Phương thôn Phượng Mao xã Hoằng Phượng đã có quyết định của chủ tịch nước Trương Tấn Sang công nhận danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” với loại hình di sản phi vật thể đang nắm giữ là nghệ thuật trình diễn dân gian hát xẩm. Cụ nói “giá mà dịp tết các cô về đây chơi thì sẽ thấy dân Phượng Mao “ăn tết” bằng chèo, bằng hát văn,hát xẩm”. Sân văn hoá xã và tại các nhà văn hoá làng khi ấy vui lắm. Các câu lạc bộ chèo của xã đủ 3 thế hệ , dàn nhạc đủ cả nhị, hồ, đàn sáo, trống phách, diễn viên nam, nữ cứ gọi là diễn máy đêm liền chưa hết vở. Những tích chèo như: tấm cám, suối tiên, trích đoạn từ thức, Quan âm thị Kính, những bài hát xẩm như "lời mẹ khuyên con", “thập ân”… được tái hiện sinh động chả thua mấy chèo chuyên nghiệp”.

Nhưng trò chuyện với người nghệ nhân cao tuổi Tô Quốc Phương, chúng tôi cũng thấy dường như trong sâu thẳm cụ buồn, cụ tiếc vì dường như những làn điệu chèo, lối hát xẩm đang bị thế hệ trẻ lãng quên, buồn vì những năm gần đây lớp trẻ Phượng Mao thưa vắng hát những lối hát dân gian truyền thống này. Nhưng trong tâm hồn cụ: là một nghệ nhân đã gắn bó lâu đời với tiếng trống điệu chèo, lối hát xẩm hát văn, cụ Tô Quốc Phương vẫn luôn hy vọng và tin tưởng vào thế hệ trẻ trong làng, cụ tin chèo đã có từ trong dòng máu của mỗi người dân Phượng Mao nên bản sắc văn hoá truyền thống gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân như môn nghệ thuật chèo, hát xẩm, hát văn sẽ không mai một theo thời gian.

Chia tay người nghệ nhân cao tuổi vẫn say mê với những làn điệu dân gian truyền thống chúng tôi hiểu rằng: gìn giữ, bảo tồn và phát triển những làn điệu chèo, những câu hát chèo, hát xẩm, hát văn là gìn giữ vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc, để những làn điệu chèo thiết tha, mặn nồng lại được phục hồi và phát triển trong cuộc sống hôm nay.

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 4356261964449027971

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item