Thực phẩm chay độc hại tới cỡ nào?

VOV.VN -Các sản phẩm chay sau khi được chế biến lại rất giống món ăn mặn cả về hình thức và hương vị. Liệu chúng có thật sự an toàn? ...


VOV.VN -Các sản phẩm chay sau khi được chế biến lại rất giống món ăn mặn cả về hình thức và hương vị. Liệu chúng có thật sự an toàn?


Đồ ăn chay hiện đã trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, và cũng được xem là một trong những sự lựa chọn cho sức khỏe khi mà thực phẩm bẩn đang tràn lan tại các chợ.

Nhiều thực phẩm chay không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Đồng Xuân (Ảnh: Bảo Ngọc).




Cùng với đó, đồ ăn chay cũng góp phần không nhỏ vào thực đơn phòng bệnh, giảm cân của nhiều người. Tuy nhiên, các sản phẩm chay sau khi được chế biến lại rất giống món ăn mặn cả về hình thức và hương vị. Liệu chúng có thật sự an toàn?

Tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên, một số siêu thị hay ngay tại gần các đền, chùa, thực phẩm chay đóng gói, đồ ăn chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay được bày bán rất nhiều. Thực phẩm chay có giá bán bằng khoảng 2/3 so với thực phẩm mặn cùng loại.

Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới và các loại cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú, ngoài các thương hiệu uy tín lâu năm như sản phẩm đóng gói sẵn của Công ty Âu Lạc, Kim Chi, thì cũng có nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc).

Những sản phẩm này có giá rẻ hơn nhưng trên nhãn mác lại chỉ có một vài thông tin sơ sài, thậm chí nhiều sản phẩm không có hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất.

Chị Phạm Thanh Nhàn, ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, từ Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan. Ăn rất ngon nhưng tôi nghĩ nó có nhiều chất bảo quản và phẩm màu, ví dụ như giò chay được làm bằng chất bột gì đó mà trông như miếng giò thật, hoặc ốc chay có rất nhiều hàn the, ăn giòn giòn nhưng không có mùi vị gì cả.

Người bán hàng cứ bảo những món này là của Đài Loan (Trung Quốc) chứ Việt Nam thì không có. Việt Nam chỉ có rau củ quả tươi ăn hàng ngày thôi chứ không có những hàng đặc chủng như gà chay, cá chay, ba ba chay”.

Hiện Việt Nam cũng như một số nước Châu Á đang có trào lưu ăn chay, ăn chay để thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật, ăn chay để giảm cân. Song có một điều chắc chắn rằng, các món chay giả mặn chủ yếu phải sử dụng đến các chất phụ gia, phẩm màu và chất bảo quản độc hại.

Bà Đặng Hồng Diễm, chủ nhà hàng đồ ăn chay Nàng Tấm, tại phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, đồ ăn chay ngon phải bảo đảm sạch, đủ chất dinh dưỡng. Điều dễ nhận thấy là các món chay sử dụng rau củ, khoai, đậu đỗ… để chế biến thì không thể nào có độ giòn dai. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm chay đóng gói sẵn, thực khách dễ dàng thấy độ giòn, dai trong mỗi món chay. Một số món chay giả mặn như xúc xích, thịt gà, ốc… nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu, phụ gia để những sản phẩm này trông bắt mắt, có hình dáng giống thực phẩm mặn.

Ở nhà hàng chay, các đầu bếp hạn chế sử dụng thực phẩm chay đóng gói sẵn, mà thường mua thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ở chợ, rồi tự chế biến các món. Chế biến món ăn chay đòi hỏi cầu kỳ và mất thời gian để tạo được tính thẩm mỹ giúp cho người ăn chay thấy ngon miệng hơn.

Bà Đặng Hồng Diễm nói: “Khi dùng những thực phẩm chay đóng gói thì ít nhiều nó cũng phải có hóa chất bảo quản, thì khi dùng phải ngâm rửa, thậm chí có những món phải tráng qua nước chanh hoặc nước muối để loại trừ hết chất bảo quản. Có món chỉ được sơ chế trong ngày, có những món có thể bảo quản ở tủ đông hoặc tủ mát thì có thể để được 2 đến 3 ngày”.

Theo các chuyên gia, thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột, ngũ cốc và đạm thực vật. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, mầu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.

Chất tạo mầu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư.

Thực phẩm chay đóng gói của Công ty Âu Lạc được bày bán tại siêu thị 
(Ảnh: Bảo Ngọc).

Các thực phẩm có chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gút… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh. Nhiều thực phẩm chay được bày bán ở chợ không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nguồn gốc sản xuất. Nhiều loại nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm chay như táo Tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân... nguồn gốc nhập từ Trung Quốc được bày bán tràn lan.

Tại các siêu thị, đa phần sản phẩm chay đều có nhãn mác, tên đơn vị sản xuất, thành phần, hạn sử dụng, nhưng những thông tin này vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào về an toàn thực phẩm đứng ra chứng nhận, đảm bảo. Điển hình là các mặt hàng nước mắm hay một số thực phẩm chay đóng hộp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thực phẩm chay được làm một cách nghiêm túc là sử dụng các loại đậu và dầu đi từ dầu thực vật và các loại protein đi từ thực vật, thì người ta buộc phải áp dụng một phương pháp công nghệ là sử dụng các chất phụ gia để tạo nên đông đặc, tạo màu, mùi, vị. Nhưng vấn đề cơ bản là dùng chất phụ gia gì thì phải được kiểm soát.

Hiện nay người ta cũng chưa biết là họ dùng những chất phụ gia gì. Vì vậy buộc các nhà sản xuất phải đăng ký chất lượng và những chất phụ gia thêm vào đối với những sản phẩm đó cho các cơ quan chức năng. Và những sản phẩm nếu nhập khẩu phải có sự kiểm soát của cửa khẩu thì mới cho nhập vào”.

Trên thực tế, nhiều vụ thực phẩm chay mất an toàn vệ sinh đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Do đó, để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi là bảo đảm nhất./.
Bảo Ngọc/VOV – Trung tâm Tin


Bài Liên Quan

Tin Mới 2270578530507050006

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item