“Nợ miệng” của quan và gánh nặng của dân
Thứ 2, 12:00, 18/07/2016 VOV.VN -Món nợ miệng có một không hai của các quan xã dù có được trả bằng kiểu gì cũng để lại không ít điều tiến...
http://www.maivanlang.com/2016/07/no-mieng-cua-quan-va-ganh-nang-cua-dan.html
Thứ 2, 12:00, 18/07/2016
VOV.VN -Món nợ miệng có một không hai của các quan xã dù có được trả bằng kiểu gì cũng để lại không ít điều tiếng về đạo đức, nhân cách của cán bộ công quyền.
Không biết từ bao giờ, nợ nần, thậm chí là nợ đến hàng chục tỉ đồng ở nông thôn đã được nhiều người xem là chuyện bình thường. Nợ thì có nhiều. Nhưng nợ ăn nhậu, hát hò mà lên đến hàng tỉ đồng thì chắc chỉ có ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Mức độ nguy hại không chỉ dừng ở chuyện ăn nhậu mà là thói chi tiêu hoang phí của quan chức các cơ quan công quyền. Từ những cuộc nhậu nhẹt đến mua sắm xe sang, xây cơ quan lộng lẫy, những món nợ ấy đang làm cho món nợ trên đầu dân ngày một nặng thêm.
Chuyện bắt đầu từ việc các nhà hàng, quán karaoke ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội xông vào UBND xã đòi nợ. Không chỉ ủy ban mà các ban, ngành, đoàn thể cũng lâm vào cảnh nợ nần. Cứ họp hành là có nhậu nhẹt, hát hò. Có tiền thì trả, không thì ghi nợ. Nợ được gì là ông chủ tịch xã cứ ký sổ. Ngã ngựa giữa dòng, bị giáng chức, đương nhiên món nợ hàng tỉ đồng người sau phải gánh thay ông.
ảnh minh họa
Không chỉ nợ ăn nhậu hát hò. Danh sách nợ còn có khoản tiền may quần áo đồng phục cho Đại biểu Hội đồng nhân dân xã: 61 triệu đồng; Nợ tiền “đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn, Cửa Lò: 145,5 triệu đồng; Nợ Nhà hát tuồng trung ương 45 triệu… Đúng là những món nợ mà có nằm mơ, ông chủ tịch xã đương nhiệm cũng không thể tưởng tượng ra.
Chưa thấy có cuộc điều tra nào chứng minh đại biểu Hội đồng nhân dân xã mặc đồng phục đi họp sẽ làm việc hiệu quả hơn đại biểu Hội đồng không mặc đồng phục. Chỉ có ông trời mới biết cán bộ một xã ở huyện miền núi Ba Vì đã học tập được kinh nghiệm gì ở các bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò mỗi dịp hè về! Nhưng món nợ hơn 3 tỉ đồng các loại do chi tiêu hoang phí mà họ gây ra thì vẫn còn treo lơ lửng trong sổ kế toán ủy ban, mà nói như ông chủ tịch xã đương nhiệm thì “ai nợ, rồi cũng chỉ biết trông chờ vào ngân sách mà thôi!”
Một câu chuyện nợ khác cũng được báo chí nói nhiều trong mấy ngày qua nhưng là nợ của dân. Có một xã ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mà mỗi vụ, nông dân phải nộp 10 khoản thu như: Hoạt động thiếu niên, phúc lợi xã hội, hoạt động làng văn hoá, phục vụ hội nghị, vệ sinh kênh mương, sửa xe tang, bảo vệ đồng ruộng, phục vụ các đoàn thể, quỹ khuyến học… Bình quân mỗi khẩu là phải nộp khoảng 350.000 đồng/năm. Một gia đình 5 người, mỗi năm phải nộp khoảng 1,8 triệu đồng. Đặc biệt, khoản phí xây dựng nghĩa trang 100.000 đồng/khẩu/năm được bổ cho cả trẻ mới sinh là điều bức xúc nhất.
Từng nghe nạn lạm thu ở nhiều vùng nông thôn. Nhưng vừa lọt lòng mẹ đã phải đóng phí xây dựng nghĩa trang thì chuyện chắc chỉ có ở Hậu Lộc! Sự mẫn cán quá mức bình thường đã khiến các quan xã quên mất là họ đang làm trái pháp luật khi tận thu với cả trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhưng không sao, sau khi thừa nhận bắt trẻ em đóng phí là phản cảm, ông Chủ tịch xã này khẳng định: “Sẽ nghiên cứu cách thu khác, có thể là chỉ thu với các cháu 36 tháng tuổi trở lên”. Nghĩa là, ngoài việc “túm cổ chặn đầu” dân để thu tiền, họ chẳng còn cách nào bù cho đủ những khoản chi mà họ đã vẽ ra cho đỡ phải mang tiếng là “thua chị kém em” trong phòng trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng, xã văn hóa…
Món nợ miệng có một không hai của các quan xã dù có được trả bằng kiểu gì cũng để lại không ít điều tiếng về đạo đức, nhân cách của cán bộ công quyền. Nhưng món nợ về những khoản đóng góp vô tội vạ do các quan xã đặt ra thì đang trở thành gánh nặng trên vai nông dân. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo dẹp bỏ nạn lạm thu ở nông thôn nhưng xem ra câu chuyện “một hạt thóc gánh mấy mươi khoản đóng góp” đang âm thầm tái diễn!
Nợ miệng vì ăn nhậu, nợ miệng kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, chạy theo phong trào, vì bệnh thành tích của các quan đang để lại nhiều hệ lụy. Nếu không được ngăn chặn tận gốc, thì không chỉ là Trạm y tế, trường học mấy chục tỉ đồng mà những cơ quan, công sở long lanh như cung điện giữa đồng, tượng đài, nhà máy hàng trăm, hàng ngàn tỉ sẽ tiếp tục đẻ nợ, làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công cho quốc gia.
Suy cho cùng, nợ nào mà chẳng phải đổ lên đầu dân! /.
Vân Thiêng/VOV-Trung tâm Tin