60 năm Dân ca và Nhạc cổ truyền: Nơi lưu giữ hồn Việt ​

Chủ nhật, 14:11, 21/08/2016 VOV.VN - Sau 60 năm được phát sóng, chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài TNVN đang ngày một được nân...

Chủ nhật, 14:11, 21/08/2016
VOV.VN - Sau 60 năm được phát sóng, chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài TNVN đang ngày một được nâng cao về chất lượng và phong phú về nội dung.
Nhằm tri ân những nghệ sỹ, soạn giả, biên tập viên đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền trên sóng VOV3 (Hệ Âm nhạc, Thông tin, Giải trí) của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt chặng đường 60 năm qua, sáng 21/8, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Nơi lưu giữ hồn Việt”.

Đến tham dự buổi lễ có PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải...

Soạn giả, nhạc sĩ Dân Huyền

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng 

Chương trình đã thu hút rất đông khán giả.


PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải (từ trái sang).


Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, mỗi người khi sinh ra cùng với dòng sữa mẹ, những làn điệu dân ca của dân tộc đã nuôi chúng ta lớn lên. Có thể điều kiện vật chất còn nghèo nàn, khó khăn, nhưng chúng ta không thể thiếu được dòng sữa dân ca, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Việt Nam lớn lên. Do đó, chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền đã gắn bó và là một phần không thể thiếu, ngày một trở nên quan trọng hơn trên làn sóng phát thanh quốc gia của Đài Tiếng nói Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam đã hành trình với chúng ta suốt 60 năm qua. Đó là một đóng góp to lớn của các soạn giả, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các nghệ nhân. Để mỗi tuần có được 70 chương trình như hiện nay thì điều đầu tiên chúng ta phải ghi nhận sự tâm huyết, tình yêu đối với Dân ca và Nhạc cổ truyền. Đây là hồn cốt của dân tộc.

Tôi mong rằng trong thời gian tới, cùng với sự đổi mới của Đài Tiếng nói Việt Nam thì chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền còn được nâng cao chất lượng hơn nữa. Đồng thời, với 7 kênh phát thanh và 17 kênh truyền hình (sau khi sát nhập VTC) hiện nay, tôi đề nghị, trong thời gian tới Dân ca và Nhạc cổ truyền không chỉ là chương trình trên sóng phát thanh mà còn là chương trình thường xuyên trên sóng truyền hình. Nếu làm được như vậy, tôi cho rằng sẽ tạo được sự khác khác biệt, ấn tượng…”.

NSƯT Lài Tâm; soạn giả, nhạc sỹ Đức Miêng; thính giả Nguyễn Thị Hà; nhạc sỹ Xuân Hiền (từ trái sang) giao lưu cùng khán giả.


Tại chương trình, khán thính giả cả nước có dịp ôn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Từ một chương trình phát sóng trong tuần đến nay mỗi tuần đã có 70 chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thu hút hàng triệu người nghe, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình đã có đủ các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc như: Tuồng, Chèo, Cải lương, ca Huế, bài Chòi, dân ca Nam Bộ, quan họ Bắc Ninh, Ví Giặm… đặc biệt trên 40 dân tộc anh em của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã có tiếng hát dân ca trên làn sóng phát thanh.

Trong phần giao lưu với khán giả, NSƯT Lài Tâm, nguyên diễn viên Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: "Với gần 38 năm làm việc tại Đài TNVN, tôi thực sự hạnh phúc và vinh dự khi tiếng hát của mình đã được bay xa khắp mọi nơi cùng làn sóng VOV".

“Việc về Đài cũng là mong ước của mẹ tôi. Mẹ muốn được nghe tôi hát trên Đài. Và đến bây giờ tôi thấy hạnh phúc vì điều đó. Trong suốt thời gian làm việc tại Đài, tôi đã thu khoảng hơn 200 ca khúc dân ca” - NSƯT Lài Tâm chia sẻ.

Chia sẻ về việc thu thanh và gìn giữ các ca khúc lời mời, soạn giả, nhạc sỹ Đức Miêng cho biết, viết lời mới là công việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của quê hương. Có nhiều người viết lời mới nhưng không phải ai cũng thành công, vì muốn viết lời mới hay phải nắm rất chắc về những làn điệu cổ. Giai điệu phải chắc thì viết lời mới đúng được.

Đặc biệt, trong phần giao lưu đầu tiên của chương trình còn có sự tham gia của thính giả Nguyễn Thị Hà đến từ Thái Nguyên. Là một người yêu dân ca và lời cổ, bà không bao giờ bỏ lỡ những chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà cũng mong muốn thời lượng phát sóng của chương trình sẽ ngày một lâu hơn và phong phú hơn để thỏa mãn được sự yêu thích và đam mê dân ca của thính giả trên mọi miền đất nước.



Soạn giả, BTC Hồng Mão.


Di chuyển gần 800km để đến với chương trình, soạn giả, BTC Hồng Mão (87 tuổi) – “viên gạch hồng” đầu tiên của phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền đã không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày đầu tiên làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Việc xây dựng một chương trình phát thanh đã rất công phu nhưng việc phát thanh các chương trình đặc thù như Dân ca và Nhạc cổ truyền lại còn khó hơn vì nguồn băng ngày đó rất ít, nội dung chưa phong phú. Đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh ác liệt thì còn khó hơn. Tuy nhiên, sau thời gian học hỏi, trau dồi, tình yêu, lòng đam mê và sự động viên của các lãnh đạo Đài… thì tôi cũng đã xây dựng được một kho băng về dân ca và nhạc cổ khá phong phú” - soạn giả, BTC Hồng Mão chia sẻ.
Là một trong những thế hệ đầu của phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sỹ Dân Huyền – nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền cho biết, hôm nay, được đến tham dự chương trình bản thân ông rất xúc động và vui mừng trước sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung và chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền nói riêng.

60 năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sưu tầm, dàn dựng, thu thanh, những người làm dân ca trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam còn có một nhiệm vụ hết sức then chốt là giới thiệu cho thính giả thấy được vẻ đẹp của các làn điệu dân ca qua mỗi làn điệu, mỗi bài, mỗi loại hình.

Các chuyên mục “Tìm hiểu cái hay cái đẹp", “yêu mãi khúc dân ca"... đã được ra đời. Cùng với các giới thiệu phân tích của Biên tập viên là những phát biểu đánh giá, thẩm bình của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực âm nhạc truyền thống, điều này giúp cho thính giả không chỉ biết thưởng thức mà còn biết còn hiểu thêm và cái hay, cái đẹp trong mỗi tiết mục, loại hình dân ca mà mình yêu thích

Là thế hệ sau của phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng – Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam đã bày tỏ lòng cảm ơn và tự hào khi được kế thừa và đóng góp sức mình vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua làn điệu dân ca và nhạc cổ.

“Chương trình dân ca hiện nay, chúng tôi vừa kế thừa nhưng cũng phát huy những ưu điểm để tiếng hát dân ca mãi mãi lưu giữ những âm sắc quê hương ngọt ngào nhất. Theo lịch phát sóng hiện nay thì dân ca có gần 300 chương trình phát sóng trên VOV1, VOV2, VOV3…” - soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng cho biết thêm.

Bên cạnh phần giao lưu, chia sẻ thú vị của những khách mời, BTV, nhạc sĩ… khán giả còn được thưởng thức những làn điệu dân ca và nhạc cổ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: Điệu chèo cổ “Luyện 5 cung” do NSND Hồng Ngát thể hiện, bài cải lương “Yêu câu vọng cổ quê nhà”, ca Huế “Nhớ về quê mẹ”, dân ca quan họ “Em là con gái Bắc Ninh”…/.

Huy Phương - Vũ Toàn/VOV.VN

Bài Liên Quan

Tin Mới 3968747281876972363

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item