Đi tìm “tiếng hát người trời”

TP - Giữa trùng điệp núi non hùng vĩ, điệu hát Then như hòa quyện vào không gian bao la của đất trời. Tiếng gió, tiếng đàn, tiếng hát lồng ...

TP - Giữa trùng điệp núi non hùng vĩ, điệu hát Then như hòa quyện vào không gian bao la của đất trời. Tiếng gió, tiếng đàn, tiếng hát lồng vào nhau tạo nên một thứ âm thanh nghe đến lạ kỳ. Âm thanh ấy cất lên khi rộn ràng, vui tươi, lúc lại ấm trầm, khẽ luồn qua mây gió đại ngàn, phả vào hơi sương mờ ảo những màu sắc huyền bí.
Hai nghệ nhân hát Then, đàn tính ru hồn người đến chốn bồng lai tiên cảnh.

Leo núi nghe hát

Trong một lần tình cờ, người bạn làm cán bộ Đoàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã kể cho tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ về “tiếng hát của người trời” và cây đàn tính 2 dây độc đáo của người Tày đã làm say đắm những ai có dịp đến Bình Liêu, huyện biên giới phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. 

Câu chuyện của anh đã đưa tôi đến ranh giới giao thoa của đất trời, nơi con người sống với nhau hiền hòa như những dòng suối nhỏ, dòng suối quanh năm tưới mát những mảnh ruộng bậc thang uốn lượn, ôm mình trên lưng chừng núi.

Chúng tôi quyết định đến Bình Liêu vào một ngày cuối tháng 7, cái nắng gay gắt chiếu xuống mặt đường, chiếc xe ì ạch trườn qua những con dốc dựng đứng. Xung quanh, núi chồng lên núi nằm ngay sát bờ vực sâu tít toàn cỏ cây, chặng đường đến với Bình Liêu thật không như tưởng tượng, những con đường chạy dài bám sát bên sườn núi xa tít tắp. 

Bình Liêu được xem là huyện miền núi khó khăn của Quảng Ninh. Nơi đây có hơn 96% là người dân tộc thiểu số, người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa trong đó người Tày có một lịch sử lâu đời và nền văn hóa đa dạng, độc đáo.

Như đã hẹn, anh Mạc Ngọc Điệp, Bí thư huyện Đoàn Bình Liêu đón chúng tôi. “Nắng thế thôi, lên đây một lúc sẽ dễ chịu ngay, gió từ suối thổi vào sẽ không còn cảm giác nóng. Dân ở đây chẳng ai dùng quạt hay điều hòa như dưới xuôi các cậu đâu” – Anh vừa nói vừa nhanh tay rót ly nước mời chúng tôi. Sau vài câu chuyện hỏi thăm, thấy tôi cứ nhấp nhổm anh hiểu ý cười rồi nói: “Cùng đi tìm tiếng hát người trời nhé”.

Theo chiếc xe Dream của anh Điệp dẫn đường, qua mấy khúc cua, anh đưa chúng tôi đến thôn Chang Nà, xã Tình Húc. Sát bên bờ suối, một ngôi nhà nhỏ hiện ra, một cụ già đang ngồi loay hoay với mấy quả bầu khô bên thềm nhà. Anh Điệp chỉ tay nói: “Đây chính là báu vật nhân văn sống của tiếng hát người trời”. Nghe thấy giọng người quen, nghệ nhân Lương Thiêm Phú nhổm dậy đon đả mời chúng tôi vào nhà.

“Then trong tiếng Tày có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”. Then được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa… Đồng bào Tày quan niệm, điệu Then không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu mà nó còn giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời” - Nghệ nhân Lương Thiêm Phú giải thích cội nguồn của điệu hát Then.
Nghệ nhân Lương Thiêm Phú truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về đàn tính, hát Then.

Ông Phú tuổi đã gần 80 nhưng vẫn mê mẩn với hát Then và đàn tính. Ông là một trong số ít người còn có thể làm được đàn tính. “Muốn làm đàn tính cho có âm thanh thật hay phải chọn được quả bầu già, rồi lấy da con trăn bịt lại. Bây giờ, da trăn hiếm lắm nên dùng một loại giấy đặc biệt có độ đàn hồi cao để thay thế. 

Tuy giấy không có độ bền bằng da trăn nhưng âm thanh vang lên cũng tạm chấp nhận được. Chỉ cần nghe cây đàn tính vang lên là có thể nhận ra ngay nghệ nhân làm đàn ở trình độ nào” - ông Phú chia sẻ. Cũng chính bởi vậy, nhiều người Tày ở Bình Liêu nói rằng, ông Phú là nghệ nhân làm đàn tính hay nhất vùng.

“Hát Then không phải cứ đàn hay, hát giỏi là có thể mê hoặc được lòng người đâu. Muốn người nghe đến được chốn bồng lai tiên cảnh thì phải có không gian và thời gian thích hợp”. Vừa nói ông Phú dặn hai học trò cưng: Dẫn các anh lên núi Nhà Trời để cho các anh biết “tiếng hát người trời” kỳ diệu đến đâu.

Theo chân anh Hoàng Đức Quy và chị Lèo Thị Lường, chúng tôi vượt qua mấy con rẫy, men theo con đường nhỏ bên sườn núi mới đến được núi Nhà Trời như lời ông Phú nói. Ngọn núi khá cao, đứng trên mỏm đá có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn. 

Phía bên kia ngọn núi là địa giới của Trung Quốc, sát bên lưng núi có một con suối chảy dọc theo thung lũng xanh mướt. Sau khi ngồi yên vị trên một tảng đá giữa dòng suối, chỉnh lại dây đàn, anh Quy bắt đầu gẩy những nốt nhạc đầu tiên.

Giữa trùng điệp núi non hùng vĩ, giọng hát của hai người như hòa quyện vào không gian bao la của đất trời rộng lớn. Tiếng gió, tiếng đàn, tiếng hát lồng vào nhau tạo nên một thứ âm thanh nghe đến lạ kỳ. 

Âm thanh ấy cất lên khi rộn ràng, vui tươi, lúc lại ấm trầm, khẽ luồn qua mây gió đại ngàn, phả vào hơi sương mờ ảo những màu sắc huyền bí. 

Khi trong veo, lúc thanh thoát như tiếng suối róc rách dưới chân. Mây ngừng bay theo từng lời hát, gió nô đùa trên kẽ lá với tiếng đàn vang xa. Tất cả cùng hòa vào bản hòa tấu của thiên nhiên, đất trời miền biên viễn xa xôi này.

Truyền thuyết của cội nguồn

Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa có một chàng trai khỏe mạnh tên là Xiên Cần, chàng trai này rất thích hát thi với chim muông trong rừng. Chàng đã lớn tuổi nhưng vì nhà nghèo và ăn quá khỏe nên không lấy được vợ. 

Một ngày nọ, Xiên Cần bắc các bậc đá lên hỏi trời (tức mẹ Hoa). Mẹ Hoa liền cho chàng một cây đàn tính có 7 dây, làm từ 7 sợi tóc của một nàng tiên. Chàng đánh đàn, lập tức hiện lên thành quách, thóc lúa đầy đồng và cả một thiếu nữ xinh đẹp chấp nhận làm vợ Xiên Cần.

Nhưng với tiếng hát của chàng và tiếng đàn lại làm mọi người say đắm, bỏ bê việc đồng áng. Mẹ Hoa thấy vậy liền xuống trần thu lại 7 sợi tóc của nàng tiên và đưa cho Xiên Cần 3 sợi dây tơ tằm có tên gọi dây mẹ (tượng trưng cho đất nước đẹp giàu), dây anh (dây trầm cho sức mạnh giữ nước), dây em (dây bổng chính là tình yêu đôi lứa). Và từ đấy, người Tày chơi đàn tính bằng 3 dây.

Điều đặc biệt, ở Bình Liêu đàn tính chỉ có 2 dây, 1 dây trầm và 1 dây bổng. Lý giải điều này, ông Phú trầm ngâm kể: “Truyền thuyết kể lại rằng, đàn tính của người Tày - Bình Liêu cũng có 3 dây như những nơi khác, nhưng vì tình bằng hữu với người Kinh nên đã cho cắt đôi quả bầu, phần đầu quả bầu cho người Kinh kèm theo dây mẹ. Từ đó, tính tẩu còn lại 2 dây và đàn bầu của người Kinh thì có 1 dây (độc huyền cầm), tính là đàn, tẩu là quả bầu”.

Câu chuyện về hát Then, đàn tính làm chúng tôi mê mẩn trên đường về nhưng lòng cũng nặng trĩu vì hiện nay những người như ông Phú không còn nhiều. Anh Điệp cho biết: “Hát Then ở Bình Liêu rất phát triển, chính quyền cũng như Đoàn thanh niên chúng tôi đang kết hợp với các nghệ nhân thành lập các câu lạc bộ. 

Cũng rất vui vì trong số các thành viên bây giờ có nhiều bạn trẻ. Hằng tuần, Câu lạc bộ hát Then lại sinh hoạt rồi đi biểu diễn khắp huyện. Hát Then đàn tính đã trở thành một trong số các câu lạc bộ hát dân ca hoạt động mạnh của huyện Bình Liêu đấy”.

Bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng Phòng VH - TT huyện Bình Liêu tiết lộ: “Thời gian qua chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng CLB Then - Thơ - Ca trên toàn địa bàn. Đến nay, đã thu hút được nhiều thành viên tham gia. Nhìn chung, các CLB sinh hoạt đều đặn và hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng hồ sơ đề cử “Then Tày - Nùng - Thái” trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể”.


Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại là dịp để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về giá trị của di sản Then. Điều này cũng khẳng định vai trò của Then trong đời sống của đồng bào người Tày ở Bình Liêu, tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của cộng đồng người Tày, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa quốc tế”. 

Ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh

Bài Liên Quan

Dân Ca Các Miền 3520766335687877911

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item