Tiết lộ thú vị của diễn viên đóng Ni Cô Huyền Trang

18/10/2016 02:00 GMT+7 Ngã rẽ cuộc đời của NSƯT Thanh Loan ra sao sau vai diễn nổi tiếng Ni Cô Huyền Trang ? Những thắc mắc của khán giả...

18/10/2016 02:00 GMT+7
Ngã rẽ cuộc đời của NSƯT Thanh Loan ra sao sau vai diễn nổi tiếng Ni Cô Huyền Trang? Những thắc mắc của khán giả sẽ được trả lời trong phần trò chuyện của diễn viên Thanh Loan trong chuyên mục Hotface.

Nhà báo Hà Sơn: Thưa diễn viên Thanh Loan, mọi người biết đến cô trong vai diễn Ni Cô Huyền Trang trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn" và nhiều khán giả thắc mắc thời gian qua cô đã sống như thế nào?

NSƯT Thanh Loan: Bộ phim Biệt động Sài Gòn tôi đóng vai Ni Cô Huyền Trang dù đến nay đã hơn 30 năm nhưng những ngày lễ tết, kỷ niệm bộ phim vẫn được trình chiếu lại. Đó là món quà vô giá của người làm phim bởi thời gian đã lâu khán giả vẫn nhớ nhân vật Ni Cô Huyền Trang ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.

Nhà báo Hà Sơn: Mọi người đều biết, sau bộ phim "Biệt động Sài Gòn" cô gần như không tham gia phim ảnh và có ý kiến cho rằng bởi áp lực nổi tiếng với nhiều luồng thị phi nào là tin đồn cô qua đời, li dị chồng, bị tạt axit. Đó có phải là một trong những nguyên do khiến cô lùi về phía sau, không tham gia vai trò diễn viên?

NSƯT Thanh Loan: Vai Ni Cô Huyền Trang được thực hiện khi tôi khi đang là phát thanh viên của Truyền hình An ninh. Lý do chính có lẽ bởi công việc chính của tôi ở đó nên không tham gia nghiệp diễn viên nữa. Sau này cũng có rất nhiều bộ phim khác mời tôi tham gia nhưng khi đọc kịch bản phần tâm lý những bộ phim mình được mời không vượt qua được cái bóng của Ni Cô Huyền Trang. Tôi phải đóng vai gì có đất diễn hay hơn mới tham gia.
Diễn viên Thanh Loan ở tuổi 66.



Hơn nữa, tôi công tác biên tập và đạo diễn của Đài TH Công An nên không có lý gì để tôi theo nghiệp diễn mãi được. Cũng có nhiều vai tiếc lắm nhưng do công việc chính tôi không thể nào đi được. Một diễn viên nổi tiếng khi bị đồn sẽ càng xuất hiện nhiều hơn để chứng minh chứ? Nhưng do nghiệp nên mình làm ở đâu thì tập trung ở đó. Đó là những lý do bạn ạ.

Nhà báo Hà Sơn: Sau bộ phim "Biệt động Sài Gòn" cô nhận nhiều tình yêu thương của khán giả. Những ngày đóng phim ấy, khó khăn, vui buồn hẳn là hành trang cô mang theo trong cuộc sống thời gian qua và cả sau này phải không?

NSƯT Thanh Loan: Thời đó làm bộ phim điện ảnh rất lâu, công phu, chau chuốt, đạo diễn cho đi thâm nhập thực tế, gặp những nguyên mẫu. Ở phimBiệt động Sài Gòn tôi may mắn gặp đại tá anh hùng lực lượng vũ trang Tư Chu, nhân vật Huyền Trang và nhiều nhân vật khác.

Trong tất cả những nguyên mẫu tôi gặp, những anh hùng biệt động Thành như anh Tư Chu và Huyền Trang mình được nghe kể chuyện về những ông chủ hãng sơn Đông Á, nổi tiếng của Sài Gòn rất uy tín. Thời gian đó họ không những là hãng sơn uy tín mà còn giàu lòng yêu nước sẵn sàng giúp đỡ cách mạng, tôi cho rằng đó là tấm lòng của bà con yêu dân tộc, yêu đất nước mình sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những người chiến sĩ biệt động thành...

Nhà báo Hà Sơn: Đạo diễn Long Vân, diễn viên Quang Thái từng đồng hành cùng cô trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn" những năm tháng qua sinh sống tại Hà Nội, vậy cô có thường xuyên gặp họ?

NSƯT Thanh Loan: Đạo diễn Long Vân năm nay cũng ngoài 80, trước kia vợ chồng anh có cô con gái và sống ở Sài Gòn. Khi về già anh chị chuyển ra Hà Nội và lâu lâu anh em mới gặp nhau. Ngày trước những liên hoan phim, lễ trao giải truyền thống của điện ảnh anh em gặp nhau nhưng gần đây đạo diễn Long Vân yếu, nhất là sau cú ngã xe máy bây giờ phải ngồi xe lăn và ít gặp.

Anh diễn viên Quang Thái năm nay cũng ngoài 80 - người trước đây hóa thân vào ông chủ quán sơn Đông Á. Anh cũng yếu, sức khỏe kém, cách đây vài năm, anh em gặp nhau đi tập thể dục ở hồ Ngọc Khánh hoặc hồ Thành Công nhưng 3 năm nay anh ít ra ngoài, đi đâu phải có vợ dìu. Đó là người đạo diễn, người bạn diễn tôi đã có tình cảm và dấu ấn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Nhà báo Hà Sơn: Vậy 2 nữ diễn viên đóng chính cùng cô là diễn viên Hà Xuyên và Thúy An thì sao?

NSƯT Thanh Loan: Thực ra 2 bạn diễn của tôi đều sống ở Sài Gòn, năm trước có Đại hội điện ảnh VN, Hà Xuyên cũng ra dự, chị em gặp nhau rất vui vẻ. Hà Xuyên cũng tham gia đóng những bộ phim nhiều tập, rất yêu nghề. Còn riêng chị Thúy An, qua bạn bè được biết cuộc sống có vất vả hơn sau khi chia tay với NSND Hồng Sến sau đó anh mất chị Thúy An cũng tham gia ít phim hơn. Về đời tư Thúy An có vất vả hơn.

Nhà báo Hà Sơn: Ở vai trò diễn viên cô đã ghi dấu ấn với vai diễn trong "Biệt động Sài Gòn" và trong tư cách đạo diễn phim, cô cũng từng dành giải cánh diều bạc. Cô chia sẻ gì về vai trò đạo diễn phim?

NSƯT Thanh Loan: Sau phim "Biệt động Sài Gòn", tôi trở về với công việc thường ngày và học thêm đạo diễn. Trong vai trò đạo diễn tôi đã làm nhiều phim và đa số là những nhân vật nguyên mẫu có thật trong cuộc sống như tiểu thuyết "Trinh sát nội thành" nói về những chiến sĩ tình báo hoạt động thời kỳ chống Pháp trong lòng Hà Nội những năm 1950. Vì thấy rất hay, hấp dẫn, khâm phục tấm lòng quả cảm của nhân vật nên tôi mời nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Trung chuyển thể sang bộ phim "Những người trong chuyện".

Khi gặp những con người trong tiểu thuyết tôi rất xúc động vì tuổi trẻ của họ trôi qua chiến tranh, những người hoạt động tình báo phải có lòng dũng cảm mới làm được nhiệm vụ đó. Những người hoạt động tình báo thường bị người ta lãng quên nhưng nhờ các tác phẩm văn học điện ảnh họ lại được sống lại trong lòng mọi người. Bộ phim đó sau khi hoàn thành, nhất là NSND Lê Mạnh Thích khen tôi khai thác được nhiều đề tài xúc động về những con người chân thật. Bộ phim này từng được cánh diều bạc Hội điện ảnh Việt Nam.
Diễn viên Thanh Loan.



Nhà báo Hà Sơn: Cháu từng xem "Chuyện những nữ phạm nhân" do cô làm đạo diễn và rất ấn tượng cách khai thác những đề tài và những nhân vật không dễ cởi lòng chia sê. Cô chia sẻ những lý do vì sao chọn những đề tài như vậy và trong số những nhân vật từng gặp cô ấn tượng nhất với ai và vì sao?

NSƯT Thanh Loan: Tôi với nhà biên kịch trẻ Đoàn Phương Nhung viết đề tàiChuyện những nữ phạm nhân và đi rất nhiều trại, đặc biệt vào trại 5 của Thanh Hóa gặp những nhân vật nữ nổi tiếng một thời như là cô Hoa - hoa hậu Điện Biên. Cách đây mười mấy năm, cô này ghê gớm dã man ném con riêng của chồng xuống sông Hồng khi đang đi cầu Thăng Long.

Chúng tôi cũng gặp cô Nhung ở Hà Nội buôn ma túy bị án tù 20 năm. Những buổi chiều thứ 7, ngày nghỉ, trại cho gia đình tiếp tế cho tù nhân, những người cải tạo những trại giam nam rất đông vợ con vào thăm nom nhưng riêng khu nhà những nữ phạm nhân không có ai thăm nom. Các cô vào đây cũng hối hận, khóc vì ham làm giàu đến lúc vào trại cải tạo gia đình tan nát, những ông chồng đi lấy người khác, rất thương nên tôi xoáy sâu vào những người như thế.

Có những cảnh quay đúng vào ngày trời mưa các cô phải quét lá, chăm sóc những đàn gà con, trong khi ở Hà Nội con họ phải nhờ bà con nuôi. Đấy là những hình ảnh rất xúc động về những con người số phận, bị đi tù.

Nhà báo Hà Sơn: Khi gặp những nhân vật bằng cách nào từ người không quen biết cô tạo niềm tin để nhân vật trải lòng?

NSƯT Thanh Loan: Thực ra lúc vào trại cải tạo tù nhân tôi có may mắn hơn những đạo diễn khác là đạo diễn nữ nên dễ gần. Thứ 2 tôi trưởng thành từ diễn viên, trong trại những phạm nhân đa số đã từng được xem bộ phim Biệt động Sài Gòn do tôi đóng nên gần gũi, xóa mặc cảm. Tôi cũng chủ động thể hiện tình cảm vì thế họ cũng cởi lòng, chia sẻ những nỗi buồn, giọt nước mắt muộn màng, hối hận.

Nhà báo Hà Sơn: Như cô chia sẻ, không chỉ nhân vật Ni Cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn giúp cô có được nhiều tình cảm của khán giả mà nhờ vai diễn đó giúp cho công việc đạo diễn của cô sau này thuận lợi?

NSƯT Thanh Loan: Những vai diễn để đời được nhiều đối tượng xem, kể cả những nữ phạm nhân giúp tôi gần gũi, nhận được sự chia sẻ rất lớn. Tôi cho đấy là hạnh phúc của người nghệ sĩ và nhờ các vai diễn tôi cũng thuận lợi hơn so với những người nghệ sĩ khác.
Diễn viên Thanh Loan với cháu ngoại.

Nhà báo Hà Sơn: Bộ phim hay chương trình gần đây nhất cô tham gia với vai trò đạo diễn?

NSƯT Thanh Loan: Tôi có phối hợp với Đài THVN làm chương trình "VN vẻ đẹp tiềm ẩn" hay Đài TH Hà Nội "Người chơi tranh chữ" nói về bác Bùi Hạnh Cẩn năm nay 95 tuổi, là một nhà văn hóa nổi tiếng.

Gần đây tôi chuyển sang viết kịch bản, chẳng giấu gì bạn Hội điện ảnh VN mới mời tôi lên ký hợp đồng kịch bản phim Người lính không trở về được hội đồng nghệ thuật Hội điện ảnh Việt Nam đánh giá loại A, đấy là những nguyên mẫu tôi từng gặp, những gia đình đã có những người lính hi sinh trong chiến tranh.

Nhà báo Hà Sơn: Theo thời gian diễn viên Thanh Loan có những cột mốc khác nhau. Giai đoạn tuổi trẻ cô ghi dấu ấn với một số vai diễn, trong đó Ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" đậm nét nhất. Sau đó ở vai trò đạo diễn cũng có những bộ phim riêng và bây giờ bắt đầu chuyển sang vai trò người viết kịch bản...

NSƯT Thanh Loan: Thực ra ở tuổi này U60 từ sự tích lũy tôi muốn viết kịch bản về những con người, số phận đã gặp. Viết kịch bản phim tài liệu đòi hỏi phải có con người thật, sự chân thực trong cuộc sống. Người đạo diễn chuyển qua viết kịch bản điều quan trọng nhất là sự đồng cảm với những số phận, những con người khác nhau trong cuộc đời.

Phần 2: Tổ ấm hạnh phúc của đại tá thủ vai Ni cô Huyền Trang

Sơn Hà - Xuân Quý - Xuân Phúc - Đức Yên ( Vietnamnet )
Ảnh: Hòa Nguyễn

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 2908048418330965285

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item