Dương Xuân Quyền - họa sĩ của tình yêu đồng giới
TP - Có lẽ Yêu người cùng giới là triển lãm đầu tiên ở Hà Nội diễn tả trực diện các cung bậc tình yêu của người đồng tính nam. Đặc biệt, ng...
http://www.maivanlang.com/2017/03/duong-xuan-quyen-hoa-si-cua-tinh-yeu.html
TP - Có lẽ Yêu người cùng giới là triển lãm đầu tiên ở Hà Nội diễn tả trực diện các cung bậc tình yêu của người đồng tính nam. Đặc biệt, người dám dấn thân vào đề tài hiểm hóc này lại là một họa sĩ, giảng viên đại học ở Tuyên Quang.
Họa sĩ Dương Xuân Quyền tại triển lãm cá nhân đầu tiên Yêu người cùng giới. Ảnh: N.M.Hà.
Trương Tân từng mô tả tình yêu đồng giới từ hai thập kỷ trước, nhưng không có dịp trưng bày. Anh chỉ công bố những bức khỏa thân nam giới. Tình hình đã đổi khác khi Dương Xuân Quyền, 30 tuổi, quê Tuyên Quang cho treo hơn 20 bức nam giới khỏa thân và yêu nhau tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật tại Hà Nội. Tuy nhiên, 3 bức mô tả hơi kỹ cảnh phòng the sau ngày khai mạc đã được đề nghị dỡ xuống. Tức là những bức tranh “không may” đó cũng đã kịp lọt mắt nhiều người xem triển lãm, nhưng họa sĩ khẳng định chưa nhận được phản hồi bất bình nào.
Quyền bắt đầu theo đề tài đồng tính từ bảy năm trước. Anh gửi 2 bức cùng tên Yêu (có trong triển lãm lần này) tham gia triển lãm Trẻ 2011 tại Hà Nội nhưng không được treo. “Đề tài này giờ chưa hẳn được chấp nhận nhưng cũng không bị phản đối”, Quyền nhận định. “Khi làm đề tài này, tôi rất đắn đo không biết mọi người có cho treo không. Hội đồng nghệ thuật đồng ý để triển lãm diễn ra. Chỉ 3 bức kia bị đánh giá không phù hợp văn hóa truyền thống”.
Tất nhiên để được chấp nhận, Quyền phải có phương pháp vừa làm đẹp cho tranh vừa đỡ gây sốc. Anh sử dụng chất liệu khắc gỗ in lên giấy đen. Rồi tô màu lên các hình trang trí. Các thân người đều được phủ kín họa tiết thành ra tuy khỏa thân mà cũng như mặc quần áo. Quyền chọn các họa tiết từ lông công, cánh bướm… vẽ lên nhân vật cũng có ý đồ cả. Theo anh: “Vẻ đẹp công phượng hay được ví cho phụ nữ. Gay bên ngoài mạnh mẽ nhưng cũng có đôi chút yếu mềm ủy mị- hình tượng công nói điều đó. Bướm biểu tượng cho sự giỡn đùa, không chắc chắn. Tình yêu đồng giới không có sự liên kết chặt chẽ. Một lúc nào đó sẽ bỏ nhau, như bướm lột xác từ sâu...”. Tất nhiên, đây là quan điểm riêng của họa sĩ.
Một mô típ trang trí nữa mà Quyền theo đuổi cũng 7 năm nay là họ nhà khoai môn, dọc mùng “Mọc nơi ẩm thấp bẩn thỉu vẫn tươi tốt vươn lên nở hoa nhưng không được người ta trân trọng, không ai biết đến. Tôi muốn đẩy cây khoai môn thành hình tượng trong nghệ thuật của tôi về sự vươn lên trong đời sống”. Mới đây, Hoa dọc mùng 1 và 2 của Quyền được chọn trưng bày tại Biennale Mỹ thuật Trẻ 2017 tại TPHCM.
Hình tượng khoai môn cũng xuất hiện nhiều trong triển lãm Yêu người cùng giới. “Đồng tính là người bình thường, do xu hướng tình dục, phải che giấu”. Quyền cho hay. “Đôi khi người ta yếu đuối, mềm lòng nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống, đạt được thành công. Tôi mượn hình tượng cây khoai môn để nói lên chủ đề của mình nữa”.
Quyền nhận thấy tình yêu đồng tính bấp bênh, mông lung, buồn nhiều hơn vui. Nhưng khi được hỏi vẽ tình yêu này với tâm thế của người trong hay ngoài cuộc, tác giả chỉ cười: “Tôi vẽ như một người có tìm hiểu, có quan sát về đề tài. Không sợ... mang tiếng vì xác định rồi. Chắc chắn vẽ đề tài này có chút ảnh hưởng. Nhưng đã làm nghệ thuật phải hết mình. Sống với nó, hy vọng sẽ có một điều thú vị đến với mình”.
Toàn bộ kinh phí triển lãm do Quyền tự trang trải. Một mình anh áp tải tranh lồng khung kính từ Tuyên Quang xuống, vỡ mất ba tấm kính, gẫy một khung... Triển lãm cuối cùng cũng bán được một bức tả hai nam giới đang âu yếm nhau. Khách hàng là nữ kiến trúc sư người Việt sống ở Thụy Sĩ. “May có người mua động viên để có tiền trang trải chi phí triển lãm”.
Quyền nhận thấy công chúng Hà Nội vẫn còn khá e dè đề tài đồng giới. Thậm chí khi anh mời một số nghệ sĩ nổi tiếng đến xem tranh còn bị từ chối. Họ nói, rất muốn đến nhưng chưa đủ can đảm(!) Tuy nhiên, anh cũng nhận được một số lời hẹn qua Facebook tới nhà để xem tác phẩm. Dương Xuân Quyền đã học xong Thạc sĩ về Mỹ thuật tại ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là giảng viên ĐH Tân Trào, Tuyên Quang. Ngoài vẽ, anh có biết đàn tính và hát then khá hay.
Dương Xuân Quyền cho hay, tìm người mẫu để vẽ đã khó, đề tài đồng tính lại càng khó: “Mà không có người mẫu thì vẽ sẽ không có cảm xúc, tranh không có hồn”. Với những bức có hai người nam, anh cho hay không nhất thiết phải cần hai người mẫu đúng tư thế đó. Mà anh chỉ cần đề nghị một người mẫu thực hiện các tư thế khác nhau rồi ghép lại.