Soạn giả Mai Văn Lạng: Khán giả trẻ không quay lưng với dân ca
Mai Văn Lạng chụp ảnh lưu niệm với nhóm Quan họ Phương Nam Trong dòng chảy của âm nhạc hiện đại với sự ảnh hưởng của văn hóa K-po...
http://www.maivanlang.com/2017/04/soan-gia-mai-van-lang-khan-gia-tre.html
Mai Văn Lạng chụp ảnh lưu niệm với nhóm Quan họ Phương Nam |
Trong dòng chảy của âm nhạc hiện đại với sự ảnh hưởng của văn hóa K-pop (Hàn Quốc), nhạc ngoại quốc đâu đó xung quanh ta vẫn còn những người ngày đêm miệt mài, tâm huyết với những dòng nhạc cổ truyền như: chèo, quan họ, ví, dặm... Câu chuyện với nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng – thạc sĩ nghệ thuật, trưởng phòng dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam xoay quanh niềm đam mê của anh trong việc đưa dân ca ngày càng gần gũi khán giả, đặc biệt khán giả trẻ.
6 tuổi đã yêu hát chèo
PV: Cơ duyên và mạch nguồn cảm xúc nào khiến anh lựa chọn dân ca và nuôi giữ niềm đam mê với nó cho đến tận hôm nay, sau mấy mươi năm?
Soạn giả Mai Văn Lạng: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có bà ngoại là người rất yêu nghệ thuật dân tộc như chèo, hát xẩm, hát văn,… Bà cũng có thể đọc thuộc lòng truyện Kiều từ đầu đến cuối. Tôi lại sống với bà ngoại từ nhỏ nên tình cảm, những câu hát của bà ngoại đã thấm vào mình tự lúc nào không hay. Hơn nữa, mỗi ngày khi ở nhà với bà, bà thường mở đài cho nghe những chương trình hát chèo của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), chính vì vậy niềm đam mê càng thôi thúc tôi nhiều hơn.
Năm 6 tuổi tôi đã biết yêu dân ca và chèo. Được trời phú cho năng khiếu viết văn giỏi, sau khi học xong cấp 3 tôi ấp ủ ước mơ trở thành biên kịch và sau đó thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Từ đó, tôi vừa học vừa tập viết chèo, đi học chèo cùng các nghệ nhân: NSND Diệu Hương, NSUT Thanh Hoài, NSUT Thanh Bình... cũng như học hỏi thêm bạn bè đồng trang lứa. Đến năm 1992 (19 tuổi – PV) tôi có tác phẩm chèo đầu tiên được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam - “Đi giữa rừng ngô”. Từ đó đến nay tôi đã có hàng trăm tiết mục được thu thanh, phát sóng trên VOV, Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh. Tôi cũng thuộc lòng hàng trăm điệu chèo, ca trù, quan họ, cải lương, hát xẩm, cải lương... Khi được giao vị trí Trưởng phòng dân ca của VOV, tôi nhận thấy trọng trách đó càng lớn hơn.
Anh có ý định sẽ truyền lửa đam mê ấy cho con cái của mình hay không?
Chắc chắn rồi. Con tôi năm nay học lớp 12. Tôi đã định hướng cho cháu thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Có bao giờ anh nghĩ hay đặt giả định nếu sống thiếu dân ca cuộc sống và sự nghiệp của anh sẽ đi theo chiều hướng như thế nào? Anh có muốn lựa chọn nghề nghiệp khác hay không?
Cho đến bây giờ tôi đã gần 50 tuổi, gắn bó với dân ca cổ truyền từ bé, chắc chắn tôi sẽ không xa rời nó. Với tôi, nó dường như đã trở thành cái “nghiệp”, bởi “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Tôi cũng từng nghĩ nếu không làm nghề này mình sẽ theo nghề khác nhưng, với dân ca đó không chỉ là công việc kiếm ăn hàng ngày, hơn hết nó là niềm đam mê. Hiện tại, mỗi ngày tôi thường phát sóng hàng chục ca khúc trên Đài Tiếng nói Việt Nam với mong muốn mang nhiều hơn nữa những tác phẩm ấy đến gần hơn với công chúng. Tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin, ca khúc mới trên các trang mạng xã hội, Youtube, blog cá nhân.
Dùng mạng xã hội lan tỏa tình yêu dân ca
Hiện nay các loại hình âm nhạc dân tộc ngày càng được trân quý hơn. Đó là thuận lợi với những người làm nghề sáng tác như anh. Nhưng khó khăn chắc chắn không ít? Vậy với anh đó là những khó khăn gì?
Khó khăn nhất là làm sao các bạn trẻ có thể hiểu biết và yêu thích các dòng nhạc dân ca hơn. Câu hỏi đặt ra là, đầu tiên họ phải được nghe, thưởng thức cái hay đó đã. Có hay họ mới nghe, để rồi từ từ thấm và yêu nó. Câu trả lời đó, là trách nhiệm của những người làm nghề như chúng tôi.
Là một người làm nghề lâu năm, theo anh phương cách nào là hiệu quả nhất để đưa các loại hình âm nhạc dân tộc trong đó có chèo đến với khán giả?
Hiện nay mỗi phương tiện truyền thông: phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử... đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Lớp trẻ hiện nay tham gia các trang mạng xã hội rất nhiều đặc biệt là Facebook. Theo tôi để đưa dân ca đến với các bạn trẻ nhanh nhất là qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube hay các trang fanpage,… Bất cứ chỗ nào có internet họ cũng có thể xem và nghe được dân ca.
Anh nhìn nhận như thế nào về mức độ quan tâm của giới trẻ với âm nhạc dân tộc hiện nay?
Tôi rất mừng vì sau một thời gian tưởng chừng các bạn trẻ quay lưng lại hoàn toàn với dân ca thời gian gần đây đã có nhiều tín hiệu cho thấy họ đang dần yêu mến hơn. Bằng chứng là có rất nhiều bạn nhỏ tài năng: Đức Vĩnh, Tú Thanh, Phương Mỹ Chi,… Các bạn ấy sau này sẽ là những thế hệ nối tiếp theo đuổi dân ca và nhạc cổ truyền.
Mấy mươi năm theo nghề, có gia tài không nhỏ là nhiều sáng tác anh còn ấp ủ điều gì để lan tỏa tình yêu dân ca đến với công chúng?
Vừa qua tôi có tổ chức giao lưu hát chèo toàn quốc lần thứ 3 tại Thái Bình với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, hàng trăm tác phẩm đến từ mọi miền tổ quốc. Sắp tới tôi sẽ tổ chức các cuộc giao lưu về dân ca như: những người yêu quan họ hoặc những người yêu dân ca xứ Nghệ,… để khán giả được nghe nhiều hơn, đặc biệt chính họ lại được hát nhiều hơn.
Tôi mong có nhiều người hơn nữa tâm huyết với dân ca cổ truyền. Vật chất rất quan trọng nhưng đời sống tinh thần cũng là một bước nâng đỡ đời sống vật chất, giúp cho con người ta yêu đời hơn, yêu đất nước hơn bởi chính giai điệu quê hương.
Tuấn Linh ( Khoa báo chí, trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội )
Box: Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh ngày 26-12-1973 tại Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội. Hiện tại anh giữ chức danh: Nhà báo, Thạc sĩ, soạn giả, Trưởng phòng dân ca Đài TNVN. Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Hà Nội.
Mai Văn Lạng được biết đến nhiều nhất với tư cách là một soạn giả. Anh viết lời mới cho rất nhiều loại hình dân ca như: Chèo, Tuồng, Cải lương, Ca Huế, bài chòi, Dân ca Nam Bộ, dân ca Thiểu số, ca trù hát văn . . . tuy nhiên nhiều hơn cả là chèo.