Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ Việt Phương là một người đặc biệt

Thứ 2, 11:54, 08/05/2017 VOV.VN - “Nhà thơ Việt Phương là một người đặc biệt, một người bạn vong niên, người bạn lớn may mắn gặp gỡ t...

Thứ 2, 11:54, 08/05/2017
VOV.VN - “Nhà thơ Việt Phương là một người đặc biệt, một người bạn vong niên, người bạn lớn may mắn gặp gỡ trong cuộc đời", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.


“Nhà thơ Việt Phương tham gia sáng tác ít thôi, nhưng thái độ của ông đối với thơ ca, nghệ thuật thì rất đặc biệt. Ông dùng thơ ca để bày tỏ thái độ của mình với con người, xã hội nơi ông sống. Và chính đó là điều cốt lõi nhất làm nên giá trị của thơ Việt Phương.



Nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Đình Toán


Thơ ông viết đôi khi giản dị như một lời nói, như một sự nổi giận, rất đời và rất thơ. Vẻ đẹp của nghệ thuật trong thơ Việt Phương chính là sự giản dị, chân thực. Ông không phải là người của tu từ học, không thích mài dũa, hình ảnh mà lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn mà đầy đau đớn. Chính những cảm xúc ấy đã làm nên nội dung, sự thuyết phục và sức mạnh của những câu thơ ông viết. Chúng tác động mạnh mẽ vào tâm trí của người đọc.
Ông còn là con người mà trong bất cứ hoàn cảnh công việc nào cũng luôn chiến đấu cho vẻ đẹp cuộc sống, cho nhân cách, đến phút cuối.

Tôi đọc thơ Việt Phương từ khi còn rất trẻ. Người đầu tiên nói với tôi về vẻ đẹp của thơ ông chính là nhà thơ Nguyễn Tấn Việt. Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Tấn Việt là biên tập thơ của sở Thông tin Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Ông nói cho tôi tất cả cái hay cái đẹp của thơ Việt Phương, cái hay của sự chắc chắn và sự bùng nổ, của một chuỗi tư tưởng trong tập thơ "Cửa mở" đang trở thành một hiện tượng lúc đó. Tập thơ “Cửa mở” xuất bản năm 1970 và một thời gian rất lâu sau đó mới được tái bản.

Sau này, khi gặp ông ngoài đời, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Hóa ra, người viết những câu thơ mạnh mẽ, đanh thép nhất lại là một người vô cùng điềm tĩnh, nhẹ nhõm, dịu dàng.

Bất ngờ nhất là ông đã nói về thơ của tôi rất nhiều, nhiệt thành và chính xác. Hóa ra, thái độ của những nhà thơ lớn thường là như vậy. Họ luôn lắng nghe, đọc, chia sẻ từ những người khác chứ không đứng đó để chúng ta tìm đến.

Sau này, khi tuổi tác càng cao, thơ của ông càng giàu sự chân thành. Sự chân thành ấy lại có tính học hỏi của một người hiểu biết quá nhiều nhưng vẫn luôn lắng nghe sự chia sẻ từ người khác.

Thơ của Việt Phương, từ khi ông còn trẻ cho đến lúc già, vẫn luôn là tiếng kêu đau đớn như vậy.



Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.




Tất nhiên khi cuộc đời càng trải nghiệm, con người càng tinh tế thì câu thơ càng nhẹ nhõm, đằm thắm mà uyên bác, sâu sắc.

Những năm tháng Cửa mở ra đời, thơ ca Việt Nam đang có nhiều hạn chế, trong sáng tác cũng như trong công phá. Nhà thơ Việt Phương đã xuất hiện như một hiện tượng.

Hiện tượng đó không phải là thủ thuật cú pháp gì cao siêu mà chính là việc ông đã dám nói lên sự thật chân thực nhất về con người, cuộc sống. Sự mạnh mẽ, quả cảm, ở một vị trí, điều kiện công việc như ông không mấy ai dám nói nếu không nói ông là duy nhất. Có thể họ cũng viết nhưng đó là những bài thơ nhỏ hay dòng tự sự viết xong rồi để đâu đó. Nhưng nhà thơ Việt Phương thì khác, ông lên tiếng một cách kiêu hãnh.

Ông ca ngợi con người cuộc sống nhưng cũng dám chỉ ra những vấn đề âm bản đằng sau đó, ngược lại với mặt phải. Điều mà lúc đó rất ít các nhà thơ có thể dám lên tiếng về sự thật. Giá trị đích thực của con người là gì, giá trị đích thực của cuộc đời là gì? Khái niệm đơn giản ấy, thời điểm đó Việt Phương đã dám nói và nói một cách mạnh mẽ.

Tất nhiên, khi "Cửa mở" ra đời, có những người đã đón chào ông như một hiện tượng nhưng cũng có những người đã hiểu lầm ông. Họ nghĩ rằng, thơ của ông định nói một điều gì đó có thể tác động đến tư tưởng của con người trong thời đại. Sau này người ta mới biết rằng, đó thực sự là tiếng nói trung thực, là mong muốn, là khát vọng chân chính cho lẽ phải, cho vẻ đẹp cuộc sống. Tập thơ của Việt Phương là tiếng nói của ý chí, của lòng quả cảm trước hiện tượng đời sống. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên giá trị của thơ ca Việt Phương”.




Nhà thơ Việt Phương (1928-2017) hay Trần Việt Phương là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. Tập thơ “Cửa mở” của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản.

Ông là một viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ và được coi là thư ký thâm niên nhất của Thủ tướng chính phủ. Ông trải qua 53 năm làm thư ký riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một số năm đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi ông nghỉ hưu.

Ông qua đời lúc 8h50 ngày 6/5/2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi.


Đào Bích ( Vov )

Bài Liên Quan

Tin Mới 7099261210529366959

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item