ĐÊM CHÈO SÂN BÃI- tản văn của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn

“Ăn no rồi lại nằm khoèo Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem Chẳng thèm ăn chả, ăn nem Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo” ...




“Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả, ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”
(Ca dao)
         
“Tối nay ngoài sân bãi có diễn chèo đấy!”. Mấy bà đầu đội thúng, tay vung vẩy, miệng bỏm bẻm nhai trầu vừa đi chợ Hoành Nha, vừa nói chuyện thế. “Tối phải ăn cơm sớm rồi đi xem kẻo muộn, các bà ạ!” - Một bà khác nhổ toẹt nước quết xuống đường xen vào. Chẳng mấy chốc cả cái chợ Hoành Nha biết tin ấy. Mong sao cho chóng tối, chóng tắm trẻ con, chóng gà lên chuồng, chóng bữa cơm chiều mà hớn ha hớn hở, xí xa xí xớn bế bụng đi xem chèo như trong câu ca dao xưa. Câu ca dao bỏ bùa mê bao nhiêu thế hệ từ thuở ông cha khai sinh lập địa, lấn biển sinh làng.
Mẹ tôi là người ít chữ, chỉ học lớp ba trường làng rồi nghỉ giữa chừng vì nhà nghèo quá, mẹ tôi là con gái nên ở nhà làm lụng nhường cho các cậu là con trai được đi học, nhưng mẹ tôi vẫn thuộc làu ca dao, tục ngữ, truyện Kiều, ưa nói vần vè và hát ru rất hay. Nghe mẹ tôi ru con kiến cánh lửa trên vách sẽ quên bò, con mọt răng đen trong cột sẽ quên nghiến, con nghê cổng làng cựa chân muốn nhảy, con hạc đầu đình cất cánh muốn bay. Và tất nhiên mẹ tôi không chỉ mê chèo, mà là say chèo, say nghiêng chiêng ngả trống, say đổ miếu xiêu đình. Cứ thấy diễn chèo là đi xem. Cứ nghe hát chèo là hát theo. Những người đàn bà như mẹ tôi ở làng quê nhiều lắm, họ yêu những làn điệu dân ca như yêu mẹ cha, chồng con, mùa màng, ruộng đồng, làng mạc. Thứ tình yêu thuần phác, nguyên sơ sinh ra từ trong máu thịt phù sa châu thổ.
Anh em tôi được mẹ cho tắm sớm, giục ăn nhanh để tôi kịp ra sân bãi nhận chỗ ngồi. Trời mới sẩm tối mà trẻ con đông thế, chúng nó trải tấm áo mưa trên cỏ để nhận chỗ ngồi cho cả nhà, rồi cứ thế ngồi đợi cho đến tận lúc người nhà ra xem mới thở pháo nhẹ nhòm vì đã hoàn thành nhiệm vụ mẹ giao. Tôi cũng thế, trải áo mưa ra rồi thắc thỏm ngồi đợi. Thấy mấy đứa chơi trốn tìm, chọi cỏ gà cũng muốn nhập hội lắm, nhưng sợ lúc mải chơi ai tranh mất chỗ nên lại thôi, cứ ngồi trên tấm áo mưa xanh mà đập muỗi đói bồm bộp, muỗi sân bãi nhiều như vãi trấu, vung tro.
Mẹ dắt em Thơ đã ra kia rồi, tôi thấy bím tóc hai bên của nó chổng ngược lên trời như reo, như vẫy “Anh ơi, anh ơi!”. Hôm nay mẹ tranh thủ đi bán hàng. Hàng của mẹ là cái rổ đựng đầy táo chua bố hái trong vườn nhà lúc chiều. Những quả táo tròn xoe như trứng gà, trứng vịt so. Mẹ cắp cái rổ, bên trên úp một cái sàng. Từng ngón sần chai bày táo lên mặt sàng và đặt cái đèn dầu vào giữa. Đèn dầu hắt quầng sáng leo lét xuống mặt sàng tăm tối. Mọi người đi xem xúm vào mua táo, nhiều nhất là những cô gái chưa chồng hay có chồng mà thèm ăn dở, chắc thế. Táo chua chấm vào muối ớt làm cho những cặp môi hồng thiếu nữ cong cớn lên xuýt xoa, chỉ nhìn thôi đã thấy chua lắm rồi, trai làng nuốt nước bọt ừng ực chả biết thèm táo hay thèm…môi.
Tôi nhớ sân khấu được dựng đơn sơ bằng vài cọc tre và ván gỗ, rồi căng phông màn lên. Ngày ấy, quê tôi chưa có điện nên âm thanh và ánh sáng sân khấu có được là nhờ máy nổ. Máy nổ chạy phành phạch xen lẫn tiếng lý lơi của diễn viên. Mà diễn viên cũng không được ai nhớ mặt, biết tên bởi công nghệ lăng xê của truyền thông, cũng không được tiếp đón, bố trí nghỉ trong khách sạn như bây giờ mà tự vào nhà dân để xin ở nhờ, tự mượn nồi nấu cơm ăn. Khán giả xem thì mới nhận ra cái cô mua rau muống, rau cần chiều hôm trước là Thị Kính của đêm hôm nay kìa. Biết thế, hôm qua chẳng lấy tiền của…Thị Kính. Các đoàn chèo Thái Bình, Nam Định diễn lưu động phục vụ bà con không bán vé lấy tiền bao giờ, những cái tên diễn viên Minh Chí, Huyền Phin sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí bao người dân quê lam lũ, hồn hậu.
Mẹ bán hết hàng thì cũng là lúc tích chèo sắp lên màn, chẳng còn quả táo nào mà bán cho cô Thị Mầu đang đi rình của chua nữa. Đám trẻ con chúng tôi đã bắt đầu thấy chán, và giờ thì không phải trông chỗ ngồi, nên ra chơi đuổi bắt phía cuối sân bãi, mệt quá đứa nào cũng nằm lăn ra cỏ thở hí hóp. Mẹ bế em Thơ ngồi trên tấm áo mưa, vui buồn theo từng lớp nhân vật trên chiếu chèo. Khi thì mẹ cười với mẹ Đốp bốc mồm xã trưởng đặt vào váy sồi vá chằng vá đụp, với chú hề chơi xỏ quan viên ngu dốt tham lam. Lúc thì mẹ khóc với Thị Phương cắt thịt cánh tay nuôi mẹ chồng già yếu đói khổ, với cô Tấm bị dì ghẻ ác nghiệt cơ cầu. Khán giả đôi khi nhập tâm quá thét lên “Thằng Trần Phương kia mày không nhận ra vợ mày à?” hay “Thị Kính có giết chồng đâu mà đổ oan thế con mụ Mãnh ơi?”. Tấm màn nhung đỏ rực cứ khép lại một thân phận thì tiếng trống chầu âm vang lại mở ra một nỗi niềm.
Đám trai thanh, gái tú lấy đêm chèo, sân bãi làm nơi hò hẹn. Chẳng mấy khi có dịp được ngồi sát nhau mà không bị người làng nhòm ngó, dị nghị giữa thời vẫn còn “nam nữ thụ thụ bất thân”. Lời trai nói mát như gió nồm quyện với tiếng gái cười giòn như sành vỡ trong đêm chèo lúng liếng giêng hai. Qua mấy đêm chèo mà nên duyên chồng vợ, cũng như ông bà tôi thuở trước nhờ câu chèo xe duyên, mối lái mà đi cùng nhau cho trọn một kiếp người thương mến.
Mấy anh chàng láu cá, nghịch ngợm vòng ra phía cánh gà bên trái rình mấy cô đào thay quần áo, chẳng may rình trúng mấy chú kép, thế là bị đuổi chạy tán loạn bán sống, bán chết. Thế mà chẳng chừa, lần sau diễn chèo lại hỏi nhau: “Không biết mấy cô đào thay yếm bên trái hay bên phải nhỉ?” rồi nở nụ cười tinh quái, ranh mãnh.
Tôi lớn lên và trót mang cái nghiệp làm thơ, thi sĩ Nguyễn Bính phải thốt lên hỡi cái nghiệp giời đày. Bao nhiêu làn điệu chèo, bao nhiêu nhân vật chèo, bao nhiêu đêm chèo sân bãi buộc vào thơ tôi như thắt lưng hoa lý buộc vào tấm áo tứ thân xác pháo Thị Mầu. Màu chèo ấy hiện lên rực rỡ trong thơ tôi khi ngòi bút chạm vào nỗi nhớ quê nhà, thứ màu của cây đa giếng nước mái đình, của guốc mộc áo the khăn xếp, của người nông dân tảo tần một nắng hai sương, của đồng quê gian truân khê thối chiêm mùa.
Sân bãi giờ không còn vì người ta đã xây trụ sở ủy ban xã ở đấy. Tết này, tôi về quê phóng xe ngang sân bãi ngày xưa, thấy nhớ lắm một thời thơ bé đi xem chèo. Tôi bơi qua miền kí ức trong lành để tìm một thứ gì quý giá, mơ hồ đã đánh mất mà không thể nào tìm lại, bỏ lại một vùng trống chiêng cờ quạt phía sau lưng…




Bài Liên Quan

Tin Mới 1806277730245611607

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item