Chăm lo “báu vật nhân văn sống quan họ”

QĐND - Các nghệ nhân đều là người làng quan họ gốc, đạt đến trình độ điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, nhất là mỗi người sở hữu...

QĐND - Các nghệ nhân đều là người làng quan họ gốc, đạt đến trình độ điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, nhất là mỗi người sở hữu tới 300 bài quan họ cổ, có thời gian thực hành diễn xướng dân gian từ 50-60 năm...


Trong số 600 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2015, tỉnh Bắc Ninh có 5 nghệ nhân quan họ vinh dự có tên trong danh sách này. Với tình cảm, trách nhiệm dành cho các nghệ nhân, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo cho các “báu vật nhân văn sống quan họ” của địa phương.

Những người giữ “linh hồn” dân ca quan họ

Những ngày đầu năm 2016, chúng tôi về làng Diềm (tên Nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Con đường đê ven sông Cầu còn giữ nguyên vẻ thơ mộng với những lũy tre xanh, thi thoảng lại bắt gặp một bến nước nhỏ với những bậc thang xếp gạch đã ngả màu thời gian. Lối vào trong thôn nhỏ hẹp, có ngõ chỉ vừa hai người đi. Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi nhanh chóng tìm được nơi ở của các nghệ nhân quan họ.


Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Nhi với các liền chị quan họ trẻ năm 2011. 



Tỉnh Bắc Ninh có 5 nghệ nhân ưu tú dân ca quan họ thì 4 người trong số đó thuộc thôn Viêm Xá, đó là các cụ: Ngô Thị Nhi, Ngô Thị Lịch, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bàn. Nghệ nhân ưu tú còn lại là cụ Đỗ Thị Tước ở làng Khả Lễ, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Các nghệ nhân đều là người làng quan họ gốc, đạt đến trình độ điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, nhất là mỗi người sở hữu tới 300 bài quan họ cổ, có thời gian thực hành diễn xướng dân gian từ 50-60 năm. Trong không gian văn hóa cổ truyền, các nghệ nhân này đều đến với quan họ từ rất sớm. Mới chỉ 10 tuổi, họ đã “học đòi” được nhiều câu hát từ các liền anh, liền chị trong những buổi tối chập chờn ánh đèn dầu giữa canh hát. Họ dần trở thành những giọng hát chính trong những canh hát đám, hát hội của làng. Quan họ đã theo các nghệ nhân suốt những năm tháng cuộc đời: Răng non trắng tựa như ngà/ Đến nay trơ lợi còn ca rõ lời.

Khi đặt câu hỏi tại sao các cụ lại say mê quan họ đến vậy, chúng tôi nhận được câu trả lời bằng những nụ cười móm mém đã khô rạn vì những vết nhăn luống tuổi. Với các nghệ nhân, quan họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời họ và gắn chặt với đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng nơi đây suốt mấy chục năm qua. 

Theo dòng hồi tưởng của Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Nhi, năm 1957, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa tìm về làng Diềm để sưu tầm những làn điệu quan họ cổ. Chính những “báu vật sống” như cụ Nhi, cụ Phụng, cụ Lịch đã góp phần làm sống lại và lan tỏa những câu hát quan họ trữ tình mộc mạc. Giáo sư Hoàng Minh Giám sau khi nghe những làn điệu dân ca đã lặng người. Ông nhắn nhủ: “Các bà phải giữ gìn và truyền dạy cho lớp con cháu những làn điệu quan họ này, vì nó là báu vật của quốc gia, đánh mất nó là có tội với tiền nhân”. 

Không muốn di sản dân gian bị quên lãng, các nghệ nhân đã dày công chăm lo truyền nghề. Năm 1969, ngay sau khi ra đời, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã mời các nghệ nhân dân gian về truyền nghiệp cho các diễn viên. Các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy diễn viên cách hát theo đúng lề lối quan họ cổ. Những học trò của các cụ dần trưởng thành và trở thành những nghệ sĩ tên tuổi như cố Nghệ sĩ Xuân Trường, Nghệ sĩ nhân dân Thúy Cải, Nghệ sĩ ưu tú Quý Tráng…

Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Nhi tâm sự: “Hồi đó còn khỏe, còn đi được, hát được, bây giờ già rồi, chúng tôi chỉ biết căn dặn con cháu cố gắng giữ quan họ cho đời sau thôi”. Bảy người con của cụ Nhi cũng mang trong mình tình yêu với quan họ, trong số đó con trai cả Nguyễn Văn Ký là người dày công sưu tầm nhiều bài quan họ cổ. Những học trò của nghệ nhân lại tiếp tục công việc của thầy, truyền dạy quan họ cho lớp trẻ trong làng.

Mong các cụ sống khỏe để tiếp tục truyền dạy

5 nghệ nhân ưu tú quan họ, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, cá biệt có Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phụng chồng mất, không có con nên phải sống một mình. Vừa trò chuyện với chúng tôi, cụ Phụng vừa cần mẫn tuốt từng sợi rơm nếp vàng để bện chổi đem ra chợ bán lấy thêm kinh phí trang trải cuộc sống.

Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại với công việc cụ đang làm, cụ Phụng thật thà chia sẻ: “Tiền bán thì không được bao nhiêu, làm việc cho chân tay đỡ buồn thôi cháu ạ. Tôi già rồi, mắt mờ, tay chậm, mất cả ngày mới có thể bện xong một cái chổi. Những ngày rảnh rỗi, các cháu gần nhà cũng thường hay sang làm cùng tôi, vừa làm vừa học hát, phận già cũng bớt tủi thân”.

Không phải sống đơn bóng như cụ Phụng, nhưng di chứng của căn bệnh tai biến khiến không gian sinh hoạt của Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Nhi chỉ còn giới hạn trong ngôi nhà đơn sơ của mình. Hằng ngày, các con nghệ nhân phải phân công nhau trông nom, sớm tối bên mẹ già.

Các nghệ nhân quan họ vừa được vinh danh là những "báu vật nhân văn sống" của dân ca quan họ Bắc Ninh. Trao đổi với chúng tôi về chính sách đãi ngộ các nghệ nhân, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ năm 2010, các nghệ nhân đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh và đến năm 2013 được hưởng chế độ trợ cấp với mức 1.150.000 đồng/tháng. Khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, các nghệ nhân sẽ thụ hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở (hơn 1,8 triệu đồng), ngoài ra còn được tỉnh hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế.

Được biết, 5 nghệ nhân ưu tú quan họ ở Bắc Ninh đến nay tuổi đời đã rất cao (từ 84-94 tuổi). “Tuổi già như chuối chín cây. Quy luật sinh lão bệnh tử của đời người nào ai tránh được? Nhưng với trách nhiệm của ngành văn hóa, chúng tôi sẽ cùng với chính quyền địa phương cố gắng thực hiện tốt chính sách đãi ngộ để giúp các nghệ nhân bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi cũng tiếp tục động viên các cụ tiếp tục quan tâm truyền dạy quan họ cho thế hệ kế tiếp để loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này sẽ sống mãi với thời gian”, ông Nguyễn Xuân Trung chia sẻ.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Bài Liên Quan

Tin Mới 1422258824688079646

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item