VỢ TÔI SAY KHÚC DÂN CA - Thơ Mai văn Lạng- Cảm bình: Nguyễn Thanh

VỢ TÔI SAY KHÚC DÂN CA  Mai Văn Lạng  Hai mươi năm làm vợ Mải miết chăm chồng con Giờ rảnh rang đôi chút Em như cô gái so...


VỢ TÔI SAY KHÚC DÂN CA 

Mai Văn Lạng 

Hai mươi năm làm vợ
Mải miết chăm chồng con
Giờ rảnh rang đôi chút
Em như cô gái son

Cũng mắt huyền lúng liếng
Cũng mớ bảy mớ ba
Cũng cô Tấm chảy hội
Xinh tươi như trăng ngà

Vốn không thích thơ phú
Lại chưa hiểu dân ca
Thương chồng nên học hát
Sớm, khuya không nề hà

Đôi bàn tay " cô Tấm "
Chẳng " dệt gấm thêu hoa "
Chỉ chai sần, chầy xước 
Vì cơm nước, cửa nhà

Thi thoảng thôi mình nhé
Đừng mê đắm thiết tha
Chồng đã như tượng gỗ
Trăm sự ở vợ mà

Chiều mùa xuân nắng nhẹ
Đôi má hồng hây hây
Mắt lúng la lúng liếng 
Quan họ ơi: anh say!
......................................................
Những tưởng người bạn đời của Mai Văn Lạng chỉ biết mải miết chăm chồng con, cả cuộc đời chẳng biết đến thơ phú cũng không biết đến dân ca. Người đàn ấy quanh năm suốt tháng chỉ bận bịu với công việc cơ quan gia đình bếp núc tất tả lo toan cho chồng con miếng cơm manh áo, bát dưa quả cả. Chồng của cô vốn là con người của xã hội, kẻ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", lo toan cho việc cơ quan, việc xã hội thì nhiều chứ việc gia đình anh chỉ như "tượng gỗ". Vì vậy trăm công nghìn việc trong nhà đổ dồn vào đôi vai của người phụ nữ, người vợ hiền bé nhỏ của anh. Đôi bàn tay của cô ấy sau 20 năm làm vợ vào ra bếp núc, cơm nước cửa nhà, chợ búa rau dưa đã trở nên chai sần, chầy xước. Mai Văn Lạng hiểu thấu sự tần tảo của vợ. Anh cảm thấy mình có lỗi với những vất vả gian lao của người bạn đời. Chẳng giúp gì được cho cô ấy, anh chỉ còn biết gửi vào thơ nỗi niềm cảm phục biết ơn vô hạn với vợ. Anh xa xót trước sự tàn phai hao mòn nhan sắc vì sự vất vả đa đoan của vợ, coi vợ như ân nhân như vị cứu tinh trong nhà. Người phụ nữ dịu dàng mộc mạc đến thô ráp khiến anh nao lòng:
Đôi bàn tay "cô Tấm"
Chẳng "dệt gấm thêu hoa"...
Những tưởng với người phụ nữ lành hiền chất phác giản dị, đầu tắt mặt tối ấy thì thơ phú, hát ca chỉ là thứ xa hoa phù phiếm, là thứ phấn trang điểm nhạt nhòa. Trong con người cô, chắc ai cũng nghĩ chỉ có tiền nong, cơm áo chẳng biết đến lụa là phấn son, chẳng bận tâm đến thơ ca, quan họ, hội hè. Vậy mà một ngày kia người phụ nữ "quê mùa" ấy bỗng dưng lột xác: 
Cũng mắt huyền lúng liếng
Cũng mớ bảy mớ ba
Cũng cô Tấm trảy hội
Xinh tươi như trăng ngà
Từ cô gái của bếp núc nồi xoong áo cơm cho con cho chồng, cô gái ấy bước ra đẹp đến ngỡ ngàng. Không còn là người đàn bà mắm muối thô ráp ngày nào, cũng không phải là cô Tấm lấm lem tất tả cơm nước chợ búa, người phụ nữ ấy đã hóa thân thành cô Tấm cô tiên trong ngày hội xiêm áo lung linhh rực rỡ. Cô đã biết ăn mặc đẹp biết chú trọng đến hình thức thanh tân. Không còn vẻ chai sần vất vả của người phụ nữ đã 20 năm xuất giá, cô hiện hữu mới mẻ non tơ như cô gái tuổi mới lớn lên đẹp tựa "trăng ngà" thứ ánh trăng trong như ngọc đẹp như mơ, thánh thiện tròn đầy. Vì đâu mà cô đổi thay đến khó tin như vậy ? Vì sao mà cô bỗng thích làm đỏm làm duyên, thích trẻ trung xinh đẹp, thích làm mới mình trong mắt mọi người? Hóa ra cô cũng chỉ vì chồng, vì sở trường sở đoản của chồng. Chồng cô là con người của thơ phú, dân ca là tín đồ của hát hò văn hóa văn nghệ nên cô " lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Cô không chỉ yêu chồng chăm cho chồng miếng ăn giấc ngủ mà cô còn thương chồng, thấu hiểu tâm lý chồng, bắt nhịp được với sở thích của chồng và trên hết là cô biết đồng điệu hòa nhập sẻ chia với "cái nghiệp" "cái máu" văn chương, văn nghệ sỹ của chồng:
Thương chồng nên học hát
Sớm, khuya chẳng nề hà.
Từ một người đàn bà lạnh lùng nói không với thơ phú hát ca, người vợ ấy đã chạm vào tâm hồn của nhân loại. Cô không còn là người phụ nữ tẻ nhạt thô cứng và khô như ngói, cô đã trở thành con người mới hoàn toàn khác, duyên dáng mềm mại lúng liếng quyến rũ trong các câu dân ca. Có lẽ vì tình yêu chồng, thể theo nguyện vọng của chồng nhưng có lẽ cái lớn hơn, cái nguyên do sâu xa hơn đó là sự lan tỏa là sự lây truyền từ tình yêu dân ca của chồng đã lan truyền sang cho cô. Nếu vậy thì cái sự yêu dân ca của Mai Văn Lạng lớn quá. Nó đã cảm hóa, tiếp lửa thổi hồn cho người bạn đời của mình làm cho một tâm hồn vốn khô ráp thực tế như mảnh đất cằn lâu ngày bỗng trở nên xốn xang tươi mới quấn quyện bám riết lấy dân ca. Thế mới biết mưa dầm thấm lâu và thế biết dân ca không phải là món ăn xổi. Nó phải ngấm phải thấm phải có thời gian thì mới đi vào lòng người. Dân ca như mạch nước ngầm vậy, thấm từ từ nhưng đã thấm thì suốt đời không cạn vơi.
Có thể nói, thật hạnh phúc cho Mai Văn Lạng. Anh có thêm một người bạn mới yêu thích dân ca. Và anh hiểu đã yêu dân ca là yêu đắm đuối là "ăn phải bùa phải bả". Anh hài hước nhắc nhở người vợ yêu của mình:
Thi thoảng thôi mình nhé
Đừng mê đắm thiết tha...
Bởi lẽ hơn ai hết người phụ nữ ấy dẫu sao vẫn là cánh tay phải của gia đình. Mọi lo toan lớn bé trong nhà dường như một mình cô đảm nhận. Cô như nhân vật bà Tú trong bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Tú Xương vậy, tảo tần lam lũ đến quặn lòng: "Năm nắng mười mưa dám quản công" để rồi "Nuôi đủ năm con với một chồng". Vợ của Mai Văn Lạng chưa vất vả đến độ như bà Tú phải chạy chợ ngược xuôi buôn bán nuôi chồng nuôi con. Song xưa nay "cơm áo vốn không đùa với khách thơ". Chuyện hát hò cũng vậy. Mai Văn Lạng vốn đã đa đoan với thơ với chèo và với dân ca. Anh ít còn thời gian chăm bẵm lo toan cho vợ con và cho gia đình vì vậy anh lo lắng và nhắc nhở người bạn đời của mình đừng "mê đắm thiết tha" dân ca như anh mà chỉ "thi thoảng thôi mình nhé", Đó là lời nhắc yêu chứ thực tâm nhà thơ rất vui rất cảm kích trước trước sự đổi thay của vợ. Không còn là người phụ nữ quê kệch tay năm tay mười chỉ quen nội trợ gia đình, người vợ ấy nay trẻ trung xuân sắc và đáng yêu hơn gấp ngàn lần vì cô đã khoác trên mình tâm hồn, vẻ đẹp và khí chất của con người dân ca:
Chiều mùa xuân nắng nhẹ
Đôi má hồng hây hây
Mắt lúng la lúng liếng
Quan họ ơi: anh say!
Vậy là không chỉ có niềm cảm phục thương yêu người vợ hiền tần tảo bấy nhiêu năm vất vả hy sinh tuổi xuân lo toan vun vén cho chồng cho con, nhà thơ nhà báo Mai Văn Lạng còn bị cuốn hút thôi miên trước vẻ đẹp tâm hồn của người bạn đời tưởng chừng như cơm áo cuộc đời đã vùi lấp niềm vui sở thích cá nhân của cô. Anh say đắm người bạn tri âm thực sự và niềm say đắm đó anh chỉ bất chợt nhận ra sau 20 năm làm chồng, 20 năm gối kề tay ấp. Sự đồng điệu giữa hai trái tim, hai tâm hồn say khúc dân ca như lắng lại hòa quyện chung làm một và thực sự nó chưa bao giờ là quá muộn đối với anh.
Có thể nói, bằng lời thơ mộc mạc chân thành, cách nói hóm hỉnh giàu chất tự sự tâm tình, Mai Văn Lạng đã vẽ lên một bức chân dung mới mẻ đáng yêu về người vợ của mình. Cuộc đời anh là những câu thơ những khúc hát dân ca trữ tình trong đó có bóng dáng người vợ tảo tần thủy chung trong sáng và đằm thắm thiết tha của anh.



Bài viết của nhà giáo Nguyễn Thanh




Bài Liên Quan

Tin Mới 1968714501380654246

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item