Vụ cảnh nóng trong tiểu thuyết: Sách được giải quốc gia cần chuẩn mực
Thứ 5, 15:36, 26/04/2018 VOV.VN - Xét theo tính giáo dục chân- thiện- mỹ, nội dung của tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” đã không t...
http://www.maivanlang.com/2018/04/vu-canh-nong-trong-tieu-thuyet-sach-uoc.html
Thứ 5, 15:36, 26/04/2018
VOV.VN - Xét theo tính giáo dục chân- thiện- mỹ, nội dung của tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” đã không thể đáp ứng.
Nếu như cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt”của Bùi Việt Sỹ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn không đoạt Giải C - Giải sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018 thì có lẽ nó không bị “soi”, để rồi lọt ra một số trang, đoạn mô tả cảnh nóng với ngôn ngữ có phần thô thiển, thiếu tính thẩm mỹ, tạo nên sự phản ứng khá mạnh trong cộng đồng và ngay cả trong giới văn chương Việt.
Nude hay cảnh nóng trong nghệ thuật không còn là vùng cấm ở Việt Nam như trước đây. Đã có sách ảnh nude, triển lãm ảnh nude, tranh tượng nude, body art, trong phim điện ảnh và truyền hình cũng có khá nhiều cảnh rất “nóng”, ngay cả biểu diễn trên sân khấu kịch cũng không hiếm cảnh nude, cảnh “nóng”. Còn trong văn học thì cảnh nóng đã trở thành bình thường, thậm chí có cả xu hướng sáng tác mà cảnh “nóng” là chủ thể của câu chuyện, nên việc tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” có những trang viết mô tả cảnh nóng xét theo sự bình đẳng và quyền tự do sáng tạo trong nghệ thuật thì không có vấn đề gì đáng phải bàn luận.
Bìa sách “Chim ưng và chàng đan sọt”của Bùi Việt Sỹ.
Nhưng cái gì cũng có giới hạn, quy tắc, quy chuẩn, nhất là khi sách nằm trong khuôn khổ được cho là “sách hay” của Giải sách quốc gia. Theo đúng tiêu chí của một cuốn sách hay, thì trước tiên sách phải có nội dung mang tính giáo dục Chân-Thiện-Mỹ “mẫu mực” đến cộng đồng. Nhưng chiếu theo tiêu chí này, thì nội dung của cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt” đã không thể đáp ứng, cho dù theo nhận xét của Hội đồng giám khảo chấm cho cuốn sách Giải C: “Cuốn sách gọn gàng, sinh động, không sa đà vào tư liệu, mà khá thanh thoát, bay bổng, thành một hình tượng nghệ thuật, lưu lại trong lòng người đọc”. Nhất là khi đọc những trang mô tả cảnh nóng giữa nhân vật lịch sử - danh tướng nhà Trần là Trần Khánh Dư trong quan hệ bất chính với công chúa Thiên Thụy (trang 37-38), dùng những ngôn từ khá sống sượng và thô thiển miêu tả hành vi làm tình (không thể trích dẫn minh họa để chứng minh vì quá tục), y như ngôn ngữ trong các tác phẩm văn chương sex thô tục tràn lan trên mạng.
Lời giới thiệu về cuốn sách.
Một tác phẩm viết về lịch sử, với một biên độ công chúng bạn đọc không giới hạn, có nghĩa là có cả trẻ em vị thành niên đọc, chưa nói chuyện sách đoạt giải Quốc gia, mà nói về sách phục vụ cộng đồng thì đây là một cuốn sách có nội dung dung tục không phù hợp. Giáo dục thẩm mỹ ở đâu khi đọc những trang mô tả cảnh “nóng” bằng ngôn ngữ thô tục? Mà theo nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng phải thốt lên: “Tác giả không thể nhìn ra cái đẹp của tình yêu tình dục đích thực nhân bản, món quà lớn nhất của thượng đế dành cho loài người....Đúng là buồn thật. Sách thế mà vinh danh thì đúng là vả vào mặt những người làm văn học tử tế!”.
Đứng về góc độ văn chương, nhà văn là những người chuyển tải các thông điệp Chân-Thiện-Mỹ đến công chúng bạn đọc qua nội dung và ngôn ngữ tác phẩm, có nghĩa vụ và trách nhiệm trên những trang viết của mình, sao cho mỗi trang viết phải đẹp theo đúng nghĩa của văn chương. Khi nhà văn đã tự mình buông thả để viết nên tác phẩm với ngôn ngữ dung tục, thì tác phẩm không thể mang tính giáo dục thẩm mỹ đến công chúng, mang đến những vẻ đẹp lấp lánh ngôn từ văn chương đến bạn đọc. Ở góc độ này, thì cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt” đã trở thành một tác phẩm xấu. Và Giải C sách hay Quốc gia vừa được trao cần rút lại.
Qua cuốn sách này, nên chăng, trong ngành xuất bản cũng cần có giới hạn như bên điện ảnh, phân loại sách theo độ tuổi, bởi những loại sách có nội dung như “Chim ưng và chàng đan sọt” sẽ còn có thể được xuất bản không phải ít trong thị trường sách Việt./.
CTV Hoài Hương/VOV.VN