Chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền - Nơi lưu giữ hồn Việt
62 năm qua, chương trình phát thanh Dân ca và Nhạc cổ truyền - Ban Âm nhạc (VOV3) Đài TNVN đã gắn bó với nhiều người yêu làn sóng Tiếng nói...
http://www.maivanlang.com/2018/10/chuong-trinh-dan-ca-va-nhac-co-truyen.html
62 năm qua, chương trình phát thanh Dân ca và Nhạc cổ truyền - Ban Âm nhạc (VOV3) Đài TNVN đã gắn bó với nhiều người yêu làn sóng Tiếng nói Việt Nam.
62 năm qua, ngoài nhiệm vụ truyền bá dân ca đến mọi đối tượng thính giả, góp phần trong công cuộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền còn thường xuyên cung cấp các tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền cho các đài phát thanh địa phương, các đại sứ quán Việt Nam ở các nước và phục vụ công tác đối ngoại.
30 chuyên mục neo đậu trong lòng thính giả
Ngày mới ra đời (năm 1956), chương trình chỉ có một chuyên mục thì nay đã có hơn 30 chuyên mục neo đậu trong lòng thính giả xa gần như: Dân ca với thính giả, thính giả với dân ca; Khắp nơi đàn và hát dân ca; Tìm hiểu cái hay cái đẹp trong dân ca; Dân ca và các bạn trẻ.
Các làn điệu dân ca từ hát chèo, ca cải lương, ca Huế, hát văn, hát tuồng, hát xẩm, hô bài chòi, dân ca Quan họ, xoan ghẹo, dân ca Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ; dân ca các dân tộc thiểu số… xuất hiện đều đặn trên làn sóng thể hiện sự đa dạng về văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Giao lưu "Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ III".
Bên cạnh đó, chương trình còn giới thiệu được cái hay cái đẹp của nhạc cụ dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong cả nước có tài “đàn ngọt, hát hay”. Đài TNVN còn tự hào có một kho băng lớn lưu giữ giọng hát của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trong cả nước.
Chúng tôi thường nói với nhau và ví von rằng, Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền như một cửa hàng ăn kinh doanh các loại bún: bún ốc, bún riêu, bún chả, bún ngan, bún bò... Mỗi người thích một loại bún mà trách nhiệm của người phục vụ là phải đáp ứng tốt nhất. Dựa vào lượng thư của thính giả gửi về, chúng tôi nhận thấy mỗi làn điệu dân ca có chỗ đứng riêng và đối tượng thính giả riêng. Có người chỉ thích nghe hát chèo mà ít nghe hát tuồng. Có người chỉ mê ca cải lương mà ít nghe ca Huế. Có người chỉ thích nghe những làn điệu cổ, có người lại thích nghe sự cách tân... Cái mới và cái cũ bổ sung cho nhau. Cũng như bên cạnh cái quạt điện vẫn còn những cái quạt giấy, quạt nan.
Trong âm nhạc nói chung và trong dân ca nói riêng cũng vậy. Có nhiều ý kiến về một vấn đề, một thể loại. Có cả ý kiến giống nhau và khác nhau. Từ sự khác nhau và đa dạng, chúng tôi tìm ra mẫu số chung cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc cho hôm nay và mai sau. Chúng tôi mừng vì đông đảo thính giả gần xa luôn bên cạnh, giúp chúng tôi tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm đạt được sự hoàn mỹ của các chương trình.
Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi phải học
Một phương châm mà nửa thế kỷ qua các thế hệ biên tập phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền vẫn thực hiện, đó là “Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi phải học”. Việc học hỏi có sáng tạo, biết lắng nghe để hạn chế thấp nhất những sai sót không đáng có. Các lãnh đạo Đài trước đây như ông Trần Lâm (Tổng Biên tập Đài TNVN) và Huỳnh Văn Tiểng (Phó Tổng biên tập Đài TNVN) từng yêu cầu biên tập âm nhạc phải có 5 cái được: “Làm được, nói được, viết được, hát được và tổng kết được”. Các ông còn dặn, lãnh đạo cũng như biên tập viên phải luôn trau dồi kiến thức. Nếu biên tập “dốt” mà lãnh đạo cũng “dốt” dễ để lọt sai sót trên sóng.
62 năm qua, bên cạnh lời động viên khen ngợi thì những lời chỉ bảo, phê bình nghiêm khắc của thính giả gần xa đã giúp chúng tôi hoàn thiện mình. Chúng tôi nhắc nhở nhau rằng, không thể cầu toàn trong hoàn cảnh ít biên tập viên. Nhưng phải thực sự cầu thị trong mọi việc, từ khâu biên tập dàn dựng thu thanh, đến cách pha âm, hòa âm và cả cách đọc dẫn dắt chương trình. Sự cầu thị ấy đã và đang được các bạn thính giả lắng nghe đón nhận với tấm lòng cảm thông, lượng thứ mỗi khi phát hiện ra những sai sót trong mỗi chương trình, mỗi tiết mục.
Các thế thế hệ biên tập chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền đã có những việc làm đáng kể, nhiều điểm cộng mà ít điểm trừ. Là đơn vị “lao động xã hội chủ nghĩa” với 3 chiến sĩ thi đua và huân chương tặng thưởng của Nhà nước. Với riêng tôi, ông trời đã cho tôi làm bạn với dân ca từ khi còn niên thiếu. Cả cuộc đời tôi gắn bó với dân ca, “nghiện dân ca ngang nghiện cơm” - như lời vợ con tôi thường nói vui như thế. Nghỉ hưu đã 18 năm rồi mà tôi vẫn duyên nợ và đồng hành cùng dân ca.
Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thính giả, tôi biết anh chị em phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền vẫn không ngừng nỗ lực. Họ luôn sáng tạo trong mỗi chương trình, mỗi chuyên mục để làm vừa lòng thính giả xa gần./.
Nhạc sĩ Dân Huyền ( Nguyên trưởng phòng dân ca Đài TNVN )