Soạn giả- NSUT Đỗ Xuân- Người đi để nhớ, để thương

Nsut Đỗ Xuân  Nói đến “thương hiệu” hát chèo hay như Đài của các tiết mục hát chèo trên làn sóng Đài TNVN, quý thính giả không thể quên...

Nsut Đỗ Xuân 
Nói đến “thương hiệu” hát chèo hay như Đài của các tiết mục hát chèo trên làn sóng Đài TNVN, quý thính giả không thể quên một nghệ sỹ, đồng thời là một soạn giả quen thuộc, ông nguyên là diễn viên đội chèo Đài TNVN, còn là 1 nhà báo, một biên tập viên của phòng dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN: đó là NSUT Đỗ Xuân. 

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã qua đời ở tuổi 81, để lại niềm thương nhớ không nguôi cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và khán thính giả yêu mến. 


NSUT Đỗ Xuân tên đầy đủ là Đỗ Văn Xuân sinh năm 1938 tại Làng Mai Lĩnh – Hà Đông – Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông đến với nghệ thuật rất tình cờ. Năm 1956, ông theo bạn lên xem rồi quyết định thi tuyển vào Đoàn nghệ thuật chèo Nhân dân trung ương (nay là Nhà hát chèo Việt Nam). Mới đầu chỉ thi cho vui vì Đỗ Xuân chưa thuộc một điệu chèo nào cả, nhưng giọng hát của chàng trai Đỗ Xuân đã lọt tai các nghệ sỹ tiền bối như NSND Cả Tam, NSND Trùm Thịnh … và Đỗ Xuân bén duyên với chèo từ đó. Tại đây, ông mới chính thức học Chèo từ các bậc cha, chú là các NS, nghệ nhân nổi tiếng của làng chèo. Ông đã được giao đảm nhận vai “Thiện nam” trong vở chèo cổ Quan Âm thị Kính, hay vai “ông thày lang” trong vở “Lọ nước thần”… Dù chỉ là những vai phụ nhưng giọng hát của Đỗ Xuân đã giành được tình cảm đặc biệt của các thày, các bạn đồng nghiệp và quý khán giả yêu Chèo. Mốc quan trọng nhất của NS Đỗ Xuân là năm 1960, khi được NSUT Kim Đức phát hiện ra giọng hát ấm áp, mượt mà để rồi nhận ông về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài TNVN. Ở đây, giọng hát của NS Đỗ Xuân đã theo làn sóng Đài TNVN đi khắp mọi miền đất nước để ca ngợi chiến công của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 1968, ông được bổ nhiệm là đội trưởng đội Chèo của đoàn ca nhạc Đài TNVN, cùng với các nghệ sỹ tên tuổi của Đài TNVN tạo dựng nên thương hiệu “Hát chèo hay như Đài”. 

Khi còn là đội trưởng đội chèo Ns Đỗ Xuân là người nghệ sĩ có tâm với nghề. Ông say sưa truyền dậy cho các nghệ sĩ những bài mới biên tập đưa xuống, cùng các anh chị em tập một cách công phu kỹ lưỡng để thu thanh đạt chất lượng và hiệu quả nhất. Bên cạnh công việc là nghệ sĩ ông còn là một soạn giả chèo. Từ một nghệ sĩ hát khi viết bài cho chèo không dễ chút nào. Ông tìm đến các soạn giả đi trước như Dân Huyền, Hồ Tăng Ấn, Văn Hạnh, Công Sáu, Phạm Sông Tương… những người anh em , người đồng nghiệp đi trước để học viết. Mở đầu là những bài viết ngắn gọn, theo các điệu đơn giản nhưng sau đó là những tiết mục dầy dạn, lời ca tha thiết, trữ tình, có những bài ông viết đã gần 50 năm nay đến giờ vẫn có thư yêu cầu. Các bài viết của ông thường mộc mạc, giản dị gắn liền với đời sống lao động sản xuất và các sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó nổi bật lên những bài viết về các miền quê yêu thương, những miền quê ấy cứ lặng lẽ đi vào những bài ca của ông, tạo nên tên tuổi soạn giả Đỗ Xuân, bên cạnh NSƯT Đỗ Xuân, trong đó có một tiết mục viết về Bác Hồ kính yêu được nhiều thính giả yêu mến, đó là bài “Những mùa lúa ơn Bác 

Năm 1992, NSƯT Đỗ Xuân chuyển lên công tác tại phòng dân ca và nhạc cổ truyền làm công tác biên tập cho đến khi nghỉ hưu năm 1999. Thời gian làm công tác biên tập, ông có cơ hội được đi, được viết nhiều hơn. Điều đó thể hiện bằng hàng chục tiết mục mà ông soạn lời như: “Dạo bước đường xuân”, “Đẹp sắc xuân nay”, “Những mùa lúa ơn Bác”… và điều đặc biệt là ông đã hát song ca với nhiều nghệ sĩ nữ nổi tiếng như các nsut: Như Hoa, Minh Tâm, Kim Thoa, Huyền Vy… khi kết hợp với giọng nữ nào ông cũng thể hiện sự nhuần nhuyễn, ăn ý với các nghệ sỹ đó, tạo nên những tiết mục giàu cảm xúc gửi tới khán thính giả. Với những đóng góp hết mình cho nghệ thuật chèo trên làn sóng Đài TNVN, năm 1997, Đỗ Xuân được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: NSUT. Hơn 30 năm công tác tại Đài TNVN, ông đã đóng góp 1 phần không nhỏ vào kho băng tư liệu quý giá của Đài, với hàng chục tiết mục cũng như hoạt cảnh hát chèo do ông thể hiện và soạn lời đã chiếm được tình cảm của nhiều quý thính giả nghe đài. 

Thời gian qua mặc dù tuổi cao, bệnh tật, nhưng mỗi khi được nghe tiếng hát chèo và các tiết mục viết lời mới của mình thì trong ánh mắt ông vẫn ngời lên niềm hạnh phúc. Còn gia tài quý báu của ông để lại được lưu trữ trong kho băng của Đài TNVN vẫn là niềm tự hào của gia đình, của các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN. 

Xin được nghiêng mình vĩnh biệt ông, người bác chân thành, giản dị yêu say nghề của phòng dân ca, ban âm nhạc Đài TNVN 

Hà Nội ngày 24/10/2018
Quỳnh Chi- BTV phòng dân ca, ban âm Nhạc Đài TNVN 







Bài Liên Quan

Tin Mới 4952181552689740683

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item