Soạn giả Mai Văn Lạng: Tôi luôn giữ nét quê trong cuộc sống lẫn trong sáng tác của mình
10:28, 06/11/2019 (CLO) Dù đã sống gần 30 năm ở Thủ đô nhưng trong sâu thẳm con người soạn giả Mai Văn Lạng vẫn giữ được nét quê. Và...
http://www.maivanlang.com/2019/11/soan-gia-mai-van-lang-toi-luon-giu-net.html
10:28, 06/11/2019
(CLO) Dù đã sống gần 30 năm ở Thủ đô nhưng trong sâu thẳm con người soạn giả Mai Văn Lạng vẫn giữ được nét quê. Và đó cũng chính là cái gốc, là “bầu sữa mẹ” vô tận để anh đến với những tác phẩm soạn lời mới cho chèo.
Soạn giả Mai Văn Lạng là cái tên quen thuộc trong làng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh chính là một trong số không nhiều người thành công trong việc “khoác áo mới” cho dân ca và đặc biệt là chèo. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh câu chuyện nghề nghiệp, những sáng tác của anh.
+ Thưa soạn giả Mai Văn Lạng, đến với chương trình Quán Thanh xuân với chủ đề “Thương nhớ đồng quê”, có làm anh nôn nao nhớ về những ký ức ở quê nhà Thanh Oai- Hà Tây (nay là Hà Nội) của mình?
- Soạn giả Mai Văn Lạng: Chương trình Quán Thanh xuân để người ta nhớ lại thời thanh xuân của mình. Chúng tôi là những người cũng đã không còn trẻ nữa nhưng ký ức tuổi xuân thì luôn sống dậy. Trong ký ức thanh xuân ấy có rất nhiều ký ức, trong đó có vui, buồn. Đặc biệt, trong lúc đói khổ, rét mướt ai cũng có: Nào là được đi ngày Tết vui với hội Xuân, được xem chèo, xem dân ca, được cùng lũ bạn chăn trâu đuổi bướm ngoài đồng, cùng nhau bắt ếch mò cua, cùng đi cấy, đi gặt với nhau, rồi tham gia những đêm hợp tác xã chia thóc…
Nhưng có lẽ ký ức đậm nét nhất trong tôi là phong trào văn nghệ ở làng, đó là những tiết mục tự biên tự diễn. Vừa đi cấy đi gặt về tối lại biến thành cô Thị Mầu, cô dân quân, người ca sĩ… Tôi cảm nhận rằng khi mà cuộc sống khó khăn thì dường như con người chúng ta thương yêu nhau hơn. Bởi người xưa có câu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” rồi có bát canh, mớ rau, con cá cũng chia sẻ cho nhau, bát gạo cũng vay nhau được. Hay sau trận bão thì nhà nào bị sập nhà thì mọi người xúm vào giúp đỡ dựng lại căn nhà ấy…
Bây giờ cuộc sống thay đổi nhiều, nhưng tôi cảm giác chất quê luôn luôn vẫn còn ở mỗi làng mỗi quê, đặc biệt việc giữ gìn văn hóa. Bây giờ ở các làng, chùa, đình, miếu, đền được quan tâm sửa sang nhiều hơn... Đặc biệt là những CLB văn nghệ quay lại hát làn điệu dân ca quê mình.
Suốt gần 30 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, anh đã mang tài năng, tâm huyết và sự nhiệt thành của mình với dân ca và nhạc cổ truyền, để loại hình âm nhạc truyền thống tiếp tục được lưu truyền và lan tỏa trong đời sống hôm nay. Năm 2016, anh là một trong 10 Cây bút vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam và đặc biệt năm 2017, anh là đại diện duy nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam được tham dự Hội nghị Điển hình tiên tiến toàn quốc do Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước vinh danh. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực gìn giữ, quảng bá dân ca truyền thống của anh trong thời đại mà âm nhạc hiện đại đang phát triển như vũ bão hiện nay. Anh là tác giả của những bài soạn lời mới được các thế hệ khán, thính giả trên khắp cả nước yêu thích, như: “A lô, Lèn Hà”; “Nón trắng quê mình”, “Mùa xuân tình mẹ”, “Tình thắm duyên quê”, “Tình xuân xin gửi nơi quê”, “Khúc hát dưới trăng thu”…
+ Là người nhà quê ra phố, anh đã làm gì để giữ gìn chất quê trong bản thân mình trước sự xô bồ của đời sống thị thành?
Soạn giả Mai Văn Lạng: Bản thân tôi đã là người quê, khi ra thành phố gần 30 năm rồi nhưng tôi vẫn tự nhận mình là: “Gần 30 năm xa quê/ Vẫn tôi chân đất dép lê đầu trần/ Công danh gửi nẻo phù vân/ Mặc cho trời đất xoay vần dọc ngang/ Mình tôi vẫn giữ hồn làng"… Hồn làng tôi giữ bằng nhiều cách. Thứ nhất là bằng những sáng tác của mình. Thứ hai là giữ bằng nề nếp của gia đình mình. Tôi vẫn về thăm quê, vẫn ăn món ăn quê. Trong gia đình, tôi chỉ dạy cho vợ và các con giữ gìn chất quê. Tôi ở thành phố thì phải chấp nhận nhịp sống thành phố nhưng khó có thể tan được chất quê. Đất nước Việt Nam ta nghìn năm mất nước nhưng không mất làng, văn hóa làng luôn ở trong tôi, trong bạn, trong rất nhiều người.
Tôi từng căn dặn các con của mình: “Con ơi muối mặn gừng cay/Mồ hôi đổ xuống đất này đơm hoa/Người quê ta đất quê ta/Dẫu đi muôn ngả chẳng là người dưng”.
+ Thế còn công việc hiện tại ở Đài Tiếng nói Việt Nam được tiếp xúc với những người nông dân (người nhà quê), anh có những ấn tượng gì về cách họ gìn giữ dân ca truyền thống?
Soạn giả Mai Văn Lạng: Đầu tiên cho tôi xin chia sẻ rằng mình là người may mắn bởi dù có ra khỏi lũy tre làng nhưng vẫn được về làm việc ở phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam- nơi được coi là bảo tàng lớn nhất Việt Nam về dân ca nhạc cổ truyền. Hiện nay ở Đài có hàng nghìn băng của các cụ nghệ nhân từ năm 1950 đến giờ, đó là điều vô cùng quý giá.
Tôi đi bất cứ đâu làm việc gì cũng được người nhà quê yêu thương bởi vì người nhà quê mới hát dân ca, hát chèo hay. Tôi đi thu thanh bài chèo ở Thái Bình, các bác gọi nhau “alo đang làm gì đấy” bảo “đang đi cấy” nhưng lúc sau về là đã xắn quần hát luôn, mà hát rất hay, đó là chị Thanh Hoa ở Quỳnh Phụ, một trong những giọng hát không chuyên chèo rất ấn tượng.
Theo tôi được biết thì dân ca nôm na chính là người dân ca hát lên vậy thì chính là những câu “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Bởi thế chính là người nhà quê đang giữ gìn một cách tuyệt đối nhất về dân ca nhạc cổ truyền. Không gian bến nước sân đình dường như đã thay đổi nhưng có điều không hề thay đổi, đó là tình yêu với dân ca cổ truyền, với người quê mà chúng tôi vẫn gọi người nhà quê là những bảo tàng sống tốt nhất cho dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam.
Tôi thấy khoảng 10 năm nay dường như các lễ hội được tổ chức nhiều trở lại, văn hóa lễ hội dường như được khôi phục rất là mạnh, đặc biệt là dân ca nhạc cổ truyền và chèo. Tôi có dịp đi khắp nơi và rất vui là bà con cảm thấy hứng khởi hơn với loại hình âm nhạc truyền thống. Tôi thấy đi bất cứ làng nào cũng có một đội văn nghệ, đội văn nghệ đó thường hát dân ca và chèo. Trong đội văn nghệ ấy dù văn công Trung ương có về hay không thì cũng có 5, 7 tiết mục bà con nhân dân giao lưu với nhau. Đó là điều vô cùng đáng quý và đáng trân trọng.
+ Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục giữ mãi hồn quê trong mình!