CẢNH GIỚI CỦA SỰ GIÁC NGỘ- Nhà văn Hoàng Ngọc Sơn
Khổng Tử có một học trò rất thích tranh luận. Một hôm người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng. Người khách...
http://www.maivanlang.com/2020/01/canh-gioi-cua-su-giac-ngo-nha-van-hoang.html
Khổng Tử có một học trò rất thích tranh luận. Một hôm người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng. Người khách này ngăn vị học trò lại:
- Nghe nói thầy dậy của ngài là Khổng thánh nhân? Như vậy học vấn của ngài chắc phải cao lắm? Ngài cho ta hỏi, một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài! Còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta!
Người học trò suy nghĩ một lát rồi nói:
- Xuân, hạ, thu, đông. Một năm có bốn mùa!
- Sai rồi! – Người khách cự lại – Một năm chỉ có ba mùa!
Người học trò cảm thấy bực mình:
- Rõ ràng là một năm có bốn mùa! Sao ngươi lại nói là ba mùa?
Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử bước ra. Vị khách liền hỏi:
- Thánh nhân… xin ngài hãy phân xử! Một năm rút cuộc là mấy mùa?
Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói:
- Ba mùa!
Vị khách vô cùng đắc ý, quay sang người học trò:
- Ngươi đã nghe rõ chưa? Còn không bái lạy tạ lỗi với ta sao?
Vị khách cười ha hả, nghênh ngáo đi thẳng. Cậu học trò hết sức kinh ngạc, bèn hỏi Khổng Tử:
- Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao thầy lại nói là có ba mùa?
Khổng Tử trả lời:
- Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành! Một năm châu chấu chỉ sống có ba mùa xuân, hạ và thu. Nó đâu có biết mùa đông! Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?
Người đệ tử bừng tỉnh, hiểu ra ý cao thâm của bậc thánh nhân. Đúng là tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc tiêu phí thời gian vô ích...
Lão Tử từng nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” - nghĩa là người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không phải thiện.
Sự tu dưỡng của một người trưởng thành thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói tranh biện. Xưa nay phàm đã là chân lý thì đâu cần phải tranh biện. Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng, tranh luận không ngớt là khẳng định được chân lý thuộc về mình. Kỳ thực chân lý vốn không thuộc về con người mà là đạo vũ trụ. Việc của người quân tử là dụng tâm tu dưỡng đến cảnh giới của chân lý, gọi là giác ngộ viên mãn. Kẻ tiểu nhân thường lấy cái ngu xuẩn của mình, khăng khăng tranh luận cao thấp với người khác. Trong Đạo đức Kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc thánh nhân là làm mà không tranh". Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối thượng của Phật gia là nhẫn. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Người xưa cho rằng, người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Đời người ngắn ngủi và quí giá, việc cần phải làm lại quá nhiều, sao chỉ vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian. Hiểu được cái đạo của người giả ngốc, ta sẽ thấu hiểu cảnh giới khác của trí tuệ.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vô sự, nhi thận vô ngôn” - nghĩa là bậc quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, nhanh nhẹn minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói. Lại thêm: “Quân tử dục nột vô ngôn, nhi mẫn vô hành.” Bậc quân tử thường chậm trong lời nói và hành động lại nhanh nhạy. Rõ ràng người xưa xem phẩm chất quân tử là ở hành động, nói ít làm nhiều, lấy hành động chứng minh thay vì xảo biện. Có nói cũng lấy khiêm nhường đúng mực, thậm chí im lặng. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, nói nhiều nhưng chẳng làm gì cả. Thế nên nhân gian mới có câu, “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”.
Một lẽ hết sức dễ hiểu là những người nhẫn nhịn không tranh biện là bởi họ còn đang phải miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi hay nói nhiều. Người tài trí biết trân quí thời gian hữu hạn, một khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại nên dốc toàn tâm toàn trí cho công việc, không muốn phí tiếc thời gian cho sự tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp, họ đã buông bỏ từ lâu. Kẻ tiểu nhân khoa ngôn, xảo ngữ, thực ra mọi việc đều để người khác làm cả. Như vậy tranh cãi với kẻ tiểu nhân há chẳng phải là hạ mình xuống bằng với họ mà lãng phí thời gian vô ích sao. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết. Hàm ý là người thông minh không nhất định phải là kẻ học rộng, người học rộng không nhất định là người thông thái trí tuệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu. Kẻ thông minh dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện. Bậc trí giả đã tu dưỡng đến độ giác ngộ thì cho rằng nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí tuệ. Vậy há chẳng phải sống trên đời không cần phải tranh cãi với kẻ tiểu nhân đó sao!