Báo " Cảnh sát toàn cầu " PV Soạn giả Mai Văn Lạng
12:59 19/04/2020 Trong những ngày cả nước chung sức chống dịch COVID-19, soạn giả Mai Văn Lạng đã sáng tác nhiều bài hát có nội dung chống d...
http://www.maivanlang.com/2020/04/nghe-thuat-co-truyen-cung-co-tham-gia.html
12:59 19/04/2020
Trong những ngày cả nước chung sức chống dịch COVID-19, soạn giả Mai Văn Lạng đã sáng tác nhiều bài hát có nội dung chống dịch dựa trên các làn điệu ca cổ được khán giả yêu thích.
Nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng hiện là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền - Ban Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh đi nhiều, gặp gỡ với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, ở nhiều vùng dân ca khác nhau, và đã trở thành một người sưu tầm, gìn giữ các giá trị âm nhạc cổ truyền quý giá của dân tộc.
Ngoài ra, anh còn là một “bà đỡ mát tay” cho nhiều nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống, giúp họ chỉnh sửa, thẩm định các tiết mục trước khi đưa lên làn sóng của Đài.
Trong những ngày cả nước chung sức chống dịch COVID-19, soạn giả Mai Văn Lạng đã sáng tác nhiều bài hát có nội dung chống dịch dựa trên các làn điệu ca cổ được hàng ngàn khán giả khắp nơi yêu thích và chia sẻ, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng.
- Khán giả từ lâu đã biết đến soạn giả Mai Văn Lạng là một người có công giữ gìn những làn điệu dân ca cổ. Tình yêu với những làn điệu cổ trong anh xuất phát từ bao giờ vậy?
+ Tôi sống với bà ngoại Vĩnh Bảo, Hải Phòng từ nhỏ, thường xuyên được bà hát cho nghe những làn điệu như trống quân, cò lả, hát chèo, cải lương, hát xẩm. Lớn lên, tôi mê mẩn những làn điệu dân ca trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN).
Tôi từng mơ mộng làm nghệ sĩ, diễn viên, nhưng tự biết mình không có năng khiếu hát và biểu diễn, nên tôi học viết. Tôi sáng tác chèo, dân ca, tiểu phẩm cho nhà trường, làm đạo diễn chỉ huy các bạn diễn.
Rồi tôi thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, theo học ngành biên kịch kịch nói. Nhưng vì yêu và say mê dân ca nên tôi đã học thêm chèo, cải lương từ các diễn viên và thầy cô trong trường.
Năm 1992, tôi gửi tác phẩm của mình về Phòng dân ca Đài TNVN, được Đài nhận thu thanh phát sóng. Năm 1996, tôi ra trường và về công tác tại đây, gắn bó với chương trình dân ca và nhạc cổ truyền đến bây giờ.
Soạn giả Mai Văn Lạng.
- Chúng ta đều biết rằng, những làn điệu cổ là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian của đất nước. Tuy nhiên, ngoài phần âm nhạc, phần lời ca cổ không dễ “gặp” được khán giả đương đại hôm nay, vì câu chuyện được kể trong âm nhạc mỗi thời mỗi khác. Có phải vì vậy mà nhiều năm qua anh miệt mài đặt lại phần lời cho các làn điệu cổ để những làn điệu đó gần gũi với người nghe đương thời?
+ Vốn cổ dù là rất quý nhưng nếu chỉ bảo tồn, không phát triển thì chỉ cần thu âm một số bài rồi cất vào kho thi thoảng mang ra phát là xong.
Còn nếu muốn làm cho nó đi vào đời sống, phục vụ công chúng hôm nay thì không thể lúc nào cũng “chàng, nàng, thiếp”, hay “quan quan thư cưu, tại hà chi Châu, Yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu" được, mà phải thổi cho nó một luồng gió mới mang hơi thở của thời đại.
Ví dụ lời mới ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Đảng, Bác, tình yêu lứa đôi... hay đấu tranh chống kẻ thù xâm lược… Chính vì vậy, dân ca và các loại hình nghệ thuật dân tộc không chỉ mang giá trị bất biến mà là vạn biến
NSƯT Diệu Hương trong MV “Mười thương chống dịch covid” với phần lời của soạn giả Mai Văn Lạng được nhiều khán giả yêu thích.
- Việc đặt lời cho những làn điệu dân ca cổ nếu không khéo sẽ dẫn đến phản cảm với người nghe. Vậy theo anh, muốn viết lời mới trên những làn điệu dân ca cổ, soạn giả phải có những yếu tố gì?
+ Những làn điệu dân ca cổ vốn xuất phát từ trong dân gian, được lưu truyền qua đời này đời khác đã trở nên đẹp lung linh, ngời sáng như những viên ngọc quý.
Lời mới cho dân ca ngoài việc phải có ý mới, có tứ lạ, thì vần và lời ca cũng phải chau chuốt thì mới dễ đi vào lòng người nghe hôm nay. Câu chuyện soạn lời mới cho dân ca cũng gần như tình trạng thơ lục bát vậy, dễ viết, ai thuộc làn điệu cũng có thể phịa lời thay được, nhưng "phịa" cho đắt, cho hay thì không dễ.
Làm việc ở Phòng dân ca Đài TNVN, tôi có điều kiện đọc nhiều bài soạn của khán giả khắp nơi gửi về, cứ khoảng 50 bài thì chọn được một bài.
- Tôi thấy anh có trang blog và trang youtube cá nhân liên tục đưa thông tin về các nghệ sĩ và giới thiệu những tiết mục nghệ thuật truyền thống do họ biểu diễn. Viêc đưa các làn điệu cổ lên các nền tảng công nghệ số có tác dụng lan tỏa như thế nào đến với khán giả, thưa anh?
+ Khi đưa các tiết mục dân ca lên mạng xã hội thì dù khán giả ở đâu, giờ nào cũng có thể nghe, xem được. Thậm chí, nghe xong, họ có thể ngay lập tức phản hồi đóng góp ý kiến. Họ cũng có thể nghe, xem lại tiết mục đó bất cứ khi nào, thậm chí tải về chia sẻ.
Nhờ công nghệ, mà giờ đây, nghệ thuật dân tộc đã ngày càng lan tỏa rộng rãi đến với đồng bào cả nước, Việt kiều và cả bạn bè quốc tế. Một số người bạn nước ngoài hát dân ca Việt Nam rất hay, rất ngọt ngào là một bằng chứng sinh động.
Soạn giả Mai Văn Lạng trò chuyện cùng NSND Thúy Mùi.
- Thời điểm cả nước đang chung tay chống dịch COVID-19, anh thường xuyên đưa những clip nghệ sĩ hát các làn điệu nghệ thuật cổ mà phần lời có nội dung chống dịch COVID-19 do anh soạn lên các trang cá nhân của mình. Từ phản hồi của người xem, anh thấy khán giả tiếp nhận những thông tin chống dịch thông qua những làn điệu cổ như thế nào?
+ Tôi rất tâm đắc với câu nói của của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc”. Đã là “giặc” thì tất cả chúng ta, dù là già trẻ gái trai cũng đều phải xông pha ra trận, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi.
Từ suy nghĩ đó, ngay khi bắt đầu chiến dịch chống COVID-19 của Chính phủ, tôi đã viết bài hát chèo: “Bài ca chống giặc- dịch en covy”. Chỉ 2 ngày sau, hầu hết các bạn yêu chèo trong cả nước đã tập hát, khớp nhạc, làm karaoke và hát.
Đặc biệt cháu bé Lê Vinh, 11 tuổi, con nghệ sĩ Lê Anh Khoa - Nhà hát Chèo Thái Bình đã hát livestream. Sau 3 ngày đưa lên mạng xã hội, clip đã có 17.000 lượt chia sẻ và gần 1 triệu view.
Sau đó, tôi liên tục viết các tiết mục thuộc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Sau tôi là hàng chục tác giả, nghệ sĩ trong cả nước cũng bắt đầu viết, thu thanh, và hát dân ca chèo chống dịch COVID-19.
Đa phần các nghệ sĩ đều nhờ tôi sửa lời ca, nghe thẩm định và đăng tải tiết mục của họ trên các trang cá nhân của tôi như chị thấy. Hiện nay đã có hàng chục bài ca bao gồm nhiều thể loại như chèo, cải lương, xẩm, chầu văn, ca huế, hát Then... được công bố và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khán giả.
Nội dung các tiết mục chủ yếu ngợi ca bác sĩ, bộ đội, quân và dân cả nước chống dịch, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người chú ý phòng chống dịch bệnh. Có bài viết rất hay về việc rửa tay, xịt cồn, đeo khẩu trang… Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mỗi tiết mục có hàng nghìn lượt xem, luợt chia sẻ, cùng nhiều người hát theo trong những ngày ở nhà tránh dịch
- “Lặn ngụp” trong thế giới của nghệ thuật âm nhạc cổ truyền, anh thấy nghệ sĩ biểu diễn hôm nay còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống không?
Theo anh, Nhà nước phải làm gì để hỗ trợ những người nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong tình trạng sân khấu ngày càng ít khán giả, để họ yên tâm với nghề?
+ Nghệ thuật dân tộc vô cùng quý giá, nhưng nó lại đòi hỏi trình độ nghệ sĩ và sự sáng tạo khắt khe. Sự khắt khe đến mức tinh lọc ấy không chỉ ở phía người biểu diễn, thể hiện, mà còn cả về phía công chúng.
Lớp nghệ nhân nghệ sĩ đi trước ngày một lớn tuổi, mai một dần đi, lớp nghệ sĩ trẻ say này nếu không mặn mà nữa thì nguy cơ sẽ mất đi nhiều một loại hình nghệ thuật cổ truyền trong tương lai. Nhưng muốn nghệ sĩ yêu nó, giữ gìn nó thì phải giúp cho họ sống được bằng nghề.
Trong khi biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay không dễ bán vé. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có một cơ chế chính sách phù hợp để bảo tồn vốn văn nghệ dân gian quý giá của cha ông nghìn đời truyền lại.
Soạn giả Mai Văn Lạng cùng vợ và các con.
- Theo anh, để giữ gìn những làn điệu dân ca cổ, ngoài công việc của những người sưu tầm, nghiên cứu, lan tỏa các giá trị như anh, cần phải có những hoạt động gì khác để giới trẻ ngày không chỉ tiếp cận, mà còn hiểu rõ hơn, yêu quý hơn các giá trị của cha ông để lại?
+ Tôi cho rằng các cơ quan truyền thông lớn phải vào cuộc. Tôi là người làm nghề nên tôi có điều kiện để so sánh: Đài TNVN có khoảng 250 chương trình dân ca mỗi tháng được phát sóng đều trên các kênh sóng, nhưng các đài lớn khác rất ít phát các chương trình tương tự, trong khi sẵn sàng phát sóng các chương trình nhạc trẻ, hip hop nhiều đến tràn lan.
Như thế rất khó để giới trẻ có điều kiện tiếp cận các loại hình âm nhạc cổ truyền. Ngoài ra, việc giáo dục âm nhạc truyền thống trong nhà trường rất cần được chú trọng, để chúng ta có sẵn đấy những thế hệ khán giả hiểu và có tình yêu với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Và cuối cùng là vấn đề đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ. Họ chính là những người giữ lửa, tiếp nối làm lan tỏa các giá trị ông cha để lại.
- Xin cảm ơn anh!Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
Link gốc bài báo: