VÀI CẢM NHẬN VỀ NGHỆ THUẬT CHÈO.

VÀI CẢM NHẬN VỀ NGHỆ THUẬT CHÈO. (Nguyễn Ngọc Dương viết theo yêu cầu của BLVN.NET ) Một đặc tính rất ĐỘC ĐÁO của chèo là: CÁI BI...


VÀI CẢM NHẬN VỀ NGHỆ THUẬT CHÈO.
(Nguyễn Ngọc Dương viết theo yêu cầu của BLVN.NET)

Một đặc tính rất ĐỘC ĐÁO của chèo là: CÁI BI luôn gắn liền với CÁI HÀI. CÁI HÀI trong chèo như thể là phương tiện “gỡ” lại cho CÁI BI, làm cho nó bớt phần bi lụy. Khi đứng trước những đau thương, mất mát, TÍCH CHÈO không bị đẩy vào tuyệt vọng, mà vẫn có chút ‘cười cợt’, dường như để hun đúc một niềm LẠC QUAN, NIỀM TIN vào chân lý. Đặc điểm này phản ánh đúng TÌNH CẢM, TÂM TRẠNG NGƯỜI VIỆT, đúng VĂN HÓA VIỆT, một nền Văn hóa trong mọi hoàn cảnh không bao giờ chịu thất bại, kể cả cái chết (*). Nó phản ánh sức sống mãnh liệt của Dân tộc Việt Nam, phản ánh sự bất tử của cái THIỆN trong cuộc đấu tranh chống cái ÁC…

Cái Hài bộc lộ qua vai HỀ. Không có vở chèo nào không có vai hề. Hề chèo là “mặt trái”, chẳng những nó “tháo gỡ” sự bế tắc, thất vọng mà nó còn là VŨ KHÍ CHIẾN ĐẤU lợi hại của nhân dân nhằm chống lại cường quyền, áp bức. Ví dụ một vai hề nói với vị quan: “Dạ, bẩm quan lớn, quan là quan thì QUAN QUÀN DÂN, còn con là dân thì CON GIẦN QUAN ạ”. Trước mặt quan mà dám nói “giần quan” thì chỉ có Hề. Vai Hề được quyền sử dụng nghệ thuật NÓI LÁI độc đáo của tiếng Việt, một cách nói hài hước mà mọi ngôn ngữ khác trên thế giới đều bất lực. Hoặc, đơn giản chỉ là những đoạn thoại gây cười nhẹ nhàng, sảng khoái. Chẳng hạn đoạn thoại Thầy – Trò đi trên đường. Vai Hề (người hầu), sau một đoạn hát thì bất ngờ kêu lên “- Á à…, con đi hầu bác mà bác để ngựa nó đá con/ Nó đá bao giờ, mà nó đá chưa?/ – Ợ ợ… nó hẹn… mai ra cổng mới đá!”

Trong Diễn chèo, từ ngôn ngữ, cử chỉ đến vũ đạo đều phản ánh nét văn hóa đặc sắc Việt Nam. Trong đó tiếng nói của người dân thì gần gũi đời thường còn tiếng nói của quan thì lại dùng nhiều Hán tự (nói chữ), tầng lớp Nho học. Nhưng tựu trung, CHÈO LÀ NGHỆ THUẬT DÂN GIAN, không phải nghệ thuật cung đình…

Người vùng Chèo quê tôi thường nói đi “XEM HÁT chèo”, không ai nói đi “NGHE HÁT”. “Ăn xong rồi lại nằm khoèo/ Nghe tiếng trống chèo bế bụng đi xem”. Như vậy có vẻ cái mà người ta quan tâm là các TÍCH TRÒ (TÍCH là nội dung, TRÒ là diễn), còn HÁT hình như chỉ là phương tiện để giúp cho TÍCH TRÒ sâu sắc thêm cảm xúc?

Tuy nhiên, dưới góc độ âm nhạc, HÁT CHÈO lại CỰC KỲ ĐẶC SẮC. HÁT CHÈO (thể hiện bằng NGƯỜI HÁT và DÀN NHẠC) thuộc loại hình ÂM NHẠC DÂN GIAN, là phần không thể tách rời NGHỆ THUẬT CHÈO. Nếu thiếu HÁT thì Chèo không còn là Chèo nữa.

Đặc sắc HÁT CHÈO chính là GIAI ĐIỆU, được thể hiện ra các LÀN ĐIỆU khác nhau, là phần NHẠC, chứ lời thì rất ít. Những làn điệu CHÈO CỔ có khi chỉ vài câu thơ mà hát mãi mới hết. Trong khoảng 200 làn điệu chèo thì làn điệu nào cũng đầy HƯ TỪ (i a, i i …, ơi a, này a…) được thêm vào để ‘chứa’ đủ giai điệu. Bây giờ có một số bạn trẻ VIẾT LỜI MỚI cho Chèo thường hay tham lời, muốn để bày tỏ hết nội dung cụ thể mà mình muốn nói. Tuy nhiên, lời của HÁT CHÈO thường mang CHẤT THƠ, nó cô đọng, súc tích, ít lời, rộng nghĩa. Ngay những câu nói, câu thoại trong Chèo đều có vần như thơ, trước khi vào hát thường được dẫn bởi những câu NÓI THƠ, diễn viên nói như đọc thơ, đặc biệt nói vẫn phải đúng với tone hát. Khi nhạc dạo lên, người có kinh nghiệm nghe diễn viên nói là đã biết có đúng giọng, đúng tone với hát không?...

Nhưng NHẠC của Chèo thì tuyệt vời. Hình như trong tâm trạng người Việt có bao nhiêu CUNG BẬC CẢM XÚC thì NHẠC CHÈO có bấy nhiêu LÀN ĐIỆU. Mỗi làn điệu ‘họa’ lên một cảm xúc khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Có đủ cung bậc Hỉ, Nộ, Ái, Ố… Ví như chỉ một tâm trạng BUỒN lại được chia ra nhiều cấp độ: “Buồn man mác”, “Buồn pha hờn giận” “Buồn nẫu ruột”… Trong tâm trạng Buồn, Chèo có hàng chục làn điệu như các loại Than, Vãn (Vãn Canh, Vãn Cầm, Vãn Xô…), Sử rầu, Tò Vò… Rồi những làn điệu TRỮ TÌNH như những nhóm “Sa lệch”, “đường trường” hoặc làn điệu Đò đưa, Chinh phụ, Du xuân… Thật khó có thể mô tả hết. Tất cả những làn điệu chèo dường như nó vang lên ÂM THANH TỰ NHIÊN của con người, những nốt nhạc mô tả cảm xúc của người hát rất khó kí âm trên khuông nhạc 5 dòng kẻ, bởi nó chứa đầy chất hoa mĩ “lắt léo” … hát chèo chính xác nhất là TRUYỀN DẠY TRỰC TIẾP từ nghệ nhân…Nghe nhiều rồi “ngấm”, chứ hát chỉ dựa trên bản kí âm, mà không ‘ngấm chất chèo’ thì khác nào người nước ngoài nói tiếng Việt. Người “ngấm chèo”, dù giọng hát chưa hay, vẫn thường được mô tả là hát có CHẤT CHÈO (hồn vía của Chèo), hoặc CÓ MÀU. Người “ngấm” Chèo, tức là “ăn” phải cái “bả chèo” thì rất dễ bị “say”… Người không “ngấm” Chèo, có thể là ca sĩ hát Opera xuất sắc, nhưng ‘dính’ vào Hát Chèo lại có thể thất bại.

Năm 2015, Chèo đã vượt nửa vòng trái đất đến Mỹ. Cái duyên ấy do ông Nguyễn Anh Tuấn (Nguyen Anh Tuan), cựu TBT báo VietnamNet, hiện là Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF), do Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis làm Chủ tịch, đã làm cầu nối đưa Chèo sang Mỹ. Đó là sự kiện độc nhất vô nhị trong Lịch sử Văn hóa Việt Nam? (Được biết, năm 1991, Đoàn Múa rối Hải Phòng đã sang Mỹ, tuy Múa rối có chứa chất Chèo, nhưng Chèo chỉ là phương tiện cho môn nghệ thuật Múa rối.). Còn lần này, Việt Nam đưa “Chèo nguyên chất” sang Mỹ. Có lẽ do làm Văn hóa ở tầm quốc tế, Nguyễn Anh Tuấn đã có “con mắt xanh”, nên anh chọn Chèo đưa tới một nơi có nhiều Trí thức danh tiếng toàn cầu là Đại học Harvard (ở Boston), và Đại học MIT (bang Massachusetts).

Chỉ 2 tuần lễ, 20 nghệ sĩ của Nhà hát chèo Việt Nam do NSƯT Thanh Ngoan (Giám đốc) dẫn đầu, mang theo vở chèo kinh điển Quan âm Thị Kính mà đã thu phục được giới học giả “khó tính” hàng đầu thế giới. Theo Tạp chí Du lịch, điểm nhấn của chuyến đi là buổi nói chuyện và biểu diễn tại Harvard Faculty Club với chủ đề “CHÈO – HÒA BÌNH VÀ NHÂN ÁI”. Nhiều giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard và các giáo sư hàng đầu về âm nhạc ở Nhạc viện New England Conservatory, nghệ sỹ opera.... đã đến dự. Sau buổi nói chuyện và biểu diễn, các học giả đã đánh giá cao nghệ thuật chèo. Có người nói, nhạc chèo không thua kém gì nhạc cổ điển thế giới… Nghệ sĩ Thanh Ngoan nói với báo chí: “Chúng tôi gặp các nhạc sỹ như bà Swanee Hunt, Đại sứ Mỹ tại Bỉ, cũng là người sáng tác nhạc. Giáo sư, nhạc sỹ Larry Bell của Nhạc viện New England Conservatory đặt vấn đề muốn được thử nghiệm đưa chèo vào tác phẩm của ông”…Với giới Trí thức hàng đầu thế giới, chắc họ không có thói quen phát biểu “động viên” hay lấy lòng…

Xin lưu ý, bài viết của tôi chỉ là “Vài cảm nhận”, tuyệt nhiên không phải là một bài nghiên cứu học thuật, vì tôi không phải “học giả”, mong chỉ được tham khảo. Hi vọng, Nghệ thuật chèo luôn được gìn giữ như gìn giữ một một nét Văn hóa bản sắc, truyền thống quí báu của Cha ông, góp phần vào việc xây dựng “Nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, làm cơ sở cho việc giữ vững nền Độc lập dân tộc và đưa Việt Nam vươn lên hùng cường./

Chú thich: (*) Ví dụ: cô Tấm trong vở Tấm Cám đã chết do mưu mô độc ác của mụ dì ghẻ, nhưng cuối cùng Nàng vẫn sống lại, vẫn hiện hình và gặp lại tình yêu Hoàng Tử của mình nhờ quả thị của Già Đa…

Nguồn FB ( bác ) Nguyễn Ngọc Dương, Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lào Cai

Bài Liên Quan

Tin Mới 2820066732892914835

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item