Chuyện với con trai Cụ Lê Khả Phiêu: Vợ con người lính

TP - Nhà 36 Lý Nam Đế, tư gia nguyên Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu, suốt từ chiều thứ bảy 15/8 cứ lặng lẽ dòng người nối nhau đến viếng. Gặ...

TP - Nhà 36 Lý Nam Đế, tư gia nguyên Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu, suốt từ chiều thứ bảy 15/8 cứ lặng lẽ dòng người nối nhau đến viếng. Gặp người quen, họ bộc bạch, mấy bữa trước không có điều kiện đến Nhà tang lễ quốc gia. Đợi… Rồi tôi cũng lựa được dịp để ngồi với con trai cụ Lê Khả Phiêu.
Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành sự quan tâm, đến viếng và tiễn đưa cố Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Như Ý

Xúc động lời 'tâm sự muộn' của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Thủ tướng đọc điếu văn tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu



Anh tên là Diễn. Lê Minh Diễn, người hôm ở Nhà tang lễ quốc gia trong lời đáp từ chỉ giành hơn 6 phút để vĩnh biệt người cha Lê Khả Phiêu. Tiếng lòng ấy của anh đã nhận được nhiều sự đồng cảm.

Lâu rồi mới gặp lại. Hơi xọm và có vẻ già so với tuổi 57. Anh đưa tôi vào một phòng nhỏ chào cụ bà. Mẹ anh vừa dùng bữa. Anh nói mấy hôm rồi, bữa nay cụ mới cố được lưng bát cơm. Phu nhân Cụ Phiêu nhận ra tôi hơi khó khăn. Tuổi 86 nhiều bệnh. Sức xuống nhiều. Hôm tang lễ, mấy lần cụ bà phải ngồi ghế.

Đã vời vợi lăng lắc một thời thương khó. Bom đạn mù trời. Cái chết luôn lởn vởn, gần kề. Nhưng thời ấy, lạ thay lòng người yên tĩnh?
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với những điển hình tiên tiến

Mùa mưa năm 1967, cô giáo Bích dạy Trường cấp 1 Thịnh Liệt huyện Thanh Trì dong cái xe đạp lặc lè những gạo mậu dịch và rau muống cùng mắm muối từ Giáp Bát để tiếp tế cho mẹ chồng cùng ba đứa con sơ tán tít ở mạn chiêm trũng Bình Lục Hà Nam. Cô giáo chùi bàn tay lấm lem vào vạt áo, ngoái lại gian nhà tập thể mà đêm qua trận bão rớt làm tốc đám giấy dầu lợp mái. Về sáng, cô giáo không biết kêu ai vì cả khu vắng tanh vắng ngắt… Không có thang, cô giáo lẩy bẩy chồng lên mấy cái ghế khấp khểnh cố chồng xếp và dọi lại.

Chòi chọi đạp từ tinh mơ đến vàng mặt giời mới tới được nơi sơ tán. Cô hoảng hốt đỡ bà mẹ chồng hơn 60 tuổi đang lẩy bẩy chui ra từ chiếc hầm chữ A. Trận mưa hồi đêm ngập lưng hầm nước. Anh cu Diễn khi ấy mới 4 tuổi đang đeo lấy vai bà nội. Cô bé Hồng, chị cu Diễn, thường cố cứng cỏi để mẹ yên lòng, nhưng giờ thấy mẹ bưng mặt, òa khóc. Cũng may có bà con xóm giềng nơi sơ tán rồi các sự khó khác cũng vợi đi nhiều.

Nếu có câu hỏi nào đó thì cũng chả dám ai vuột ra khi ấy. Rằng bố lũ trẻ đâu? Nếu được trả lời cho chính xác thì người bố và là người con trai của bà đang ở Mặt trận Trị Thiên. Đó là Lê Khả Phiêu, Chính ủy Trung đoàn 9.

Đận năm 1972 thì căng lắm. Như con thoi, cô giáo Bích lại phải chèo chẹo đạp xe về nơi sơ tán Mai Lĩnh để thăm nom tiếp tế cho 4 bà cháu. Vệt bom B52 quét mạn Giáp Bát, Hoàng Mai khiến khu tập thể giáo viên trường cấp I ở làng Tám tan hoang. May mà nhiều giáo trong đó có cô giáo thoát chết. Lại cũng phải gắng gượng dong cái xe đạp lúc lỉu gạo, mắm về mạn Mai Lĩnh để bà cháu có cái ăn. Và phải mượn người để cùng đắp bồi lại căn hầm cho mấy bà cháu.

Cậu bé Diễn khi ấy đã lơn lớn. Nên bây giờ anh vẫn nhớ và nhắc lại rành rọt nhiều chuyện mà người nghe có cảm giác hồi hộp như hụt hơi. Chuyện cậu em út tên là Khánh nay đã là đại tá quân đội. Chuyện sinh em Khánh thì mẹ và bà nội kể lại. Mẹ đến ngày sinh em vẫn phải quày quả tất tả việc ăn ở của mấy bà cháu nơi sơ tán. Đau bụng quá, mẹ vứt xe đạp bệt bên vệ đường. May có người đi qua. Mẹ được dong gấp đến trạm xá xã.

Vợ con người lính Lê Khả Phiêu. Ba mặt con. Chưa lần nào vợ sinh mà chồng có mặt. Nhưng lại có quyền đặt tên cho con qua thư từ hiếm hoi hoặc nhắn người thân tạt qua Hà Nội.



Xúc động lời 'tâm sự muộn' của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
“Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hi sinh”, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ.

Chợt nhớ thời điểm sau 11 tiếng đồng hồ đầu năm 2001, ông Lê Khả Phiêu nghỉ chức Tổng Bí thư, mấy anh em viết có ghé nhà ông ở Lý Nam Đế.

Cuộc gặp chủ nhân và gia đình hôm ấy chẳng nhuốm vẻ này khác như tôi tưởng? Nhất là đoạn cuối khi thấy đám khách quen cứ vòng vo muốn biết “cảm tưởng’’ của bà nhà khi ông nhà vừa thôi chức?

Chị trưởng, phải, chính cái cô bé Hồng đen nhẻm nhưng đã sớm biết tảo tần bao việc đỡ mẹ nơi sơ tán năm xưa đã thẳng tuột thế này “Bố em được nghỉ, người mừng nhất là mẹ em đấy!”. Bà mẹ nghe vậy, cười nhẹ nhàng “Thỉnh thoảng có ghé qua nơi này nơi khác ngó qua cái ti-vi, anh biết tôi ngại điều gì nhất không? Khi dân người ta chưa phiền bực thì cũng phải lo dần đi là vừa... Chao ơi, anh biết không, liền bao năm rồi, đêm nào cũng như tối nào, ngày nào cũng như hôm nào cứ năm giờ sáng đã ngồi vào bàn nếu không họp hành thì cũng viết lách ghi ghi chép chép hoặc lại cầm lấy điện thoại. Mười hai giờ đêm, một giờ, hoặc hơn mới đi nằm thì đến xương đồng da sắt cũng mọt nữa là...”.













Chị cả Hồng đưa tôi ra tới tận cổng “Hồi bố em mới nhậm chức, câu mà mẹ em nói bây giờ nghiệm thấy càng đúng là: Bố có việc của bố... Mỗi đứa chúng mày phải đi bằng cái chân của mình, cấm tiệt việc mang ơn ai mắc oán ai. Còn bố mày khi nào về nghỉ mà còn khoẻ mạnh, mà chẳng phải vướng vào vụ việc gì thì nhà mình mới gọi là gặp may’’.


Tôi quay sang “Vậy bây giờ đã tới thời điểm gặp may được chưa?" Cô con gái cưng của ông nhoẻn cười “Chưa, mong sao nữa càng cuối đời ông già còn khỏe để còn bế nhiều cháu nữa chứ...’’.

…Tôi có hỏi Diễn cái đoạn đáp từ hôm vĩnh biệt bố ở Nhà tang lễ, rằng anh có đưa ai coi trước hoặc có duyệt chi không?

Người con trai cả Cụ Phiêu chưa trả lời ngay… Tôi chợt thoáng chút thấy mình như có thất thố chi đó? Và cả chút hơi hoảng vì chợt nhận ra, anh không được khỏe? Đang phải đeo trong mình cái teen trợ tim. Thời khắc liệm bố, người nhà cố ngăn Diễn chầm chậm hẵng có mặt.

Chất giọng rủ rỉ của anh đưa tôi đến khúc nhôi của một ngày năm 2007. Chỉ có hai bố con, anh ngập ngừng nhưng rồi cũng nói ra được rằng anh vừa gửi đơn xin nghỉ việc nhà nước ra làm ngoài. Bố anh lặng lẽ nghe. Và đã rủ rỉ sau một hồi lặng lẽ. Đại ý, con làm ở đâu làm gì cũng được, miễn là thấy mình đang là người có ích cho xã hội và gia đình.

Diễn thở phào. Khi ấy anh mới đem lá đơn xin nghỉ việc đã viết ra ký. Nhưng tổ chức bảo thay cái tiêu đề là đơn xin chuyển công tác!

(Còn nữa)



Chuyện với con trai Cụ Lê Khả Phiêu: Gia tài của cha

TP - Trời Hà thành âm u sũng nước tiết Ngâu. Mưa dứt rồi lại nối. Vẫn người đến viếng cựu Tổng Bí thư. Căn phòng trên gác 2 nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường dùng để tiếp khách bây giờ được dọn dẹp chút ít để làm nơi đặt bàn thờ.


Lê Minh Diễn và tác giả trước bàn thờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Chuyện với con trai Cụ Lê Khả Phiêu: Vợ con người lính



Vẫn bức thư pháp Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ - Ý là tấm lòng trong sáng không chạy theo vinh hoa phú quý) câu lấy trong một bài thơ của thi sĩ Vương Xương Linh đời Đường của nhà thư pháp quê xứ Thanh Lê Xuân Hòa tặng đồng hương Lê Khả Phiêu (Về bức thư pháp này và mấy chậu cây cảnh cùng lọ hoa mà dạo ấy một khách thăm hồn nhiên đã pốt lên mạng, đám anh hùng bàn phím đã rầm rĩ rằng, nhà nguyên Tổng Bí thư tích bao nhiêu là đồ cổ đắt giá này khác!?).
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội sinh viên Việt Nam.
Ảnh: Phạm Yên

Và vẫn bức đại tự Trí Đức Truyền Gia ngày nào nay lại nghiêm ngắn bên gian thờ. Phải, chỉ có Trí và Đức lưu quang, lưu truyền trong cái nhà này. Chợt nhớ câu cụ bà, bố có việc bố, các con phải đi bằng đôi chân của mình. Chàng thanh niên Lê Minh Diễn tròn tuổi 18 vóc dáng nhỏ, gầy gò năm 1981 nhập ngũ. Rồi ít hôm lên ngay mặt trận biên giới Lạng Sơn. Một thời gian sau, Khánh cậu em trai cũng nhập ngũ. Cũng lên biên giới phía Bắc…

Hết nghĩa vụ, Diễn thi đỗ vào Đại học Quân sự. Ra trường, Diễn về Bộ Tư lệnh Thông tin rồi Bộ Nội vụ. Năm xa ấy, người ta nắc nỏm một chuyện. Hôm Lê Minh Diễn bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Thương Mại. Cụ Lê Khả Phiêu rất muốn đến dự. Mặc dù đã không còn làm Tổng Bí thư nhưng vì lúc ấy cụ ngại sự xuất hiện của mình làm ảnh hưởng đến hội đồng chấm luận án và con trai nên chấp nhận hy sinh niềm vui của người làm cha không đến dẫu rất muốn.

Trở lại cái câu tò mò ở kì đầu bài viết của tôi rằng, bản đáp từ có… ai đó và cấp nào làm cái việc biên tập, duyệt gì không? Trong câu chuyện, tôi được biết thêm, thoạt đầu cũng có ý ai đó sốt ruột lo xa sợ có chi chưa chuẩn nên để việc ấy cho vị nào đó thảo hộ! Nhưng anh Diễn lắc đầu, giọng nhẹ nhàng rằng, chuyện như thực tế anh vừa kể… Rằng dân mình ai chả thấm chả hiểu cái thời trận mạc và những ngày sơ tán gian nan ấy. Vậy nên mình cứ tình thực mà trình bày, mà nói chứ cần gì phải thêm bớt tô vẽ?

Và chỉ một lần viết, anh đặt bút một mạch. Và chỉ soát lại cân nhắc vài chỗ. Thêm bỏ đi vài từ vào lúc 5 giờ sáng ngày 14/8, khởi đầu hai ngày quốc tang.

… Thưa bố kính yêu, con xin có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi, khi những lời tâm sự với bố đã trở nên muộn màng…

Lại chầm chậm trở lại những bộc bạch như tiếng nấc cố nén?

Muộn màng là sao?

Một ngày mùa hạ năm 2016, anh Diễn nghe tin chính thức từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư rằng, căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến của bố anh đã di căn vô phương cứu chữa. Anh con trai trưởng sau khi bàn bạc với những người thân đã quyết định giấu bố, những mong bố thanh thản được ngày nào quý ngày ấy.

Vẫn hằn sâu trong tâm trí anh cái buổi sáng giúp bố treo lại tấm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với cụ Phiêu. Diễn ngạc nhiên thấy trong ánh nhìn của bố bỗng trở nên là lạ, xa xăm thế nào?

Chất giọng người con trai đột ngột kéo người cha trở lại với thực tại.

Con hỏi thực bố, nhỡ mai kia trăm tuổi, bố muốn nằm nơi nào? Có muốn nghỉ ngơi như bác Giáp không ạ?

Nghỉ ngơi như Bác Giáp? Con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu biết bố mình có dư điều kiện để được nghỉ ngơi vĩnh hằng ở xứ Thanh quê hương hoặc ở một nơi nào đó? Trong Thanh cũng đã đánh tiếng cho anh Diễn chọn địa điểm…

Nhưng kìa, cái cười nhẹ nhàng và động thái lắc đầu nhè nhẹ của bố đã khiến Diễn bừng tỉnh!

Căn phòng lặng phắc như chứng kiến phút giây hiếm hoi mà như anh con trai vị Tổng Bí thư bộc bạch rằng, tổng cộng thời gian hai bố con gần gụi bên nhau tính ra chưa đầy một năm!

Rồi anh cũng biết được ý nguyện của bố mình là muốn được rải tro cốt ở 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm.

Liệu có phép mầu nào đang xảy ra chăng? Ấy là khi Diễn và người thân hồi hộp chứng kiến từ thời điểm anh và gia đình biết được hung tin ấy, bố anh vẫn mạnh khỏe? Vẫn những chuyến đi về với Dân… Nhưng vẫn còn có chữ ngờ! Lê Minh Diễn và người thân đã không kịp xoay xở!

Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố để rải tro cốt ở ba dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố...

Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con”.

Tôi hỏi thêm anh Diễn, có tờ báo nào đó đã viết, nói đúng hơn là đã… đoán tên ba dòng sông mà cụ Lê Khả Phiêu muốn rải tro cốt của mình là sông Mã, sông Hồng và sông Cửu Long.

Sông Mã là dòng sông quê hương, nơi gắn với một thời niên thiếu của ông.

Sông Hồng là dòng sông lưu nhiều kỷ niệm với ông. Nơi ông chiến đấu tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trong những ngày kháng chiến chống Pháp.

Sông Cửu Long, nơi gắn kết với ông trong những ngày công tác tại Quân khu 9 và những ngày máu lửa gian khó tại Tổng hành dinh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Khuôn mặt người con trai cố Tổng Bí thư vẫn bình thản? Anh khe khẽ… Cũng có thể! Nhưng tôi thấy bố tôi luôn nhắc nhiều đến một dòng sông như Thạch Hãn. Nơi Mặt trận Quảng Trị ấy bao nhiêu đồng đội của bố đã ngã xuống. Tại đó ông đã lĩnh một vết thương chí mạng. Và dòng sông Hương chẳng hạn? Nơi bố tôi và đồng đội đã có những ngày đêm Mậu Thân bi hùng…

Cái tên ba con sông cùng chuyện liên quan người con trai trưởng của Cụ Phiêu chưa muốn nhắc đến? Có lẽ khất bạn đọc một dịp khác!

Ngắm ngó hai cậu con trai tuấn tú, cháu đích tôn cụ Lê Khả Phiêu chợt nhớ lời bố các cháu con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con…

Và nữa, thế hệ sau này mong sao sẽ không có những ông bố biền biệt trận mạc. Và không bao giờ có những ngày sơ tán gian khó?



Có lẽ địa điểm dòng sông cụ thể nào đó giờ đã không còn là quan trọng? Chắc vị nguyên là cán bộ chính trị viên tiểu đoàn, trung đoàn Lê Khả Phiêu, rồi sau này là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hẳn còn nhớ câu của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc.

Sinh ra từ đâu mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời sinh ra từ (có bản là bên - XB) một dòng sông!

XUÂN BA

Bài Liên Quan

Tin Mới 4512732010414721135

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item