NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH TỪ KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019

Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Tổng điều tra dân số và nhà ở n...


Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của trên 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019. Để bổ sung thông tin đánh giá những biến động về nhân khẩu học như tình hình sinh, chết, di cư của người dân, thông tin về lao động việc làm, điều kiện sống của các hộ dân cư và một số thông tin khác, điều tra mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện với quy mô mẫu 9% hộ dân cư trên cả nước (khoảng 8,2 triệu người sinh sống tại hơn 2,3 triệu hộ dân cư). Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.
Dưới đây là một số chỉ tiêu chính về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019:
(1) Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới . Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).
(2) Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
(3) Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (363 người/km2) và Xin-ga-po (8.292 người/km2) .
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.
(4) Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 45-49 tuổi (100,2 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-54 tuổi (95,9 nam/100 nữ).
(5) Dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4% tổng dân số cả nước; dân số nông thôn là 63.086.436 người, chiếm 65,6%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 - 2019 là 2,64%/năm, gấp hơn hai lần tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của cả nước và gấp sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn cùng giai đoạn.
Đông Nam Bộ có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất cả nước (62,8%), Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất (18,2%). Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất gồm Đà Nẵng, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh (tương ứng là 87,2%, 79,9%, 79,2%).
Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất cả nước gồm Bến Tre, Thái Bình, Bắc Giang (tương ứng là 9,8%, 10,6% và 11,4%).
(6) Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước. Giai đoạn 2009 - 2019, Đông Nam Bộ có tỷ lệ tăng dân số bình quân cao nhất cả nước, 2,37%/năm; Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tăng dân số bình quân thấp nhất, 0,05%/năm.
(7) Dân số thuộc dân tộc Kinh là 82.085.826 người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng (trong đó dân tộc Tày có dân số đông nhất với 1,85 triệu người); 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người).
Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
(8) Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo “Công giáo” là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo “Phật giáo” với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% những người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Các tôn giáo còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ.
(9) Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, đạt 98,8%. Kết quả này đã vượt mục tiêu về đăng ký khai sinh của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 (mục tiêu đến năm 2020 có 97% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh). Tuy nhiên, tại những vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vẫn còn dưới 3% trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh .
(10) Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Có vợ/có chồng là tình trạng hôn nhân phổ biến với 69,2% dân số từ 15 tuổi trở lên đang có vợ/chồng. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).
(11) Cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%.
(12) Tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở Việt Nam là 3,7%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất cả nước (4,5%); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ người khuyết tật thấp nhất (đều bằng 2,9%).
(13) Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. TFR của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).
(14) Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1‰).
(15) Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam (SRB) có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).
(16) Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Khu vực thành thị có tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 8,2 và 16,7 trẻ em tử vong trên 1000 trẻ em sinh sống). Tỷ suất này của trẻ nam cao hơn trẻ nữ 3,8 điểm phần nghìn (IMR của nam là 15,8, IMR của nữ là 12,0 trẻ tử vong/1000 trẻ sinh sống).
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn: U5MR của khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 25,1 và 12,3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).
Tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030).
(17) Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.
(18) Phần lớn các trường hợp chết xảy ra trong 12 tháng trước thời điểm Tổng điều tra là do bệnh tật (90,9%). Ngoài yếu tố bệnh tật, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong. Tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao gấp gần bốn lần so với tỷ lệ người chết vì tai nạn lao động (tương ứng là 4,3% và 1,1%). Tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông ở nam giới cao gấp hơn ba lần ở nữ giới (5,9% so với 1,8%).
(19) Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Người di cư có xu hướng lựa chọn điểm đến di cư trong phạm vi quen thuộc của họ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Trong đó, di cư giữa các tỉnh chiếm tỷ lệ lớn nhất, 3,2%, cao hơn di cư trong huyện (2,7%) và di cư giữa các huyện (1,4%).
Đông Nam Bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng. Có đến 1,3 triệu người nhập cư đến vùng Đông Nam Bộ, chiếm hơn hai phần ba tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước. Phần lớn người nhập cư đến Đông Nam Bộ là người của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (710,0 nghìn người, chiếm 53,2%); phần lớn người nhập cư đến Đồng bằng sông Hồng là những người đến từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (209,3 nghìn người, chiếm 61,2%).
(20) Toàn quốc có 12 tỉnh có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (200,4‰) với hơn 489 nghìn người nhập cư nhưng chỉ có khoảng 38 nghìn người xuất cư khỏi tỉnh này trong 5 năm trước. Như vậy, cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở tỉnh Bình Dương thì có 1 người đến từ tỉnh khác. Tiếp theo là Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 85,3‰, 75,9‰ và 68,4‰.
Tìm việc/bắt đầu công việc mới hoặc theo gia đình/chuyển nhà là những lý do di cư chủ yếu. Có 43,0% người di cư đang phải sống trong các căn nhà thuê mượn, gấp gần tám lần tỷ lệ này của người không di cư. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông là những nơi có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ. Trong đó, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất cả nước (74,5%). Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ này khá cao (từ 40-50%) bao gồm: Thái Nguyên, Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và Long An.
(21) Sau 30 năm, tỷ lệ dân số thành thị tăng 14,3 điểm phần trăm, từ 20,1% năm 1989 lên 34,4% năm 2019. Tốc độ tăng dân số thành thị bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 2,64%/năm, thấp hơn tốc độ tăng dân số thành thị của giai đoạn 1999 - 2009 (3,4%/năm). Yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị; sự “chuyển mình” từ xã thành phường/thị trấn của nhiều địa phương trong cả nước góp phần chuyển 4,1 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương 12,3% dân số thành thị của cả nước năm 2019.
Như vậy, Việt Nam đã không đạt được cả hai mục tiêu về đô thị hoá đến năm 2015 và 2020 theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên khía cạnh về tăng tỷ lệ dân số khu vực thành thị.
(22) Trong 10 năm qua, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng nhất. Tỷ lệ đi học chung của cấp tiểu học là 101,0%, cấp trung học cơ sở (THCS) là 92,8% và trung học phổ thông (THPT) là 72,3%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp này lần lượt là 98,0%, 89,2% và 68,3%.
Việt Nam hiện có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường, giảm 12,6 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 8,1 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 1999: 20,9%; năm 2009: 16,4%). Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn cao hơn gần hai lần khu vực thành thị (9,5% so với 5,7%). Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng lớn: Cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp tiểu học thì có khoảng 1 em không được đến trường; con số tương ứng ở cấp THCS là gần 7 em, ở cấp THPT là 26 em.
(23) Hơn một phần ba dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ THPT trở lên (36,5%), tăng gần hai lần so với năm 2009 (20,8%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ này của khu vực thành thị cao hơn hai lần so với khu vực nông thôn (lần lượt là 54,0% và 27,0%).
(24) Toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Tỷ lệ dân số có CMKT đã tăng 5,9 điểm phần trăm so với năm 2009.
(25) Gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25-59 tham gia lực lượng lao động; trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất ở nhóm tuổi 25-29 (14,3%) và giảm nhẹ ở nhóm 30-34 (14,2%). Dân số ở nhóm tuổi trẻ (nhóm 15-19 tuổi và nhóm 20-24 tuổi) và nhóm tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) đều chiếm tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp (dưới 10%).
(26) Lực lượng lao động đã tốt nghiệp THPT trở lên chiếm 39,1%, tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009; đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) chiếm 23,1% (ở khu vực thành thị cao gấp 2,5 lần khu vực nông thôn, tương ứng là 39,3% và 15,6%).
Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (31,8%) và Đông Nam Bộ (27,5%); thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (13,6%).
(27) Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở mức thấp, 2,05%. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 1,64% và 2,93%). Hầu hết người thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 (chiếm 91,7% người thất nghiệp). Lao động trẻ từ 15-24 tuổi là những người thất nghiệp nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (44,4%).
(28) Giai đoạn 2009 - 2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, xây dựng và Dịch vụ. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm liên tục trong những năm qua, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019. Lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực Dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản vào năm 2019. Với đà chuyển dịch này, “Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ” sẽ sớm đạt ngưỡng 70% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(29) Nhóm nghề lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ 33,2%. So với 10 năm trước đây, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh (giảm 7,1 điểm phần trăm). Các nhóm “dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng”, “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” và “thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” cũng là những nhóm nghề thu hút nhiều lực lượng lao động, tương ứng là 18,3%, 14,5% và 13,2% tổng số lao động đang làm việc.
(30) Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở (chiếm 0,47 phần mười nghìn tổng số hộ), tương đương với 4.108 người. Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (ba bộ phận: tường, mái, sàn). Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở .
Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc. Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần, từ mức 4,7 phần mười nghìn năm 2009 xuống còn 0,47 phần mười nghìn năm 2019. Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ chiếm một phần nhỏ (6,9%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn gần 8 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (lần lượt là 9,7% và 1,8%).
(31) Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Khoảng hơn một phần ba số hộ (chiếm 34,4%) sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người từ 30m2/người trở lên. Vẫn còn gần 7% hộ dân cư (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người. Trong đó, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người dưới 8m2 ở Đông Nam Bộ là cao nhất (16,3%), ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là thấp nhất (3,8%).
(32) Hiện có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Đặc biệt, tại các địa phương đông dân cư và tập trung nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn cao hơn các địa phương khác như Bình Dương (56,5%), thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), Bắc Ninh (27,0%), Hà Nội (15,8%). Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thuê/mượn ở khu vực thành thị cao gấp gần 3,5 lần so với khu vực nông thôn.
(33) Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay (76,8%, tương đương 20,6 triệu hộ). Trong đó, 37,1% hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ mới được xây dựng trong vòng 10 năm trước thời điểm Tổng điều tra (tương ứng khoảng 10 triệu hộ), thấp hơn 1,2 triệu hộ so với năm 2009. Tuy vậy, trên cả nước vẫn còn gần 195 nghìn hộ (tương ứng 0,7% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu trong vòng từ 21 đến 44 năm và trên 19 nghìn hộ (tương ứng 0,07% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu từ 45 năm trở lên. Điều này cho thấy, mặc dù tình trạng nhà ở của hộ dân cư đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn những hộ phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.
(34) Điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư cũng được cải thiện rõ rệt, có 99,4% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2009.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 97,4%, trong đó 52,2% hộ sử dụng nguồn nước máy. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 99,6%, ở khu vực nông thôn là 96,3%.
Tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh (hố xí tự hoại và bán tự hoại) là 88,9%, tăng gần 35 điểm phần trăm so với năm 2009.
Tiện nghi sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện với 91,9% hộ có sử dụng ti vi; 91,7% hộ có sử dụng điện thoại (cố định, di động) hoặc máy tính bảng; 30,7% hộ có sử dụng máy vi tính (bao gồm máy để bàn, laptop).
Ngoài các thiết bị sinh hoạt nghe nhìn đã đề cập ở trên, các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ dân cư sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2009. Tăng cao nhất là tỷ lệ hộ sử dụng tủ lạnh, tăng 48,9% (năm 2009: 31,6%, năm 2019: 80,5%); tiếp đến là tỷ lệ hộ sử dụng máy giặt, tăng 37,3% (năm 2009: 14,9%, năm 2019: 52,2%) và tỷ lệ hộ sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng 25,5% (năm 2009: 5,9%, năm 2019: 31,4%).
Đa số các hộ dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ (mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện và ô tô) cho mục đích sinh hoạt của hộ (88%). Tỷ lệ hộ sử dụng phương tiện này ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 91,8% và 85,9%).
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ này cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Tây Ninh (trên 94% tại mỗi tỉnh).
Tổng kết lại, 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân. Quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh; tỷ lệ dân số có trình độ CMKT tăng mạnh. Sức khỏe của người dân đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ người khuyết tật giảm; tuổi thọ của người dân tăng cao; tỷ suất chết của trẻ em và tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh. Vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, xây dựng và Dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm mạnh; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao.
Thành quả trên sẽ tạo thêm động lực để chúng ta hiện thực hóa khát vọng về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc./.

Theo VNunfpa

Bài Liên Quan

Tin Mới 9123671983333835302

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item