Soạn giả Mai Văn Lạng: Đón tuổi “hạn” bằng niềm lạc quan- Bài viết của nhà báo trẻ Ngô Khiêm
Sinh năm Quý Sửu 1973, vậy là mùa xuân Tân Sửu này soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam bư...
Sinh năm Quý Sửu 1973, vậy là mùa
xuân Tân Sửu này soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền,
Đài Tiếng nói Việt Nam bước vào tuổi 49, cái tuổi mà các cụ vẫn bảo là tuổi “hạn”
(49 chưa qua, 53 đã tới). Thế nhưng, anh bảo, tuổi nào không quan trọng mà quan
trọng là mình đã làm được gì cho gia đình, cơ quan và xã hội.
“Người quen” trên Đài
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ không hiểu nguồn
năng lượng ở đâu để soạn giả Mai Văn Lạng có thể yêu say đắm các thể loại dân
ca, đặc biệt là chèo cũng như giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống trên sóng Đài
Tiếng nói Việt Nam. Trong nhiều năm qua anh đã ngược xuôi khắp mọi miền Tổ quốc
để sưu tầm, quảng bá dân ca; giao lưu kết nối những người yêu dân ca ở các câu
lạc bộ rồi anh lại hăm hở về tận nơi để nghe tâm tư, nguyện vọng của các nghệ
sĩ và tìm cách giúp đỡ khi họ có những thiệt thòi trong việc phong tặng…
Đi về các miền quê, anh xúc động khi
giới thiệu tên là nhiều người nhận ra “người quen” trên Đài. Nhưng cũng có một
nghịch lý là thính giả chỉ được nghe tiếng mà không thấy hình nên họ đều nghĩ
anh phải cao tuổi lắm, gặp thì ai cũng bảo quá trẻ, thậm chí anh chỉ bằng tuổi
con của họ. Mặc dù họ không nhớ anh làm những gì nhưng lại rất nhớ những bài
hát do anh đặt lời. Càng đi anh lại thấy tình yêu với dân ca trong nhân dân là rất
lớn và anh cảm thấy trách nhiệm trên vai mình là phải tiếp tục gìn giữ, lan tỏa
dân ca trong đời sống hiện đại trước sự du nhập và phát triển mạnh mẽ của các
dòng nhạc mới, nhạc nước ngoài.
Bản thân tôi cũng không nhớ nổi mình
biết đến cái tên Mai Văn Lạng từ khi nào. Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe chương
trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam do anh soạn lời mới.
Có thể nói những ca từ mượt mà, đằm thắm ấy đã in đậm vào sâu trong tâm trí và
sống cùng ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê xứ
Đông như tôi. Một buổi chiều cuối thu nhiều năm trước, theo chỉ dẫn qua điện
thoại, tôi tìm đến hiệu thuốc trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Cầu Giấy, Hà Nội)
để gặp anh. Người dược sĩ và cũng là người vợ hiền của anh niềm nở dẫn tôi lên
tầng 4 của ngôi nhà, nơi anh đang say sưa với công việc thường nhật của mình.
Thú thật, Mai Văn Lạng khác với những gì tôi hình dung về anh trước đó. Anh giản
dị, vui tính, chân thành, cởi mở và luôn khiến người đối diện cảm thấy thân thiện
khi tiếp xúc.
“Người nhà quê” nhạy
bén với công nghệ
Tôi luôn nhận ra ở là một người nhà
quê thứ thiệt. Anh đã làm những câu thơ như để “răn” mình: “Gần 30 năm xa quê/
Vẫn tôi chân đất dép lê đầu trần/ Công danh gửi nẻo phù vân/ Mặc cho trời đất
xoay vần dọc ngang/ Mình tôi vẫn giữ hồn làng”… Anh cho biết mình giữ hồn
làng bằng nhiều cách. Có thể là bằng những bài hát đặt lời từ dân ca, có thể giữ
bằng tạo nền nếp trong gia đình. Anh cũng từng tâm sự với tôi rằng: “Đất nước
Việt Nam nghìn năm mất nước nhưng không mất làng, văn hóa làng luôn ở trong
tôi, trong bạn và trong rất nhiều người. Tôi từng căn dặn các con của
mình: “Con ơi muối mặn gừng cay/ Mồ hôi đổ xuống đất này đơm hoa/ Người
quê ta đất quê ta/ Dẫu đi muôn ngả chẳng là người dưng”.
“Người nhà quê” ấy cũng rất nhạy bén
với công nghệ, anh là tiên phong trong việc quảng bá dân ca trên mạng xã hội.
Hiện nay, anh là người đầu tiên làm kênh YouTube về dân ca cổ truyền và có đến
hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Anh còn làm chủ của cả chục trang web
âm nhạc cổ truyền trong đó có trang “Đến với nghệ thuật chèo” với hàng
trăm nghìn lượt đăng ký theo dõi. Do nắm được nhu cầu thị hiếu hiện nay, số lượng
người nghe đài ngày càng ít đi mà chỉ nghe trên ô tô hoặc nghe trực tuyến và
không phải ai cũng có thời gian để nghe đài đúng khung giờ chương trình phát
sóng nên anh đã chủ động đưa các chương trình đã phát sóng vào trang blog của
mình để phục vụ người nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Chắc hẳn với những người yêu chèo đều
biết đến luận văn thạc sĩ “Ca từ trong chèo” của anh nhiều năm trước. Đây là đề
tài được đánh giá xuất sắc bởi ngoài tính nghiên cứu, lý luận thì đây là lĩnh vực
chưa từng ai nghiên cứu. Khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, chuyên gia số một
trong nghệ thuật chèo đã vô cùng ngạc nhiên và có đặt câu hỏi nghi vấn: “Ai viết
cho em?” Và anh tự tin đã trả lời: “Thưa thầy, xin thầy có thể cho em biết ai
có thể viết được?”. Cũng chính vì cơ duyên ấy anh đã lọt vào “mắt xanh” của thầy
Trần Đình Ngôn để rồi anh luôn được người thầy lớn động viên, tư vấn trong lĩnh
vực chèo. Thầy Ngôn thường khuyên anh nên tiếp tục viết bài hát chèo theo lối
thơ vần bởi theo thầy thì không nhiều người viết được thể loại này.
Nhiều trăn trở và dự định
Là người “cầm trịch” đơn vị phát sóng dân ca lớn
nhất cả nước, soạn giả Mai Văn Lạng luôn trăn trở phải làm sao để những người
trẻ hiểu và yêu dân ca: “Gần như các ca khúc hay đều mang âm hưởng dân ca sâu nặng,
vậy tại sao dân ca gốc lại không được yêu thích?”. Anh cho rằng Nhà nước cần có
chính sách quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống của các nghệ nhân bởi cuộc sống
mưu sinh sẽ khiến những đam mê có thể vơi bớt đi sự cháy bỏng, tâm huyết. Ngoài
ra, phía cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thu thập, sưu tầm, thu
thanh các làn điệu qua phần mềm lưu trữ lâu dài. Đặc biệt, muốn có thế hệ “măng
non” dân ca thực sự chất lượng cần phải thành lập nhiều đoàn nghệ thuật chuyên
nghiệp chọn lọc những thí sinh có tố chất đưa vào đào tạo bài bản, tập luyện
nghiêm túc. “Những người làm dân ca chuyên nghiệp phải tự thấy trách nhiệm của
mình để dân ca cổ truyền được sang trọng, sâu sắc và được nhiều người biết đến
hơn”, anh nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2020, soạn giả Mai Văn Lạng
cho rằng đó là năm nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Anh là người đã
viết bài hát “Bài ca chống giặc- dịch en covy” thể hiện tinh thần chống dịch của
toàn dân ngay khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”.
Với sự lan tỏa qua tiếng hát của bé Lê Quang Vinh (11 tuổi, con nghệ sĩ Lê Anh
Khoa ở Nhà hát Chèo Thái) đã có hàng trăm soạn giả bắt đầu viết lời cho quan họ,
chèo, cải lương… về đề tài này. Ngay sau đó anh đã tham gia tư vấn và là thành
viên giám khảo của cuộc thi bình chọn “Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch
COVID-19” do Đài VTC tổ chức. Cùng với đó, anh đã lên ý tưởng để đồng nghiệp
tham dự Liên hoan phát thanh toàn quốc tại Đồng Tháp với chủ đề về chính đất
sen hồng, gìn giữ và phát huy Hò Đồng Tháp và được Huy chương Bạc chung cuộc. Đặc
biệt, gần đây anh đã tổ chức thành công Giao lưu nghệ thuật chèo toàn quốc tại
Hưng Yên với hơn 100 tiết mục chèo được biểu diễn. Đây là sự kiện thường niên,
đã tổ chức được 5 lần và năm nay được tổ chức trong bối cảnh rất đặc biệt, phải
hoãn đi hoãn lại rất nhiều lần. Cũng trong năm này, anh đã chính thức có tên
trong từ điển bách khoa toàn thư thế giới Wikipedia.
Mang theo niềm hứng khởi sau những
công việc làm được trong năm cũ, sang năm tuổi, năm “hạn” 2021, soạn giả Mai
Văn Lạng mang đầy niềm lạc quan và mong muốn thực hiện nhiều dự định cho cá nhân.
Đó có thể là ra mắt một tập thơ hay tập sách soạn lời mới cho dân ca và chèo và
cũng có thể là tập sách “Ca từ trong chèo” phát triển từ luận văn của mình. Có
thể thấy rằng, dù làm gì, dự định ra sao thì anh vẫn xoay quanh dân ca và chèo
bởi với anh thì nó dường như đã là hơi thở, là máu thịt, là cuộc sống của mình
vậy.
Bài đăng trên báo Công An ( số Tết Tân Sửu )