Dân ca và nhạc cổ truyền: Nỗi lo mai một

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh thì ta có khoảng 150 làn điệu chèo cổ. Trong đó khoảng 30 làn điệu đa dùng được nhiều người bi...



Theo thống kê của nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh thì ta có khoảng 150 làn điệu chèo cổ. Trong đó khoảng 30 làn điệu đa dùng được nhiều người biết đến hơn cả, còn lại gần như để đó và nhiều nghệ sĩ chèo có khi không biết đến. Những điệu chuyên dùng phải trong tình huống, nhân vật nhất định mới sử dụng được. Trong khi đó, người viết kịch bản chèo có khi cũng không thuộc các làn điệu đó, chỉ loanh quanh mấy điệu phổ biến. Hoặc có khi viết được làn điệu chuyên dùng thì diễn viên không hát được, đạo diễn không xử lý được lại đành thay điệu khác cho dễ hát, an toàn. Phóng viên báo Quân đội nhân dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với soạn giả mai văn Lạng, người có nhiêu năm nghiên cứu sưu tầm và soạn lời mới cho dân ca và chèo để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Soạn giả Mai Văn Lạng là cái tên quen thuộc của những người yêu chèo với hàng trăm sáng tác mới cho các làn điệu chèo. Việc viết lời mới cho chèo có yêu cầu gì đặc biệt không?

Chèo cổ của ta có lời rất hay, sâu sắc nhưng lại không phản ánh được hết những nhu cầu của đời sống đương đại. Ví như để ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, người chiến sĩ… nếu không có lời mới thì không truyền tải được những nội dung này. Vì vậy cần soạn lời mới để mở rộng nội dung cho chèo. Hơn nữa, lời cổ thường thì không phải ai cũng dễ dàng hiểu được ý nghĩa của nó, ở một khía cạnh nào đó, nó khó để đi vào đời sống và phù hợp với cuộc sống, nhu cầu công chúng bây giờ.

Tuy vậy, lời mới dẫu sao vẫn phải dựa trên làn làn điệu, lòng nhạc cổ. Làn điệu “Đào liễu”, “Con nhện giăng mùng”… có bao nhiêu nhịp, thì lời mới phải có bấy nhiêu, vần, điệu làn điệu cổ như nào thì lời mới cũng phải như vậy. Thứ hai là lời mới cũng phải giàu tính văn học, chất thơ, không thể nôm na được. Tức là làm sao phải hay, có giá trị, vừa gần gũi, dễ hiểu, mang tính tuyên truyền nhưng vẫn giàu chất văn học, chất thơ. Từ đó mà đặt ra những yêu cầu cho soạn giả chèo. Đầu tiên phải am hiểu rất kỹ những làn điệu chèo cổ, lại cũng phải biết làm thơ, có vốn văn hóa dày dặn, kiến thức, vốn sống phong phú... Nói là viết lời mới để hát được dễ thì cũng là dễ nhưng viết lời chèo để người nghe thấy hay, nhớ, sâu sắc như đặc trưng vốn có của chèo thì quả thực không dễ chút nào.

PV: Hiện nay, lực lượng sáng tác cho chèo như thế nào, thưa ông?

Ở nước ta hiện nay, nhạc sĩ sáng tác nhiều, người làm thơ cũng nhiều nhưng soạn lời mới cho dân ca nói chung, chèo nói riêng rất ít. Đặc biệt kịch bản mới cho chèo rất khó tìm, chủ yếu là các kịch bản được chuyển thế sang chèo nhưng nhiều khi không đạt được độ sâu, không lắng được hồn cốt của chèo.

Như tôi vừa nói, nếu muốn theo đuổi việc sáng tác cho chèo thì phải vô cùng đam mê, biết hát, biết làm thơ, biết chọn ý văn học… Một tác phẩm mới, một làn điệu mới ra đời tác giả phải trăn trở, đôi khi mất thời gian dài, rồi ra đời có được công chúng yêu thích, ghi nhận không lại là cả vấn đề. Đội ngũ chuyên sáng tác cho chèo hiện nay hầu hết đã lớn tuổi, một vài gương mặt trẻ cũng đã trên dưới 40 tuổi, trẻ hơn càng ít. Thật sự đây là điều đáng bận tâm. Các bạn trẻ được tiếp xúc, thưởng thức nhạc cổ truyền ít quá. Cũng bởi mấy chục năm vừa qua chúng ta có sự lãng quên nhạc cổ truyền, giới trẻ thích nhạc mới, không quan tâm nhiều đến nghệ thuật truyền thống, thậm chí các bạn trẻ theo nghệ thuật truyền thống còn bị chê bai, không được quan tâm như theo những loại hình nghệ thuật hiện đại. Cũng may là gần đây đã có nhiều người quan tâm hơn tới những giá trị truyền thống để nhìn lại cội nguồn xưa.

PV: Có lẽ vì các bạn trẻ chưa đủ độ “chín” để đi vào lĩnh vực sáng tác chăng?

Tất nhiên để sáng tác cần độ chín nhưng quan trọng vẫn là phải có đam mê, quan tâm đến nó đã. Nếu anh mới đôi mươi nhưng quan tâm, tìm tòi, học hỏi và muốn thì vẫn viết được những lời mới hay cho chèo. Cũng phải nói thêm rằng, không phải nghệ sĩ chèo nào cũng sáng tác được bởi tư duy và năng lực của nghệ sĩ biểu diễn và sáng tác có rất nhiều điểm khác nhau.

PV: Hiện nay chúng ta có bao nhiêu làn điệu chèo cổ?

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh thì ta có khoảng 150 làn điệu chèo cổ. Trong đó khoảng 30 làn điệu đa dùng được nhiều người biết đến hơn cả, còn lại gần như để đó và nhiều nghệ sĩ chèo có khi không biết đến. Những điệu chuyên dùng phải trong tình huống, nhân vật nhất định mới sử dụng được. Trong khi đó, người viết kịch bản chèo có khi cũng không thuộc các làn điệu đó, chỉ loanh quanh mấy điệu phổ biến. Hoặc có khi viết được làn điệu chuyên dùng thì diễn viên không hát được, đạo diễn không xử lý được lại đành thay điệu khác cho dễ hát, an toàn. Bản thân tôi nhiều khi sáng tác theo đặt hàng, người ta cũng chỉ yêu cầu những điệu dễ, phổ biến. Vì thế mà kho tàng cha ông để lại phong phú như vậy nhưng chúng ta hiện khai thác được rất ít. 120 làn điệu kia thực sự rất lãng phí.

PV: Nói rộng ra dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam rất phong phú nhưng chúng ta đang gìn giữ được ở mức độ nào, thưa ông?

Chúng ta vừa nói câu chuyện của chèo, nhưng chèo vẫn là bộ môn có sức sống tốt với hàng chục đơn vị trên cả nước, hàng nghìn nghệ sĩ. Nhìn vào dân ca, nhạc cổ truyền nói chung thì thấy lo lắng hơn rất nhiều. Dân ca, nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú, đa dạng vô cùng, từ hát chèo, văn, ca trù, trống quân, ví, hò…, hàng trăm làn điệu dân ca từ bắc vào nam, 40 dân tộc thiểu số ở nước ta có dân ca, hàng trăm nhạc cụ nhưng ta gìn giữ không được bao nhiêu. Chúng ta đã để mai một ¾ kho tàng quý giá ấy rồi. Để một người chơi được nhạc cụ chuyên nghiệp phải học mười mấy năm. Nghệ sĩ tâm huyết thì khó sống được bằng nghề. Các nghệ nhân còn sống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, truyền dạy lại không bài bản. Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình đáng lẽ phải phát triển, đi trước để nắm được quy luật, áp dụng vào thực tiễn nhưng chúng ta lại đang thiếu. Vậy nên ngay như quan họ là loại hình được duy trì, phát triển khá tốt nhưng vẫn đang có nhiều tranh luận đúng, sai.

Tôi có nhiều năm đi sưu tầm, nghiên cứu dân ca, nhạc cổ truyền, ở những nơi tôi đến chỉ có một số nơi, chủ yếu vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn gìn giữ được, còn hầu hết là mai một. Những năm gần đây khi mạng internet phát triển, nghệ thuật được đưa lên mạng nhiều, cũng có việc người dân nghe lại những làn điệu của dân tộc, quê hương mình thấy thích và có ý thức học lại, khôi phục lại nhưng cơ bản không còn được như ban đầu, không còn sâu sắc, giữ được hồn cốt như xưa nữa. Việc tự học cũng dễ bị sai lệch, có khi hát nhạc cổ truyền cứ như nhạc hiện đại. Dẫu bị mai một nhưng ít nhất người dân có ý thức giữ gìn cũng đã là đáng quý rồi.

PV: Những làn điệu thường ra đời gắn với sinh hoạt, lao động của người dân, nếu hoạt động của người dân không còn nữa thì làn điệu đó cũng có nguy cơ bị mất đi?

Hò dệt vải hát khi người dân dệt vải, ngư


ời dân hò giã gạo những lúc giã gạo… Nếu không dệt vải, không giã gạo nữa thì họ cũng không hò nữa. Dân ca gắn với hoạt động lao động sinh hoạt của con người thì khi hoạt động ấy mất, điệu dân ca cũng mất theo. Vậy nên phải đưa những điệu dân ca ấy lên sân khấu để giữ gìn. Cũng may là bây giờ có thể ghi âm, ghi hình để lưu giữ lại.

PV: Nhưng các làn điệu dân ca, nhạc cổ truyền hàng trăm năm của ông cha chỉ phát huy được giá trị và sức sống của nó tốt nhân khi được sống cùng đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu cứ mai một dần thì chỉ qua một vài thế hệ nữa, có thể sức sống của nó sẽ mất đi. Chúng ta cần biện pháp để tránh để điều đó xảy ra?

Tôi nghĩ trước hết phải để thế hệ trẻ biết đến những làn điệu dân ca, nhạc cổ truyền của quê hương mình đã chứ chưa cần phải yêu. Ví dụ như ở Lý Nhân - Hà Nam có điệu hát lả lê nhưng người Lý Nhân hầu như không biết điều đó. Vì thế ít nhất người Lý Nhân phải biết quê mình có làn điệu lả lê rất hay, độc đáo để tự hào. Sau đó là đưa vào giới thiệu trong trường học như nhiều nơi đã làm; Có chế độ đãi ngộ tương xứng cho nghệ nhân, người nghiên cứu, sưu tầm; rồi các công trình nghiên cứu phải đưa lại đời sống nhân dân, phổ biến để mang lại hiệu quả thực tế chứ đừng để trong sách vở xếp chồng một cách im lìm lấy thành tích nữa.

Bài Liên Quan

Tin Mới 5600545996543327336

Đăng nhận xét

  1. bài rất hay. Bộc lộ sự am hiểu sâu sắc của một người chuyên sâu.Nên có những lớp bồi dưỡng nhất là nững tác gỉa Kb yêu thích viết chèo.cám ơn MV Lạng

    Trả lờiXóa

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item