Tìm hiểu nghệ thuật chèo- Phần 1
Tìm hiểu nghệ thuật chèo Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát sinh và phát triển ở đồng bằng Bắc ...
https://www.maivanlang.com/2015/09/tim-hieu-nghe-thuat-cheo-phan-1.html
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam.
Chèo phát sinh và phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát
triển cao, giàu tính dân tộc.
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam.
Chèo phát sinh và phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát
triển cao, giàu tính dân tộc. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện
tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch nô thì đại
diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.
Lịch sử
Đồng bằng châu thổ sông Hồng luôn là cái nôi của nền văn minh
lúa nước của người Việt. Mỗi khi vụ mùa được thu hoạch, họ lại tổ chức các lễ
hội để vui chơi và cảm tạ thần thánh đã phù hộ cho vụ mùa no ấm. Từ thiên niên
kỷ thứ nhất trước Công nguyên, họ đã biết biểu diễn các vở chèo đầu tiên trên
sân đình. Nhạc cụ chủ yếu của chèo là trống chèo. Chiếc trống là một phần của
văn hoá cổ Việt Nam, người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và biểu diễn
chèo.
Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ
thế kỷ 10. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của
chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn.
Sự phát triển của chèo có một mốc quan trọng là thời điểm một
binh sỹ quân đội Mông Cổ đã bị bắt ở Việt nam vào thế kỷ 14. Binh sỹ này vốn là
một diễn viên nên đã đưa nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc vào Việt Nam.
Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của
nghệ thuật do người lính bị bắt mang tới, chèo có thêm phần hát.
Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn
chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởg của đạo Khổng. Do không được triều đình
ủng hộ, chèo trở về với những người hâm mộ ban đầu là nông dân, kịch bản lấy từ
truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh
ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế
kỷ 19. Những vở nổi tiếng như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham,
Trương Viên xuất hiện trong giai đoạn này. Đến thế kỷ 19, chèo ảnh hưởng của
tuồng, khai thác một số tích truyện như Tống Trân, Phạm Tải, hoặc tích truyện
Trung Quốc như Hán Sở tranh hùng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu
thành thị trở thành chèo văn minh. Có thêm một số vở mới ra đời dựa theo các
tích truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai.
Các đặc trưng của chèo
Không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới
quyền quý, chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Khát vọng
sống thanh bình giữa một xã hội phong kiến đầy bất công là đặc điểm nổi bật
trong nội dung của chèo, nhiều vở chèo còn thể hiện cuộc sống vất vả của người
phụ nữ sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác. Nội dung của các vở chèo lấy từ
những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân
khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện luôn
thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ
thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy
từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là
thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của
người đời như các vở: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Ngoài ra
chèo còn thể hiện tính nhân đạo, như trong vở Trương Viên.
Tính chất
Chèo luôn gắn với chất “trữ tình”, thể hiện những xúc cảm và
tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại :
tình yêu, tình bạn, tình thương.
Nhân vật trong chèo
Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn.
Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn
đó. Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên
hầu như không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư
sinh, hề v.v...Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị
Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật
có cá tính riêng.
Diễn viên đóng chèo nói chung là những người không chuyên, hợp
nhau trong những tổ chức văn nghệ dân gian gọi là phường chèo hay phường
trò...“Hề” là một vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Anh hề được phép
chế nhạo thoải mái cũng như những anh hề trong cung điện của vua chúa Châu Âu.
Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân đả kích những thói hư tật xấu
của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong
làng xã. Có hai loại hề chính bao gồm :hề áo dài và hề áo ngắn
Theo báo Bình Định online
Hết Phần 1