Hồn thơ quê trong Mai Văn Lạng- Nhà giáo Nguyễn Thanh
Nguyễn Trung Thanh, xóm Rô, xã Sơn Đồng, Hoài Đức Hà Nội Mai Văn Lạng ko phải là 1 nhà thơ. Anh là một nhà viết chèo. Tuy nhiên anh v...
https://www.maivanlang.com/2020/02/hon-tho-que-trong-mai-van-lang-nha-giao.html
Mai Văn Lạng ko phải là 1 nhà thơ. Anh là một nhà viết chèo. Tuy nhiên anh vẫn có thơ và thơ anh luôn đong đầy cảm xúc. Có thể nói nhà thơ thì có thể không viết được chèo, chứ đã là nhà viết chèo thì thế nào cũng làm được thơ vì trong chèo luôn có thơ, ngôn ngữ của chèo là ngôn ngữ thơ và sân khấu chèo cũng là sân khấu của thơ. Các vở chèo kinh điển và để lại dấu ấn đều được sáng tác bằng thơ . Chèo mà hay phải là chèo được viết bằng thơ , bằng văn vần chứ không phải là chèo văn xuôi. Bởi vậy không ngạc nhiên gì khi Mai Văn Lạng có thơ, thơ anh mang đậm chất chèo, chất ca dao, dân ca, nghĩa là 1 hồn thơ dung dị mượt mà , bay bổng, sâu lắng, hàm xúc, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, khơi gợi được những rung cảm thánh thiện trong độc giả. Có thể coi Mai Văn Lạng là một "nhà thơ" của hồn quê , giàu tình cảm, thế thái nhân tình. Thơ Mai Văn Lạng gần gũi với thơ Nguyễn Bính, thơ Nguyễn Khuyến, nguyễn Duy là những thi nhân lừng danh viết về đề tài quê hương, cha mẹ, xóm làng, người thân...và cũng gần gũi với ngôn ngữ thơ đậm chất ca dao dân ca, thành ngữ, tục ngữ của nhà viết chèo tài ba Tào Mạt trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước. Ngôn ngữ thơ Mai Văn Lạng vừa mộc mạc dân dã gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân quê chân lấm tay bùn khuya sớm tảo tần thúng, mủng, nong, nia... Vừa xúc tích cô đọng và giàu hình ảnh, ý nghĩa: Chắt chiu xa xót trong lòng/ để cho con những cánh đồng tốt tươi/ bây giờ con tạm nên người/ mẹ hoá mây trắng ngang trời mà bay- Bài " Đưa con đi học ngày mưa ". Hay những câu thơ: " Cha đi ko vững đường cày/ đêm đêm thương nhớ hao gầy đêm đêm." Bài " đưa con đi học ngày mưa". Những câu thơ đọc lên mà mắt muốn rưng rưng ngấn lệ.
Mai Văn Lạng viết nhiều về người mẹ. Thơ anh ngập tràn nỗi nhớ thương không khi nào vơi cạn. Đối với hình ảnh người mẹ quê lam lũ tảo tần nhọc nhằn nghèo khó cơ hàn , chạy chợ đồng nát, lông gà lông vịt, dép đứt, xoong hỏng... nuôi anh khôn lớn nên người. Tuổi thơ anh thật cơ cực, giữa cái no đủ của xóm giềng thì mẹ con anh vẫn nghèo khó chạy ăn từng bữa: " khói bếp cả làng thơm mùi xôi nếp/ riêng mẹ con mình ai lông gà lông vịt bán không ?"- Bài " Vu Lan nhớ mẹ". Cho đến bây giờ đã sau nhiều năm người mẹ hiền của anh khuất núi, anh vẫn không nguôi nỗi nhớ thương mẹ vơi đầy, Ngoài 40 tuổi anh vẫn cảm thấy mình như 1 đứa trẻ thiếu thốn hơi ấm và vòng tay của mẹ, vẫn ngơ ngác mỗi lần về quê thiếu vắng mẹ vô cùng. Mỗi lần vào dịp lễ vu lan, anh lại nghẹn ngào xa xót: " lễ vu lan con không về quê được/ mâm cỗ đầy cay đắng nuốt vào trong ". Trong tâm can anh luôn hiện hữu hình bóng mẹ, người mẹ tiều tuỵ hao gầy vì 1 đời chiu chắt nuôi con: " làng ta tan buổi chợ chiều/ hình như bóng mẹ liêu xiêu đi về "- bài " nhớ mẹ ".Và cô đơn đến tột cùng khi ko còn bóng mẹ trên đời: " mười mấy năm qua con khắc khoải mỏi mòn/ đi tìm một tiếng rao giữa dòng đời hối hả/ chật ních bon chen lọc lừa dối trá/ không có tiếng nào dành để cho con " bài " khắc khoải một tiếng rao ". Những câu thơ của anh có pha trộn sự ngậm ngùi và cả nước mắt, nước mắt của 1 người con tận hiếu:" trắng trời mưa phía xa quê/ Thấm từng vị chát của mưa mắt mình."- " Đưa con đi học ngày mưa "
Có thể nói tuy ko phải là một nhà thơ nhưng những gì Mai Văn Lạng viết ra, nhất là những bài viết về mẹ đều thấm đẫm chất thơ và đó là những câu thơ gan ruột được chắt lọc trong mạch cảm xúc tự đáy lòng mình và vì vậy nó trở thành những câu thơ có hồn và còn lưu mãi trong lòng người đọc. Xin cảm ơn Mai Văn Lạng