Điều hòa Trung Quốc mang vỏ Thái - Nhật lừa người mua
Điều hòa “Made in China” nhưng lại được lắp trong vỏ hàng Thái Lan, Nhật Bản rồi gắn mác thương hiệu lớn để đội giá lên gấp 3 lần khiến nh...
https://www.maivanlang.com/2016/05/ieu-hoa-trung-quoc-mang-vo-thai-nhat.html
Điều hòa “Made in China” nhưng lại được lắp trong vỏ hàng Thái Lan, Nhật Bản rồi gắn mác thương hiệu lớn để đội giá lên gấp 3 lần khiến nhiều người tiêu dùng phảibỏ ra số tiền lớn mua hàng kém chất lượng.
Điều hòa Trung Quốc nhưng lại gắn mác Thái Lan
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Đoàn, nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy có tiếng ở Hà Nội tâm sự: “Nhiều khách hàng khi đến đây thường than thở: “Sao tôi thấy có nhiều loại thương hiệu lớn Thái - Nhật như Daikin lại ghi sản xuất tại Trung Quốc, trong khi đó vốn là thương hiệu hàng đầu của Thái Lan. Không những thế, ngoài thị trường trôi nổi còn bán dòng điều hòa Panasonic cũng của Trung Quốc nhưng lại giới thiệu phóng đại lên là hàng của Malaysia”.
Theo ông Đoàn: Hình thức bên ngoài của điều hòa Daikin “dởm” Trung Quốc và điều hòa Daikin “xịn” “made in Thailand” tương đối giống nhau, người dùng khó có thể phân biệt được.
Tuy nhiên, có điểm khác là trên các cục nóng của các điều hòa luôn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ (tức sản xuất ở đâu). “Mặc dù vậy, với những người làm ăn gian dối, muốn đánh tráo thì họ đều có thể lột tờ tem mác đó ra và làm nhái giống y như thật được” - ông Đoàn bày tỏ.
Một chiếc máy điều hòa Trung Quốc công suất 9.000 BTU có giá bán tầm 6 triệu đồng/chiếc, tuy nhiên, với cách đánh tráo, “nâng đời” lên điều hòa “made in Thailand”, mức giá được đội lên thành 9 triệu đồng/chiếc. Như vậy, các nhà buôn được lời gấp 3 lần so với giá thực chất của nó.
Tại hội thảo về thị trường bán lẻ được diễn ra ở Hà Nội mới đây, ThS. Phan Thế Thắng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương đã nhận xét: Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn diễn ra phổ biến.
Nhiều trường hợp, hàng hóa, linh kiện hoàn toàn được nhập khẩu từ Trung Quốc và sau đó được lắp ráp rất đơn giản ở Việt Nam để thành sản phẩm, nhà sản xuất đã tự hào giới thiệu rằng: Sản phẩm được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.
Ngoài ra, trên thị trường cũng có hiện tượng giới thiệu, quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác, gây nhầm lẫn.
“Nhiều vụ việc, người tiêu dùng khiếu nại rằng: Sản phẩm được nhân viên cửa hàng giới thiệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ nhưng khi mua về sử dụng và kiểm tra lại thì là hàng của Trung Quốc hoặc có xuất xứ không đúng như đã được giới thiệu.
Vấn đề khó khăn của người tiêu dùng là những lời chào mời, giới thiệu đó lại không được người tiêu dùng lưu giữ để làm bằng chứng” – ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, nhiều trường hợp cửa hàng kinh doanh còn cố tình giới thiệu, quảng cáo mang tính gây nhầm lẫn, như sản phẩm được thiết kế ở Nhật Bản (designed in Japan) nhưng sản xuất ở Trung Quốc (made in China) thì được cửa hàng kinh doanh giới thiệu là có nguồn gốc, xuất xứ từ Nhật Bản.
“Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh còn quảng cáo sai lệch về tính năng, công dụng của sản phẩm, đưa những hình ảnh bắt mắt, chỉn chu để đánh lừa khách hàng vì thực tế hàng hóa không đáp ứng được như quảng cáo”.
Trước vấn nạn trên, một lãnh đạo siêu thị điện máy tại Hà Nội nhắn nhủ: “Các mặt hàng điện máy thường có giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu, chính vì vậy, chúng tôi khuyên người tiêu dùng nên mua sắm tại những siêu thị điện máy lớn, lâu năm và có uy tín, thứ nhất vừa đảm bảo mua được hàng chính hãng, hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là được hưởng ưu đãi về giá cả và các chương trình khuyến mãi, thứ ba là các chính sách dịch vụ về hậu mãi, bảo hành đi kèm”.
Trả lời phỏng vấn của PV, bà Phạm Thị Thu Hà, đại diện siêu thị Media Mart nói: “Các sản phẩm điều hòa sản xuất Trung Quốc trôi nổi trên thị trường thường bán ở những cửa hàng nhỏ lẻ, bán với giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm không đảm bảo”.
Để phân biệt điều hòa “made in Trung Quốc” và điều hòa chính hãng, theo chuyên gia về điện máy, các khách hàng có thể căn cứ vào phiếu bảo hành sản phẩm, mỗi một sản phẩm Panasonic, Daikin bán ra thông qua đại lý chính hãng đều có phiếu bảo hành sản phẩm, trên phiếu bảo hành có tem chống giả. Khách hàng cũng có thể tìm hiểu thông số kỹ thuật, model sản phẩm trên trang web chính thức của hãng.
Khách hàng có thể tìm hiểu thông số kỹ thuật, model sản phẩm trên trang web chính thức của hãng.
Qua các quan sát màu sắc máy, tem chống giả, cách sắp xếp trên mặt lạnh của máy và các phím sắp xếp trên điều khiển so với hình ảnh sản phẩm trên website chính hãng, cũng giúp người dùng hạn chế mua phải điều hòa giả, kém chất lượng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên nhủ: “Để đảm bảo mua được điều hòa chính hãng, khách hàng nên đến các đại lý, siêu thị điện máy lớn uy tín, có thương hiệu để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Thị trường điều hòa tăng trưởng 50% so với năm trước
Thời tiết vào hè bắt đầu nắng nóng, khảo sát tại một vài hệ thống siêu thị điện máy phía Bắc, lượng người mua các mặt hàng điều hòa nhiệt độ nói riêng và sản phẩm ngành hàng điện lạnh bắt đầu tăng cao ngay từ đầu tháng 4.
Tại các siêu thị điện máy ở Hà Nội, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm các sản phẩm chống nóng và làm mát như điều hòa, quạt phun sương... đã tăng rõ rệt.
Trong 2 tháng đầu năm, thị trường điều hòa tăng trưởng hơn 50% so với năm trước. Với đà tăng trưởng và nhu cầu tăng cao của người dân như hiện nay chắc chắn thị trường điều hòa trong thời gian tới sẽ cực kỳ sôi động.
“Năm nay, mặt hàng điều hòa sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh do thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, thời tiết nắng nóng kéo dài và đời sống của người dân lên cao sẽ khiến “cầu” điều hòa lớn hơn rất nhiều” – lãnh đạo một siêu thị điện máy nói.
Có mặt tại một siêu thị điện máy trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) vào ngày 24/5, lượng khách hàng tới thăm quan và mua sắm tại gian điều hòa khá đông, ước tính siêu thị này mỗi ngày đón tiếp khoảng 200 khách. Ông Nguyễn Duy Đoàn, nhân viên bán hàng tại đây cho biết: Lượng mua thời điểm này hiện tại rơi vào khoảng 70 – 80 bộ/ngày. Những ngày nắng nóng đỉnh điểm có hôm bán được tầm 300 bộ/ngày.
Trong đó, một số loại như Daikin, Panasonic, Samsung... dù mức giá khá cao hơn so với nhiều hãng khác nhưng vẫn được khách hàng đặc biệt quan tâm và bán chạy nhất.
“Những khách hàng trước khi quyết định bỏ tiền ra điều hòa nên lưu ý chọn công suất cho phù hợp với căn phòng của mình. Ví dụ: Có nhiều gia đình, phòng rất rộng nhưng lại chọn công suất bé, một mặt, họ không đủ tiền để mua loại công suất lớn, mặt khác, họ sợ công suất lớn tốn điện nhưng thực chất, nếu chọn đúng công suất thì sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn. Phòng có diện tích nhỏ 15m2 đổ lại, người dân nên dùng loại điều hòa 9.000 BTU, phòng từ 15 – 20m2 dùng 12.000 BTU còn phòng trên 20m2 thì dùng 18.000 BTU.
Với các hộ gia đình dùng nhiều và dùng thường xuyên, dùng thời gian dài thì nên dùng loại inverter tiết kiệm điện còn khi dùng ít thì không cần thiết mua loại inverter” – nhân viên bán hàng Nguyễn Duy Đoàn tư vấn.
(Theo VTC)