Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Mai Văn Lạng- Ngày xuân nói chuyện xem chèo
Chèo là nghệ thuật truyền thống đặc sắc, có sức sống lâu bền trong đời sống người Việt, nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Xem chèo, đặc biệt l...
https://www.maivanlang.com/2025/02/bao-quan-oi-nhan-dan-phong-van-mai-van.html
Chèo là nghệ thuật truyền thống đặc sắc, có sức sống lâu bền trong đời sống người Việt, nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Xem chèo, đặc biệt là xem chèo vào ngày xuân lại càng có không khí, màu sắc riêng, mang lại cho cả người diễn và người xem niềm vui, sự hứng khởi chào đón những điều tốt đẹp trong một năm mới. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng xung quanh câu chuyện này.
Sức sống của chèo
Phóng viên (PV): Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian gắn bó với đời sống người Việt nhiều đời nay, điều gì đã tạo nên sức sống cho chèo bền bỉ đến vậy, thưa anh?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Nghệ thuật chèo có thể nói là bộ môn đặc biệt nhất của sân khấu dân gian Việt Nam.
Ở chèo mang đủ các màu sắc dân gian mà theo tôi có 5 yếu tố tạo nên sức sống mạnh liệt của bộ môn này. Thứ nhất, những câu chuyện của chèo thường từ dân gian như: Quan Âm, Xúy Vân, thầy đồ dạy học... Thứ hai, nội dung của chèo thường gắn liền với đời sống nhân dân qua những câu chuyện rất đời thường, gần gũi trong xã hội như: Lý trưởng-mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa, thầy bói nói dựa. Thứ ba, qua chèo phản ánh khát vọng, nói lên tiếng nói, mong muốn, nỗi niềm của nhân dân với tính nhân văn rất cao. Nhiều vở chèo, trích đoạn gửi gắm khát vọng người hiền lành, thiện lương cuối cùng sẽ được đền bù xứng đáng, kẻ thủ ác sẽ bị trừng phạt.
Một điều nữa khiến chèo gần gũi, có sức sống lâu bền là các làn điệu hát múa, diễn chèo đều bắt nguồn từ nhân dân lao động, mang đậm tính dân gian Đồng bằng Bắc Bộ, như dựa trên điệu dân ca quan họ, hát văn, dân ca Hà Nam, ca trù... Và yếu tố thứ năm, chính nhân dân không chỉ là người xem mà còn là người diễn chèo. Ngày họ đi cày cấy, chân lấm tay bùn nhưng tối lại hóa trang thành Thị Mầu, Xúy Vân...
Chính những điều đó làm cho chèo gần gũi với người dân, được người dân yêu thích, mong mỏi, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần như câu ca dao: “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo, bế bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả, ăn nem/ Thèm ăn cơm tẻ, thèm xem hát chèo”. Và cũng vì thế, chèo được chính người dân gìn giữ, thổi cho chèo sức sống lâu bền cho đến nay.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng.
PV: Người ta thường nói đến xem chèo ngày xuân với sự háo hức, đặc sắc riêng. Vì sao vậy, thưa anh?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Mùa xuân là mùa lễ hội, đa số lễ hội ở nước ta, nhất là ở Bắc Bộ diễn ra vào mùa xuân.
Xưa người dân sống bằng nghề nông là chính. Ngày xuân, khi cày cấy đã xong, trời ấm dần lên, cây cối đâm chồi, người dân nông nhàn. Người xem chèo cũng có thì giờ mà người diễn cũng có nhiều thời gian để tập luyện hơn. Các cụ xưa ít trò vui nên sau mùa vụ vất vả, mỗi dịp lễ hội, sau phần lễ trang nghiêm thì phần hội chính là lúc vui vẻ với những trò diễn, trong đó có chèo. Trong chèo có cái thâm thúy sâu cay nhưng hài hước, đem lại tiếng cười vui vẻ, rất hợp với không khí đầu xuân.
Người ta cũng thích xem chèo vào ngày xuân hơn như nhà thơ Nguyễn Bính từng tả: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”. Cũng có thể nói mùa xuân tạo không gian, sức sống cho chèo. Và cũng vì thế mà chèo có nhiều làn điệu cho mùa xuân.
PV: Diễn chèo, xem chèo ngày xuân là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người xưa. Ở đó có quy ước hay nguyên tắc riêng nào không, thưa anh?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Có hai yếu tố cấu thành đêm diễn là người diễn và khán giả. Thiếu một trong hai là không tạo nên đêm diễn.
Và mỗi đêm diễn, mỗi gánh hát, ở mỗi làng lại có những quy ước riêng. Xưa các làng thường mời gánh chèo đến diễn. Đến mỗi làng, ông trùm các gánh hát phải tìm hiểu phong tục, tập quán của làng. Chẳng hạn, thành hoàng của làng là ai để khi diễn, hát tránh nhắc đến tên thành hoàng. Cũng không được nhắc đến những điều kiêng kỵ của làng... Người đại diện làng có thể yêu cầu, đề xuất nội dung, hoặc thời gian cho buổi diễn và gánh chèo sẽ ứng tác để phù hợp.
Ngoài phần thù lao thống nhất với nhau, nếu diễn hay, diễn tốt thì gánh hát còn có thêm tiền thưởng từ người xem. Dù rất ít tư liệu để lại nhưng tôi nghĩ các cụ xưa diễn chèo ở sân đình, sân chùa hoặc nhà nào rộng rãi, không có sân khấu, loa đài nên dân làng đi xem chèo cũng phải giữ trật tự, chăm chú và hưởng ứng cùng người diễn để tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho đêm diễn.

Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ nhân dân tại Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: THU HÒA
PV: Ngày nay thì sao, thưa anh?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Ngày nay, diễn và xem chèo đã khác xưa rất nhiều.
Từ đầu thế kỷ 20, sân khấu chèo sân đình 4 mặt được đưa vào sân khấu hộp, có âm thanh, có kịch bản chặt chẽ. Trước đây, người diễn có thể linh động, ngẫu hứng ứng tác thì bây giờ vở chèo có kịch bản chặt chẽ và sự xuất hiện của đạo diễn có vai trò rất lớn đối với sự thành công của vở diễn.
Tất nhiên, khán giả nay cũng khác xưa rất nhiều, có trình độ, hiểu biết hơn. Và dù vẫn rất nhiều người yêu thích chèo, muốn thưởng thức chèo nhưng trước các loại hình nghệ thuật giải trí hấp dẫn trong nước và thế giới, người ta cũng có nhiều lựa chọn hơn, không chỉ đợi đến dịp hội xuân để xem chèo nữa. Việc diễn trên các sân khấu lớn cũng làm mất đi phần nào nét đặc sắc riêng của chiếu chèo xưa.
Nhưng đến với sân khấu chèo, nhất là mỗi dịp đầu năm ở các làng quê, vẫn sẽ thấy được không khí riêng có của chèo ngày xuân.
PV: Cuộc sống hiện đại có vô số loại hình giải trí hấp dẫn nhưng chèo vẫn có sức sống bền bỉ, nhất là khi đang có những nghệ sĩ tâm huyết truyền dạy, giới thiệu chèo, các câu lạc bộ yêu chèo nở rộ khắp nơi... Anh nghĩ sao về điều đó?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Chèo có giai đoạn trầm lắng, nhưng vài năm gần đây, khi có sự tham gia của mạng xã hội, chèo dường như lại nổi bật, rộn rã hơn.
Nhiều người yêu chèo, nhiều câu lạc bộ nở rộ nhưng phải nói thật là diễn sân khấu chèo đã mai một dần. Ngoại trừ một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và làng chèo cổ thực sự là diễn sân khấu chèo, còn đa số chỉ là hát chèo thôi.
NSND Trần Bảng khi còn sống có lần gọi tôi và nói rằng: "Thầy rất cảm ơn con vì đã tạo dựng được sức sống cho chèo, nhưng con hãy nhớ là chèo không chỉ có hát mà còn có diễn". Tôi khi đó đã mạnh dạn chia sẻ với thầy là: "Thầy ơi, diễn chèo khó lắm, khó từ giọng hát tới ánh mắt, nụ cười, lối diễn... một nghệ sĩ phải học mấy năm may ra mới diễn được. Nhưng hát thì đơn giản hơn, chỉ cần một hai tháng đã có thể học được rồi".
Trong các cuộc nói chuyện, chia sẻ về chèo ở nhiều nơi, tôi từng nói rằng, nghệ thuật chèo đang chia làm hai, đó là sân khấu chèo và hát chèo tách khỏi sân khấu đang phát triển mạnh. Tôi nghĩ trong giai đoạn khó khăn của sân khấu truyền thống như hiện nay, nói vui như các cụ ta là có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa. Mọi người yêu thích chèo đã quý lắm rồi.
PV: Vậy phát huy sức sống của chèo hiện nay làm sao để không mất bản sắc của chèo, thưa anh?
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mai Văn Lạng: Bản sắc của nghệ thuật chèo từ trình thức diễn, hát múa đã được tổng kết trong nhiều tài liệu nghiên cứu nhưng chúng ta cũng hiểu phải trải bao khó khăn chồng chất mới có được làn điệu, trích đoạn chèo.
Có thể nói vui là sức sống của chèo chính là sức sống dân gian, vì thế, hãy để chính người dân gìn giữ. Và để chèo không mất bản sắc thì phải làm cho chèo mang yếu tố dân gian nhiều hơn. Đừng nâng cấp nhiều quá, đừng gắn cho chèo là cái gì thật cao siêu, uyên thâm, học thuật cao... Như vậy sẽ làm cho sân khấu chèo giữ được bản sắc vốn có.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
DƯƠNG THU (thực hiện)
Nguồn:
https://ct.qdnd.vn/phong-van-trao-doi/ngay-xuan-noi-chuyen-xem-cheo-532779

https://ct.qdnd.vn/phong-van-trao-doi/ngay-xuan-noi-chuyen-xem-cheo-532779
