Dạ cổ hoài lang- Cha đẻ của bài vọng cổ

Một vài nét về sự ra đời và phát triển của bản "Dạ cổ hoài lang" Trước khi bản Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu ra đời, ở B...

Một vài nét về sự ra đời và phát triển của bản "Dạ cổ hoài lang"
Trước khi bản Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu ra đời, ở Bạc Liêu đã xuất hiện một dòng cổ nhạc, người khơi nguồn vun đắp cho dòng cổ nhạc ấy chính là Nhạc sư Lê Tài Khí (thường gọi là Nhạc Khị) – người đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Hậu tổ. Nhạc Khị củng là người thầy dạy nhạc cho nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Sau 3 năm học nhạc do thầy Nhạc Khị chỉ dạy, ông đã thông thạo 20 bản tổ và nhiều bản văn của Đờn ca tài tử.
 Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thường gọi là Sáu lầu, ông sinh ngày mùng 04 tháng 11 năm canh dần (22/12/1890) tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Ông cùng gia đình đến phường 2, Bạc Liêu khi ông lên 04 tuổi; năm 1908 ông theo học đờn Nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khí). Ông mất ngày 18 tháng 7 năm Bính Thìn (13/8/1976).
            Nhạc Khị đã chọn một tiêu đề đầy tính bi kịch để gợi cảm hứng cho người sáng tác, một hình ảnh rất quen thuộc trong thời kỳ ấy – đó là hình ảnh người phụ nữ mỏi mắt trông chồng ngoài mặt trận. Tiêu đề Chinh phụ vọng chinh phu được ông rút ra từ nội dung bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn để hướng dẫn các môn sinh sáng tác. Nhiều người thành công với ý nghĩa này, đã có nhiều bài mới ra đời với nhiều thể loại: Nam xuân, Nam Ai, Dạ cổ hoài lang, Liêu giang... Riêng ông Cao Văn Lầu, lúc bấy giờ trong gia đình đang xảy ra chuyện không may, ông phải chia tay với vợ vì cái tội "Tam niên vô tử bất thành thê", nên việc sáng tác bản Dạ cổ hoài lang bị gián đoạn khá lâu, đến năm 1918 mới viết xong và sang năm 1919 mới chỉnh lý hoàn tất, củng trong năm này bản Dạ cổ hoài lang được ông Trần Xuân Thơ giới thiệu để làm bài ca mở màn cho đoàn hát cổ Tân Minh Kế ở Bạc Liêu. Như vậy, bản Dạ cổ hoài lang về nguyên nhân sáng tác tuy có bị ảnh hưởng một phần nào với hoàn cảnh chia ly của vợ chồng ông Cao Văn Lầu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự hướng dẫn sáng tác của thầy Nhạc Khị với một tiêu đề đã định sẵn và sự tác động chung của một xu thế sáng tác đang ồ ạt lúc bấy giờ.
khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

            Bản Dạ cổ hoài lang được Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác gồm 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Ngay sau khi ra đời, bản Dạ cổ hoài lang đã nhanh chóng trở thành một trong những bản ca chủ chốt trong phong trào Đờn ca tài tử và khi nó chuyển thành vọng cổ thì trở thành bài ca "vua"trong sân khấu cải lương.
            Trải qua gần một thế kỷ, bản Dạ cổ hoài lang đã không ngừng biến đổi từ nhịp 2 lên nhịp 4, 8, 16, 32. Chính các nghệ nhân, nghệ sĩ người Bạc Liêu đã cải tiến và làm cho bản vọng cổ ngày càng được thăng hoa như hôm nay.
            Người đầu tiên phát triển từ nhịp 2 lên nhịp 4 là soạn giả Trịnh Thiên Tư, kế tiếp là danh ca Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) phát triển từ nhịp 4 lên nhịp 8 vào năm 1934. Soạn giả Mộng Vân dựa vào bản vọng cổ nhịp 8 phát triển lên nhịp 16 vào khoảng năm 1936. Nghệ sĩ Trần Tấn Hưng (củng là môn sinh của Nhạc Khị) đã phát triển từ nhịp 16 lên vọng cổ nhịp 32 vào năm 1941 và thuật ngữ "6 câu vọng cổ" củng ra đời từ đây. Nghệ sĩ Lý Khi tiếp tục phát triển từ nhịp 32 lên nhịp 64 vào năm 1950, nhưng không được thịnh hành, vì thế hiện nay phổ biến vẫn là bản vọng cổ nhịp 32.
            Bạc Liêu rất tự hào là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, quê hương của Vọng cổ và củng được xem là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Bạc Liêu củng tự hào là nơi đã sản sinh ra nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa có công đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương, như: Nhạc sư Hai Khị - bậc thầy của cổ nhạc, Sư Nguyệt Chiếu, Bảy Kiên, Nguyễn Văn Bình, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Bảy Cao, Lý Khi, Thái Đắc Hàng, soạn giả Trọng Nguyễn, soạn giả Yên Lang... Các nghệ nhân, nghệ sĩ Bạc Liêu không chỉ sáng tác nhạc, sáng tác lời ca, sáng tác kịch, cải lương, danh ca, diễn viên nổi tiếng, mà còn đi tiên phong trong việc cải tạo và sử dụng nhạc cụ như ông Ba Chột, ông Năm Nhỏ, ông Hai Thơm. Cứ như vậy, thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ đi sau từ đời này qua đời khác, người Bạc Liêu đã tự khẳng định mình và ngày càng tô điểm cho kho tàng nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương thêm phong phú. Người dân Bạc Liêu luôn trân trọng và giữ gìn nghệ thuật này như một tài sản quý giá, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
            Để tưởng nhớ và tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, năm 1989 tỉnh Minh Hải đã tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 70 năm ra đời của bản Dạ cổ hoài lang. Năm 1997 Ủy Ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích lịch sử cấp tỉnh và lấy ngày 15 tháng 8 (âm lịch) hàng năm làm ngày kỷ niện ra đời của bản Dạ cổ hoài lang; đặt tên một con đường, rạp hát và Đoàn nghệ thuật cải lương mang tên Cao Văn Lầu. Hai năm một lần tỉnh Bạc Liêu tổ chức thi giọng ca cải lương Cao Văn Lầu. Năm 2009 tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 90 năm bản Dạ cổ hoài lang ra đời. Trong cuộc Hội thảo này, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhận xét: "...trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản Dạ cổ hoài lang biến thành Vọng cổ, từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể. Sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình, vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu".
            Hàng năm, Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã thu hút đông đảo giới văn, nghệ sĩ và quần chúng nhân dân đến tìm hiểu và tham quan. Ngày 28/10/2012 Hiệp hội du lịch đồng bằng Sông Cửu Long quyết định công nhận khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng Sông Cửu Long. Ngày 05/12/2013, loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và củng trong năm 2013 Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn Bạc Liêu là điểm tổ chứcFestival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhât – Bạc Liêu 2014, đây là một lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà điều đó thêm một lần nữa khẳng định Bạc Liêu là chiếc nôi lớn của Đờn ca tài tửNam bộ.
            Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu được tỉnh đặc biệt quan tâm và tiếp tục cho mở rộng, nâng cấp vào cuối năm 2013, với tổng kinh phí đầu tư trên 70 tỷ đồng và được đổi tên là"Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu". Công trình sẽ được khánh thành vào ngày 21/4/2014. Đây là địa điểm lưu giữ, triển lãm, trưng bày các hình ảnh, hiện vật về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, thân thê – sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang./.
Sưu tầm từ Tiểu Ban tuyên truyền
Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014
Thành phố Bạc Liêu

Theo báo Bạc Liêu

Bài Liên Quan

Đất Nước Qua Báo Chí 5064956721242400070

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item