Thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên         Tôi biết về người thơ Nguyễn Thế Kiên ( Kienlucbat )từ lâu nhưng quen anh thì mới thời gian gần đây. Si...

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên
        Tôi biết về người thơ Nguyễn Thế Kiên ( Kienlucbat )từ lâu nhưng quen anh thì mới thời gian gần đây. Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo ( ý Yên- Nam Định ), một gia đình nghèo Nguyễn Thế Kiên đã tự học, tự đọc, tìm thầy, lắng nghe, suy ngẫm . . . và tìm cho mình một lối vào thơ rất riêng. Không chỉ làm thơ, mà thơ rất SÂU Nguyễn Thế Kiên- như tôi biết-  còn là người am hiểu sâu sắc: Nho, y lý số và trên hết anh là người sống có TÂM và có Tình. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS, Nhà nghiên cứu văn học Vũ Nho về anh  










  LỤC BÁT VÀ THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN

                                                                                                                      VŨ NHO
Chân dung ký họa nhà thơ Nguyễn Thế Kiên-Ký họa: Hà Huy Hiệp

            Nước Việt Nam nông nghiệp quá trình đô thị hóa chậm chạp cho nên mỗi người dân đều có gốc gác một người nhà quê là điều hiển nhiên. Nhưng gần đây, các thị xã đã lần lượt lên thành phố, các huyện lị cũng thành ra phố xá, và ngay cả làng thì cũng không ít làng thành ra phố. Cho nên giữa phố và làng có  sự giao thoa, thay đổi mà càng ngày phố càng lấn làng. Chưa kể một bộ phận dân cư của làng, chuyển ra ở phố rồi “cắt hộ khẩu” vĩnh viễn. Một số khác thì nói như Lê Tiến Vượng trong Lục bát bên đời : “ Người quê ra phố quên dần nhà quê” ( Người đi ra phố).
          Nửa thế kỉ trước, ở Nam Định có một người quê “dan díu với kinh thành” nhưng luôn luôn khắc khoải về quê, luôn luôn muốn bảo tồn những nét “chân quê”, ngại ngùng những khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm. Tuy mong muốn không thành, nhưng ông đã để vào kho tàng lục bát và kho tàng thơ ca đất nước một giọng điệu thống thiết đến nỗi đời sau gọi ông là thi sĩ “chân quê”, thi sĩ “ bướm trắng tơ vàng”. Đồng hương  trẻ Nam Định của ông, cũng là một cây lục bát, nhà thơ kiêm PGS.TS luật học Phạm Công Trứ tiếp tục làm giàu gia tài lục bát, nhưng anh không ngồi trong bóng râm, bị cớm nắng bởi cái bóng lừng lững Nguyễn Bính. Họ Phạm đã đưa vào lục bát giọng giễu nhại, giễu mình, giễu người và giễu đời. Cái mà bậc đàn anh không có. Bởi thế mà Phạm Công Trứ có những gặt hái thành công. Bây giờ lại có một chàng lãng tử của đất Nam Định dấn thân vào lục bát. Giữa những lúc thị trường tràn ngập thơ cách tân, thời thượng  theo mốt, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại với những tuyên ngôn kêu hơn chuông đồng, vang hơn mõ gỗ thì Nguyễn Thế Kiên “ mang theo một thúng ngôn từ chắt ra từ gốc rạ đồng chiêm”, tự tin đến mức liều lĩnh, xây ngôi đền văn chương của riêng mình bằng lục bát, một thứ nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm, dễ tìm nhưng phải là thợ xây có hạng mới dám sử dụng. Và dẫu sao thì  ông thợ xây lục bát ấy đã thành công bước đầu. Hai cái giải thưởng văn chương, một của  UBND  tỉnh Nam Định ( 5 năm trao một lần), một của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho hai tập thơ đã làm cho người thơ vững tin mà lấy một bút danh kienlucbat, ghi lên hòm thư điện tử để có thể giao dịch với toàn cầu.
          Vậy thì Nguyễn Thế Kiên đã đóng góp gì vào thơ bây giờ bằng thể thơ lục bát? Câu hỏi này đặt ra cho không chỉ người nghiên cứu, phê bình, mà cho tất cả những ai yêu văn chương, đặc biệt là yêu thể thơ truyền thống của dân tộc.
          Trước hết Lục bát Nguyễn Thế Kiên là lục bát thế sự, là thơ về những nỗi niềm, những phận người nhỏ bé, vô danh thường có cái tên chung là thường dân.  Mang câu lục bát nói lời thường dân ( Tự bạch). Đấy có thể coi như mục đích sáng tác hay gọi cho sang trọng một tí là tuyên ngôn nghệ thuật- ( một cái thuật ngữ chả còn mấy chút sang trọng khi loạn tuyên ngôn!).Thơ lục bát ấy không xuất phát từ tháp ngà, không được tạo ra từ phòng điều hòa mát lạnh. Nó được hình thành từ rơm rạ, từ bùn đất, từ hạt lúa, củ khoai mang đậm nỗi nhọc nhằn và hồn vía nhà quê. Không ít lần nhà thơ khẳng định:
           - Ngược xuôi đi giữa tảo tần
           Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành ( Tự bạch)
          - Nứt từ ngang dọc tơi bời…thơ lên ( Bão và thơ)
          - Thơ từ vạn nẻo đắng cay
           Ủ thơm lên những tháng ngày tha hương ( Giá trị)
Khi mà con người nhà quê ra phố thì cảm giác  thường là  thương nhớ đồng quê, thương nhớ những người vất vả một nắng hai sương, quần quật làm ăn, nhưng cuộc sống không mấy dễ chịu, thường là vẫn nghèo, vẫn phấp phỏng trước thiên tai, mất mùa, mất đất. Có người buồn nhớ  trước những thay đổi làm mất mái gianh, mất câu chèo cổ, mất cảnh yên bình, mất những yên ả, trong lành của tình làng nghĩa xóm. ( xem Lục bát bên đời của Lê Tiến Vượng, nxb Hội nhà văn, 2014). Nguyễn Thế Kiên không hoài cổ, cũng không phê phán. Anh chỉ nói cái bền bỉ, cái vất vả của làng mình. Không hề tô vẽ hay lãng mạn hóa:
          Gối đầu lên nắng lên sương
          Làng tôi riêng những yêu thương một niềm
                                      Gửi làng Phú Giáp của tôi
          Dấu yêu trên những tròng trành
          Tím bầm mưa nắng đọng thành làng tôi
                                        Làng tôi
Cái làng ấy đã hình thành từ bao đời. Người làng, người quê cũng từ bao đời lam làm với mưa nắng, ruộng đồng. Cho nên  tình làng, tình người ấy giản dị thôi mà đằm sâu lắm. Dù là ở lại làng hay lên phố, hoặc đi làm ăn xa  tận miền ngược, miền Nam, hoặc xuất khẩu lao động nước ngoài, thì ấn tượng về cuộc sống làng vẫn không mờ phai. Vẫn  biết  vai trò của người làm ruộng:
          Người quê gieo những âm thầm
          Để cho mưa nắng bật mầm mà xanh
                                  Chuyện quê
Mùa màng ấy là niềm vui, là nỗi lo, là sự phấp phỏng của người quê với đất đai:
          Lưng trần phơi ải ngàn sau
          Cánh đồng chua bạc mái đầu người quê
                                   Làng tôi
Người quê như gốc rạ, giàu sức sống, bền bỉ, dẻo dai:
          Gốc trắng, xương chìm bồi vô tư vào đất
          Cho những cánh đồng bốn mùa ở cữ
          Dưới trời xanh mãi kiếp nông dân
                           Nhìn gốc rạ nảy mầm, nghĩ về kiếp nông dân
Với người lao động thì rạ, rơm là thân thuộc, cây lúa là thành quả lao động, là hi vọng. Nhưng :
          Mai rồi kiếp lúa về đâu
          Mưa xanh nắng đỏ dãi dầu mãi thôi
                                 Ngược hội Phủ Dầy
Phố đang lấn làng, những cánh đồng bờ xôi ruộng mật nhường chỗ cho nhà cửa, đất rào dự án. Lại thêm cảnh thiên tai, lũ lụt mất mùa. Thế là người quê phải dạt lên phố kiếm việc, bán sức lao động rẻ ở những “chợ người”:
       Quê nghèo nước mắt chảy quanh
       Dấu chân cửu vạn thị thành dày hơn
                                 Những tháng ngày sau bão
Chỉ bấy nhiêu thôi, thơ của Nguyễn Thế Kiên đã khẳng định được giá trị của mình, giá trị của việc nói lên tiếng nói, tâm tư của người làm ra hạt lúa, củ khoai, mà trước đó trong làng thơ Việt đông đảo, chỉ có một mình nhà thơ quê gốc Hải Dương Vũ Xuân Hoát.
          Mặt khác Nguyễn Thế Kiên góp vào tiếng nói thơ ca một giọng điệu thẳng thắn, hồn nhiên khỏe khoắn giàu chất dân dã. Cái vốn từ ngữ đo bằng thúng của đồng chiêm ấy được trau chuốt và làm thành một giọng điệu. Giọng điệu ấy thể hiện  những cảm xúc mạnh mẽ “ buồn vui hừng hực dốc qua Mặt trời” (Nhận diện). Chúng ta sẽ bắt gặp nhưng câu nói tự nhiên “sụt sịt cười”, “oang oang khóc”, “còi cọc ươn” ( Về), “len lén buồn” ( Gửi quê), “roi rói xòe” ( Nói với dạ - vâng), “ong óc cơn mưa” ( Nghệ thuật) “ sấm rơm rớm vỡ” (Đò lá). Ta sẽ chứng kiến cảnh “cãi nhau với mình” thật hài hước giàu chất tự thú, giễu nhại:
          Tôi giờ chả sợ gì tôi
          Vô tư ngoen ngoét những lời chua ngoa
          Cãi nhau với chính tôi mà
                       Cãi nhau với mình
Những khẩu ngữ : Lạy giời;  Ối giời; Này này; Thôi nào;  Ơ kìa;  Thì ra; Thế là; Kệ đi; Khổ chưa;  Gớm chưa; Khổ lắm; Ô hay; Thế rồi; Chết chưa; Nói thật;  Thì vẫn thế; Ừ đúng thế; Ừ, em nhé…làm cho thơ ca gần tiếng nói đời thường. Những câu thơ dùng từ ngữ chắt từ rơm rạ, từ bờ tre ruộng lúa, từ đất bãi, mương đồng quả là ấn tượng:
          Giàn trầu phơi áo eo lưng
          Em hây hây trẻ mình tưng tửng già
                                 Thơ

          Trẻ con lắm, trẻ con à
          Em tơn tớn...đổ mưa xa gió gần
          Ối giời, đuôi mắt có chân
                         Trẻ con...
          Đêm giờ rẻ thối ra anh
          Cò kè ...
          Trăm rưởi là thành một đôi
                         Bã đêm
          Chỉ còn mấy sợi râu thôi
          Cứ ngo ngoe bạc trong tồi tội yêu
          Đừng tin thiên hạ nói liều
                         Gửi tháng ba quê
Lục bát tình yêu và những  bài thơ khác của Nguyễn Thế Kiên về cõi tình có một vẻ riêng, hồn nhiên, hài hước mà không kém phần say đắm.
Chàng thi sĩ kêu toáng lên khi phát hiện được giới tính của ông Trời trong cơn thất thường mưa nắng, đúng là giới tính của phụ nữ :
          Giời ơi, giới tính của Trời
          Cũng là hồng má, thắm môi...Đàn bà !
                                      Giới tính của trời
          Nhiều hơn thế, Thơ lục bát nói riêng và thơ Nguyễn Thế Kiên còn góp vào một  chiêm nghiệm, một bình luận, một quan niệm về thơ, về đời. Không lí luận và lập luận dài dòng, tác giả  viết về một thời thơ  cần xem lại:
          Một thời thơ bỏ xa thơ
          Ngây ngô ru ngủ bến bờ nhân gian
          Đem khoe những cái nghèo nàn
          Thành gia sản giữa miên man thánh thần
                                         Chuyện một thời…
Thơ phải từ bộn bề đời sống, phải nói tiếng nói của người lao động, phải đau nỗi đau nghèo nàn, lạc hậu của kiếp người, của  đất nước. Thơ  không phải là sự làm đẹp, càng không phải giả tạo, ngoảnh mặt với đời sống. Có lẽ một thời thơ  văn đã từng thiên lệch? Nên chi có thể khái quát:
          Một thời giờ hóa khói sương
          Văn chương từ mặt đau thương kiếp người
          Bình minh mắc ngược chân trời
                                       Chuyện một thời…

Và      Trăm năm ngoảnh mặt giả vờ
          Khuy yêu cài lệch.
                                       Bất ngờ tuột.
                                                          Thương
Tác giả muốn  văn chương của mình mang sự hồn nhiên, trong trẻo, vượt qua những khuôn thước cứng nhắc. Bởi thế mà có sự giễu nhại:
          Tôi chuẩn mực, tôi uy nghi
          Tôi là cái máy đang đi vết người
                                  Chuẩn mực
Và những câu thơ như là tự thú này cũng nói lên một phần sự thật, mong muốn đem cái xù xì, trần tục, bỗ bã của đời thường vào thơ:
          Dạ vâng thưa gửi cả ngày
          Bỗng thèm nói tục thế này giời ơi
                             Nói với dạ vâng
Chuyện nói tục, dùng khẩu văn, Nguyễn Quang Lập đã thành công. Nhà thơ đồng chiêm  Ý Yên Nam Định cũng mong theo xu hướng đó.
         
          Dù đã lấy lục bát làm bút hiệu của mình, nhưng Nguyễn Thế Kiên không độc canh lục bát. Tác giả còn làm nhiều thể loại thơ khác. Rồi còn viết tản văn, viết truyện ngắn, viết phê bình văn học. Năng lượng sáng tạo như muốn cựa quậy trào ra những trang viết. Phải chăng, dường như cũng có lúc thoáng nghi ngờ:
          Anh không nhiều lúc thật thà
          Chút duyên lục bát, gần xa ngán rồi
                             Gửi tháng ba quê
          Thời tôi cả nước làm thơ
          Nên câu chữ thiếu bây giờ đi vay
          Thời tôi điên giả để say
          Câu thơ nhuốm đỏ cối chày thời tôi
          Thời tôi lục bát chết rồi…
                                    Lục bát thời tôi sống
Chắc là nói quá lên thôi. Phóng đại vốn chẳng phải là mới lạ kể từ thuở ca dao của ông bà. Những dù  thế nào, Nguyễn Thế Kiên cũng đã có thành tựu thơ, nhất là lục bát. Vấn đề còn lại là phải nhất tâm, phải chuyên chú, phải tiết chế việc viết. Văn chương quý hồ tinh bất quý hồ đa! Điều ấy hẳn tác giả đã biết, nhưng nhắc ở đây, thiết nghĩ cũng không thừa.
                                                  Hà Nội, 29 tháng Tư 2015

          

Bài Liên Quan

Thơ Và Cuộc Sống 316317396192006615

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item