Tìm hiểu nghệ thuật chèo- Phần 5

Tìm hiểu nghệ thuật chèo- Phần 5 4. Hát múa thời Trần và Chèo thuyền bản Chèo thuyền bản đánh dấu sự thành hình kịch chủng chèo, xuất...

Tìm hiểu nghệ thuật chèo- Phần 5

4. Hát múa thời Trần và Chèo thuyền bản

Chèo thuyền bản đánh dấu sự thành hình kịch chủng chèo, xuất hiện vào nửa sau đời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV, với sự đóng góp của tầng lớp trí thức bình dân-quý tộc. Những hình thái văn hoá nghệ thuật thành văn cũng như dân gi­an thời ấy khả dĩ xem là những yếu tố cấu thành chèo:

- Ðã có nghệ nhân hát múa (Phạm Thị Chân), nghệ nhân làm trò nhại (Ðào Văn Xó) từ thời Ðịnh;

- Ðã tổ chức giáo phường và định tên gọi đào, kép, hề ghi vào văn bản nhà nước từ thời Lý, với nhà sư Từ Ðạo Hạnh, sáng tác giáo trống, Sai ất làm trò cười;

- Thời Trần đã có những trí thức làm nghệ thuật nổi tiếng như (Tiến sĩ) Dư Nhuận Chi giỏi soạn bài hát, Thiên chương học sỹ Nguyễn Sỹ Cố giỏi nhạc giỏi đàn, rất có tài khôi hài,...

- Ðã có số tiết mục hát múa, trò diễn thể hiện một tích truyện đơn giản (Trang Vương và 6 người con), một loại người ở mức khái quát nhất định (các vai trình nghề: Thày Ðồ, Thày Ðạo,... cả những Thằng Ngô, con Bợm, Nhiêu Lập, Nhiêu Oanh,...).

Nói đến chèo thuyền bản là nói đến sự tích có 4 nhân vật do 3 người đóng vai. Nó đã có tích hẳn hoi, tuy còn ở dạng truyện huyền thoại nhưng mang ý nghĩ quan thiết đến đời sống con người.

Từ những cung cách thể hiện những trog giáo, chèo thuyền bản nêu lên một kiểu kể chuyện bằng sân khấu do chính những người sắm vai cung nhau thực hiện với số nét riêng.

So sánh các sinh hoạt hát múa và trò diễn dân gi­an đã nêu, nhất là qua kết cấu và chữ dùng trong đó thấy Giáo đò nếu không trước nhất, thì cũng ra đời cùng thời, với những giáo hương, giáo mõ, giáo trống, giáo đất, giáo pháo...Ðương nhiên, giáo đò có thể có câu cú chữ nghĩa trau tria hơn, do tăng lữ viết và được lưu truyền rộng khắp, được dùng nhiều.

Chèo Thuyền bản là bản chèo xưa nhất, ra đời vào thời kỳ khoảng giữa giáo đò với chèo thuyền lễ cách và trò diễn Mục liên địa tạng, đủ khả năng đánh dấu sự thành hình kịch chủng chèo.

Quá trình chuyển hóa và phát triển của chèo sân đình

Ở đây đề cập đến những thời kỳ chuyển hóa phát triển của sân khấu chèo suốt gần 500 năm, từ sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược qua các triều Lê (Mạc, Trịnh) Tây Sơn, Nguyễn đến lúc đất nước rơi vào tay đế quốc Pháp. Người xưa, xét hình thái nghệ thuật đã mệnh danh thời kỳ kéo dài gần 5 thế kỷ này là chèo sân đình, khán giả ngồi vây quanh ba mặt ngoài trời.

1. Thử phác quá trình chuyển hóa và phát triển của sân khấu kịch hát chèo qua thực tiễn nghệ thuật mấy vở truyền thống:

* Lưu Bình trò:

Lưu Bình trò có thể xuất hiện vào thế kỷ XVII. Có thể nói đây là vở ở dạng cổ nhất. Các bản đều có số lớp trò tuần tự như sau: Giáo đầu; Dương Lễ tới rủ bạn là Lưu Bình đi thi; Dương Lễ đậu “tam kỳ đệ nhất”; Lưu Bình thi trượt, về quê thì nhà cửa bị “cơn binh hỏa” cháy sạch, sang nhờ bạn, bị Dương Lễ sai Trù Phòng làm nhục; Dương Lễ cậy 1 trong 3 vợ đi nuôi bạn ăn học, nhưng chỉ có Châu Long, vợ 3 khẳng khái nhận lời; Quán Nghênh Hương, Lưu Bình gặp Châu Long; hai người về sống chung; Lưu Bình sau 3 năm dùi mài kinh sử, thi đậu về nhà thấy Châu Long; Lưu Bình buồn rầu, được Dương Lễ cho lính mời sang chơi; Ðôi bạn cũ gặp nhau, Lưu Bình than thở Nàng Ba ra hầu trà: Lưu Bình chợ hiểu thâm ý bạn, cúi đầu, vái Anh, kính Chị hát Kết trò.

Sự khác nhau giữa các bản trò thường do sau này thêm vào trò diễn ý nghĩa sâu hơn và cũng hấp dẫn hơn. Như có bản thêm vào lớp Thày Ðò dạy học tiếp theo lớp Dương Lễ sang rủ bạn đi thi (nay đổi là đi học); có bản thêm lớp Vợ chồng nhà Xẩm chen giữa lớp Lưu Bình gặp gỡ Châu Long ở Quán Nghênh Hương. Nhiều bản vở mở rộng 2 câu kết làm Vãn trò nhấn thêm chủ đề bằng hữu, Vợ chồng. Kể thêm vô số câu pha trò của Trù, Phòng dinh Dương Lễ, của chú Hề đi theo Lưu Bình, tất cả như cố ý nhắc nhở, cảnh tỉnh những học trò “cả tháng rông dài; một ngày kinh sử”......

Nhưng so chiếu một số mặt nghệ thuật giữa các bản trò, thấy có những điểm đáng lưu ý:

ở lớp giáo đầu, Lưu Bình chỉ dẫn chung chung:

Nhớ xưa tích cũ,

Có hai chàng Dương Lễ Lưu Bình

Bạn đồng khoa đèn sách học hành.....

Rồi sau nói: “Ðây đã đến Kinh Kỳ Kẻ chợ” và “bên kia Tây Hán có tên học trò Lưu Bình đỗ ”tam kỳ đệ nhất"; còn các bản Lưu Bình lại nói:

Có hai chàng Dương Lễ Lưu Bình,

Kẻ Sơn Tây, người Bắc Ninh...

Vở này được nhà nghề truyền ngôn là “văn chương nghĩa lý”, gồm phần lớn thơ thất ngôn, thỉnh thoảng chen đôi câu ngữ ngôn. Riêng Lưu Bình trò thấy một lần viết theo thể 4/8 lồng cho sử rầu:

Công danh bởi trời,

Kim lan nghĩa cũ, trách trời sao nên

Về nghệ thuật Lưu Bình trò được nhà nghề xếp vào loại trò nhời, sử dụng chủ yếu nói sử cùng với các dạng sử rầu, than sử, mà “cao” nhất là sử chuyện đã thành điệu, chen vào những ngâm thơ, nói vần, nói thường biền ngẫu. ở đây không có sự biến đòi giải quyết gay gắt, dùng nhân vật ở vào thế đối phó trực diện, mà là những hành vi và lời lẽ thuyết phục nhau, xoay quanh mấy quan hệ bình thường nhưng “đặc biệt” giữa bạn bè, vợ chồng, tớ thầy.

Lưu Bình trò hoàn thiện dần một cách kết cấu bản trò theo dạng sân khấu kể chuyện riêng, ở chỗ các sự biến xẩy ra tuần tự, được nghệ nhân thể hiện bằng nói lối và hát kết hợp mà lộ dần tính cách, thật ra là đức độ mỗi lúc dầy thêm, cho đến khi đạt yêu cầu mà soạn giả đề ra cho tích trò và cũng phân thành những lớp giáo đầu, lớp vào trò, thân trò với số lớp ruột trò, lớp kết trò, rồi sau cùng lớp vãn trò.

Nhìn vào quá trình chuyển hóa sáng tạo nghệ thuật thấy Lưu Bình trò đã đóng góp số lớp riêng giá trị cho vốn nghề truyền thống ngày càng sắc sảo và thâm thúy về Hề, về giá trị thơ văn và chất trữ tình khi miêu tả quan hệ vợ chồng cả chân và giả làm cho tiết mục trở thành vở trò nhời mẫu mực của nghề Tổ.

Ðoán định Lưu Bình trò có thể xuất hiện khoảng thế kỷ XVII là từ những lẽ đó, mà chưa nại đến nguyên nhân làm cháy nhà chàng Lưu (“qua cơn binh hỏa” hay tại “nạn hỏa tai”?). Nghệ nhân các thế hệ sau, cả các nho sỹ, các nhà khoa cử, sẽ bồi đắp sáng tạo thêm về nhiều mặt nghệ thuật, nhất là mặt hài hước với số câu, đoạn pha trò sắc bén, châm chích “gán” vào miệng chú Trù Phòng, chú hề gậy, cố ý nhấn đậm chủ đề bằng hữu để chuyển thành chèo Lưu Bình Dương Lễ của thế kỷ XIX sau này.

* Quan âm trò:

Từ Quan âm trò sang chèo Quan âm đến Quan âm Thị Kính đánh dấu bước phát triển quan trọng hơn nữa của nghệ thuật chèo sân đình. Bản Quan âm trò cổ nhất tìm được thấy ghi khắc in năm 1872. Các bản Quan âm trò bằng chữ quốc ngữ la-tinh mới in namw 1924 tại Hà Nội.

Ðây là vở chèo tiếp nối dòng trò nhà Phật được đông đảo nhân dân thích thú thưởng thức nhất từ trước đến nay, kể lại 2 nỗi oan tày đình, với sự chịu nhẫn nhục cực kỳ của Thị Kính Phật Bà. Ngoài lớp giáo đầu, Quan âm trò gồm hai phần: phần 1 kể sự kiện “thửa làm vợ để chồng ngờ thất tiết” với các lớp (Thiện Sĩ) hỏi vợ, (ông Mãng) gả con, sự biến tỉa râu và nỗi oan giết chồng, (Thị Kính) than thở phần 2 kể “lúc làm trai cho gái đổ oan tình” với các lớp Chùa Vân (và Tiểu Kính) , (Thị Mầu) lên chùa, Nô và Màu, Việc làng (gồm lớp Mẹ Ðốp-Xã Trưởng, lớp Bắt khoán), “Trả” con, Nuôi “con”; Nỗi oan giải tỏ, Phật tổ ban sắc và cuối cùng là lớp Chạy đàn.

Quan âm trò đã chứng tỏ một trình độ phối kết nhuần nhị và một sức sáng tạo nghệ thuật phong phú, các thủ pháp cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật kịch chủng khi mô tả những sự biến, những nhân vật trong quá trình bộc lộ phẩm cách, nhất là với số nhân vật có suy nghĩ và hành động vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức nhân sinh của xã hội đương đại.

Có thể nói chèo Quan âm có nhiều lớp trò mới với những khuôn diễn mới bao gồm làn điệu mới, điệu múa mới và tất nhiên tạo hình mới. Như những lới tỉa râu, đánh mắng con dâu, Thị kính than thở, Tiểu nuôi “con”, chạy đàn; đặc biệt là lớp lên chùa sử dụng chủ yếu hát múa kết hợp với lời thơ và diễn xuất tạo hình, lớp Việc làng chỉ dùng nói thường vần vè và nói lối cùng với số nhân vật biểu trưng sắc sảo cho cái ngu dốt, thối nát của lũ hào lý nơi xóm thôn, kết hợp với diễn kỹ tương hợp mà đạt hiệu quả sáng giá lâu dài. Sự sáng tạo ở đây thật đáng lưu ý, bởi nay chân kinh và truyện nôm cũng chỉ miêu ta đận lên chùa trong 16 câu thơ 6/8; tả đoạn làng bắt khoán chưa đến 20 câu và không hề ló thấy những Vợ Mõ, Xã trưởng với lũ Ðồ “điếc”, Hương “câm”, thầy “mù”.

Xét về mặt nghệ thật, có so chiếu với văn chương và nội dung các bản chân kinh, truyện nôm, so chiếu với kết cấu cả nội dung và nghệ thuật số vở vẫn được nhà nghề coi là mẫu mực của vốn chèo truyền thống, có thể đoán định Quan âm trò ra đời vào thế kỷ XVI­II, sớm cũng là cuối thế kỷ XVII. Tất nhiên do sự phổ biến sâu rộng trong quảng chúng, Chèo Quan âm được lớp thế hệ nghệ nhân, cả nho sỹ sáng tạo bổ sung không dứt, điều mà tất các loại hình văn nghệ dân gi­an đều trải qua; để nói sang thế kỷ XIX, chèo quan âm dần chuyển thành chèo Quan âm thị kính với các khâu nghệ thuật vẫn trau chuốt tiếp tục mà trở thành vở chèo cổ truyền hoàn chỉnh hơn hết.

*Trò Kiều: trò kiều, chèo Kiều mới xuât hiện khoảng giữa thé kỷ XIX,hoặc muộn hơn vài chục năm, thậm chí vào đầu thế kỷ XX, do chúng vẫn đang trên đường ổn định kết cấu và sáng tạo bổ sung nghệ thuật. Bởi ngay Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng mới thai nghén và ra đời những năm cuối thế kỷ XVI­II hoặc đầu thế kỷ XIX. Càng không thể có chèo Kiều ra đời trước Truyện Kiều.

Từ những bản trò Kiều có hoặc không mang tên soạn giả, đã hoặc chưa đưa ra công diễn, thử lấy ra mấy nhận xét:

Thứ nhất, hầu như bản thể hiện suốt cuộc đời nàng Kiều và số bản chỉ nói thời kỳ nàng lấy Từ hải, đều không sử dụng đoạn “đại đoàn viên” của truyện nôm, mà lại kết vở bằng cảnh “trẫm mình trên sông Tiền Ðường”. Phải chăng, đông đảo khán giả và người nghề cũng cho là cảnh Kim Kiều đoàn tụ lúc kết truyện mang nhiều giả tạo, không thực tế? Hoặc vào chiếu chèo, trò Kiều có phần chịu ảnh hưởng về cái chết “trọn vẹn” của “con vân bạc dạ hát hay múa lạ” mà điều kiện (tài năng, thời gi­an) chưa cho phép họ tạo dựng một hình tượng nàng Kiều “đẹp và hay” hơn vân dại? và quả thật, hình ảnh nàng Kiều chưa có thời gi­an để nghệ nhân thể hiện thành sống động, gây ấn tượng sâu sắc và mạnh tới nhiều người xem, như nàng Vân dại.

Thứ hai, kết cấu Truyện Kiều đầy tính kịch, để lộ rõ từng mảng đời nhân vật chính, cho phép những người làm chèo dễ dàng lẩy ra thành vở diễn, nói đủ một sự kiện “lớn”, qua các đận vào đề, gặp biến cố, mở ra tình huống mới.Vì thế, chèo không qua lo lắng kể lại chuyện đời của nàng kiều ngành ngọn trong đêm, hoặc trong vài đêm liên tục, mà phân ra từng “vở nhỏ”, song chẳng ai bảo làm thế là không thoả mãn thị hiếu đông đảo khán quan. Như vở vở Kiều du xuân (còn có tên Kiều-Kim Trọng) đã thể hiện mối tình nồng nàn trong trắng của đôi lứa, đẹp đẽ tới mức xem cũng mơ ước, được các hội Xuân làng xã đón mời háo hức..Có lẽ chư một truyện nôm nào được chèo khai thác sâu và kỹ, để nhân lên những bài học với các cách đối phó, ứng sử trong cuộc đời trước mắt như Truyện Kiều.

Thứ ba, tiếng cuời trong các vở chèo Kiều cũng như hầu hết những vở truyền thống khác, chiếm gần nửa, lắm khi khi hơn, thời gi­an buổi biểu diễn và ở nhiều cung bực: vui vẻ thoải mái hư Hề đồng Kim Trọng, Lão Mốc với thày trò Kim Trọng; chê trách nhẹ nhàng thì như Hề với Thúc sinh….ở đây, nghệ nhân lợi dụng mọi tình huống cho phép để “pha trò”, theo cung cách thường gặp trong cấu trúc diễn chèo, là xen kẽ “lớp” hài, “lớp” bi hoặc trữ tình và ngay ở ‘lớp’ bi cũng cố chen vào đôi tiếng cười. Dường như lan tràn suốt vở là những tiếng cười nhẹ nhõm đôn hậu, cốt xoá bớt nỗi cực nhục bi phẫn của Thiúy Kiều; ngoại trừ đôi câu thô thiển tục tĩu khá “tương xứng” với không khí sinh hoạt xuỗng xã chốn lầu xanh.

Nhìn chung, các vở chèo Kiều nghiêng nhiều vở loại trò nhời, nhờ tính nhân bản và chất hiện thực đậm đà của tích truyện khái thác, lại do nghệ nhân được đông đảo khách xem cổ vũ khuyến khích, đã bất chấp sự ra đời muộn màng, mà có số mảng diễn, vai đóng mang những nét nghệ thuật riêng khó lẫn lộn.

Nói đến mảng miếng “hay” trong chèo Kiều, nhà nghề đều nhắc những cảnh thề nguyền, sai nha, khấn Tiên Sư, lầu Ngưng Bích, báo ân trả oán...mỗi cảnh mỗi sắc, thật rõ nét rõ người, gây nổi trong bà con ngồi xem sự thương cảm ngậm ngùi dai dẳng khó dứt về số phận nhân vật chính.

Sự hình thành những vở chèo khai thác Truyện Kiều, cũng như sự ít ỏi của số sáng tác nhạc mới, “múa” mới, kể cả khuôn diễn mới, khả dĩ làm mẫu mực cho nghề Tổ, có thể còn vì nghệ nhân chưa đủ thời gi­an sáng tác tạo nghệ thuật, để dần hoàn thiện chúng chăng? Vì lẽ đó mà có thể đặt chèo Kiều vào thời kỳ cuối rốt của quá trình phát triển chèo sân đình.


theo báo Bình Định online

Bài Liên Quan

Dân Ca 5349993189142633679

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item