Tìm hiểu về lưu không trong chèo- Bùi Việt Thắng

Ns Thế Hoan- Nhà hát chèo HN GIAI ĐIỆU LƯU KHÔNG Bùi Việt Thắng Hiểu theo một cách nào đó thì các làn điệu Chèo cũng giống nh...


Ns Thế Hoan- Nhà hát chèo HN
GIAI ĐIỆU LƯU KHÔNG
Bùi Việt Thắng

Hiểu theo một cách nào đó thì các làn điệu Chèo cũng giống như ngoại ngữ đối với người chưa được học (về nó). Từng nốt nhạc, từng lời hát cũng giống như từng âm tiết ta có thể nghe được khi chúng đứng đơn lẻ nhưng lại không thể nào ráp nối chúng lại trong một tổng thể hài hòa để nhận ra được nét giai điệu du dương (của Chèo) hay ý nghĩa của cả câu nói (ngoại ngữ), thay vào đó, ta chỉ thấy một mớ âm thanh trúc trắc, hỗn độn, vô cùng khó hiểu. Có lẽ chỉ với những ai may mắn được làm quen với Chèo từ thủa ấu thơ thì các làn điệu Chèo mới ngấm vào tâm hồn một cách tự nhiên như cách trẻ con học tiếng mẹ đẻ. 
Nhưng thật lạ, ngay cả khi với tôi Chèo vẫn còn là những mớ âm thanh khó hiểu thì, xen vào giữa sự lộn xộn ấy, có một giai điệu tuy ngắn ngủi nhưng mỗi khi vang lên lại vô cùng êm ái và gần gũi. Mãi sau này tôi mới biết đó là giai điệu của những câu nhạc lưu không "tình tình tình tinh tinh tính tình tình tinh tinh tính tinh tinh" - những câu nhạc xen giữa hai trổ hát trong một điệu Chèo. Tại sao Lưu không lại dễ "cảm" như vậy?

Nhạc sĩ Hoàng Kiều viết rằng : "lưu không là một câu nhạc mang được hình thức tiết tấu trung tâm của nhạc chèo." Đó là ông muốn nói tới các khổ trống lưu không (trống vốn là nhạc cụ truyền thống của nhạc Chèo). Với một người nghe như tôi, rất khó để hiểu tường tận tiết tấu của trống, thế nên, LK với tôi chính là giai điệu được diễn tấu bởi nhị, sáo, bầu, nguyệt. Và tôi có thể nói rằng "lưu không là câu nhạc cô đọng mang được cái "e" Chèo, mang được tinh thần của làn điệu mà nó đi cùng". Một người không quen nghe Chèo nhưng vẫn có thể nhận ra đây là nhạc Chèo.
LK rất đa dạng về nhịp và cả giai điệu. Có lưu không 4, 6, 8, 12 .... nhịp nhưng phổ biến nhất và có hình thức giai điệu đẹp, hoàn chỉnh nhất là LK 4. Có LK 4 được dùng chung cho nhiều làn điệu, lại có LK 4 chỉ thấy xuất hiện trong một hoặc hai làn điệu. LK 4 dùng chung cho các điệu Đường trường Tải lương, Quyên đề, Quân tử vu dịch ...có giai điệu trữ tình, êm ái; LK 4 chung cho các điệu Sắp cổ phong, Sắp qua cầu, Hề mồi thắt lưng xanh ...lại phảng phất nét tươi sáng, vui tươi; Lưu không 4 của các điệu Tò vò, Thảm Trần Tình, Ba Than ...lại buồn thảm và ngay trong LK này cũng có hai kiểu diễn tấu khác nhau ở cao độ của hai nốt nhạc đầu tiên; LK 4 chỉ thấy xuất hiện ở 2 điệu Nón thúng quai thao và Hát cách thì lại rộn rã, sôi nổi; LK 4 tưng bừng ở Chức Cẩm Hồi Văn và Luyện Tam Tầng.
LK 8 ít hơn. Một số LK 8 thể hiện đậm nét tính chất giai điệu riêng của làn điệu đi cùng thế nên khó có thể sử dụng cho làn điệu khác, vd LK 8 chậm rãi, rủ rỉ như tiếng tụng kinh của Ru Kệ, LK 8 khoan thai, chậm rãi của Sử bằng. Cũng có LK 8 thực chất bao gồm một giai điệu của LK 4 và phần giai điệu phát triển (Duyên phận phải chiều) - trường hợp này có thể sử dụng chung cho làn điệu khác, hay như LK 8 của Dậm Chân, Hề Mồi Thắt Lưng Xanh. Việc xuất hiện LK 8 ở các điệu hát này đều có lí do rất hợp lí, đó là để diễn viên múa (Đường Trường phải chiều - khi Thiện Sĩ và Thị Kính có bài múa đôi đẹp nhất của Chèo), hay vì tính chất của điệu hát như Ru Kệ là để Tiểu Kính Tâm giãi bày tâm trạng trên đoạn trường xin sữa nuôi con hay Sử Bằng là để Thị Kính thể hiện cung cách khoan thai, dịu dàng của một Nữ chín.

Về lý thuyết thì LK có thể kéo dài thành 32, 60, 70 ....nhịp khi giữa các trổ hát diễn viên cần có thời gian chẳng hạn để thực hiện các động tác múa. Nhưng độ dài LK không mang tính cố định mà có thể được chính các nghệ sĩ quyết định tùy thuộc hoàn cảnh. Như vở Lưu Bình Dương Lễ, bài hát Hề mồi Song đào do hai anh hề hát ở dinh quan Dương Lễ phần lớn được các đoàn sử dụng LK 4, riêng nhà hát chèo Thái Bình, để dành thờ gian cho hai anh hề múa mà giữa trổ mở đầu và trổ thân bài đã sử dụng LK18 bao gồm giai điệu của LK 4 và phần giai điệu phát triển rất linh hoạt, rất hay - đây có thể xem là một sáng tạo rất thành công. 
Tuy nhiên, một trường hợp kéo dài LK khác lại không hoàn toàn giống như thế, đó là Súy Vân múa té bèo khi hát điệu Hát xuôi hát ngược. Thúy Ngần không múa té bèo cũng không nghỉ giữa 2 trổ hát nên hoàn toàn không có LK. Diễm Lộc lại múa té bèo nên đoạn nhạc giữa hai trổ này dài tới ... 66 nhịp. Nhưng thực chất đoạn nhạc này chỉ gồm giai điệu của LK4 còn phần tiếp theo rất dài nhưng chỉ là sự lặp đi lặp lại của một giai điệu không có gì đặc sắc. Thế nên, sự xuất hiện của đoạn nhạc này chỉ đơn giản là làm nền cho Súy Vân múa té bèo chứ không chỉ để thỏa mãn yếu tố quan trọng nhất để xác định LK là : phân trổ hát. Hơn nữa, phần giai điệu cũng không có gì gọi là đặc sắc, tinh túy của nhạc chèo nên có lẽ không nên coi đây là LK mà chỉ là nhạc nền cho múa. Điều cốt yếu không phải là khả năng kéo dài LK mà là giữ được tính chất cô đọng trong giai điệu của nó. Như một thìa đường pha vào một cốc nước thì là nước đường nhưng đem pha vào một thùng nước thì khó ai còn cảm nhận được đó là nước đường nữa. Ngược lại, cũng có những điệu hát mà giữa các trổ hát chỉ là một nhịp nghỉ, không có LK như Hồi tiếu. ...
Hay giữa các trổ trong điệu Sử chuyện thì chỉ là một nét giai điệu một ô nhịp, một nét giai điệu rất ngắn giống như một Xuyên tâm nhưng lại không phải là Xuyên tâm bởi đây là phân trổ chứ không phải phân câu nhưng vì quá ngắn nên nó không mang lại cảm nhận về một câu nhạc có giai điệu hoàn chỉnh chứa đựng tinh túy nhạc chèo như với ít nhất là LK 4 nên cũng khó gọi đây là LK. Có lẽ LK tối thiểu phải dài 4 ô nhịp để có thể mang được tinh túy nhạc Chèo. Đó cũng là lý do vì sao Xuyên tâm 2 thực chất cũng là những giai điệu rút gọn từ LK nhưng XT 2 lại không gây ấn tượng sâu đậm như LK.

Vai trò của Lưu không với nhạc Chèo cũng như hình ảnh cây đa, bến nước trong khung cảnh làng quê Việt. Với người quen thì đó là hình ảnh thân thương, gần gũi. Với người lạ thì là hình ảnh mang tính đại diện, tiêu biểu, dễ liên tưởng. Với tôi, những làn điệu Chèo đã là kết tinh của tâm hồn Việt, những câu nhạc Lưu không, những đoạn ngân đuôi í i ì ì i ...lại là tinh túy, là những gì gần gũi, yêu thương nhất của các làn điệu Chèo.
Ngày 5.5.2014 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Đất Nước Qua Báo Chí 2746739437175183631

Đăng nhận xét

  1. ADD hoặc ai biết có thể giúp em hiểu thế nào là nhịp nội và nhịp ngoại không ạ, em xem một số video dạy hát chèo do đài TH Thái Bình làm có nói đến nhịp nội và nhịp ngoại nhưng không cụ thể, nhịp nội - ngoại có tác dụng gì trong khi hát chèo ???

    Trả lờiXóa

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item