Tôi- Lưu Bình ( cảm nhận của Bùi Quang Thắng )

TÔI - LƯU BÌNH ... Bùi Quang Thắng Xem Lưu Bình Dương Lễ, ngoài thiện cảm đối với nàng Ba Châu Long thủy chung son sắt, với quan ...


TÔI - LƯU BÌNH ...

Bùi Quang Thắng

Xem Lưu Bình Dương Lễ, ngoài thiện cảm đối với nàng Ba Châu Long thủy chung son sắt, với quan Dương Lễ hết lòng vì bạn, hẳn khán giả cũng dành không ít cảm tình cho Lưu Bình - một anh khóa tài hoa mà bao phen lận đận đường khoa cử, éo le nỗi duyên tình (người tưởng đã là bạn đời lý tưởng của mình thì hóa ra lại là vợ của anh bạn thân). Một vở diễn đặc biệt, hoàn toàn đi ngược lại với lý thuyết kịch phương Tây : chỉ toàn các nhân vật một bề "chính diện". Đúng như lời giới thiệu trong một VCD "không cần cái xấu để đối chọi mà cái tốt vẫn cứ ngời lên". Không chỉ dành được thiện cảm từ khán giả, chàng Lưu rõ ràng còn có được sự cảm thông, yêu mến của chính các thế hệ nghệ nhân - những người đã dày công tạo dựng nên một Lưu Bình phong lưu, thoáng chút ngang tàng mà vẫn nho nhã, gặp cảnh bần cùng mà vẫn khí khái.
Thế nhưng trước nay xem Lưu Bình tôi không tránh khỏi gợn chút băn khoăn với tình huống hai "vợ chồng" Lưu Bình - Châu Long đêm tiễn biệt trước khi lên kinh ứng thí. Trong các vở được xem đều thấy chàng Lưu trằn trọc thâu đêm với tiếng đàn đầy tâm trạng "phập phừng như bật bông xe cũi", rồi trong tâm trạng ưu tư, trăn trở ấy, chàng Lưu quyết định "bắt nàng phải ân tình tiễn biệt", rồi nài ép Châu Long cạn chén để "chung cho đôi lứa ái ân". Đương nhiên ước muốn "vẹn tình chăn gối" của chàng Lưu là một nhu cầu chính đáng và lành mạnh (chàng Lưu vẫn đinh ninh rằng hai người đã chính danh là vợ chồng, thế nên, nếu ba năm chung nhà mà chàng Lưu tuyệt nhiên không "đòi hỏi" mới là "có vấn đề"). Dẫu cho chàng Lưu đã từng hứa "khoan nhẽ chuyện gối chăn" thì việc thỉnh thoảng chàng có bộc lộ khát khao được làm chồng một cách trọn vẹn thì vẫn là điều dễ hiểu, dễ cảm thông, chẳng ai nỡ lên án chàng ngoại trừ Châu Long. Nhưng Châu Long lên án chàng Lưu "u mê" không phải vì nàng không cảm thông mà là vì hoàn cảnh đặc biệt của nàng - không thể thông cảm. Châu Long phải "tòng phu" nhưng là tòng theo những lời dặn dò của Dương Lễ chứ không phải những ước muốn của Lưu Bình. Nếu chuyện chăn gối xảy ra thì không phải Lưu Bình mà chính Châu Long mới phải chịu tiếng mê muội, bất chính. Châu Long viện cớ Lưu Bình "phải chay tịnh trước khi đi thi" - nghe thì có lý nhưng chẳng có chút tình nào. Nàng quyết liệt chối từ, có thể một phần vì lẽ đó, nhưng chủ yếu là để giữ vẹn thủy chung với Dương Lễ. Châu Long dùng cây bút cũ của Dương Lễ để nhắc chuyện sỉ nhục xưa và lên án chàng Lưu là "u mê, bất chính" và rồi chính Lưu Bình sau đó cũng thành thật tự nhận mình là "mê muội". Rõ ràng là bất công cho chàng Lưu - ai cũng biết điều đó, chỉ mình chàng là không hay. Tình cảnh oái oăm đã đẻ ra những chuyện oái oăm.
Thực ra, cái băn khoăn của tôi ở tình huống này không phải là những đòi hỏi của chàng Lưu hay cách cư xử của Châu Long mà là cái cách chàng Lưu đòi hỏi. Tại sao một thư sinh nho nhã như thế lại dễ dàng để cho "ba chén rượu làm ta tiêu tan sĩ khí"? - mà thực ra một đòi hỏi chính đáng như thế thì cần gì phải đổ vấy cho rượu? Nhưng cái chính là đòi hỏi ấy lại được bộc lộ theo một cách thẳng thắn, trơ trụi, mang hơi hướng gia trưởng độc đoán khi chàng Lưu nói rằng "đêm nay ta sẽ bắt nàng phải ân tình tiễn biệt" - và rồi sau đó dăm ba lần nài ép Châu Long. Điều này rất khác với văn phong, tác phong nho nhã của các vai Kép nền trong chèo như Thiện Sỹ chẳng hạn. Nhưng xem đến LBDL của nhà hát chèo Chèo Nam Định trong buổi diễn tốt nghiệp của một đạo diễn thì thấy đúng là có điều không ổn : Lưu Bình, sau khi cạn 3 chén rượu thì, tay cầm chén rượu, giọng nói dồn dập (nói thường), bước chân gấp gáp đuổi theo Châu Long đang hốt hoảng bỏ chạy quanh chiếc bàn (ảnh). Hành động của chàng Lưu không chỉ dừng ở nài ép mà đã tiến gần tới cưỡng bức. Ta đều biết, dẫu có xuất phát từ tình yêu thì hành động cưỡng bức là khi không còn tự chủ được đòi hỏi nhục dục. Liệu các cụ nghệ nhân ngày xưa có nỡ để chàng Lưu sỗ sàng đến thế? Và không lẽ Chèo cổ lại "kịch" đến thế?
Tình cờ tôi có được cuốn "Vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ" của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ và băn khoăn của tôi đã được giải tỏa. Thì ra những vở "chèo cổ" LBDL mà ta xem ngày nay thực chất đã được sửa đổi rất nhiều và đều dựa trên kịch bản chỉnh lý của Hàn Thế Du mang tên Châu Long dệt gấm. Trong kịch bản cổ, chàng Lưu khi xưng danh cũng hát "làm trai quyết chí tu thân ..." nghĩa là cũng được xếp vào dạng Kép nền, vai chính diện; chàng Lưu cũng đôi ba lần bày tỏ ước muốn với Châu Long nhưng luôn luôn với một tấm chân tình và thái độ dịu dàng, tôn trọng chứ không hề dùng rượu để nài nỉ, ép buộc. Lần thứ nhất, chàng Lưu tâm tình với "vợ" và viện cớ chiêm bao sinh quý tử để mong gần gũi : "Nàng ơi! Đêm qua anh mơ gặp thần nhân báo mộng, rằng cuối năm nàng sinh con trai. Cho nên đêm nay vợ chồng ta phải tính ngày tam hợp" (kịch bản của trần Việt Ngữ sưu tầm); hay : " Nàng ơi! Đêm qua anh ngồi học. Thoáng thấy chiêm bao. Thấy hắc long rồng nọ phủ vào. Quy hẳn mộng nàng sinh nam tử. Nghĩa phu thê cương thường đạo cả. Tình tao khang khắc một chữ đồng. Anh đợi chờ đã mấy đêm đông. Nàng mở cửa cho anh vào động phòng huê chúc" (kịch bản do Trần Quốc Thịnh sưu tầm). Lần thứ hai là đêm trước khi đi thi :" Nàng ơi! ... Ba năm nay những riêng chăn riêng gối. Sự nguyệt hoa anh chẳng dám ép người. Nữa mai này muôn dặm xa khơi. Lòng thương nhớ khúc vàng bối rối. Xin được làm lễ nghi gia nghi thất. Tiểu đăng khoa rồi sẽ đại đăng khoa. Trước ứng điềm bẻ quế thăm hoa. Sau cho bõ tấm lòng ngưỡng mộ". Đó mới đúng là một mẫu Thư sinh kép nền. Cả hai lần Châu Long đều khéo viện cớ, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết chối từ chứ không dùng đến các "biện pháp mạnh", còn chàng Lưu thì cũng không nài ép.
Việc chàng Lưu trong kịch bản cổ "hiền lành" quá và cái tình huống "là chồng mà không được làm chồng" cũng được diễn tả nhẹ nhàng, êm ả quá chưa đủ để tạo thành mâu thuẫn kịch - đó chính là một nguyên do đưa tới một nhận định rằng "văn LBDL hay nhưng thiếu tính hành động nên khó có thể dựng thành một vở diễn hấp dẫn" và rồi dẫn tới việc chỉnh lý và cho ra đời vở "Châu Long dệt gấm" mà ngày nay đông đảo khán giả vẫn đinh ninh là chèo cổ. Một vở diễn toàn những nhân vật tốt, cư xử với nhau nhẹ nhàng thì làm sao tạo được mẫu thuẫn, xung đột? Chỉ còn cách cho chàng Lưu mang chút ít tính cách "phản diện". Thế nên ngay từ đầu vở "Châu Long dệt gấm" Dương Lễ đã giáo
rằng "Bác Lưu ham học nhưng lại ham chơi ...ngựa hay thường có tật ..." và đó là một tiền đề dẫn tới tình tiết "ba chén rượu làm tiêu tan sĩ khí" và dễ khiến khán giả sa vào nhận định đúng là chàng Lưu có tài nhưng cũng có tật.
Công bằng mà nói, Hàn Thế Du và các nghệ sỹ đã có những sáng tạo mới rất hài hòa với vốn cổ và đã thực sự nâng tầm cho vở LBDL cổ. Chất "chèo" vẫn đậm đà, cốt truyện có điểm nhấn, nhiều bài lồng điệu rất thành công như Ngâm Sổng, Quân Tử Vu Dịch, Tình Thư Hạ Vị ... đã là những điểm hấp dẫn của vở diễn và là cơ hội tạo dựng tên tuổi cho biết bao nhiêu nghệ sỹ thể hiện. Xem LBDL mới này, thú vị nhất là được thưởng thức ba làn điệu kể trên cùng với Ngâm Bốn Mùa. Đặc biệt, điệu Tình Thư Hạ Vị có thể nói là điệu hát hay nhất của Chèo và đáng quý là nó hoàn toàn không chỉ mang tính "trang trí" mà là thủ pháp bộc lộ tâm lý và làm rõ mâu thuẫn giữa hai nhân vật theo một cách rất chèo : "cơn cớ gì Sâm Thương diệu vợi? ... Thiếp tôi khuyên anh chàng đừng lần lữa chiêu đăm ..."
Riêng tình huống chàng Lưu ép rượu đã nói trên thì tôi cho rằng các nghệ sỹ chưa tìm được cách xử lý thỏa đáng hơn. Hay đúng hơn là tính trữ tình của chèo đã phải hy sinh cho tính hấp dẫn của kịch. Tuy vậy thì đó vẫn là cách xử lý chấp nhận được và "Châu Long dệt gấm" vẫn được đông đảo khán giả yêu chuộng. Nhưng trong vở của Chèo Nam Định, việc đạo diễn nhằm đúng cái chi tiết yếu nhất đó để "phát huy sáng tạo", để đẩy mâu thuẫn thành xung đột rồi lại đẩy xung đột lên cao trào như thế thì đúng là đã quá đà và thể hiện rõ một tư duy kịch nói. Đạo diễn đã để Lưu Bình - Châu Long diễn kỹ tâm trạng bằng một loạt các hành động kịch, gây cảm giác căng thẳng như một cảnh thực ngoài đời. Đúng là nó đã tạo ra cái gọi là "cao trào" cho vở diễn nhưng " tác dụng phụ" của nó là làm cho hình ảnh nho nhã của Lưu Bình bị hoen ố và nhất là nó tạo ra không khí "kịch nói" rõ rệt. Xem Lưu Bình rượt đuổi Châu Long lại thấy cái cảm giác khó chịu như khi xem Thị Kính cứ khóc sụt sùi, vật vã trên sân khấu.
Các đạo diễn có thể thử sức sáng tạo với các vở mới, còn chèo cổ vốn mang một vẻ đẹp tinh tế và mong manh đòi hỏi một thái độ trân trọng và cách xử lý vô cùng tinh tế. Hơn thế, điều quan trọng nhất là làm sao để khán giả chúng tôi không bị đưa vào tình trạng mập mờ về cái gọi là chèo cổ.
Ngày 21.5.2014
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Đất Nước Qua Báo Chí 3432066618377944824

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item