Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Diễm Lộc

Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Diễm Lộc DIỄM LỘC - Nhà hát chèo Việt Nam  Sinh năm 1938, Sơn Tây...

Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Diễm Lộc

DIỄM LỘC - Nhà hát chèo Việt Nam 
Sinh năm 1938, Sơn Tây

Nhắc tới Diễm Lộc là người ta nhớ ngay đến Súy Vân - vai nữ pha nổi tiếng của nghệ thuật chèo. Thật lạ lùng, dù chèo là sân khấu mang nặng tính giáo huấn, đề cao "tứ đức, tam tòng" ở người phụ nữ nhưng nhân vật nữ được khắc họa sinh động nhất, cũng giành được rất nhiều thương cảm lại là một người phụ nữ dám giả điên để thoát khỏi chữ "tòng". Súy Vân là nhân vật đa dạng và khó diễn nhất trên sân khấu chèo. Cùng dũng cảm đứng lên phá bỏ những ràng buộc của lễ giáo phong kiến để giành lấy quyền được yêu của người phụ nữ, nhưng nếu Đào Huế là ngọn lửa hờn ghen âm ỉ chỉ bùng lên khi cần "luộc" kẻ tình địch, với Thị Mầu là ngọn lửa bộc phát của tuổi trẻ khát khao yêu đương nhưng cũng nông nổi và chóng qua như tuổi trẻ, thì với Súy Vân, đây thực sự là cơn cuồng nộ của Bà Hỏa, một trận cháy ngùn ngụt đã thiêu ra tro cả cái kẻ cả gan dám khơi lên nó. Diễm Lộc may mắn được làm học trò của Dịu Hương - nữ nghệ sỹ xuất sắc đã chuốt lên hình tượng Súy Vân đẹp đến "sửng sốt". 
Súy Vân của Diễm Lộc gây ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên của vở diễn với ánh mắt buồn thăm thẳm nhìn hút vào thinh không, thẫn thờ ngồi quay tơ. Hình ảnh người vợ mòn mỏi đợi chồng càng thêm ám ảnh với điệu Tò vò "ới tơ vương vấn vít ngẩn ngơ thiếp mong chàng". Tiếp đến là lối diễn xuất tinh tế trong từng động tác nhỏ : đôi tay nâng niu, âu yếm, nhẹ ghé đầu vào quyển sách như tìm lại chút hơi ấm trong những kỷ vật của chồng khi xa vắng; khi nhắc lại giây phút mặn nồng "vách tường in bóng hòa đôi", Diễm Lộc lại vội cúi đầu quay đi. Đó không phải là e lệ, thẹn thùng mà là chạnh lòng cho tình cảnh bẽ bàng có chồng mà vẫn cô quạnh, như không dám nhìn thẳng vào cái tình cảnh ấy. Bàn tay đưa lên như ngăn lại, như xua đi cái hồi ức đẹp mà xót xa, đầy tiếc nuối. Dẫu bài hát đầy những hình ảnh yêu thương mặn nồng "cùng chàng quạt nồng khi ấm lạnh, tựa gối kề vai, phượng loan hòa nhịp, trúc mai giao cành..." nhưng nét buồn bã chưa khi nào mất đi trên gương mặt ấy, nó như là dự cảm về sự tan vỡ, về tấn bi kịch sau này. Người lồng điệu cũng thật tinh tế khi chọn Hề mồi Tò vò cho cảnh trớ trêu này - một điệu hát thật khắc khoải, da diết lại thoảng chút giận hờn, xót xa. Đoạn "trống canh ba chàng ngồi đọc sách mải mê", Diễm Lộc không hát liền hai chữ "canh ba" mà bà ngân và giữ nhịp một chút "canh í - ba" vừa gợi lên cảnh đêm dài canh khuya vừa làm cho cả câu hát tránh được nhịp "đếm khoai" đều đều, nhàm chán. 
Sang tới lớp giả dại cũng vẫn là ấn tượng từ đôi mắt ấy nhưng bây giờ là đôi mắt mở lớn với ánh nhìn thiêu đốt. Lần này, ấn tượng về Súy Vân của Diễm Lộc là sự mãnh liệt, không phải từ những tràng cười điên loạn mà là trong đôi mắt ấy. Nỗi đau bị phụ tình được biểu hiện rất thuyết phục. Một nỗi đau dữ dội tới mức hoang dại, điên loạn. Và Diễm Lộc luôn giữ được sự tinh tế trong những động tác diễn xuất. Những cái giật thót mình hoảng hốt rồi lấy tay che miệng khi lỡ nhắc tới mối tơ tình vụng trộm ... 
Diễm Lộc thật xuất sắc trong lối diễn biểu hiện tâm lý nhân vật. Lối diễn này khá mới đối với tính chất tự sự của chèo cổ. Diễm Lộc không chỉ minh họa nỗi đau của Súy Vân bằng những khuôn múa đẹp, những tràng cười điên loạn hay những điệu hát xuôi ngược bối rối mà Diễm Lộc đã thực sự hóa thân vào Súy Vân, sống và đau đớn cùng nhân vật. Thế nên Súy Vân của Diễm Lộc sinh động, đầy cảm xúc. 
Súy Vân của Diễm Lộc thoát hẳn ra ngoài cái vẻ đẹp trữ tình, buồn dịu dàng của chèo, nó phảng phất nét bi thương và mãnh liệt của Hồ Nguyệt Cô. Có lẽ đó phần nào là dấu ấn của người thầy đã truyền vai này cho Diễm Lộc (Dịu Hương vốn là nghệ sĩ tuồng). Từ trước tới nay, khi nói tới Dịu Hương, chỉ thấy những nhà nghiên cứu nói về việc cụ đã chuốt lên hình ảnh Súy Vân với những khuôn múa té bèo, rắc dâu, xe sợi, dệt vải ... tuyệt đẹp cũng như cắt bỏ những chi tiết múa rườm rà như bắt chấy, ngã nhào .. . Vậy những đoạn diễn kỹ tâm trạng nhân vật cũng có thể Diễm Lộc được truyền thụ lại, cũng có thể là sự sáng tạo của chính Diễm Lộc. Điều này có thể giải thích được khi đạo diễn vở Súy Vân là Trần Bảng, một bậc thầy uyên bác cả về nghệ thuật sân khấu chèo và kịch phương Tây. 
Diễm Lộc tâm sự rằng bao nhiêu đêm diễn Súy Vân là bấy nhiêu đêm bà khóc. Có lẽ bà không biết rằng không ít khán giả thời đó cũng không thể nào cầm được nước mắt mỗi đêm xem bà diễn Súy Vân. Diễm Lộc từng nhấn mạnh đến chữ "lửa" khi nói về những tố chất cần có để người nghệ sĩ thành công với các vai diễn. Vâng, xem Súy Vân của Diễm Lộc ta luôn cảm nhận được ngọn lửa nghề luôn cháy trong con người nghệ sĩ. Một ngọn lửa mãnh liệt đã làm sống dậy vai diễn có thể nói là khó nhất trên sân khấu chèo. Kể về quá trình khổ luyện của mình, Diễm Lộc cho biết : để được cụ Minh Lý dạy hát cho mình, bà đã phải cứ nhằm lúc thấy cụ rảnh rỗi là cất tiếng hát thật to để cụ nghe thấy, đến lúc bực mình cụ bảo "con bé này sao mày hát ngang thế" rồi mới nhận bà là học trò. Hay để diễn tả cho đạt nỗi đau bị phụ tình của Súy Vân, bà đã có những đêm lang thang ra nghĩa trang gần nhà để cảm nhận sự cô đơn cho đến khi đạo diễn Trần Bảng gật đầu. 
Diễm Lộc đã cháy hết mình với Súy Vân và Súy Vân đã làm cho tên tuổi Diễm Lộc trở thành bất tử trong lịch sử nghệ thuật chèo. Năm 1962, Súy Vân đã đem về cho Diễm Lộc chiếc HCV tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài Súy Vân, Diễm Lộc còn đảm nhận nhiều vai chính khác như Chị Ba (Lọ nước thần) ... Diễm Lộc vinh dự là một trong chín diễn viên chèo trở thành NSUT ngay trong đợt phong tặng đầu tiên năm 1984. Vì nhiều lí do mà người ta quá chậm trễ trong việc vinh danh tên tuổi của bà. Đến tận năm nay, khi đã bước sang tuổi 77, Diễm Lộc mới được phong tặng danh hiệu cao quý NSND. Những người có thẩm quyền trong việc này quên mất một điều : chính là tài năng của người nghệ sĩ sẽ làm cho những danh hiệu, huy chương được trao trở nên cao quý, lấp lánh giá trị chứ không phải là ngược lại. Với Diễm Lộc, bà đã có được diễm phúc lớn nhất trong đời nghệ sĩ là sống mãi trong lòng khán giả.

Ngày 25.9.2015
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 3989423779106816985

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item