Chân dung nghệ sĩ qua cảm nhận của khán giả Bùi Quang Thắng- NSƯT Mạnh Tuấn

 NSƯT MẠNH TUẤN - Nhà hát chèo Việt Nam Sinh năm 1929, Bắc Ninh Chặng đường ban đầu khi Mạnh Tuấn đến với Chèo không thật dễ ...


 NSƯT MẠNH TUẤN - Nhà hát chèo Việt Nam

Sinh năm 1929, Bắc Ninh

Chặng đường ban đầu khi Mạnh Tuấn đến với Chèo không thật dễ dàng. Với ngoại hình không bắt mắt, vóc dáng nhỏ thó, Mạnh Tuấn không được giao những vai kép chính, ông thường phải kiêm cả những công việc hậu đài. Nhưng Mạnh Tuấn sinh ra không phải để cho những vai kép hào hoa. Sân khấu chèo đã dành hẳn một dạng vai riêng vô cùng thú vị cho người nghệ sĩ tài hoa này - Hề chèo. 
Trong năm mô hình nhân vật chèo truyền thống thì Hề là dạng vai đặc biệt nhất. Đặc biệt vì thật khó nói thế nào là chuẩn mực để mà cân đo những nhân vật "lệch chuẩn" từ trang phục, dáng điệu đến lời ăn tiếng nói để giễu mình, giễu đời. Ngoại hình "không chuẩn" của Mạnh Tuấn, ban đầu tưởng là nhược điểm hóa ra lại là ưu điểm khi ông vào những vai hề chèo. Cái thân hình loắt choắt, bộ dạng loi choi, giọng nói lúc trầm đục, lúc chói gắt ... tất cả những đặc điểm ấy lại cất giữ một thứ duyên ngầm lạ kì khiến cho chỉ cần thìn thấy bóng dáng Mạnh Tuấn trên sân khấu thì khán giả đã thấy muốn cười. Bước đầu, Mạnh Tuấn đã tạo dựng chỗ đứng riêng trên sàn diễn với những vai hề như Phởn (Con trâu hai nhà, 1955), Hề gậy (Lưu Bình - Dương Lễ, 1958) ...
Nhưng Mạnh Tuấn không chỉ bằng lòng với những vai hề gây cười dí dỏm. Ông không ngừng học hỏi, lại may mắn được rèn rũa bởi hai cây đại thụ của làng chèo : Vua hề Năm Ngũ và Trạng hề Tư Liên, Mạnh Tuấn đã tiến rất xa để khẳng định tên tuổi mình. Vai Hề gậy trong vở Súy Vân năm 1962 đã đem về cho Mạnh Tuấn chiếc HCV hội diễn sân khấu chuyên nghiệp và thực sự định hình một phong cách hề chèo riêng của Mạnh Tuấn - một tiếng cười sâu sắc. 
Súy Vân là vở cải biên từ vở cũ Kim Nham nên các nhân vật đều mang một diện mạo mới với tính cách sâu sắc và phức tạp hơn những nhân vật một chiều hoặc tốt hoặc xấu của chèo cổ. Hề gậy ở vở này cũng vậy, ngoài lối bông lơn dí dỏm trong lớp Mụ quán - Khoèo, ở lớp diễn cuối cùng với Súy Vân, những trò diễn của Hề gậy lại pha đậm mầu sắc bi. Hơn bất cứ vai hề gậy nào khác, Hề gậy trong lớp diễn này tỏ rõ quan điểm lập trường giai cấp khi vừa đả kích tay công tử nhà giàu bạc tình Trần Phương lại vừa thương cảm cho người phụ nữ xuất thân từ "con nhà cua ốc" Súy Vân. Hề gậy ở đây đích thực là tiếng lòng của lớp người thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến. Mạnh Tuấn đặc biệt thành công ở lớp diễn này, một phần là nhờ cái bộ dạng lam lũ, cái diện mạo khắc khổ hằn sâu những nhọc nhằn của ông. Chính cái ngoại hình ấy đã mặc định anh hề chèo này là hiện thân cho tiếng nói, khát vọng, trí tuệ dân gian và vì thế khán giả dễ đồng cảm hơn. Nhưng ngoại hình chỉ là một phần nhỏ đóng góp vào thành công cho các vai diễn của ông. Có lẽ vì tuổi thơ cơ cực phải đi ở đợ, vì những trải nghiệm của chính bản thân mà diễn xuất của Mạnh Tuấn mới có chiều sâu, có sức lay động đến thế. Làn điệu Hề sư cụ vốn dĩ bông lơn, giễu cợt, giờ đây được cất lên từ cái bộ dạng thiểu não của anh hề nghe đến xót xa, "ơi bác mẹ tôi ơi, sao sinh tôi ra cái miệng tôi đòi ăn ... những khi tôi chán sự đời tôi làm một cút, tôi nghủ một giấc rồi sáng mai tôi mới lại bán cười ..." Hay vai Cả Sứt trong trích đoạn Cả Sứt dạy em, Mạnh Tuấn cũng để lại tiếng cười nhiều trăn trở qua bài hát Hề cu cậu : "lạy Đức Vua bề con gái góa tôi còn nhiều ... có ai lên cho tôi gửi lạy quan Nam Tào." Mạnh Tuấn không chỉ là anh hề đốt nhọ bôi mồm chọc cười khán giả, ông còn lấy được cả tiếng cười ngậm ngùi, xót xa, thậm chí là nước mắt của khán giả - đó là cấp độ cao nhất của cái hài. 
Không chỉ thành công với những vai hề áo ngắn, Mạnh Tuấn còn xuất sắc trong những vai hề áo dài như Thầy bói nói dựa, Phù thủy sợ ma ... Băng cassette các trích đoạn hề chèo do Mạnh Tuấn thể hiện đã trở thành một hiện tượng khi phát hành, bán được hàng chục nghìn bản. Diễn xuất của Mạnh Tuấn được xem như chuẩn mực cho các vai hề chèo : dí dỏm, sâu sắc, phóng khoáng, ngẫu hứng nhưng chưa bao giờ ông pha trò thái quá hay diễn cương, không lạm dụng lối giễu hình, không giễu nhảm, tục tĩu. Mạnh Tuấn trở thành người thầy mẫu mực truyền dạy các vai hề cho nhiều thế hệ học trò. Hai trong số những học trò của ông sau này đã trở thành những hề chèo xuất sắc - đó là Xuân Hinh và Quốc Trượng. Minh Thu, con gái của ông trở thành một trong những nghệ sĩ chèo hàng đầu. Tuấn Kha, con trai ông cũng là diễn viên chuyên diễn các vai hề của nhà hát chèo Việt Nam. 
Mạnh Tuấn được phong tặng danh hiệu NSUT đợt đầu tiên năm 1984 và danh hiệu cao quý NSND năm 1997. Mạnh Tuấn qua đời năm 2003 nhưng với giới chuyên môn và khán giả hâm mộ thì Vua hề chèo Mạnh Tuấn vẫn sống mãi với những vai hề chèo kinh điển.

Ngày 29.9.2015 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Tin Mới 1052624286810628982

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item