Bất ngờ cải lương miền Bắc trên đất phương Nam

Bất ngờ cải lương miền Bắc trên đất phương Nam VOVGT - Cải lương miền Bắc đã cho thấy được sự tự tin của mình khi có những màn biểu diễ...

Bất ngờ cải lương miền Bắc trên đất phương Nam

VOVGT - Cải lương miền Bắc đã cho thấy được sự tự tin của mình khi có những màn biểu diễn đặc sắc, chân thật trên chính quê hương của loại hình sân khấu cải lương truyền thống.

 
Bất cứ ai đến cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đang diễn ra tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đều thấy khá bất ngờ trước cảm nhận của giới khán giả mộ điệu đối với các vở diễn dự thi của những đoàn cải lương đến từ miền Bắc. Trên chính quê hương của loại hình sân khấu cải lương truyền thống, nhiều người dân và giới làm nghề đều có cơ hội hiểu thêm về sức lan tỏa của cải lương và tình yêu của người miền Bắc đối với môn nghệ thuật truyền thống phương Nam.
Những ngày qua, như rất nhiều người dân Bạc Liêu yêu thích cải lương, anh Vưu Long Vỹ - soạn giả, giám đốc Trung tâm văn hóa Bạc Liêu trở thành khán giả thường xuyên của các buổi diễn dự thi. Mặc dù là một người thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu khắp nơi, nhưng đây là lần đầu tiên, anh Vỹ có cơ hội xem nhiều vở diễn của các đoàn cải lương chuyên nghiệp đến từ phía Bắc và cũng không nghĩ rằng: mình có thể vui buồn, sống với nhân vật trong trọn các vở diễn.
Tuy nhiên, anh đã rất xúc động và ngạc nhiên vì sự mới mẻ, sự đầu tư công phu từ ca diễn của các diễn viên miền Bắc. Anh đưa cảm xúc của mình lên mạng, đưa gia đình đến xem và cũng mời gọi khá nhiều bạn bè, học trò cùng đến xem những buổi diễn ấy.
"Có thể nói các đoàn cải lương ở miền Bắc lần này vào đây đều có sự chuẩn bị rất là nghiêm túc. Lúc đầu thì khán giả Bạc Liêu cũng hoài nghi, không biết là có xem vở cải lương Bắc được không?. Nhưng mà khi vừa xem những vở đầu tiên thì nó có một sức cuốn hút. Và những ngày sau đó, khán phòng chật ních không còn một ghế". Anh Vưu Long Vỹ - soạn giả, giám đốc Trung tâm văn hóa Bạc Liêu nói.
Điểm qua các vở thi diễn của những đoàn cải lương phía Bắc như: vở “Mai Hắc Đế”của Nhà hát Cải lương Việt Nam thi vào đêm 8/11 được người xem đánh giá là đầu tư công phu, đặc biệt tạo ấn tưởng ở việc sử dụng kỹ thuật hiện đại khiến sân khấu lung linh, hoành tráng và thổi sức sống mới vào thể loại cải lương cổ trang. Nội dung vở diễn tái hiện hình ảnh nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan với những truyền thuyết tạo thành lớp diễn ấn tượng để khắc họa tính cánh nhân vật, làm nổi lên tư chất của một vị anh hùng một thời đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường mang đến 10 năm độc lập cho người Giao Chỉ xưa. Vở diễn của tác giả PGS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên được xây dựng công phu đầu tư cao về kinh phí, đạo cụ, e-kip diễn viên đông và chăm chút về nghệ thuật ca diễn.
Cảnh trong vở cải lương "Những người con Thạch Thành thuở ấy" của đoàn Thanh Hóa
Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: "Mai Hắc đế có thể nói là vở được đầu tư kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay của Nhà hát cải lương Việt Nam. Với một tư duy cố gắng xây dựng một tiết mục sân khấu đề tài lịch sử nhưng lại mang đầy hơi thở của cuộc sống hôm nay, mang những thông điệp hữu ích cho cuộc sống, trong đó có việc kêu gọi đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền của dân tộc. Vở diễn đã được Ban lãnh đạo Nhà hát đầu tư cũng có những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, xã hội. Nó có điều kiện để áp dụng những phương tiện trang thiết bị hiện đại như màn hình lefd, khói lạnh và một dàn diễn viên rất hùng hậu…góp phần làm cho tác phẩm có một hơi thở mới, thực sự thu hút được khán giả. Nhà hát Cao Văn Lầu thì sân khấu không được lớn, trong khi vở diễn được thiết kế cho một sân khấu rất lớn, thành ra chúng tôi phải thực hiện lại một phần trang trí, quan trọng nhất là hệ bục của vở, phải thu nhỏ lại, cũng phải đặt trong miền Nam sau đó lại vào trong Nam tập để phối hợp với bục đó, phối hợp với ngừơi trong đó….thành ra cái vở đi hội diễn lần này rất là vất vả. Anh em đều nói rằng: buổi diễn ở tại hội diễn là một trong những buổi diễn tốt nhất trong số các buổi diễn của Mai Hắc đế đã từng phục vụ khán giả".
Ngòai vở “Mai Hắc đế”, vở “Vua Thánh triều Lê” do NSƯT Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn của Nhà hát cải lương Việt Nam cũng được đánh giá cao. Các đoàn đến từ miền Bắc khác với nhiều vở dự thi được coi là ca diễn khá xuất sắc, đặc biệt gần gũi với đời thường hơn quan điểm dàn dựng cải lương ở khu vực phía Nam lâu nay. Cụ thể như vở “Những người con Thạch Thành thuở ấy” của đoàn cải lương Thanh Hóa hay vở “Đường đua trong bóng tối” của đoàn cải lương Thái Bình và vở “Yêu là thoát tội” của Nhà hát cải lương Hà Nội... Không khó để thấy những chia sẻ về sự bất ngờ đối với cải lương miền Bắc đi dự thi lần này trên các trang mạng xã hội. Cụ thể như: “Hát hay, diễn tốt, đầu tư từ trang phục, vũ đạo và cả kỹ thuật, kỹ xảo hiện đại, lần đầu tôi được coi một vở cải lương mà không thấy… sến”...
Một kế hoạch được coi là điểm nhấn của cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp lần này là việc tổ chức đưa các đoàn cải lương đến từ phía Bắc đi lưu diễn phục vụ bà con ở 5 huyện của Bạc Liêu là: Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải, Vĩnh Lợi và Phước Long. Tối 12/11, đoàn cải lương Hải Phòng đưa vở “Đen – đỏ mặt người” về diễn ở huyện vùng sâu Hồng Dân. Đêm diễn và giao lưu để lại nhiều ấn tượng đẹp cho cả người dân và các nghệ sĩ đất Bắc.
NSƯT Nguyễn Đăng Toàn – Trưởng đoàn cải lương Hải Phòng cho biết: "Ấn tượng đầu tiên đến với quê hương Bạc Liêu đó là sự chu đáo, sự ân càn, chuẩn bị hết sức cẩn thận và lãnh đạo, nhân dân tỉnh Bạc Liêu hết sức mến khách. Khán giả Bạc Liêu cũng đón nhận các đoàn cải lương phía Bắc nhiệt tình và nồng hậu để lại một ấn tượng hết sức tốt đẹp. Đêm biểu diễn ở huyện Hồng Dân phải nói là sự chuẩn bị chu đáo của Sở VHTTDL và lãnh đạo huyện Hồng Dân cũng như Trung tâm văn hóa: từ băng rôn, khẩu hiệu… rất trân trọng. Buổi tối, chưa đến 19 giờ, khán giả đã đến rất nghiêm túc, nhất là khán giả trẻ để đón xem chương trình biểu diễn của đoàn. Có những người chưa được xem cải lương Bắc bao giờ, họ thắc mắc không biết là hát cải lương thế nào. Nhưng mà mình cảm nhận là để lại một ấn tượng rất tốt đẹp, cũng đón nhận được nhiều tàng vỗ tay, khen ngợi".
Vẫn biết, sân khấu cải lương với sức hấp dẫn của nó thu hút sự quan tâm của rất đông người yêu nghệ thuật ở tất cả các vùng miền, nhưng lâu nay, người miền Nam thường cho rằng phía Bắc chỉ ảnh hưởng trên lĩnh vực thưởng thức như yêu thích món đặc sản mà mình không có. Tuy nhiên, tình yêu đó đủ sức biến thành niềm đam mê để hình thành một lực lượng diễn viên, đạo diễn, tác giả, tập thể xây dựng được những vở diễn chất lượng thì thật sự là bất ngờ đối với người mộ điệu phương Nam. Theo đó, cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm nay đã thổi một lên luồng gió mới về cách nhìn nhận, về hướng dàn dựng mới hơn, gần hơn với nhịp sống đương đại để sân khấu cả nước có những bước phát triển phù hợp trong thời gian tới.
LỆ HOA - PV VOV THƯỜNG TRÚ TẠI ĐBSCL

Bài Liên Quan

Tin Mới 5852955800596674984

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item