NSƯT THANH NGOAN - Nhà hát chèo Việt Nam

NSƯT THANH NGOAN - Nhà hát chèo Việt Nam Bùi Quang Thắng Sinh năm 1966, Thái Bình (Hôm nọ thật vui vì được NS Thanh Ngoan đồng ...

NSƯT THANH NGOAN - Nhà hát chèo Việt Nam

Bùi Quang Thắng

Sinh năm 1966, Thái Bình

(Hôm nọ thật vui vì được NS Thanh Ngoan đồng ý cho sử dụng những bức ảnh của NHC khi in sách. Rất yêu những nghệ sỹ như chị, tài danh nhưng thật gần gũi khi tiếp xúc.)
Có duyên với chèo từ rất sớm, năm 1979, mới 13 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Bích Ngoan đã lọt vào mắt xanh của lãnh đạo nhà hát chèo Việt Nam. Theo lời nghệ sĩ Chu Văn Thức thì năm đó, quyết không bỏ sót nhân tài, lãnh đạo nhà hát đã phải về tận quê nhà Thanh Ngoan để thuyết phục bằng được bố mẹ của chị đồng ý gửi gắm cô con gái còn đang tuổi ăn, tuổi chơi này ra Hà Nội. Một kỷ niệm mà giờ đây, sau 36 năm vẫn hay được chị nhắc lại là cái cách lên xe khách có một không hai ngày xa nhà : cô bé Bích Ngoan được bố bế đưa lọt qua ô cửa sổ xe. Chắn hẳn ông cụ không ngờ rằng bằng cách đưa con ra với đời độc đáo ấy ông cũng vừa mở ra con đường nghệ thuật cho cô Đào lệch cá tính nhất, sắc sảo nhất và ấn tượng nhất trên sân khấu chèo. 
Ấn tượng đầu tiên về chị là "thanh". Cũng nhờ giọng hát mà chị được mang nghệ danh Thanh Ngoan. Thanh Ngoan sở hữu chất giọng khỏe, đanh, kiểu "ăn sóng nói gió" của cư dân vùng biển. Đó là giọng hát rất cá tính với âm sắc lạ. Trong nghệ thuật hát chèo, nơi những giọng kim mùi trữ tình thường có ưu thế thì Thanh Ngoan là giọng hát cá tính hiếm hoi được đánh giá cao. Năm 1981, tại Hội thi giọng hát chèo hay toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Thái Bình, thí sinh nhỏ tuổi nhất, cô học trò mới 15 tuổi Thanh Ngoan đã gây bất ngờ lớn khi đoạt giải A bên cạnh những nghệ sĩ đàn cô, đàn chị như Kim Liên, Xuân Theo, Thanh Bình, Thanh Hoài ... mà lại đoạt giải với điệu hát "không phải ai ở trong nghề cũng hát nổi" (lời nhận xét của nhạc sĩ Trần Vinh). Đó là bài Phú nảy (Dạ nam phong) - điệu hát với giai điệu trúc trắc và đòi hỏi phải thể hiện được tính cách của "quỷ". Điệu hát này Thanh Ngoan đã được nghệ nhân Năm Ngũ truyền dạy. Sau khi chị thể hiện phần thi của mình, buổi tối hôm đó rất đông bạn nghề, khán giả đã kéo tới căn phòng nơi Thanh Ngoan nghỉ chỉ để xem mặt "con bé có giọng hát khủng". Thanh Ngoan cũng là một trong số hiếm nghệ sĩ đoạt giải A ở cả hai lần Hội thi giọng hát chèo được tổ chức - lần thứ hai là năm 1992. Chị đoạt giải tại Hội thi lần thứ hai với điệu Tiểu gấm hoa chanh. Thanh Ngoan đã ra các Album hát chèo cá nhân : CD Năm cung Chèo vol.1 (năm 2000) và vol.2 (năm 2006). 
Thanh Ngoan rất thành công khi vận dụng giọng kim vắt đặc sắc của mình vào các vai nữ lệch. Nếu đã xem vở Quan Âm Thị Kính của nhà hát chèo Việt Nam được ghi hình năm 1999, hẳn không ai không ấn tượng với lối ra vai của Sùng Bà. Khi nghe tiếng con trai (Thiện Sĩ) hoảng hốt kêu làng kêu nước giữa đêm khuya, thì Sùng Bà, ngay khi còn bị che khuất bởi tấm phông hậu, đã cất giọng lanh lảnh, sắc lịm như một nhát chém : "làm sao, làm sao thế hả?" . Và khán giả cũng nhận ngay ra cái giọng đanh đá ấy không thể là của ai khác ngoài Thanh Ngoan. Thanh Ngoan có thể lột tả toàn bộ sự ghê gớm, đanh đá của các vai mụ ác chỉ bằng một câu nói, câu hát. Hình tượng một Sùng Bà nanh nọc đã được bộc lộ rõ ràng cả trước khi mụ thực sự xuất hiện. Một ví dụ khác là trong vở Hồ Xuân Hương. Không ai có thể tưởng tượng được câu hát ả đào nổi tiếng trữ tình, thanh tao "hồng hồng, tuyết tuyết ..." lại có thể là công cụ hữu hiệu để thể hiện cái ác. Vậy mà qua cách xử lí tài tình của Thanh Ngoan, câu hát ấy lại phô bày toàn bộ sự ghê gớm của Mụ quán Hồng Châu : "kìa nhạc đâu? Trống vào khổ ba đi kìa! ... Tom tom chát, chát tom tom tom!". Chắc không ai dám diễn lại câu hát này theo cách ấy. Đó cũng là sự sáng tạo độc đáo của ê-kíp dựng vở khi lần đầu tiên đưa ca trù vào một vở chèo. Một mụ ác nữa cũng được Thanh Ngoan thể hiện rất thành công là Mụ Kim trong vở Súy Vân. Khác với hai mụ ác trên, Mụ Kim lại là nhân vật "khẩu Phật tâm xà". Cái ác ở Mụ Kim không lộ liễu mà lẩn vào trong, khéo che đậy trong cái vỏ mộ đạo với bàn tay không dừng lần tràng hạt. Với Mụ Kim, Thanh Ngoan đã có lối diễn sáng tạo với việc vận dụng các cơ mặt. Gương mặt lạnh băng, đôi mắt lúc thì giả bộ như lim dim, lúc lại chợt đảo nhanh một ánh nhìn sắc lạnh. Đôi môi thâm quyện mầu trầu, thỉnh thoảng lại nhếch mép khinh bỉ, lúc lại mím chặt để kìm nén. Đôi lúc, hai bên mép run lên từng hồi như cơn giận dữ đang chờ trực bùng lên, giọng nói như rít ngược vào trong qua kẽ răng. Đến khi cái vỏ đạo đức giả mỏng manh không còm đủ sức kìm được cơn giận dữ nữa thì bản chất thật của Mụ Kim mới bùng lên với ánh mắt long sòng sọc : "mau mau cút khỏi nhà này, con nghiệt phụ kia!". 
Một vai diễn xuất sắc nữa của Thanh Ngoan là Đào Huế. Phải "vào tay" Thanh Ngoan thì cái ghen của Đào Huế mới "tới" được : dữ dội, nghiệt ngã mà không kém day dứt, xót phận. Chưa thấy ai Vỉa Huế với câu hát vống lên đay nghiến, chì chiết như chị : "ơi ới yêng ơi! ...ơi ới con tê ơi!" - ; những cái đảo mắt đầy đe dọa đi cùng lời thoại "đất lơ thì trời lửng mà đất lửng thì trời lơ", ánh mắt và những cái nhếch mép khinh thường và lúc ra đòn thì dứt khoát, quyết liệt. Cái ghen của Đào Huế - Thanh Ngoan lúc thì bùng lên dữ dội, hừng hực như ngọn núi lửa với điệu Sắp đuổi hối hả, lúc lại kiềm chế, ngột ngạt, bức bối. Lạnh lùng, đầy bản lĩnh, Đào Huế - Thanh Ngoan hoàn toàn làm chủ và điều khiển "trận chiến". Hình ảnh bà vợ cả ghê gớm ấy càng làm cho hình ảnh ông chồng háo sắc nhưng yếu thế thêm nực cười. Sự đối lập ấy chính là thủ pháp gây cười đặc sắc của lớp trò. Xem nhiều Đào Huế khác thấy cái ghê gớm của bà vợ chưa đủ "độ" tung hứng để khiến hình ảnh ông chồng Tuần Ty trở nên thảm hại, nực cười. Motif hài "sợ vợ" này cũng có ở cặp Sùng Ông - Sùng Bà hay vợ chồng Quan huyện (Nghêu sò ốc hến). Thanh Ngoan còn đóng Hoạn Thư khi nhà hát chèo dựng vở Kiều (1990), Mụ Cám ... thật tiếc là tôi chưa có cơ duyên được xem hai vai này. 
Bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn được thể hiện ở chỗ : khi thể hiện các vai diễn mẫu mực, họ không phải là bản sao chỉ dập khuôn, mô phỏng lại các thế hệ trước mà luôn có những dấu ấn riêng khả dĩ đứng được trong một tổng thể hài hòa với những gì đã được xem là "khuôn vàng thước ngọc". Phương pháp "mô hình nhân vật" của nghệ thuật chèo không phải là "mô hình chết" để cho nghệ sĩ lặp lại nguyên si. Nó chỉ trói buộc những người không có khả năng sáng tạo hoặc làm khó những sáng tạo không đủ tầm. Đấy cũng là cái thú khi xem Chèo : vẫn là cái "khuôn" của vai diễn cũ; vẫn là những làn điệu, câu hát, lời ca cũ nhưng với mỗi diễn viên lại là một "phiên bản" khác. Và chỉ có những "phiên bản" độc đáo, ấn tượng mới sống được trong lòng khán giả. Với thế nghệ nghệ sĩ này, đó là những Cu Sứt của Xuân Hinh, Thiện Sỹ, Kim Nham của Khắc Tư, Trần Phương của Phúc Lợi, Súy Vân, Thị Kính của Thúy Ngần và tất nhiên Sùng Bà, Mụ Kim ... và Đào Huế của Thanh Ngoan. 
Ngoài hai chiếc HCV cho giọng hát, Thanh Ngoan còn đoạt HCV tại các kì Hội diễn, Liên hoan sân khấu toàn quốc các năm 1988, 1990, 1995, HCV Liên hoan các trích đoạn chèo cổ năm 1993. Hiện nay, Thanh Ngoan là đạo diễn, Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam.

Ngày 03.11.2015 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Tin Mới 1246690227514600698

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item