Ai “tiếp tay” cho sự mù quáng?
Ai “tiếp tay” cho sự mù quáng? (Thời Nay 638, T5 25-2-2016) Nguyễn Quang Hưng Hội xuân năm nay, lễ phát ấn, người tranh nhau lộc trên ban th...
http://www.maivanlang.com/2016/02/ai-tiep-tay-cho-su-mu-quang_26.html
Ai “tiếp tay” cho sự mù quáng?
(Thời Nay 638, T5 25-2-2016)
Nguyễn Quang Hưng
Hội xuân năm nay, lễ phát ấn, người tranh nhau lộc trên ban thờ dẫn đến chen lấn, xô đẩy; lễ cướp quả phết, thanh niên giành giật đến mức ẩu đả, có người bị thương, có người kiệt sức và ngất… Lùi thời gian lại một chút, đã có những đêm “lèn người” xin ấn, đã có lễ rước kiệu thánh, thanh niên tranh giành hoa tre đến nỗi dùng gậy xô xát…
Không chỉ những sự vụ mang màu sắc bạo lực nổi cộm như thế, nhìn rộng hơn, lễ hội những năm gần đây là chỗ để nhiều người tranh thủ… kiếm tiền đến bất chấp cả luật lệ. Dù đã có các quy định của pháp luật, người ta vẫn lấn chiếm vỉa hè và các không gian công cộng khác để bán hàng và tổ chức các dịch vụ vui chơi có thưởng, vẫn bán đổi tiền lẻ, vẫn bày thịt sống ngang nhiên, vẫn... và vẫn…
Lễ hội trở thành nơi xảy ra những cuộc hỗn loạn, trở thành chỗ để bộc lộ những cái tham lam, ích kỷ và ham hố, là chỗ để người ta cầu xin đủ thứ chứ mấy khi có thể cho đi? Liệu có gì khác với nhận định của các chuyên gia trong sách vở, tài liệu: Lễ hội là không gian thiêng liêng, nơi con người ta sống trong những cảm hứng đẹp, bằng thái độ cung kính, nghiêm cẩn, biết ơn các đấng bậc siêu nhiên và các danh nhân, thể hiện những hành vi đẹp, khoan hòa, cởi mở, trân trọng lẫn nhau…?
Lễ hội đã và đang biến đổi rất nhiều. Bên cạnh những tiếp nối cổ truyền đẹp đẽ từ nhiều đời đã qua chắt lọc, đúc kết, đã xuất hiện và hoành hành nhiều những “hủ tục” mới, hoặc những gì là bảo thủ, trì trệ từ rơi rớt cũ tiếp tục “sống dậy”. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phê phán, cảnh báo những thực trạng, nguy cơ nhìn thấy từ không ít người trong lễ hội hôm nay, là sự mù quáng, ảo tưởng tiêu cực, là những góc cá nhân “phình to” lấn lướt cả ý thức cộng đồng. Ai đã tiếp tay cho những “cơn mê” của không ít người khi đến với lễ hội, không phải bằng sự thánh thiện mà bằng những cơn mê tín dị đoan?
Câu hỏi liệu có khó trả lời đối với các ban tổ chức, duy trì lễ hội, với các bộ phận quản lý, với cả những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân cư sở tại nơi diễn ra lễ hội? Liệu có thể giải thích rằng, để diễn ra những “cơn say” ấy, là tại khách thập phương, khách du lịch đổ về các lễ hội thật đông đảo nhưng thiếu ý thức, kém văn minh? Hay niềm tự hào đến mức tự hãnh, việc tuyên truyền thái quá để quảng bá rầm rộ về lễ hội địa phương, sao cho đông người biết đến và tìm đến cũng là những xúc tác không nhỏ? Cũng như việc cố gắng căng ra, bung ra để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của lượng khách khổng lồ, để tranh thủ cơ hội tăng thu nhập bằng nhiều cách, liệu có vô can? Cần những lý giải tiếp tục của giới chuyên môn và cả sự “biết dừng, biết đủ” của những người trong cuộc.