Lão say trên sân khấu chèo
nghệ nhân Kép Tích vai lão say NHỮNG BƯỚC CHÂN SAY Bùi Quang Thắng Những nhân vật Lão trong chèo cổ không ít thì nhiều đều có dáng...
http://www.maivanlang.com/2016/02/lao-say-tren-san-khau-cheo.html
![]() |
nghệ nhân Kép Tích vai lão say |
NHỮNG BƯỚC CHÂN SAY
Bùi Quang Thắng
Những nhân vật Lão trong chèo cổ không ít thì nhiều đều có dáng dấp của một Lão say. Ít thì tay cầm bầu rượu cất tiếng cười sảng khoái. Nhiều thì ngất ngưởng hát câu Bình tửu, Bình điếu ngự. Những nhân vật như Mãng Ông, Trinh Ông, Huyện Tể, Lão Mốc là những ví dụ điển hình. Có hai nhân vật cũng được xếp vào dạng Lão say nhưng có sự khác biệt khá rõ rệt đó là Sùng Ông và Phú Ông (QATK). Đây là những ví dụ thú vị và sinh động cho phương pháp biến dạng mô hình nhân vật của chèo. Để hiểu rõ thêm về hai Lão say đặc biệt này, hãy xem hai nghệ sĩ đã thể hiện rất thành công là NSUT Ngọc Minh (Sùng Ông) và NSUT Phú Kiên (Phú Ông)
Sùng Ông mang bộ mặt đờ đẫn vì ngái ngủ và vì say. Những bước chân say như díu vào nhau, "chân nam đá chân chiêu". Dáng điệu Sùng Ông lúc nào cũng xiêu vẹo, chung chiêng, chỉ chực khụy xuống. Lúc thì phải dựa vào vợ, đến khi không đứng nổi nữa thì lảo đảo rồi ngã ngồi xuống chõng tre (chỉ thấy có nghệ sĩ Ngọc Minh mới diễn tả được động tác ngã này chứ không đơn giản là ngồi xuống). Cái say của Sùng Ông có sự bải hoải, rệu rã, không còn sinh lực. Sùng Ông là trụ cột gia đình nhưng không hơn gì một hình nộm bù nhìn. Những nghi hoặc của con trai, những oan trái của con dâu và sự lộng hành cay nghiệt của mụ vợ diễn ra ngay trước mắt nhưng Sùng Ông vẫn nửa tỉnh nửa mê : "thế đầu đuôi câu chuyện bây giờ nó ra thế nào hả bà?".
Lão say Phú Ông cũng say khướt, khật khừ nhưng vẫn mang sắc thái rất riêng. Khác với bộ mặt đờ đẫn, nửa tỉnh nửa mê của Sùng Ông, Phú Ông ra vai với bộ mặt phừng phừng, đỏ gay đỏ gắt. Cái miệng thỉnh thoảng vẫn nhai nhóp nhép vì vừa bước ra từ cuộc đánh chén phè phỡn. Điệu bộ của Phú Ông không rệu rã mà hùng hổ, ngạo ngược : "bố mày sợ thằng nào ở cái làng này?". Suốt lớp trò thử chiêng thử trống, lão say Phú Ông lúc nào cũng nghiêng ngửa như sắp đổ kềnh. Thân hình của lão hết ngả sang bên lại chực đổ về phía trước, phía sau nhưng lạ kì là cái dáng khật khưỡng ấy cứ khi sắp đổ kềnh ra thì luôn bật trở lại trên đôi chân xoải rộng chắc nịch. Theo phân tích của nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ thì cái say của Phú Ông là cái say của một kẻ trọc phú "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" hiện thân cho một tầng lớp trung lưu đang vươn lên thành một thế lực mới trong xã hội phong kiến. Còn cái say của Sùng Ông đại diện cho tầng lớp quan lại phong kiến đã bước vào giai đoạn mục ruỗng, suy vi.
Diễn xuất của Ngọc Minh và Phú Kiên thuần thục, nhuần nhuyễn như thể một gã say rượu thật sự nào đó vừa lạc bước lên sàn diễn - "giả mà như thực". Giá như có thể kết hợp được cái bộ dạng và những bước chân say tài tình của Phú Kiên với cái giọng nhừa nhựa rất tự nhiên và cái duyên hài bẩm sinh của Trần Hải thì sẽ có một vai diễn đỉnh cao khó ai sánh được. Yếu tố hài rất quan trọng đối với Lão say. Chả thế mà cụ Hà Văn Cầu đã xếp Lão say vào dạng mô hình "Hề tính cách" cùng với Lý trưởng, Mẹ Đốp và các vai hề áo dài. Xem các bản QATK khác nhau mới thấy rằng có một khoảng cách rất lớn trong trình độ biểu diễn của diễn viên khi vào hai vai Lão say đặc biệt này. Có khi diễn viên mới chạm tới cái khí chất của kẻ say chứ chưa lột tả được cái thần, cái ý, cái thông điệp mà nghệ thuật chèo gửi gắm qua từng hình tượng nhân vật.